05 – Bước gian hiểm trên con đường Vân Dã – Thi Giang

Tung hoành trong năm, sáu tháng, theo Chúa Nguyễn, giúp Chúa Nguyễn chém giết người Nam, cướp lại được cho Chúa Nguyễn một vài mảnh đất miền Kiên Giang, quân Xiêm khi ấy đã là những kẻ rất đắc lực của Chúa Nguyễn.

Với những công lao ấy, họ mỗi ngày mỗi thêm hợm mình, làm hoài những sự tàn bạo.

Chín mình Chúa Nguyễn đã rước họ về, đưa họ đi, tự nhiên phải chiếu ý họ, giữ cảm tình với họ, hòng họ hết sức vì mình.

Được thể, họ càng ra oai dữ, cho bõ cái lúc vì một ông Chúa ngoại quốc mà dấn mình vào đám binh đao.

Dân Nam không phải là máu mủ ruột già gì của họ. Cố nhiên không thể lấy sự van vái mà cầu được chút lòng từ bi của họ, tuy họ là người nước Xiêm, cái nước đã có tên là nước Phật.

Mà Phật thật, người ta vẫn thấy dân Xiêm ở nước Xiêm không hề cố ý giết một con sâu, con kiến vô tội, trong khi cuốc đất, cầy vườn. Giả sử có ai lấy thế chủ mướn mà bắt họ phải làm chết một con vật ấy, thì họ sẽ bỏ công bỏ việc mà về, nếu họ là kẻ làm mướn.

Lòng từ bi ấy họ để hết ở nước Xiêm, không đem sang đây.

Sang đây, họ cốt vì Chúa Nguyễn mà chém giết người Nam cho nhiều, đặng giành lấy lất cho Chúa Nguyễn làm Vua.

Vì vậy, đối với họ, tánh mạng dân Nam, tánh mạng những kẻ cùng máu với Chúa Nguyễn mà không cùng máu với họ, đều không đáng thương bằng tánh mạng con kiến con sâu ở nước họ.

Con nít từ một hai tuổi trở lên, đều rơi đầu dưới lưỡi phạng sáng quắc nếu nó mếu khóc trong khi mẹ nó bị họ bắt đi.

Ông già hay bà già nào chẳng may nhà có con gái đã bị họ ngó tới và muốn dùng làm đồ mua vui, nếu còn thương con mà van lơn họ, thì đều chung một số phận với tụi con nít đó.

Hiếp phụ nữ, cướp tiền bạc, lấy không lúa gạo quần áo của dân quê, cũng như canh dinh trại, giữ gươm mác, chèo chiến thuyền, đều là việc mà quân Xiêm phải làm trong hàng ngày.

Hơn nữa, họ còn phải chém những đàn bà con gái sau khi cái thân người ta đã bị họ chán chường, họ còn phải đốt những nhà cửa sau khi họ đã ở rồi mà sắp rời đi nơi khác.

Nơi nào họ đã đi qua, tuy chẳng phải là chiến trường, nhưng thây mà và đầu lâu cũng ngổn ngang bên đường hàng tháng không có người chôn, để làm mồi cho những giống diều quạ, cầy cáo.

Bởi vậy, quân Xiêm tới đâu dân Nam trẻ dắt già, lớn cõng nhỏ, chạy như vịt và khóc như di, rồi cửa nhà cây cò đều bị ra tro đến đó.

Người ta sợ họ hơn sợ quỉ sứ.

Tiếp với tin cấp báo của Phụ mã Đa ở Gia Định, những tiếng ta thán của dân quê đã theo miệng người bay đến Qui Nhơn, Nguyễn Huệ nghiến răng nói với vua Tây Sơn:

– Dưới gầm trời Nam hết thảy là dân con của mình. Chúng mình đủ chiến thuyền, đủ thủy quân, bộ quân, không thể ngồi mà ngó những kẻ mọi rợ ở nước ngoài giầy dập nòi giống của mình như vậy! ..

Vua Tây Sơn nghe nói cũng giận, tức thì sai Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và mấy viên đại tướng đem đại quân vào đánh quân Xiêm và quân Nguyễn.

Như ngọn lửa cháy, cái lòng tướng sĩ Tây Sơn căm giận quân Xiêm tàn sát người Nam đã lên tới bực thái cực, ai nấy hăng hái thề phải liều chết mà chém cho hết những kẻ mọi rợ ấy để báo thù cho những người đã bị giết oan.

Dân Nam đau khổ về quân Xiêm đã nhiều, cho nên ngó bóng cờ, nghe tiếng trống của quân Tây, người ta hoan hô một cách sôi nổi, cho là những vị cứu tinh sắp sửa vớt mình ra khỏi đống nước lửa.

Bắt đầu giao chiến mấy trận ở miệt Trấn Giang, Tà ôn, quân Tây đều bị thua chạy, bỏ lại cho quân Xiêm vô số khí giới lương thực.

Quen mùi, Chiêu Tăng, Chiêu Sương xua đuổi ba vạn quân Xiêm kéo bừa về miền Mỹ Tho, nghênh ngang như vào chỗ không có người.

Theo với vết chân họ đi, dân Nam lại thêm bao nhiêu đầu lâu bị rụng, bao nhiêu cửa nhà bị đốt, thôn xóm làng mạc, ở hai bên đường hầu thành ra đất bỏ hoang.

Quân tây lại bị thua luôn trận nữa.

Chiêu Tăng, Chiêu Sương càng đắc chí, cứ việc kéo quân tràn xuống.

Chúa Nguyễn và Bình Tây Đại đô đốc Lê Văn Quân cùng nhiều tay đại tướng đốc dẫn quân sỹ đi theo.

Cũng như mọi khi, Duyệt phải đem quân Thuộc nội hộ vệ Chúa Nguyễn.

Bữa ấy nhằm khoảng trung tuần tháng chạp năm giáp thìn (1784), quân Xiêm và quân Nguyễn tiến đến gần vùng Rạch Gầm – Xoài Mút.

Trời vừa tối, hơi sương tỏa xuống mịt mù.

Một đạo quân Tây kéo ra đón đường chống cự.

Quân Xiêm và quân Nguyễn xông bừa lên đánh. Chỉ trong nửa giờ, quân Tây đã thua liểng xiểng, tướng tá quân lính hết thảy cắm đầu chạy lui.

Chiêu Tăng, Chiêu Sương, Chúa Nguyễn và Lê Văn Quân thi nhau đốc quân bổn bộ rượt theo.

Cuối canh hai, quân Xiêm và quân Nguyễn vào tới khoảng giữa Xoài Mút và Rạch Gầm, toán bại binh lại quay lại đánh.

Chúa Nguyễn cũng như hai viên tướng Xiêm hăng hái đốc quân vào trện. Lần này quân Tây hết thảy hung tợn, không chờn vờn như những trận trước.

Một cuộc kịch chiến vừa bắt đầu, thì ở phía Rạch Gầm bỗng có tiếng nổ dữ dội. Tức thì ở mặt Xoài Mít cũng như ở mặt Rạch Gầm, tiếng trống thúc, tiếng người reo, xen nơi tiếng súng nổ.

Về mặt Rạch Gầm, Nguyễn Huệ thúc quân đánh xuống, về mặt Xoài Mút, tướng sĩ theo hiệu còi của Nguyễn Lữ nhất tề đánh lên.

Ba mặt đánh dồn lại một, quân Xiêm và quân Nguyễn như bị đuổi vào trong lọ, không còn đường nào mà tháo.

“Phải giết hết những giống mọi rợ, để trả thù cho dân Gia Định”.

Tiếng hô oanh liệt của hàng ngàn người càng như quạt thêm lửa vào tấm lòng hăng hái của các chiến sỹ.

Như chung một bụng, mấy ngàn quân Tây sấn sổ xông vào quân địch, không ai nghĩ đếnt ánh mạng của mình. Trước cái hùng oai ấy, quân Xiêm cũng như quân Nguyễn, chỉ còn cách bỏ khí giới mà trốn.

Cuộc chém lộn kịch liệt đến hết canh ba. Bấy giờ ba vạn quân Xiêm và mấy ngàn quân Nguyễn hầu hết hóa ra những đống tú quắc và những đám thi thể, lăn lốc, quằn quại theo vũng máu tươi của mình tóe ra.

Chiêu Tăng, Chiêu Sương cắm cổ chạy bạt qua phía Chân Lạp với hơn ngàn tàn quân, Lê Văn Quân và những chiến tướng sống sót tan tác mỗi người trốn đi mỗi ngả.

Duyệt và mấy chục tên quân Thuộc nội liều chết hộ vệ Chúa Nguyễn định chạy về nẻo Trấn Giang. Ra khỏi trận địa chưa được một dặm, lại bị một toán quân Tây rượt theo rất gấp. Toán quân ấy cũng chỉ lối vài chục người, nhưng rất khỏe mạnh và rất hung tợn. Duyệt và Chúa Nguyễn đều phải lăn lưng quay lại vừa đánh vừa lùi. Ba chục tên quân Thuộc nội chết dàn chết mòn gần hết, quân Tây vẫn ra sức đuổi riết. Chúa Nguyễn ù té bỏ trện chạy trước, Duyệt còn đứng lại kháng cự quân địch một lúc, rồi cũng rảo cẳng chạy sau. Gần sáng, Duyệt đến Trấn Giang, không thấy Chúa Nguyễn đâu nữa. Thừa lúc quân Tây chưa tới, Duyệt cứ xông xáo đi tìm.

Tình cờ gặp bọn Hộ bộ Trần Phúc Giai, Cai cơ Nguyễn Văn Bình, cả thảy mười người, họ cũng nhốn nháo đi kiếm Chúa Nguyễn mà chưa gặp. Duyệt nhập vào bọn đó, rồi kéo nhau đến Vân Dã, vừa thấy Chúa Nguyễn và Đội Trị vơ vản ở đó.

Thì ra trong khi giao chiến, nhờ có Duyệt hãn trở quân Tây, Chúa Nguyễn và Đội Trị thừa cơ chạy miết xuống miền Rạch Giá. Ngài định bơi qua Rạch Giá trốn sang bên kia.

Chẳng ngờ xuống đến bờ rạch, thì gặp đoàn thuyền của Chưởng Chân, một viên thiên tướng Tây Sơn. Thấy có hai người hoảng hốt chạy lại, Chưởng Chân hô quân bắt sống, trói lại, để ở trong thuyền. Dưới bóng đèn sáng, quân sỹ nhận rõ được mặt Chúa Nguyễn, chúng đều mừng quýnh, chờ đến sáng ra đem nộp lấy công. Riêng Chưởng Chân ra ý thương hại. Hắn nhớ lại cha ông nhà hắn trước ở Thuận Hóa đã có nhiều dịp chịu ơn của các Chúa họ Nguyễn. Bây giờ họ Nguyễn tuy đã sa sút mặc lòng, lương tâm của hắn buộc hắn không nỡ làm hại con cháu những vị ân nhân của nhà mình trong lúc người ta gặp bước đường cùng. Rồi, lừa cho quân sỹ ngủ say, Chưởng Chân lấy thuyền đưa Chúa Nguyễn và Đội Trị sang bên kia rạch và thả lên bờ. Sau đó, Chưởng Chân hối hận, biết rằng không thể tránh khỏi tội chết, phải nhảy xuống sông tự tử (1).

Chúa Nguyễn và Đội Trị đi được một quãng thì trời gần sáng. Thầy trò phải cởi áo ngoài liệng bỏ, lẽo đẽo dắt nhau đi liều. Tới Vân Dã, hai người đương phân vân chưa biết trốn đi đường nào, may sao vừa gặp bọn Duyệt.

Lúc ấy, mặt trời đã cao, đường xá vẫn còn vắng tanh, cái nạn chiến tranh đã đuổi hết dân quê lánh đi những nơi xa cuộc binh hỏa.

Duyệt và mọi người đều bỏ áo trận, giả làm dân quê, đưa Chúa Nguyễn đi thẳng về phía Tây Nam. Cùng đi hộ vệ Chúa Nguyễn khi ấy, ngoài Duyệt ra, chỉ có Hộ bộ Giai, Cai cơ Bình, Đội Trị và chín người nữa.

Trưa lại, ánh nắng chiếu xuống nóng như lửa hun, mười ba thầy trò, đầu đội trời, chân đi đất lếch thếch trên con đường nhỏ hẹp, ai nấy trán dức như búa bổ.

Quang cảnh thê thảm luôn luôn hiện ở dọc đường.

Những đám cửa nhà bị cháy, tường vách còn đứng trơ trre6n bãi tro than tanh bành.

Những cái thây ma thối tha, sâu bọ hay chim quạ gặm rỉa hết thịt, xương trắng vẫn lỏng chỏng trên khu đất đen xì.

Những cái đầu người da thịt thâm xám nằm cạnh đống tóc dã dượi, còn nhe răng phơi dưới bóng nắng.

Đây là những nơi mới bị quân Xiêm tàn phá vừa rồi.

Mỗi lúc có người nhắc với Chúa Nguyễn như vậy, thì Chúa Nguyễn vờ như không nghe gì hết, ngài cứ làm thinh không nói sao.

Mặt trời tà tà, sức nắng càng gắt, ai nấy chưa có miếng chi vào miệng, bụng đói như cào.

Chúa Nguyễn uể oải chân không buồn bước. Ngài cất cái giọng bi phẫn:

– Có ai mang theo được chút lương khô nào không?

Đội Trị móc tay vào túi, vét được một nắm cơm khô, bốc hết đưa cho Chúa Nguyễn.

Buồn rầu, Chúa Nguyễn ngửa tay hứng nắm cơm khô của Đội Trị, vừa đi, ngài vừa nhai.

Trời đã nhá nhem.

Đám mây dưới cah6n trời phía đông đã hiện ra sắc đỏ ối, báo tin mặt trăng sắp lên coi sóc vũ trụ thay cho mặt trời.

Trước mặt thấy có đám cây cối lù lù, thầy trò biết là đã tới làng xóm nào đó, bèn cùng rẽ vào tìm chỗ nghỉ chân.

Té ra ở đây cũng như các làng xóm khác, vừa mới trải một vết chân của quân Xiêm. Dưới những chồi cây xém lửa héo khô, chỉ có những cái nền đất xém đen và những đoạn cột kèo cháy dở.

Duyệt và mấy người kiếm hoài mới được một mớ rơm rạ. Đội Trị đem trải vào dưới một bức tường đất để Chúa Nguyễn nằm tạm. Vài người ở đó hộ vệ Chúa Nguyễn, còn thì mỗi người đi mỗi ngả, lùng vào những đám nhà cháy, coi thử còn xót được hột lúa gạo nào cah8ng.

Không còn chi hết, lúa gạo đều theo nhà cửa mà hóa ra tro than cả rồi.

Một lát, mọi người đều về tay không, vẻ thất vọng hiện đầy trên mặt.

Vừng trăng lên khỏi ngọn cây.

Tiếng giun dế rên rỉ dưới gốc cây hòa lẫn với tiếng cóc nhái nghiền ngẫm trong bụi, như gợi thêm mối buồn bực của bọn anh hùng mạt lộ.

Mười ba bộ dạ dầy (bao tử) đều bị cơn đói cắn rứt, ai nấy tưởng như kiến đốt trong ruột.

– Biết vậy thà chẳng rước quân Xiêm qua đây, dân khỏi tàn, mình cũng không khổ.

Mấy tiếng thở than đau đớn của Hộ bộ Giai tưởng như gai biêm vào tai Chúa Nguyễn. Ngài chỉ nín im không trả lời.

Duyệt biết ý nói qua chuyện khác.

Một lát sau, Chúa Nguyễn thiu thiu chợp ngủ. Mấy người bèn cắt lượt nhau, một nửa thức để canh gác, một nửa ngủ cho đỡ mệt.

Như muốn nhòm cái cảnh khốn quẫn của bọn anh hùng trên đồng rơm, vầng trăng lồ lộ tự giữa trời ngó xuống.

Rồi, con cú thiếu mồi thánh thót kêu trên bóng cây um thùm, điểm nhịp cho mấy con gà mất chủ, ấm ố gáy trong xó bụi.

Đêm đã hết nửa.

Thầy trò hăng hái đứng dậy từ biệt cái làng tàn phá.

Con đường khuya khoắt và vắng teo, chất đầy những sự lo ngại.

Vầng trăng chếch về phía tây. Bầu trời trong suốt đã bị hơi sương pha đục.

Tiếng hiệu ốc tự nẻo xa đưa lại, tiếp đến tiếng người hò reo som sòm.

Quân Tây lùng vào các làng săn bắt những tên quân Xiêm sau khi thua trận tản mác tìm nơi ẩn nấp.

Vua tôi Chúa Nguyễn tưởng là họ rượt theo mình, ai nấy ù té, cắm đầu mà chạy một mạch.

Gần sáng, vầng trăng đã nấp xuống sau ngọn núi, mười ba bộ giò đều mỏi rời, mưới ba bộ ngực đều thở hồng hộc. Lóng nghe không thấy tiếng người tiếng hiệu, chắc là đã xa quân Tây, bây giờ vua tôi mới dám chậm bước. Cơn đói càng sôi sùng sực.

Trời sáng rõ, trong xóm cạnh đường nghi ngút có ngọn khói bốc, Chúa Nguyễn chắc là trong đó có người, hơn nữa, ngài lại chắc là họ đương nấu cơm, liền bảo mọi người hãy rẽ vào đó, nói với họ giúp cho một bữa.

Ai nấy cùng chung một ý kiến ấy, cả bọn cứ trông bóng khói tìm đường đi thẳng tới cửa.

Trong nhà nhô ra một người nông phu khoảng ba chục tuổi, tấm áo cộc rách phủ ngoài xác thịt gầy gò, để lộ bộ ngực mầu nâu và hai khuỷu tay đen cháy.

Ngó thấy lũ giai kéo vào nah2 mình, người ấy sửng sốt nạt hỏi:

– Mấy ông vào nhà tôi có việc chi?

Cai cơ Bình ton ton vào trước, trả lời một cách rất dõng dạc:

– Đức Chúa và các quan hầu chạy giặc qua đây. Hồi trưa bữa trước tới giờ, Ngài và các quan đi theo chưa dùng cơm. Nhà my sẵn cơm sẵn gạo, hãy dưng Ngài và thết chúng ta mỗi người mấy chén. Chừng nào yên giặc, Đức Chúa sẽ ban thưởng cho.

Lúc ấy, Chúa Nguyễn và mấy người kia đã vào đến trước thềm và đương lóng nghe câu phúc đáp của người thí chủ. Hắn liếc qua đám đông người rồi cau đôi lông mày, nét mặt ra vẻ ngơ ngác:

– Chính mình Đức Chúa vào đó?

– Phải! Chính mình Đức Chúa, Ngài đứng trước nhất đó mà!

– Đích vậy không?

– Đích vậy, ai dám nói gạt!

Người nông phu bỗng hằm hằm tức giận:

– Ủa, Đức Chúa đã rước quân Xiêm qua đây, để chúng nó giết hại làng tôi, bắt vợ tôi, chém con tôi, tôi không chạy mau, cũng bị chúng nó giết nữa. Lúc này Người còn hòng vào nhà tôi mà đòi ăn sao? Tiếc rằng tôi có một mình, không thể bắt luôn Đức Chúa đem nạp cho bọn Tây Sơn! Cơm đâu mà thết những người đã làm hại tôi một cách đau đớn!

Đội Trị nóng máu, sấn sổ cah5y xuống, định bắt đứa vô lễ đánh chết, cho hả cơn giận. Duyệt và Hộ bộ Giai hết sức can ngăn mới thôi. Cả bọn lại tưng hửng trỏ ra. Thầy trò giục nhau đi cho mau chân, kẻo sợ đứa nông phu bất trung sẽ báo quân Tây duổi bắt.

Mặt trời đã gắt gao phun những tia lửa xuống đất.

Bữa nay nắng dữ hơn bữa qua nhiều.

Mười ba bộ mặt đều thấy rát như lửa bỏng.

Cơn đói quấy rối trong bụng càng dữ. Nó đã làm cho ai nấy hai mắt quáng vàng, hai gối nặng trĩu, cất mãi mới được một bước.

Hết một đoạn đường nữa, Chúa Nguyễn nhọc quá. Ngài thấy trong mình lảo đảo như người say sóng, muốn lăn kềnh ra ở giữa đường.

Duyệt và mấy người kia phải thay đổi nhau, mỗi người cõng Chúa Nguyễn một quãng.

Lại thấy khó bốc trên một xóm trước mặt.

Dân trong xóm đã nấu cơm trưa.

Cả bọn lại đánh liều kéo vào tận nơi. Chủ nhà là một mục đàn bà lối sáu chục tuổi, thấy bọn người lạ tiến vào, bà lão hoảng hôn, toan kiếm đường trốn. Duyệt vội chạy đến ngăn cản, bảo không việc chi phải chạy.

Biết rằng dân quê vì bị quân Xiêm cướp bóc, giết hại, họ rất căm oán Chúa Nguyễn, nên chi lần này Duyệt không phô phang Đức Chúa như Cai cơ Bình vừa rồi:

– Thưa bà, anh em chúng tôi ở vùng Rạch Gầm chạy giặc qua đây kiếm việc làm ăn. Đã ba ngày nay, chúng tôi chưa ăn uống chi. Vì vậy, chúng tôi vào đây, nhờ bà một bữa, lúc khác sẽ trả ơn bà.

Bà lão ra bộ ái ngại:

– Trời đất ơi! Ba ngày nay không ăn không uống chi! Tội nghiệp! Nhưng mà nhà dì gạo đã hết sạch, chỉ có một niêu cơm nhỏ, dì vừa nấu chín, thôi thì dì xin nhịn để mấy ông ăn.

Duyệt không đợi bà lão dọn cho, tự mình xuống bếp bắc cơm và lấy đũa chén đem lên.

Cái niêu vừa bằng nắm tay, giá như chỉ một mình duyệt, cũng phải ăn hết chừng chục niêu bằng ấy mới no, huống chi là mười ba người, thì chia làm sao cho khắp? Cố nhiên cả bọn đều phải nhường cho Chúa Nguyễn.

Bấy giờ Chúa Nguyễn mệt không buồn cựa. Ngài ăn hết cả niêu cơm mới thấy trong mình tỉnh táo.

Sau khi đã cảm ơn và hỏi tên họ bà lão, thầy trò lại kéo nhau đi.

Ánh nắng vẫn thiêu đốt kịch liệt.

Trong các thôn xóm, lại có những tiếng hiệu ốc và tiếng hò thét của quân Tây đi lùng quân Xiêm.

Duyệt và mọi người đều không đủ sức mà chạy, đành phải chia làm vài toán, lẻ thẻ vừa đi vừa trốn.

Gần tối, cả mấy toán đều tới Thi Giang. Riêng có Chúa Nguyễn là khỏe khoắn hơn, còn Duyệt và mấy người kia đều đã đói lử, mệt nhoài, ngồi không vững, phải nằm kềnh càng trên bờ sông.

Sông rộng mông mênh, thuyền đò không có, Chúa Nguyễn d9uong lo hồi hộp.

Hạ lưu bỗng có chiếc thuyền chèo lên, tiến thẳng đến chỗ mấy người d9uong nằm.

Thì ra thuyền của Cai cơ Trịnh Tử Sinh. Sinh cũng vì lạc Chúa Nguyễn, nên mới đánh thuyền đi tìm ở dả ven sông.

Chúa Nguyễn và bọn Duyệt mừng quá, vội cùng xuống thuyền rồi vượt ra đảo Thổ Châu.


(1): Theo Thế tổ Cao hoàng đế Long Hưng sự tích.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!