03 – Ở Phú Quốc vào Gia Định, lại ở Gia Định ra Phú Quốc

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong đám cù lao ở phía Tây Nam huyện Hà Châu (thuộc tỉnh Hà Tiên).

Từ huyện Hà Châu đi thuyền ra đó, một ngày, một đêm thì tới.

Nếu làm địa lý, người ta có thể nhận nó là cái bút hay cái án của địa hạt Hà Tiên, vì những ngọn đảo chọc trời hết thảy chầu về phương Bắc.

Thân đảo khá rộng, tự Đông sang Tây cách nhau chừng hai trăm dặm.

Sườn đảo toàn là rừng rậm, dây mây, dây song, các thứ gỗ quí rất nhiều.

Chân đảo, xen trong những đám cát sỏi, thỉnh thoảng gặp khu đất bằng, có thể trồng cấy những giống: dưa, đậu, khoai củ, lúa tá, sớm, lúa tám đỏ.

Hình như trời củng dành riêng chỗ đó để nuôi dưỡng những kẻ đã cố công vượt biển ra khơi, đi tìm sự sống. Vào đó, nếu không muốn làm nghề đánh cá, lấy yến sào, mò bắt đồi mồi, hải sâm, họ cũng có thể lên rừng mà săn bắn hươu. nai, lợn rừng, tìm kiếm trầm, quế và long diên hương. Nhất là những cục hổ phách mầu huyền, bóng nhoáng như mầu sơn đen, lại là thổ sản đặc biệt của đảo ấy. Thứ sản vật đó, cục lớn dùng chế hộp trầu hoặc chén hay dĩa, cục nhỏ thì làm những chuỗi tràng hạt, người ta vẫn coi nó là thứ bảo ngọc quí vô cùng.

Cư dân không đông, song cũng ở thành làng xóm.

Trong những túp lều tranh lúp xúp úp trên ven biển hay là nấp trên sườn đồi, cuộc sinh hoạt thật thái bình vô sự. Bởi vì, cái thế giới cỏn con ấy tuy đủ cả lâm sản và hải vị, sơn hào, nhưng nó không có hùm beo, không có luôn cả quan lại, trộm cướp (1).

Chúa Nguyễn ra đó vài ngày thì Duyệt và Trung thủy Định cũng đưa cung quyến đến nơi.

Sau khi đã cùng Vương mẫu và Vương phi, nói qua những chuyện hàn huyên, Chúa Nguyễn rất khen Duyệt về cái công bảo toàn gia quyến.

Bây giờ vua, tôi, thầy tớ tất cả độ vài trăm người. Một ít người ở lại bến Dương, cái bến rất ít sóng gió, coi các thuyền bè. Duyệt và các tướng đều theo Chúa Nguyễn lên ở trên phía Nam đảo.

Nhà cửa ở các làng xóm thổ dân, không đủ chỗ chứa một số người khá lớn, tuy số người ấy chỉ có vài trăm, Duyệt và các tướng phải đưa quân vào rừng chặt cây lấy lá, cất thêm một dãy nhà nữa, để cung quyến Chúa Nguyễn ở.

Khi ấy là đầu tháng năm, cái mùa mưa dữ, nắng cũng dữ. Lúc nắng, hơi nước biển đưa lên nóng như chõ xôi, lúc mưa nước trên đồi chảy xuống tràn khắp nền nhà, mái nhà thì dột lỏng tỏng.

Gặp ảnh ấy, Vương mẫu Vương phi rầu rầu tỏ ý khó chịu. Duyệt hết sức tìm lời yên ủi, để cho các ngài khuây buồn.

Có khi thiếu hết thức ăn hay đồ dùng, Duyệt phải tự mình vào các thôn xóm thổ dân tìm kiếm.

Chừng như họ thèm vua chúa đã lâu, cho nên đối với Chúa Nguyễn và hai bà phi, thổ dân rất có cảm tình. Ngoài sự cung đôn vật liệu lương thực cho các ngài và quân sỹ ă dùng, thổ dân còn cắt nhau vào miệt Hà Tiên, Rạch Giá, vì Chúa Nguyễn mà do thám tình hình quân Tây (2).

Theo lời phi báo của bọn đó. Nguyễn Nhạc và Phụ chánh Huệ đã rút quân về Qui Nhơn từ cuối tháng năm, giao cho Đỗ Nhân Trập và Hộ bộ Bá lãnh ba nghìn quân đóng ở ngưu Chữ giữ đất Gia Định.

Chúa Nguyễn có ý mừng.

Cách ít ngày nữa, lại có tin báo Hồ Văn Lân đã thu họp dư đảng đánh quân Tây lấy được Long Hồ, và đương tiến quân lên phá Lật Giang.

Chúa Nguyễn tỏ ý vui vẻ, tức thì sai Duyệt nói cho Vương mẫu và Vương phi đều biết.

Sang tháng tám, tuy còn nóng, nhưng đã ít mưa, trên biển trời trong như lọc.

Bữa đó, Duyệt và Chúa Nguyễn đem mấy tên quân ra ngồi bờ biển hóng mát.

Trông những làn mây xanh ngắt phủ trên bóng núi mập mờ, Chúa Nguyễn cũng như Duyệt, nghĩ đến giang sơn cố quốc, ai nấy đều ra bộ lo buồn.

Trên lớp sóng màu lam đuổi nhau giữa khơi, một cánh buồm trắng đưa chiếc thuyền nhỏ vào thẳng bến Dương.

Mấy tên tiểu sai cắm thuyền rồi cùng lên bến, nét mặt đều có vẻ ngơ ngác.

Duyệt vội đứng ra thét hỏi đi đâu, bọn đó xưng là thủ hạ của đại tướng Châu Văn Tiếp, vào đáo tìm Đức Chúa.

Sau khi đã bị dẫn đến trước mặt Chúa Nguyễn, bọn đó đệ trình bức thơ của Châu Văn Tiếp sai họ đem dưng.

Thì ra Tiếp và Tôn Thất Cốc đã cùng bọn Phạm Văn Sỹ, Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Thuận,.. kéo quân đánh Đỗ Nhận Trập lấy lại được thành Sài Gòn.

Trong thư đại để Tiếp nói về tin thắng trận, rồi mời Chúa Nguyễn trở về Sài Gòn, Tiếp và các tướng hiện đã đem quân chờ đó.

Xem rồi, Chúa Nguyễn mừng rỡ vô hạn. Tức thì Ngài cùng Duyệt về trại, nói cho Vương mẫu và Vương phi biết rõ đầu đuôi. Rồi Ngài hạ lệnh cho bộ hạ thu xếp thuyền bè, luôn bữa đó trèo thuyền vào Cà Mâu.

Lần nầy cung quyến do Trung thủy Định hộ vệ, Duyệt đi luôn với Chúa Nguyễn.

Hai đêm hai ngày, thuyền vào đến sông Ngã Tư thì gặp quân sỹ của Tiếp ra đón. Trông thấy Chúa Nguyễn, Tiếp cúi rạp ở phía tả đường đi, hai hàng nước mắt rưng rưng:

– Không ngờ ngày nay lại được ngó thấy Chúa thượng, đó là phúc của xã tắc.

Cảm động, Chúa Nguyễn sai Duyệt ra nâng Tiếp dậy. Ngài an ủy Tiếp và các tướng sỹ một hồi, rồi cùng tiến vào Gia Định.

Bữa sau, Chúa Nguyễn phong Tiếp làm Ngoại tả Chưởng doanh. Tôn Thất Cốc làm Ngoại chi Chưởng doanh, Duyệt và các tướng cũng đều được thăng thưởng.

Sau khi đã phái mỗi tướng đi giữ mỗi nơi, Chúa Nguyễn lại sai Trung thủy Cai cơ Võ Dy Nguy, Tiền thủy Cai cơ Trương Phúc Đạt ai nấy về quê thu thập thủy binh ngạch cũ và đóng thêm một ít chiến thuyền.

Rồi đó tướng tá ngày trước lại dần dần tìm đến, binh thế đã có cơ phấn khởi.

Sịch có mật sai ở Qui Nhân về báo rằng quân Tây sắp sửa vào đánh, họ đương dự thuyền bè khí giới. Chúa Nguyễn tức thì cho đòi các tướng vào dinh bàn cách đối phó. Rồi Ngài hạ lệnh:

– Mân giữ đồn Giác Ngư ở phía Bắc. Dương Công Chừng giữ đồn Thảo Giảng ở phía Nam.

Giữa sông bắc dịp cầu tre cho tiện đi lại. Bao nhiêu thuyền bè đóng dồn vào cả lòng sông. Trước trại Tôn Thất Cốc và Châu Văn Tiếp đặt một con rồng bằng cỏ, phòng khi dùng để đốt lửa. Giám quân Tô coi các thuyền dùng về việc hỏa công, hễ quân địch đến thì phải phóng hỏa những thuyền ấy thả cho trôi xuống binh thuyền của giặc.

Quả nhiên tháng hai năm sau, một đạo hơn trăm chiến thuyền do Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ thống lãnh từ Qui Nhơn vượt thẳng vào cửa biển Cần Giờ, rồi theo giòng sông lên đánh Gia Định.

Tư khấu Kim thúc quân phá đồn Giác ngự, Đô đốc Kế thì dẫn quân đánh tuốt vào đồn Thảo Giảng.

Mật kế đã định từ trước, Lưu thủ Thăng và Tiên phong Thủy đem quân chống cự chờn vờn, nhử cho quân Tây vào tận giữa trận.

Một tiếng súng nổ dữ dội. Những thuyền chứa có do Giám quân Tô cai quản nhứt tề đốt lửa đùng đùng. Quân nguyễn hò reao vang trời động đất.

Chúa Nguyễn và Duyệt dẫn một đội quân Thuộc nội ra đứng bờ sông chờ coi quân Tây bị thiêu.

Bỗng ở lòng sông, nước triều dưng lên ầm ầm, tiếp đến cơn giông đùng đùng tự mặt đông bắc đưa lại.

Những thuyền đốt lửa đều trôi ngược về mặt trận bên Nguyễn. Thuyền bè cháy hết, quân Nguyễn nhao nhao nhảy xuống sông.

Quân Tây thừa thế đánh dấn, Tôn Thất Mân bỏ đồn Giác Ngư chạy qua cầu tre, chực sang bên này. Vừa tới giữa sông, cầu trẹ bị quân Tây chặt gẫy, Mân té xuống sông, chết đuối. Ở đồn Thảo Giảng, Dương Công Chừng chống cự không lại, bị Đô đốc Kế bắt sống.

Quân Tây kéo ồ lên bộ, đánh phá khắp các dinh trại trên bờ sông, quân Nguyễn chết như rạ, Tôn Thất Cốc, Châu Văn Tiếp, mỗi người dẫn một toán quân chạy đi mỗi ngả.

Lúc ấy Chúa Nguyễn vẫn quanh quẩn trong đám lao5n quân, chỉ có Duyệt và mấy chục quân Thuộc nội đi theo, còn các tướng sĩ đều bỏ chạy ráo.

Nhờ có Duyệt hết sức che chở, Chúa Nguyễn ra được khỏi đất Gia Định, mặt sau vừa có một toán quân Tây Sơn sầm sập đuổi theo.

Để Chúa Nguyễn và bọn Thuộc nội chạy trước, Duyệt đem mấy tên thủ hạ đón đánh quân địch.

Liều mạng, Duyệt chém một lượt lối năm, sáu người, quân Tây vẫn không chịu lui. May sao Nguyễn Kim Phẩm, Nguyễn Hoàng Đức vừa dẫn một toán quân đến. Hai người ra sức đánh tan đám quân Tây ấy, rồi cùng ráng theo cho kịp Chúa Nguyễn. Đi độ hai dặm, vua tôi mới lại gặp nhau.

Lúc ấy, bộ hạ Chúa Nguyễn, ngoài Duyệt, Phẩm, Đức, chỉ có vài bà tướng nữa và gần trăm quân.

Trời đã tối, gió đông bắc lại càng thổi già, trên đường cát bụi bốc lên mù mịt.

Với mấy chục quân tàn, Duyệt và mấy tướng hộ vệ Chúa Nguyễn lần đường chạy về Ba Giồng.

Lần này là lần thứ hai, giang sơn Ba Giồng chứa những ông chiến tướng bại trận.

Bây giờ mới sịch nhớ đến Vương mẫu và Vương phi. Chúa Nguyễn gan ruột bồn cồn, liền sai Duyệt và Phẩm đem mấy tên quân lẻn đi các ngả tìm kiếm.

Đợi luôn hai ngày không thấy tin tức, Chúa Nguyễn càng lo, không biết mẹ và vợ còn mất thế nào.

Đến ngày thứ ba, trời vừa sáng, Duyệt, Phẩm và Trung thủy Định cùng mấy viên nội giám vừa đưa cung quyến vào dinh. Thấy bóng Vương mẫu và Vương phi, Chúa Nguyễn sung sướng hiện ra sắc mặt, tuy rằng khi ấy Ngài đương ở cảnh bôn ba.

Rồi mấy bữa sau, các tướng bị lạc hôm trước, hay tin Chúa Nguyễn ở đó, họ đều đem quân lại hop.

Trong khoảng nửa tháng, số quân lên vài ngàn.

Tưởng chừng binh lực đã đủ, Chúa Nguyễn muốn quyết một phen sống mái với kẻ thù. Ngài bèn sai Trung thủy Định đem một toán quân Thuộc nội đưa cung quyến chạy ra Mỹ tho, cho khỏi lo ngại trong lúc chiến tranh. Rồi Ngài chia quân ra làm ba cánh, sai Nguyễn Kim Phẩm làm Tiên phong. Nguyễn Hoàng Đức làm hậu ứng, Ngài cùng Tôn Thất Dụ, Nguyễn Đình Thuyên coi cánh trung quân, Duyệt và Đội trưởng Nguyễn Văn Khiêm đem vài chục tên quân hộ giá.

Hai mươi tháng tư, đại quân tiến lên đóng đồn ở xứ Đồng Tuyên.

Chợt thấy trước mặt bụi bay mù mịt, Chúa Nguyễn giục các tướng đem quân bầy trận.

Một lát sau, quân Tây kéo đến đen một góc trời. Phụ chánh Huệ và Phụ mã Đa cưỡi voi cầm cờ, xông pha mặt trận đốc chiến.

Hồi trống ngũ liên chưa dứt, voi ngựa bên Tây xông bừa mặt trận quân Nguyễn, quân Tây hò hét theo sau.

Hỗn chiến chưa đầy một giờ, quân Nguyễn bị giết, bị thương gần hết, những kẻ sống sót tranh nhau chạy tháo lấy thân.

Duyệt và Khiêm chỉ còn vài chục thủ hạ, hai người vừa hộ vệ Chúa Nguyễn, vừa ra sức đánh chém quân Tây mở lấy đường chạy.

Lăn lộn lối hơn một giờ mới ra được khỏi vậy, ngoảnh lại bỗng mất Chúa Nguyễn. Hai người cuống quít, lại múa đao xông vào trong trận.

Đao múa tới đâu, quân Tây đầu rơi tới đó. Lùng khắp trong trận, chỉ thấy xác người nằm chồng lên nhau, máu chảy lầy cả mặt đất, không thấy Chúa Nguyễn đâu hết.

Hai người lại soán với nhau, đánh tuốt trở ra.

Vẫn không thấy Chúa Nguyễn.

Ngó đến quân sỹ, chỉ còn lối năm, sáu người, hai người vẫn hăng hái lộn vào trong đám loạn quân, nhất định tìm Chúa Nguyễn cho được.

Cũng như lần trước, Chúa Nguyễn vẫn không có trong đám loạn quân.

Bấy giờ hai người đều bị nhiều vết thương, máu chảy đỏ cả áo chiến, sức lực cũng đã mỏi mệt.

Đại quân của Phụ mã Đa vừa kéo sập đến.

Hai người liều chết chém giất, nhưng, quân Tây đông quá, đánh không lại, cả hai đều bị bắt sống (3).

Đêm ấy, hai người bị dẫn tới trước mặt Phụ mã Đa một lượt. Sau khi đã hỏi quan chức của Duyệt và Khiêm ở bên Nguyễn, thấy nói một người làm cai đội, một người làm đội trưởng, Phụ mã Đa cho là không quan hệ mấy, liền truyền quân sỹ giam vào trong trại phòng khi có việc dùng đến.

Vài bửa sau, đại binh của Phụ cah1nh Huệ rút về Gia Định, Duyệt và khiêm cùng mấy trăm quân Nguyễn bị bắt, đều bị toán quân của Phụ mã Đa đốc dẫn đi theo. Từ Đồng Tuyên đi lên, dọc đường thỉnh thoảng lại có một đám thây ma nằm còng queo trên vũng máu tím, ruồi nhặng phủ kín một lượt.

Tới Gia Định, cả hai bị nhốt một chỗ.

Hơn hai tháng bó chân trong ngục, Duyệt và Khiêm không ngày nào không nhớ Chúa Nguyễn, chỉ chực phá ngục mà ra. Song chưa có dịp, vì quân Tây canh phòng riết quá.

Một đêm kia, trời mưa như trút, ngoài đường tối đen như mực, đối mặt không trông thấy nhau.

Cửa ngục mấy tên lính gác đều gật gù ngủ gục dưới mấy ngọn đèn lù mù.

Duyệt và Khiêm ngồi trong xó tối, sẻ sẻ bẻ hẩy then gông, dứt đứt dây trói, rồi cùng rón rén đi ra nấp ở bên cạnh cửa ngục.

Một trận gió bắc táp qua, các đèn cửa ngục đều bị thổi tắt.

Thừa cơ, Duyệt và Khiêm lẻn qua trước mặt hai tên canh ngục rồi trốn được thoát.

Bấy giờ đã hết canh ba, trời vẫn mưa, đường vẫn tối, hai người lần mò vào một xóm dân quê, xin bộ đồ khô thay đổi. Gần sáng, mưa tạnh, trời đã hơi quang, hai người bèn lang thang đi xuống Đồng Tuyên dò la tin tức Chúa Nguyễn.

Vừa gặp một tên bộ hạ của Khiên lẩn quất ở đó. Hắn nói trong lúc đánh nhau rối rít, chính mắt hắn thấy Chúa Nguyễn tế ngựa chạy tuốt về mặt Lật Giang, hắn đã ráng sức dượt theo, nhưng mà không kịp.

Tức thì hai người lại lẽo đẽo đi xuống Lật Giang.

Lân la chừng hơn mười ngày, hai người mới dám mon men dò hỏi.

“Có! Trước đây lối ba, bốn tháng, có thấy một ông tướng trẻ tuổi cưỡi ngựa chạy xuống vệ sông, đằng sau lại có một toán quân Tây đuổi theo. Lúc ấy sông không có thuyền, ông tướng ấy phải bỏ ngựa trên bờ, nhảy ùm xuống sông, bơi sang bên kia. Rồi cah5y bạt mạng về đường Rạch Chênh. Không rõ ông tướng ấy là ai.”

Một người đàn bà ở miền Lật Giang kể với hai người như vậy.

Tuy chưa biết đích có phải Chúa Nguyễn đó không, nhưng hai người cũng cứ đi xuống Rạch Chênh hỏi thăm xem sao.

Một người thuyền chài có biết mặt Chúa Nguyễn thuật lại một cách chắn chắn.

– Hôm ấy, không nhớ hôm nào. Đức Chúa bận bộ quần áo lấm láp, cắm đầu chạy đến bờ rạch. Trời đã gần tối, ghe đò đậu hết ở bên bờ kia, trong rạch lại có nhiều cá sấu, không thể bơi qua. May sao vệ rạch có con trâu nằm, Ngài liền nhẩy lên lưng trâu, cầm thừng đuổi nó lội bừa qua sông. Không hiểu rồi Ngài đi đâu!

Nghe nói, hai người đều lo ngại phân vân, vì không biết dò hỏi vào ai cho biết tun tích.

Sịch nhớ hôm trước ở ba Giồng sắp sửa kéo quân lên Đồng Tuyên, Chúa Nguyễn có sai Trung thủy Định đưa Vương mẫu và Vương phi xuống miền Mỹ Tho. Có lẽ bây giờ Ngài đã tới đó viếng thăm cung quyến. Hay là, dù ngài có đi đâu nữa, may ra cung quyến cũng biết tin tức. Nghĩ vậy, Duyệt bèn bàn với Khiêm thử lén xuống miền Mỹ tho.

Từ Rạch Chênh đến Mỹ Tho tuy không xa lắm, nhưng qua quãng đường ấy cũng như qua quãng đường khác, hai người vừa phải kiếm lương thực, vừa phải lánh quân Tây, thường thường chỉ đi ban đêm, ban ngày lại núp một chỗ, cho nên hành trình rất chậm. Khi tới Mỹ Tho đã là đầu tháng ba năm Giáp Thìn (1784).

Cung quyến không có ở đó. Người ta nói rằng: Hồi cuối tháng năm năm ngoái, Chúa Nguyễn có ở Rạch Chênh xuống đó nghỉ một hai ngày. Sau vì có tin quân Tây sắp đến, Ngài cùng Trung thủy Định đốc quân chèo thuyền đưa Vương mẫu và Vương phi ra biển, không rõ các ngài ở đâu.

Hai người đoán chắc Chúa Nguyễn và cung quyến đều ra ngoài đảo Phú Quốc. Xoay xỏa trong năm, sáu ngày mới đủ số tiền thuê một chiếc thuyền, hai người liền vượt thẳng r mặt Phú Quốc.


(1): Theo Đại Nam Nhất Thống Chí.

(2): Theo Đại Nam Nhất Thống Chí.

(3): Theo Đại Nam thực lục chánh biên.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!