02 – Từ chức Thái giám đến ngày thất thủ Gia Định lần thứ nhất

Trận đại chiến chép ở đoạn trên là trận võ công lớn nhứt trong đời Gia Long.

Viên tướng cao lớn bị đạn đại bác chết tại trận là Võ Dy Nguy.

Còn viên tướng thấp nhỏ hăng hái chọi với quân Tây tới cùng thì là Lê Văn Duyệt, tức Tả quân Duyệt, một người đã giúp vua Gia Long xoay lại thời cục nước nhà.

Duyệt sanh tại làng Nhị Bình xứ Ba Giồng (Rạch Gầm, trước là tỉnh Định Tường, nay thuộc về tỉnh Mỹ Tho), nhưng tiên tổ thì vốn là người làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức (nay thuộc về tỉnh Quãng Ngãi).

Trong hồi Chúa Nguyễn Phúc Chú đánh được Chân Lạp, chiếm được xứ Mỹ Tho, đem dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Qui Nhơn, Bình Thuận vào đó mở mang ruộng đất, ông nội Duyệt cũng theo đi, rồi sau sinh cơ lập nghiệp ở đó.

Cha Duyệt là Lê Văn Toại cũng vẫn chuyên nghề cầy cấy, không có quan chức chi hết.

Ông đó sinh được bốn trai, Duyệt là con đầu.

Xưa nay những đứng anh hùng hào kiệt chép ở trong sách, phần nhiều là hạng mình cao bẩy thước, lưng rộng mười gang, diện mạo rất hùng vỹ. Trái lại, Duyệt thì tầm người lùn nhỏ, mặt mũi không lấy gì làm khôi ngô. Vậy mà tinh nhanh, hăng tợn, có tài giỏi lại có sức khỏe. Tánh Duyệt rất ngang tàng, không ưa học văn, chỉ thích học võ.

Khoảng 14 hay 15 tuổi, Duyệt thường nói với bầu bạn:

– Sanh nhầm đời loạn, nếu không dựng nổi cờ trống đại tướng, đặng có công danh ghi vào sử sách, thì không phải là đứng tài trai. (1)

Tánh ngang tàng ấy đã xui Duyệt không lo làm ăn, không thích đi lại với trai trẻ làng xóm, chỉ mãi vào rừng săn bắn.

Nhà Duyệt có nuôi hơn trăm chó săn, đều là giống chó to lớn và dự tợn, nhưng Duyệt dậy dỗ rất có khuôn phép. Hễ Duyệt nạt lớn một tiếng thì con nào con ấy đều phải nem nép nằm im.

Chỗ Duyệt ở chỉ có mấy căn nhà lá. Căn giữa kê bộ ván ngựa, trên trải chiếu hoa và đặt một chiếc gối tựa. Trước bộ ván ngựa lại kê một chiếc ghế bành. Ngày nào Duyệt cũng lau chùi sạch sẽ, chính Duyệt không hề ghé đít vào đó và cũng không cho ai ngồi, từ cha mẹ cho đến những ông to lớn ở làng xóm. Nếu vô ý mà họ men tới, thì Duyệt quở mắng dữ dội, người nào cãi lại sẽ bị đập đánh tức thì, có khi sẽ bị giết nữa.

Một bữa, Duyệt đem bầy chó vào rừng săn, cha Duyệt cũng ra ruộng làm, ở nhà có mình mẹ Duyệt.

Thình lình Chúa Nguyễn (vua Gia Long) đi với bốn viên quan hầu xồng xộc tiến vào nhà.

Thấy ván ngựa có chiếu, có gối sẵn sàng, Chúa Nguyễn liền ghé lên ngồi, còn những quan hầu thì ngồi ghế khác.

Mẹ Duyệt ở trong phòng lấy làm lo cho sự táo bạo của ông khách lạ, bèn chạy ra trước Chúa Nguyễn nằn nỳ:

– Thưa ông, xin mời ông qua ngồi ghế bên …

– Vậy thì chỗ này nhà mụ dành cho ai ngồi?

– Tôi cũng không biết. Từ thủa con tôi kê bộ ván đó, nó không cho ai ngồi hết, chính nó cũng không hề ngồi qua.

– Con mụ tên chi?

– Thưa, tên nó là Duyệt.

– Bây giờ nó đi đâu?

– Thưa, nó đi săn bắn ở đâu trong rừng. Lúc này nó cũng gần về. ông ngồi đây mà nó ngó thấy, chắc là có sự lôi thôi …

– Không hề chi, mụ cứ để cho ta ngồi.

– Tôi nói thật đó. Nếu ông cứ ngồi chỗ này, con tôi về nó sẽ đánh ông …,

– Bọn ta năm người cả thảy, một mình nó đánh làm sao đặng?

– Ủa, con tôi mạnh lắm. Cả làng đánh nó cũng không lại, huống chi năm người các ông, xin mời ông qua ghế khác mà ngồi.

– Được nó đánh thì ta chịu, không can chi tới mụ. Ta cứ ngồi đây để chờ nó về.

Rồi, Chúa Nguyễn liền day mình lại, ngồi xếp bằng tròn ở giữa bộ ván.

Mẹ Duyệt ngăn hoài không được, tức bực lùi cuống nhà dưới.

Một lát sau, quả nhiên Duyệt về. Mọi lần khi gần tới nhà, bầy chó săn của Duyệt nhông nhao chạy xuôi, chạy ngược cùng vườn. Lần này khác hẳn, con nào con nấy coi bộ sợ sệt và đều cúi đầu đi vào trong sân. Duyệt rất lấy làm ngạc nhiên.

Bước vào trong nhà, ngó thấy Chúa Nguyễn, Duyệt tuy chưa biết là ai, nhưng, tự nhiên có ý kính sợ, vội thụp xuống lạy.

Chúa Nguyễn đưa mắt ngó xuống:

– My có phải là tên Duyệt, con trai mụ chủ nhà này không?

– Thưa phải.

– Sao my bây lớn lại không chịu lo lắng việc đời? Trái sanh thời loạn mà cứ để uổng thân danh trong đám cây cỏ?

– Thưa, tôi cũng muốn vậy, nhưng ở đây chẳng người nào có thể cùng mưu công việc, cho nên tôi phải nghêu ngao non nước để đợi thời.

– Bây giờ chúng ta muốn kéo cờ khởi nghĩa, vì nước nhà mà đánh giặc Tây Sơn, trừ bọn họ Trịnh, my chịu theo chăng?

– Tôi chịu lắm.

– Vậy thì trong năm người này, my ưng theo ai?

Duyệt liền đứng dậy nắm tay Chúa Nguyễn:

– Tôi ưng theo ngài.

Cả nhà cười rộ, rồi mới kể rõ lai lịch cho Duyệt nghe. Khi đã biết ông khách ngồi đó chính là Chúa Nguyễn, thì Duyệt mừng rỡ vô hạn.

Chiều đó, sau khi đã làm cơm thết Chúa Nguyễn và các quan hầu xong rồi, Duyệt bèn nói rõ công việc cho mẹ hay, rồi từ giã mẹ, theo Chúa Nguyễn lên Gia Định.

Trở lên là lời của dã sử chép theo những tin tục truyền.

Sự thực thì Duyệt gặp Chúa Nguyễn chỉ vì cái tướng ẩn cung (2) mà trời đã phú cho Duyệt.

Năm ấy là năm Canh Tý (1780), Chúa Nguyễn mới nối ngôi Chúa ở Gia Định và mới lấy con gái Tống Phúc Khuâng làm vợ.

Cố nhiên, cũng như các vua chúa khác, ngài phải cần đến hoạn quan để trông coi trong nội đình.

Bởi Duyệt ẩn cung, cho nên được kén làm chức Thái Giám.

Một người ngang tàng như Duyệt mà bị nhốt vào với bọn quan Thị, đêm ngày chầu chực mấy người đàn bà, đâu có phải là sở nguyện của Duyệt? Tuy vậy, Duyệt cũng lãnh nhận, vì nó là bước đầu để Duyệt ra đời.

Hồi ấy Duyệt mới 17 tuổi, mà rất lanh lợi, công việc nội đình rất thạo, Chúa Nguyễn có ý ngợi khen, thăng cho lên chức Thuộc nội cai đội, coi hai đội Thuộc nội.

Thuộc nội là đạo quân thường ở chung quanh cung quyến và Chúa Nguyễn, vô sự thì hầu hạ, canh phòng, lâm trận thì phải tranh chiến để hộ vệ cho những người ấy. Vì vậy, từ khi thiên qua thuộc nội, Duyệt càng gần Chúa Nguyễn luôn luôn.

Thời cục nước nhà khi ấy thật là sôi như vạc dầu.

Ngoài Bắc, Trịnh Sâm vẫn lất át vua Lê, triều đình mỗi ngày mỗi mất kỷ cang. Bọn lính Tam phủ vẫn cậy công, cậy thế, luôn luôn đốt nhà giết người. Các nơi thôn quê, giặc cướp nổi lên như ong, đầu chỉ trông cho có loạn.

Khoảng giữa, Nguyễn Nhạc đã chiếm hết giang sơn cũ của họ Nguyễn (từ Nghệ An đến Phan Thiết), tự lập mình làm hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Thế lực Tây Sơn đã càng gna2y càng mạnh, lại có Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và bọn Thái bảo Tham, Thái úy Hưng, Phụ mã Đa và nhiều tay đại tướng khác đồng tâm hiệp lực, chỉ lăm le nuốt gọn từ Bắc đến Nam.

Còn ở trong Nam, Chúa Nguyễn – sau khi thất thủ Sài Gòn, siêu bạt ra đảo Phú Quốc – tuy nhờ có bọn Đỗ Thanh Nhân kéo quân Đông Sơn lấy lại Sài Gòn mà rước Ngài về làm Chúa, nhưng bịnh lực vẫn còn đang nhược. Ngài làm Chúa đã hơn một năm, mà số quân thủy bộ ở các dinh trong ngoài, mới có chưa đầy ba vạn và tám chục chiếc thuyền hải đạo lớn, ba chiếc chiến thuyền, hai chiếc tầu Tây (3). Tướng tá thì ngoài Đỗ Thanh Nhân, chỉ có bọn Hồ Văn Lân, Dương Công Chừng, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Kim Phẩm, Lê Văn Quân, và mấy ông tôn thất, tất cả độ vài chục người mà thôi.

Vậy mà Chúa Nguyễn vẫn không quên sự báo thù, đêm ngày lo lấy lại cơ nghiệp của tiên tổ.

Cái buổi quân hùng đua đuổi, vận nước ròn ren như vậy, chính là dịp rất tốt cho bọn hào kiệt ra sức vẫy vùng, chỉ vì Duyệt quan nhỏ, ngôi thấp, thủ hạ không có bao nhiêu, mà lại là quân Thuộc nội, cho nên sự tiến thân hãy còn chật vật.

Sau đó một năm, Đỗ Thanh Nhân vì đối với Chúa Nguyễn không chịu giữ lễ, Chúa Nguyễn đánh lừa vào cung, sai người bắt giết. Thủ hạ Thanh Nhân có ý căm hờn, họ bèn kéo về Ba Giồng ăn cướp. Các tướng thấy vậy, nhiều người nản lòng.

Tin đó ra đến Qui Nhơn, vua Tây Sơn báo với quần thần:

– Đỗ Thanh Nhân chết rồi. Các tướng Gia Định không còn người đáng đếm xỉa nữa .. Nguyễn Ánh giết Đỗ Thanh Nhân, tức là tự mình chặt cánh tay phải của mình. Số va đã tới ngày chết (4).

Rồi vua Tây Sơn thống lãnh hai trăm chiến thuyền, một vạn quân thủy bộ, vượt biển vào đánh Chúa Nguyễn. Cùng đi theo Ngài, có Phụ chánh Huệ (Nguyễn Huệ), Phụ mã Đa, Thái bảo Tham, Tái úy Hưng, Đô đốc Học và nhiều tướng khác.

Tháng năm năm ấy (Nhâm Dần), đại đội quân Tây vào đến cửa biển Cần Giờ, thanh thế rất mạnh.

Giữa lúc tin cáo cấp báo đến Chúa Nguyễn, Duyệt cũng đứng hầu bên cạnh. Tức khắc Chúa Nguyễn sai Duyệt sắm sửa đồ đạc cùng Trung thủy Dính lấy mấy chiếc thuyền đưa Vương mẫu, Vương phi xuống Ba Giồng tạm lánh, một mặt tự mình dự bị chiến thuyền kéo ra cứu viện, một mặt hạ lệnh cho Chưởng cơ Thiêm, Thưởng cơ Lộc và Cai cơ Man Hòe (Manuel) đem một đội chiến thuyền, một chiếc tầu Tây và năm nghìn thủy binh bầy trận ở cửa sông Ngả Bẩy ngăn cản quân địch (5).

Bữa ấy ngằm ngày mồng mười. Trời mới sáng rõ, gió Đông Nam nổi lên đùng đùng.

Thuyền bè quan Tây thuận buồm xuôi gió tự ngoài cửa biển tiến vào nhanh như ngựa chạy. Phụ chính Huệ và Đô đốc Học, Thái bảo Tham mỗi người cưỡi một chiếc thuyền đốc chiến.

Bên này Chưởng cơ Lộc, Chưởng cơ Thiêm và Cai cơ Mạn Hòe cùng ở mặt trận cầm quân.

Một trận bắn chém dữ dội. Bên Nguyễn chiến thuyền bị đắm gần hết, quân sỹ chết xuống biển đến hai phần ba.

Với một đoàn thuyền và một toán thủy quân hộ vệ, Chưởng cơ Lộc và Chưởng cơ Thiêm theo ngược giòng sông chạy lùi.

Mặt trận còn trơ một chiếc tầu Tây do Mạn Hòe chỉ huy.

Quân Tây vây kín chung quanh như quân đèn cù.

Với hơn trăm quân và một khẩu đại bác, thầy cai Tây dương ra sức chống lại bên địch.

Giao chiến khoảng nửa giờ nữa, chiếc tầu Tây lùi lại tiến, tiến lại lùi, tiếng đại bác vẫn đoành hoành nổ. Quân Tây nhiều người bị đạn.

Bỗng ngoài hàng thuyền Tây có ngọn khói bốc.

Hàng nghìn bó đuốc có lửa đồng thời liệng lên tầu của Mạn Hòe. Tức thì trên tầu lửa cháy đùng đùng.

Thầy cai Tây dương đã vì Chúa Nguyễn mà thiêu mình với hơn trăm thủy quân.

Thừa thắng, quân Tây kéo thẳng vào đánh Gia Định.

Chúa Nguyễn từ lúc nghe tin bại trận, đã tức khắc đem một đàon binh thuyền cùng bọn Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Kim Phẩm, … kéo ra tiếp ứng. Tới sông Ngả Ba vừa gặp quân Tây ập đến. Chúa Nguyễn mặc áo giầy, đội nón trận, đứng trên đầu thuyền phất cờ đốc quân.

Quân Nguyễn đánh rất hăng gấp, nhưng vẫn không thể địch lại bới oai thắng trận của quân Tây. Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Kim Phẩm ra sức chém giết, quân Tây vẫn hùng dũng theo hiệu trống trận lăn xả vào áp mặt trận quân Nguyễn.

Chiến thuyền bên Nguyễn đều do kiểu thuyền của Đỗ Thanh Nhân chế ra, mỗi chiếc đều có hai từng: Từng trên để chiến binh đứng, bốn bề bỏ trống. Thủy thủ nấp ở từng dưới, chung quanh đều có phên dậu che chắn kín như cái buồng, gươm giáo bên địch ít khi vào tới. Nhờ vậy, thủy thủ ít chết mà thủy binh thì bị thương bị chém rất nhiều.

Thế trận núng quá. Chúa Nguyễn truyền quân trèo thuyền chạy lui.

Một viên đạn tự bên quân Tây bắn sang, nhằm giữa cây cột trong chiếc thuyền của Chúa Nguyễn đứng, cây cột gẫy khịu, từng trên thuyền ấy lún hẳn một góc, quân sỹ trên thuyền đều sợ tái mặt.

Quân Tây càng ra sức đuổi dấn.

Khẩu súng bắn chim trong tay đã nạp đạn sẵn, Chúa Nguyễn tức thì quay sang quân Tây bắn luôn mấy phát.

Súng ấy vốn của người Tây tặng cho Chúa Nguyễn, bắn bằng hạt kíp, mau nổ hơn súng bắn bằng bông mai của người mình, Chúa Nguyễn lại rất giỏi bắn, mỗi viên đạn phải có một người bị thương. Quân Tây thấy vậy cũng sợ, không dám đuổi gấp như trước.

Quân Nguyễn vừa đánh vừa chạy, gần tối thì về đến Ngưu Chữ. Bây giờ Chưởng cơ Lộc, Chưởng cơ Thiêm và toán bại binh cũng về tới nơi. Thuyền vừa đóng bến, phía hạ lưu đã thấy bóng lửa lấp ló, trống thúc người reo ầm ầm. Một lát sau, đại đội quân Tây đã kéo ập tới.

Lại một trận xô sát kịch liệt, quân Nguyễn thiệt hại quá nửa. Chúa Nguyễn phải bỏ Ngưu Chữ, rút quân vào thành Gia Định.

Theo lệnh Chúa Nguyễn, Chưởng cơ Lộc, Chưởng cơ Thiêm, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Kim Phẩm mỗi người lãnh một toán quân đóng ở ngoài thành phòng bị quân địch đến đánh.

Sáng mai, quân Tây ở Ngưu Chữ kéo lên đông như kiến cỏ. Đánh nhau luôn mấy trận, quân Nguyễn đều bị thua. Chúa Nguyễn liệu chừng thành Gia Định không thể giữ, đêm ấy, ngài để Chưởng cơ Thiêm và Chưởng cơ Lộc thu thập tàn quân đi sau. Tự mình và các tướng tá, lừa lúc trời tối, đem tụi thân binh cất lén xuống thuyền ấy chạy tuốt về miệt Ba Giồng.

Lúc ấy Duyệt và Trung thúy Định đã đưa Vưởng mẫu, Vương Phi và gia quyến Chúa Nguyễn đến Ba Giồng từ hôm trước rồi. Nghe tin Chúa Nguyễn mới tới. Duyệt liền dẫn mấy tên lính Thuộc nội ra đón vào trại. Mẹ con, vợ chồng gặp nhau, ai nấy mừng mừng tủi tủi, vừa nói chuyện vừa ứa nước mắt. Thấy Duyệt hộ vệ cung quyến một cách cẩn thận, Chúa Nguyễn cũng yên lòng trong khi mình phải công pha tên đạn.

Ở đó năm sáu ngày, Chúa Nguyễn mong hoài không thấy Chưởng cơ Thiêm và Chưởng cơ Lộc. Thì ra hai tướng đã bị dư đảng của cánh Đông Sơn (cánh Đỗ Thanh Nhân) đón bắt và giết chết ở giữa đường rồi.

Cách vài bữa sau, tướng sĩ các nơi lục tục tìm đến, rồi bọn Tôn thất Dụ, Trần Xuân Trạch, Trần Văn Thuận ở Bình Thuận cũng đều đem quân vào cứu, quân thế lại mạnh.

Chợt có tin báo quân Tây đã sắp đến đánh. Chúa Nguyễn sợ rằng Ba Giồng không phải là chỗ dụng vụ, liền sai Duyệt cùng Dính đưa cung quyến chạy trước về miệt Gò Lã, rồi ngài và các tướng dẫn binh thuyền đi sau.

Nguyễn Kim Phẩm và Nguyễn Hoàng Đức liền đem quân đắp ụ hai bên bờ sông, phòng khi quân địch đuổi đến, thì nấp ở đó mà đánh.

Quả nhiên ụ đắp vừa xong, Đô đốc Học vừa dẫn một đội chiến thuyền ập đến.

Chúa Nguyễn đương ở trong trại, nghe tin phi báo, Ngài liền chống ngược thanh gươm đứng phắt dậy, ra luôn đầu thuyền đốc chiến.

Giữa lúc hai bên đâm chém lộn bậy, Kim Phẩm và Hoàng Đức nấp ở hai bên ụ đất, đột nhiên kéo quân đánh vào hai phía tả hữu quân Tây. Đo đốc Học vì bất ngời bị Kim Phẩm chém chết ta65i trận. Quân Tây khiếp đãm tranh nhau chèo thuyền chạy trốn, bỏ lại trên sông hơn ba chục chiếc thuyền và vô số khí giới.

Chúa Nguyễn và các tướng đốc quân đuổi theo đến dinh Chân Định. Trời vừa tối, Ngài liền truyền lệnh đóng quân lại đó, rồi sai người về Gò Lã bảo Duyệt hộ tống cung quyến lên đó cho khỏi lo ngại.

Đêm ấy, Duyệt và Trung thủy Định đưa cung quyến tới dinh Chan Định. Sáng mai, Chúa Nguyễn dặn Duyệt ở lại trông nom mẹ và vợ con mình, giao cho Lưu thủ Thăng, Tiên phong Thúy lãnh quân giữ dinh Chân Định. Rồi Chúa Nguyễn cùng bọn Hoàng Đức Kim Phẩm kéo quân tiến lên. Tới sông Ngã Tư, vừa gặp đại binh của Phụ chánh Huệ tràn xuống.

Cố nhiên sức quân ô hợp của Chúa Nguyễn không thể địch với hùng oai của con hùm thiêng Tây Sơn. Giao chiến được mấy khắc, quân Nguyễn chết la chết liệt, Chúa Nguyễn phải dẫn đại binh về giữ Lật Giang.

Giữa lúc nguy cấp, may có Lưu thủ Thăng, Tiên phong Thúy tự dinh Chân Định đem một đoàn thuyền lại cứu, Duyệt cũng hộ vệ cung quyến cùng đi trong đoàn thuyền ấy. Các tướng đón được Chúa Nguyễn chạy về Hậu Giang.

Lại có tin báo quân Tây sắp đến.

Chúa Nguyễn liền sai Nguyễn Hữu Thụy, Trần Xuân Trạch và Cai cơ Cao Phúc Trí đi qua nước Chân Lạp sang nước Xiêm La cầu cứu, rồi ngài cùng các tướng chạy xuống Rạch Giá.

Lúc này nước Chân Lạp đã theo về Tây Sơn. Nghe tin bọn Nguyễn Hữu Thụy đi qua, họ liền bắt giết ba người, rồi đem ba chục chiếc thuyền đuổi theo Chúa Nguyễn.

Tình hình phen này mới gấp. Chúa Nguyễn không kịp nghĩ đến gia quyến. Ngài cùng mấy viên tướng tá chạy tuốt ra miệt Hà Tiên, chờ đến đêm tối, cưỡi chiếc thuyền nhỏ vượt biển trốn ra đảo Phú Quốc.

Khi ấy gia quyến Chúa Nguyễn vẫn lẩn lút ở miền Rạch Giá, nhờ có Duyệt rất khéo léo che chở, cho nên không hề xẩy ra chuyện gì.

Mấy bữa sau, tình cờ gặp Tiên phong Thúy, biết tin Chúa Nguyễn đã ở Phú Quốc, Duyệt và Thúy bèn đưa cung quyến ra đó.

Thế là cả vùng Gia Định (6) đều thuộc về Tây Sơn.


(1): Theo Đại Nam tiền chánh liệt truyện.

(2): Tức là không có ngoại thận (tục kêu bộ nắp).

(3): Theo Đại Nam thực lục chính biên.

(4): Theo Tây Sơn thuật lược.

(5): Theo Đại Nam thực lục chính biên.

(6): Tức là cả xứ Nam Kỳ bây giờ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!