Sửa mũ mấn – Phụng Hoàng San

Có hai anh học trò, một tên Dương Thăng, một tên Lý Diệp, rủ nhau đi thi. Trên đườbg thiên lý, Lý Diệp cỡi ngựa chạy sau, thấy đuôi ngựa Dương Thăng gió thổi phất phơ đẹp lắm, bèn nói với tới rằng:

– Để tôi ra cho anh một câu đối, anh đối chơi đỡ buồn.

– Chú ra đi, tôi đối cho.

Lý Diệp ra câu đối như vầy: Phong xuy mã vĩ, thiên điều tuyến. (Gió đưa đuôi ngựa, ngàn lông mướt).

Dương Thăng ngó quanh quất, bỗng thấy có bầy trâu đương ăn cỏ dưới bầu trời mưa lún phún, liền ngụ ý đối lại rằng: Võ sái ngưu đầu, vạn điểm sương. (Mưa rưới đầu trâu, muôn điểm sương).

Làm được hai câu như vầy, cả hai đều mừng, vừa ý nhau lắm, chắc phen này làm gì cũng đậu. Chạy được một đỗi xa, vừa tới một ngôi miếu cũ, bỗng thấy có một ông già tóc râu bạc phô, có vẻ tiên phong đạo cốt, đón đầu ngựa tay cầm quạt lông, thi lễ mà rằng:

– Xin hai thầy dừng ngựa lại, già muốn nói một đôi điều.

Hai người lật đật xuống ngựa. Ông ấy nói rằng:

– Hài thầy quả bực cao tài, chuyến nầy đi thi ắt đậu cao. Khi nãy tôi nghe và lấy làm thích thú, một thầy ra cũng hay mà thầy đối lại cũng xứng. Mà phải chi hai thầy cho phép tôi sửa lại đôi chữ thì là hay vô cùng. Vì theo tôi hiểu, làm sao hai thầy dám chắc đuôi ngựa đếm một ngàn sợi lông, còn hột mưa đủ muôn hột?

Hai anh học trò kinh hãi, vái dài mà rằng:

– Xin ông dạy giùm chúng tôi.

Ông gì nói:

– Theo ý già, thì như vầy: Câu ra: Phong xuy mã vĩ điều điều tuyến. (Gió đưa đuôi ngựa lông lông mướt). Còn câu đối lại thì: Võ sái ngưu đầu điểm điểm sương. (Mưa rưới đầu trâu điểm điểm sương).

Hai người nghe rồi càng thêm kinh sợ, chắp tay hỏi:

– Chẳng hay ông là người gì và ở đâu?

Ông ấy rằng:

– Nói thiệt, tôi là ông thần ở tại cái miếu nầy.

Hai người nghe rồi liền lạy mà rằng:

– Xin ông dạy thêm, giúp hai anh em chúng tôi chuyến nầy đi thi cho đậu.

Ông thần lấy tay khoát mà rằng:

– Tôi nói không lẽ hai thầy lại cười, chớ thuở nay, tôi làm ra thì không đặng, song có một điều ai làm sẵn tôi đút tay vô sửa mũ mấn thì hay lắm!


Vương Hồng Sển:

Mũ mấn là khăn xếp khăn chế, xưa xếp lại một vành để đội chịu tang, và có lệ mình đội cho mình ít được ngay ngắn, vì xưa không mấy có kiếng soi, nên thường đội rồi thì nhờ người khác sửa lại cho khỏi lệch.

Ở đây, tác giả vô tài, chỉ ra công chép lại chuyện cũ trong sách xưa, có thêm nhưn thêm nhị một vài chỗ. Nay mượn làm bài tựa vừa để răn mình, cũng như kiếu lỗi trước.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!