Tuyển tập thơ Tao Đàn Chiêu Anh Các

Giới thiệu

Tao đàn Chiêu Anh Các, gọi tắt là Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tứ (1706-1780, Tổng trấn Hà Tiên từ năm 1735) làm Tao đàn nguyên soái. Chiêu Anh Các chính thức ra đời vào năm 1736 ở Hà Tiên (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), Việt Nam.

Chiêu Anh Các là nơi thờ Khổng Tử và như tên gọi, là nơi chiêu tập các bậc hiền tài và giúp đỡ (nhà Nghĩa học) cho những thiếu niên ưu tú theo đuổi nghiệp văn, nghiệp võ.

Các ghi chép về Tao đàn Chiêu Anh Các

Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn viết rằng Chiêu Anh các có 32 vị, ngoài Mạc Thiên Tứ chủ xướng nên Hà Tiên thập vịnh, còn có:

  • 25 nhà thơ người Hoa (Trung Quốc) là: Chu Phác, Ngô Chi Hãn, Lý Nhân Trường, Đơn Bỉnh Ngự, Vương Sưởng, Phương Minh, Lộ Phùng Cát, Từ Hiệp Phỉ, Lâm Duy Tắc, Từ Huyễn, Lâm Kỳ Nhiên, Trần Duy Đức, Từ Đăng Cơ, Thang Ngọc Sùng, Trần Tự Phát, Hoàng Kỳ Trân, Chu Cảnh Dương, Trần Thụy Phượng, Trần Tự Lan, Trần Dược Uyên, Trần Minh Hạ, Trần Diễn Tứ, Tôn Thiên Trân, Tôn Thiên Thụy, Tôn Quý Mậu,
  • 6 vị người Việt (Việt Nam) là: Trịnh Liên Sơn, Phan Thiên Quảng, Nguyễn Nghi, Trần Trinh, Đặng Minh Bản và Mạc Triều Đán.

31 vị sau viết 120 bài thơ họa lại Hà Tiên thập vịnh

Theo thi sĩ Đông Hồ, người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với Hà Tiên đã cho biết:

“Đời Hồng Đức có lập tao đàn là một tổ chức văn học rất hoàn bị. Cách tổ chức Chiêu Anh Các cũng gần y như vậy. Nhân vật tao đàn Hồng Đức có Nhị thập bát tú, Chiêu Anh các có số người nhiều hơn. Có sách chép 32, nhưng có sách chép 36. Số 36 vị này gọi là tam thập lục kiệt, tức 36 vị kiệt sĩ, mà trong số đó có thập bát anh là 18 vị anh hoa xuất chúng, nên có câu thơ rằng:

Tài hoa lâm lập trú Phương thành

Nam Bắc hàm vân thập bát anh.

Dịch nghĩa:

Tài hoa ở Phương thành (Hà Tiên) đông như rừng

Việt Nam và Trung Quốc đều xưng tụng 18 vị anh tài.

Trong số đông đảo đó, có người ở tại Hà Tiên; có người từ Thuận Quảng (tức Thuận Hóa và Quảng Nam), Gia Định; có những người ở tận Trung Hoa, phần nhiều là người hai tỉnh Quảng Đông, Phước Kiến. Tất cả họ vì hâm mộ thanh danh Chiêu Anh Các, cảm mến phong lưu tài vận đất Hà Tiên mà tìm đến”.

Tác phẩm

Hiện chỉ mới biết được:

  • Hà Tiên thập vịnh: Đây là tập thơ đầu tiên được Tao đàn này cho khắc bản in tại Hà Tiên năm 1737, do chính chủ soái Tao đàn là Mạc Thiên Tứ xướng thơ & đề tựa. Trần Trí Khải & Dư Tích Thuần viết lời bạt. Tác phẩm có cả thảy 320 bài thơ chữ Hán của 32 tác giả, vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên. Năm 1755, Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) vào Nam giao thiệp với họ Mạc, đã họa thêm 10 bài nữa, nhưng vì làm sau nên không có trong tập.
  • Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh: gồm 10 bài đoạn thơ chữ Nôm vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên do Mạc Thiên Tứ sáng tác. Tập thơ dài 422 câu liên ngâm vừa lục bát gián thất vừa Đường luật bát cú, liên hành. Chính tác phẩm này đã gợi ý cho Nguyễn Cư Trinh sáng tác “Quảng Ngãi thập nhị cảnh”.
  • Thụ Đức Hiên tứ cảnh (hay Tứ cảnh hồi văn Thụ Đức Hiên): theo Lê Quý Đôn thì có 88 bài thơ của 32 tác giả, họa 4 bài thơ hồi văn vịnh phong cảnh bốn mùa của Hà Tiên do Mạc Thiên Tích sáng tác. Sách đã được khắc in, trong khoảng thời gian với Hà Tiên thập vịnh, hiện đã thất lạc chỉ còn 9 bài in trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn.
  • Minh bột di ngư: gồm bài phú “Lư Khê nhàn điếu” hơn trăm câu và 32 bài thơ luật Đường bằng chữ Hán. Tập thơ được Trịnh Hoài Đức phát hiện, rồi cho khắc in. Đây là tập thi họa rất quý, chẳng những về phương diện sử liệu, văn học, còn quý về mỹ thuật, về bút tích của các danh bút trong nhóm Chiêu Anh Các.

Ngoài ra, theo Trịnh Hoài Đức, trong bài Tân tự được viết năm Minh Mạng thứ hai (1821) in trong tập Minh bột di ngư, thì Chiêu Anh Các còn có các bộ sách: Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu Thị Trinh liệt tặng ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ và Thi thảo cách ngôn vị tập.

Thụ Đức Hiên

Theo Mạc thị gia phả, thì năm 1736, Mạc Thiên Tích “dựng gác Chiêu Anh để thờ Tiên thánh (thờ Khổng Tử) và làm nơi đón tiếp hiền tài. Cuối bài tựa đề cho tập Hà Tiên thập vịnh, Mạc Thiên Tứ cho biết “Thượng tuần của tháng cuối mùa hạ, năm Đinh Tỵ (1737)” ông đã “tự tay viết bài tựa ở Thụ Đức Hiên” (thư phòng ở đền thờ Thánh Đức, tức Khổng Tử).

Dù vẫn còn có người tỏ ý nghi ngờ, có hay không ngôi nhà riêng dành cho Chiêu Anh Các. Nhưng theo nghiên cứu của Trương Minh Đạt (người Hà Tiên), nhờ 9 bài thơ trong tập Thụ Đức Hên tứ cảnh còn sót lại (chép trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, nhất là bài thơ của ông Trần Diệu Liên, người Trung Quốc, đã mô tả khá rõ vị trí của tòa nhà). Nhờ những phế tích vẫn còn ở chùa Phù Dung, ông Đạt đã khẳng định vị trí “Thụ Đức Hiên tại Đền Khổng Tử xưa, trải qua bao biến cố, nay chính là nơi tọa lạc của chùa Phù Dung”.

Nguồn: Sưu tầm từ nhiều nguồn sách và tài liệu điện tử

Tác giả và Tác phẩm

Viết một bình luận

error: Content is protected !!