04 – Vua tôi gặp nhau

Miền biển Hà Tiên, tháng ba chính là mùa bão, trên biển ít ngày không có giông tố.

Chiếc thuyền chài vừa đưa Duyệt và Khiêm ra khỏi cửa biển lối ba, bốn dặm, thì một đám mây đen ở đâu kéo đế phủ kín mặt biển, rồi một luồng bão tự miệt Đông Nam thổi lại đùng đùng.

Trên biển, ngọn sóng cộn lên cao như những lớp núi dài, bọt nước tung trên mặt biển trắng xóa.

Tiếp luôn một trận mưa rào, sấm sét đoành đoành đuổi nhau trên không, những luồng chớp lòe sáng ở ven biển, cuồn cuộn như đàn rắn vàng.

Sức chèo lái không thể chống lại với sức mạnh ghê gớm của thần gió, thuyền của Duyệt và Khiêm theo sóng bạt mãi vào phía bờ biển.

Những con cá chuồn đụng phải mái chèo, bay lên phơi phới như đàn bướm trắng ở tổ mới ra.

Duyệt và khiêm cùng hai người lái đò ai nấy quần áo lướt thướt. May được tay lái khá giỏi, mấy lần thuyền đã hầu đắm lại không đắm.

Ròng rã hai ngày hai đêm, cơn bão mới tan.

Duyệt và khiêm lại giục lái đò nhổ neo chèo đi. Lần này may mắn, một đêm và một ngày thuyền đến bến Dương.

Quang cảnh trên đảo y nguyên như cũ; cây vẫn xanh, đá vẫn trắng, ngọn đáo vẫn chót vót trên lưng trời. Nhưng mà đường đi lối lại năm xưa, ngày nay cỏ mọc gần kín. Duyệt và khiêm đi thẳng vào trong xóm cũ. Nhà cửa vắng tanh, thổ nhân nói rằng: Cung quyến đều sang hòn Thổ Chân. Duyệt và Khiêm lại cùng thuê thuyền qua đó. Quả nhiên Vương mẫu ở đó, có Ngô Công Quí hầu hạ, nhưng không thấy Chúa Nguyễn và Vương phi.

Vương mẫu ngó thấy hai người tôi cũ, vẻ mừng rỡ hiện nét ,ặt buồn rầu.

Ngạc nhiên, Duyệt và Khiêm không kịp vấn an, hỏi luôn tin tức Chúa Nguyễn.

Vương mẫu bảo thị nữ đưa hộp trầu cho mình. Người thong thả mở nắp hộp, lấy lá trầu, quệt ít vôi, dón dén cuộn lại, dùng chìa vôi dùi thủng một lỗ, cài cuống trầu vào. Đoạn, người khoan thai lặt một miếng cau, xé bỏ lối phân bì, từ từ đưa lên miệng, bỏm bẻm vừa nhai, vừa nghĩ, như muốn đếm từng cái nhai.

Sốt ruột, Duyệt và Khiêm đều đứng dậy, chắp tay:

– Dạ, bẩm Đức bà, chẳng hay Đức chúa có ra đây chăng?

Vương mẫu bảo thị nữ lấy cái bình phóng, Người cẩn thận nhổ bải quyết trầu vào miệng bình, lâu lâu mới sẽ máy môi:

– Có! Năm ngoái Đức chúa có qua đây!

– Dạ, bẩm Đức bà, bây giờ Đức chúa ở đâu?

Vương mẫu mở hộp thuốc lá, vê mồi thuốc, lấy mảnh giấy rẽ ràng cuộn một điếu thuốc, rồi Người thổi bùi dùi, châm lửa hút một hơi dài.

Làn khói từ từ tự trong cặp môi sẫm cháy đưa ra:

– Các ngươi đứng đó, ta sẽ kể cho mà nghe.

Duyệt và Khiêm tựa bên vách lóng im hai tai chờ tiếng nói của Vương mẫu, ai nấy tưởng tượng như kẻ làm biếng trong chuyện cổ tích, nằm dưới gốc sung, há miệng chực trái sung rụng xuống, mà chưa biết chừng nào nó rụng.

Bã trầu trong miệng gần tàn. Vương mẫu mới cất giọng thánh thót như giọt nước đỏ dưới mái nhà trong khi cơn mưa đã tạnh:

– Các ngươi còn nhớ công chúa Ngọc Toàn đó chớ! Nó là con gái lớn của ta đó mà!

“Ủa, mình hỏi Chúa Nguyễn, sao Vương mẫu lại nói qua chuyện Ngọc Toàn?” Hai người đều thất vọng. Nhưng cũng miễn cưỡng thưa:

– Dạ, bề tôi còn nhớ. Công chúa kết duyên với quan Trung doanh Chưởng cơ Nguyễn Hữu Thụy ngày xưa.

– Phải đó, chính con ấy. Tội nghiệp! Nó chết theo chồng nó rồi.

– Bẩm, Công chúa mất tự bao giờ?

Vương mẫu vừa gạt tàn thuốc lá vào miệng bình phóng, vừa ứa hai hàng nước mắt:

– Nó chết đã từ tháng tám năm kia, bây giờ ta mới được tin.

Rồi, Vương mẫu mếu máo:

– Khốn nạn! Nó nhảy xuống sông! Sau khi chồng nó bị thua ở đồn Bình Hóa, nó phải chạy về Ba Phủ nấp náu. Chẳng may quân giặc dò biết, bắt nó về đồn. Rồi chúng lại bức nó phải lên Sài Gòn. Nó không chịu nổi những sự ức hiếp nhục nhã của giặc, lúc đi tới sông Tàm Đà, thì nó đâm đầu xuống sông mà chết.

Duyệt và Khiêm đều vờ than thở thương tiếc. Hai người đương toan nói qua Chúa Nguyễn, Vương mẫu đã gạt nước mắt và sụt soạt tiếp:

– Em Ngọc Đào cũng bị giết rồi, cả chồng em nữa?

– Bẩm quan Hữu chi Chưởng cơ Nguyễn Kim Phẩm?

– Phải đó!

– Chúa Bẩy và Quan Hữu chi bị giết ở đâu?

– Ở Hà Tiên! Hồi ấy là đầu tháng năm năm ngoái, Đức chúa sai Phò mã Phẩm trở về Hà Tiên chiêu tập quân sỹ, Chúa Bẩy cũng theo chồng vào. Chẳng dè gặp tụi Khách Trú làm loạn, chúng bắt cả hai vợ chồng đem chém.

“Hết chuyện công chúa, chắc Người sẽ nói đến chuyên Đức chúa”, Duyệt và khiêm đều tin như vậy.

Vương mẫu nhả cái bã trầu bỏ vào bình phóng:

– Cháu Cảm theo Bá Đa Lộc đi sang Tây dương làm con tin rồi! Tội nghiệp, thằng bé mới bốn tuổi, đã phải đem thân lo lắng việc nước! Lúc này không biết nó đi tới đâu, và đến chừng nào thì về.

Duyệt và Khiêm đứng đã tê chân, không thể nghe mãi những chuyện tầm phơ, hai người cùng hỏi:

– Vậy còn Đức chúa bây giờ ở đâu? Bề tôi muốn được hầu Ngài.

Vương mẫu tỏ vẻ kinh ngạc:

– Úi chà! Nguy hiểm lắm. Hồi cuối tháng năm năm ngoái, Đức chúa đương ở đây, chợt có tin nói vợ chồng Phụ mã Phẩm bị giết, Người bèn đem quân vào Hà Tiên, đánh tan tụi Khách trú làm loạn. Khi trở về, thì bị quân giặc đuổi riết. Nghe đâu toán giặc ấy là quân của Phan Đình Thận. Người phải lánh vào hòn Điệp Thạch. Quân giặc đuổi theo rất gấp, không có đường nào chạy thoát …

Duyệt sửng sốt:

– Vậy rồi ra sao?

– Rồi, Lê Phúc Điển bị bắt.

Nói tới đây, nét mặt Vương mẫu càng lộ ra vẻ đau đớn:

– Hai người chắc cũng nhớ mặt Phúc Điển, chồng con Ngọc Tú, chàng rể lớn của ta đó mà! Khổ mặt Phúc Điển giống hệt khổ mặt Đức cháu, vì vậy, va mới xin Người cởi hết quần áo của Người cho va mặc, rồi va ra đứng đầu thuyền đốc quân. Quân giặc thấy va tưởng là Đức chúa. Chúng xúm vào bắt, Đức chúa thừa cơ trốn được ra đảo Côn Lôn, ..

– Bẩm hiện nay Ngài đương ở đảo Côn Lôn?

– Không, Người không ở đó. Bấy giờ quân giặc bắt Phúc Điển đem đi, về sau chúng biết là lầm, liền giết Phúc Điển. Rồi chúng dò la, hay rằng Đức chúa ở đảo Côn Lôn, Phụ mã Đa mới đem thuyền vây bọc ba lần. Lúc nầy mới thật hiểm nghèo, …

– Bẩm, nhưng, Đức chúa không can chi?

– Không an chi! Nhờ có Trời Phật phù hộ. Trong lúc quân giặc vây giấp, bỗng chốc cơn mưa, cơn gió đùng đùng, mây mù kéo đến, mặt biển tối như ban đêm, sóng biển nổi lên rất dữ, thuey62n quân của giặc tự nhiên chìm đắm không biết bao nhiêu. Đức chúa chèo thuyền ra khỏi vòng vây, mà quân giặc không hay, thật là Trời Phật che mắt chúng nó. A Di Đà Phật, lạy trời muôn lạy …!

– Bẩm, ra khỏi vòng vây, rồi Đức chúa đi đâu?

– Rồi người qua hòn Cổ Cốt, mấy bữa sau mới trở về đảo Phú Quốc.

Vừa nói, Vương mẫu vừa chỉ vào một đống khoai ở ngoài sân:

– Các ngươi có biết cái chi kia không? Chúng ta sống về nó đó. Tháng bảy năm ngoái, Đức chúa ở hòn Cổ Cốt sang đảo Phú Quốc, lương thực hết kiệt, quân sỹ không còn chi mà ăn, ta và Đức chúa cùng Vương phi đã phải nhịn đói mấy bữa. Trời Phật run rủi, có kẻ đào được thứ củ đó. Ngọt lắm, luộc chín càng ngọt hơn ăn sống. Vì vậy, lúc qua đây, ta bắt thị nữ mang theo một ít, để khi nào thèm thì ăn.

Duyệt và Khiêm nghe nói, đều tỏ vẻ cảm động.

Mồi thuốc lá đã tàn, Vương mẫu cầm liệng xuống đất, lại lấy mồi khác, vừa cuốn vừa tiếp:

– Tuy rằng thứ củ ấy có ngọt thật đó, nhưng ăn ròng nó cũng không chịu đặng, xót ruột lắm. May sao khi ấy có mụ đàn bà buôn gạo ở Hà Tiên, tên là Thị Uyển, chở ra cho một thuyền gạo, thì ta và Đức chúa cùng Vương phi mới được có cơm mà ăn. Kế đó, Đức chúa cho gọi Ba Đa Lộc qua đây, nhờ va về nước Phú Lăng Sa cầu cứu. Bởi thế, Đức chúa phải cho cháu Cảnh theo và qua Phú Lăng Sa làm con tin …

Duyệt và Khiêm đứng hoài, máu đã xuống chân, hai người bèn xin phép Vương mẫu ngồi xuống bực cửa.

Vương mẫu lấy cau nhai, châm thuốc lá hút:

– Cháu Cảnh đi rồi, Đức chúa cũng chèo thuyền ra cửa biển Ma Ly, hòng dò tình hình của giặc. Vậy mà bẩy ngày bẩy đêm, Đức chúa không về. Ta và Vương phi nóng lòng hết sức. Tới ngày thứ tám, ngó thấy mặt Người, mẹ con ta mừng rỡ biết dường nào! Thì ra trong khi ra đến cửa biển Ma Ly, vừa gặp hơn hai chục chiếc thuyền của giặc kéo ra vây bắt, Đức chúa phải giương buồm cho chạy về phía đông, rồi cứ lênh đênh hoài ở ngoài khơi cho hết bẩy ngày bẩy đêm, nước ngọt trong thuyền khánh kiệt, quân sỹ khát như cháy cổ .. Đức chúa nói với ta rằng: Khi ấy Người phải quì xuống khấn trời, nếu trời cho Người làm vua, thì xin đưa chiếc thuyền ấy vào bờ. Bằng không, thì cho chìm đắm xuống biển luôn đi, khỏi khổ quân sỹ. Khấn vừa dứt lời, mặt biển bỗng hiện ra hai dòng nước, một dòng sắc đen và một dòng sắc trắng. Một người trong thuyền vốc lấy nước dòng trắng uống thử. Thấy có vị ngọt, người ấy mừng quýnh reo lên. Đức chúa bèn bảo quân sỹ múc lấy mấy chum chứa sẵn ở thuyền. Rồi nước biển lại xanh lè như cũ .. Tới khi thuyền giặc lui hết, thuyền của Đức chúa mới chèo vào đảo Thổ Chu này .. (1)

Duyệt và Khiêm nói xen:

– Thật là Trời Phật phò hộ .. nhưng sao bây giờ Đức chúa lại không ở đây?

Vương mẫu nhai trầu, hút thuốc một hồi rồi đáp:

– Không! Người chỉ ở đây có nửa ngày, rồi lại sang đảo Phú Quốc, thì ta và Vương Phi mới biết chớ! Bấy giờ mẹ con ta còn ở Phú Quốc kia mà! Người ở Phú Quốc ít bữa, rồi vào Long Xuyên, ra hòn Chông, đi hoài! Cuối năm Người lại tới đảo Thổ Châu ở cho hết tháng giêng. Sang tháng hai, có thơ của Đại tướng Tiếp ở Xiêm gửi về, mời Người qua đó điều đình với vua Xiêm một việc chi đó .. Trước khi đi Xiêm, người cho Ngô Công Quí qua đảo Phú Quốc đón ta và Vương phi sang đây. Vì ở đây kín đáo hơn bên Phú Quốc.

– Vậy chớ Vương phi ngày nay ở đâu?

– Đáng lẽ nàng cũng ở đây với ta. Vì sợ Đức chúa sang Xiêm, một mình vò võ nơi đất khách quê người, buồn sao chịu nổi! Nên chi ta sai Vương phi phải theo Người đi cho vui (2). Hiện nay Đức Chúa và Vương phi cùng mấy quan hầu còn ở bên đó.

Lúc này Duyệt và Khiêm mới khỏi hồi hộp về số phận Chúa Nguyễn.

Vương mẫu lại hỏi hai người ở đâu tới đây. Duyệt và khiêm bèn đem những truyện từ khi bị bắt, trốn thoát, đến khi thuê thuyền ra đảo Phú Quốc, thuật lại rất rành rọt. Mỗi lúc hai người nói tới những cảnh gian nan ở dọc đường, Vương mẫu luôn luôn tỏ ý ái ngại và luôn luôn lạy Trời lạy Phật.

Chiều ấy, hai người xin phép Vương mẫu cho mình qua Xiêm kiếm Chúa Nguyễn. Vương mẫu không nghe:

– Hơn một năm nay vắng hai người, nhất là ngươi Duyệt, ta rất mong nhớ. Vì trong bọn Thuộc nội, chỉ có ngươi lanh thạo công việc lại biết tánh ta. Nay Trời Phật đã đưa đường dẫn lối cho các ngươi tới đây, thì phải ở đây với ta, kẻo Đức chúa và Vương phi, cháu Cảnh đều đi vắng hết, ta buồn lắm. Vả lại, Đức chúa ở Xiêm chắc không lâu. Nay mai rồi việc, thì Người cũng về. Tôi gì hai ngươi phải lận đận qua bên đó cho mất công?

Cực chẳng đã, hai người đều phải vâng lời.

Ngày thì điểm tiếng vâng dạ vào những câu chuyện cà kê của Vương mẫu, đêm thì cắt đặt mấy kẻ đầy tớ trông nom các nơi, cái việc ấy đã giam hai tay chiến tuo1ng ở hòn cù lao giữa biển hết trọn mùa hè.

Những lúc sóng biển ùm ùm đưa vào trong đảo, nghe như một đám thiên binh vạn mã đương vật lộn nơi chiến trường, càng làm cho họ phải nóng nẩy ruột gan, chỉ muốn bỏ hòn Thổ Châu mà đi.

Trong khi ấy, Duyệt và Khiêm thỉnh thoảng lại sai thổ dân sang Xiêm hỏi han tin tức Chúa Nguyễn, và vào Gia Định dò la tình hình quân Tây. Nhưng mà tuyệt vô âm tín, bọn đó chỉ đi không về.

Mùa thu lại gần hết. những chiếc lá vàng theo gió lác đác rơi trước thềm nhà, những đám mây trắng lơ lửng lượn trên bầu trời xanh ngắt, những con chim sẻ ríu rít gọi nhau trong khi mặt trời tà tà, bấy nhiêu cảnh đó, càng gợi thêm mối tình nhớ cháu của Vương mẫu.

Mỗi hàng nước mắt của Vương mẫu mỗi lần làm tốn của Duyệt và Khiêm bao lời giải khuyên.

Chợt có tin đồn Chúa Nguyễn đã về Gia Định, quân thế mạnh lắm, thắng được quân Tây nhiều trận.

Vương mẫu nhất định không tin, Người cho là câu chuyện của Duyệt hay Khiêm bịa ra để làm cho người vui lòng.

Sang đầu tháng mười, bỗng có chiếc thuyền tự nẻo Phú Quốc bơi lại. Duyệt và Khiêm cùng Ngô Công Quý đều có ý nghi ngờ, ba người đã dự bị những cách đối phó. Té ra thuyền của Trung thủy Định và một lũ Thái giám đưa Vương phi tới hòn Thổ Châu.

Không thấy Chúa Nguyễn, Vưởng mẫu vội hỏi Đức chúa có về đó không.

Quả nhiên Chúa Nguyễn đã tiến quân vào miệt Gia Định.

Theo lời Vương phi thuật lại, thì khi Chúa Nguyễn ở Thành Băng Cốc, rất được vua Xiêm trọng đãi. Sau khi đưa cho Chúa Nguyễn coi những cổ kiếm và các đồ vật của Nguyễn Hữu Trọng tặng mình hồi trước, vua Xiêm lại nói thêm rằng: Khi xưa ông ta có hẹn với Nguyễn Hữu Thụy nếu có hoạn an5n, nước nọ phải cứu nước kia. Rồi vua Xiêm liền hứa giúp quân Chúa Nguyễn. Lóng ấy Chúa Nguyễn đã sai Đại tướng Tiếp sửa sang thuyền bè súng đạn và các khí giới, để sẵn bên Xiêm. Đến tháng sáu, Chúa Nguyễn xin đem quân về Gia Định, vua Xiêm sai hai người cháu là Tăng Chiên, Tăng Sương đem ba vạn thủy binh, ba trăm chiến thuyền theo giúp, Chúa Nguyễn phong Châu Văn Tiếp làm Bình Tây Đại đô đốc, điều khiển hết các đạo quân. Mấy bữa sau, đại binh ở thành Băng Cốc kéo ra cửa biển Bắc Nồm. Sang tháng bẩy, quân của Chúa Nguyễn tiến vào lấy được Kiên Giang, phá được Trấn Giang, chiếm được những nơi Ba Thắc, Tà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc … Vì ở trong quân sợ hoặc có sự bất tiện, nên chi Chúa Nguyễn mới sai Trung thủy Định hộ tống Vương phi ra đảo Thổ Châu, để nói rõ đầu đuôi chi Vương mẫu biết.

Cố nhiên, lúc này Vương mẫu đã hơi vui. Người chỉ cầu Trời khấn Phật cho Chúa Nguyễn luôn luôn thắng trận.

Duyệt và khiêm cũng đều mừng rỡ.

Bữa sau, hai người lại xin Vương mẫu cho vào Gia Định.

Lần này Vương mẫu không giữ. Người căn vận dặn hai người phải theo luôn bên cạnh Đức chúa và phải khuyên Đức chúa nên cẩn thận trong khi hành binh, chớ có xông pha tên đạn.

Từ biệt Vương mẫu và Vương phi, hai người xuống thuyền chèo vào cửa biển Hà Tiên.

Đầu tháng một, hai người đến Ba Lầy.

Bấy giờ Châu Văn Tiếp đã chết vì một vết thương ở trận Mân Thít, Chúa Nguyễn đã phong Lê Văn Quân làm chức Khâm sai Bình Tây Đại đô đốc, tước Dũng quận công, thay Tiếp thống lãnh các đạo đại binh, và đương dự bị đem quân lên đánh Gia Định.

Duyệt và Khiêm vào dinh lậy chào.

Chúa Nguyễn rất kinh ngạc và rất ngợi khen trong khi hai người nói với Ngài những chuyện từ trận Đồng Tuyên đến giờ.

Rồi Ngài cho hai người lại giữ chức cũ, Khiêm vẫn làm Đội trưởng, Duyệt vẫn làm Thuộc nội cai đội, lãnh mấy chục quân ngày đêm theo gót Ngài.


 (1): Chuyện vua Gia Long còn nhiều đoạn ly kỳ sẽ chép ở sách khác.

(2): Theo Thế tổ Cao hoàng đế Long Hưng sự tích.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!