Phần 01

Năm bảy năm về trước, tuy em còn nhỏ tuổi, mà mỗi khi nghe ai hát tới câu phương ngôn nầy của ta: “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, hay hoặc tự mình có khi nhớ đến, là trong óc phát ra một điều cảm giác lạ lắm. Cũng muốn đi cho biết đó biết đây, chớ tối ngày chỉ ra vào nơi cửa các phòng khuê, ngắm cảnh vật bằng câu văn cuốn sách, buồn lắm. Sự học của người ta, không phải ở trên đầu ghế nhà trường, và trong mấy cuốn sách mà đã là đủ; phải học ở trường thiên nhiên của tạo vật nữa mới được, điều khôn lẽ phải của con người đều do ở nơi lịch duyệt mà ra. Nhưng chỉ bực mình sanh ra làm phận đào thơ liễu yếu, lại ở trong cái hoàn cảnh nước mình, phần vì phép tắc trong gia đình, phần vì sự “trông vào” của xã hội, khiến cho một người con gái phải giữ gìn từng bước đi bước đứng, tiếng nói tiếng cười thành ra không có cái hạnh phước được như bạn đờn ông con trai có quyền tự do, mặc sức nay bắc mai nam, tự ý chưn trời góc biển. Nhiều khi em nghĩ tới nông nỗi ấy mà ngán ngẩm cho mình, tưởng đâu như cái chí thú của mình muốn đi cho biết đó biết đây, có lẽ không bao giờ thành ra sự thiệt đặng.

Song may là gia đình em không có bó buộc quá về thói xưa tục cũ. Thân phụ em là một người rất hiểu thời biết thế, thường dạy biểu con cái trong nhà nên giữ cũ mà cũng nên theo mới; giữ là giữ những điều hay, theo là theo những việc phải. Thân phụ em cũng biết ý em muốn “đi cho biết đó biết đây”, cho nên trong khi em còn đi học, mỗi dịp bãi trường, mà có anh em cô bác đi đâu xa, đều cho em đi theo. Ổng nói: “Cho nó đi đặng cho nó sáng mắt”. Nhờ vậy mà xa thì núi Tản sông Lô, gần thì giòng Hương đỉnh Ngự, em đã có phen được ghé mắt để chưn. Đã từng thấy chỗ nào là thành xưa miếu cổ, mà lịch sử để lại dấu hưng vong. Đã từng thấy chỗ nào là vua Nguyễn Quang Trung chôn mấy vạn binh Tầu để giữ quyền tự chủ cho nước. Đã từng thấy chỗ nào là động Hương Tích, là vịnh Hạ Long, mà phải vái lạy cái kỳ công của tạo hóa. Đã từng thấy chỗ nào vẫn còn xiêm xiêm, áo áo, phấn phấn, son son, hình như họ không biết đau lòng những việc đã qua, lại thêm để trò cười cho thiên hạ. Cũng đã từng thấy những chỗ nào còn có bia tàn tháp cổ của dân Chiêm Thành, bây giờ cỏ mọc rêu phong, đất còn người mất …

Thấy như vậy đó, tuy là mười phần mới được một hai, nhưng cũng còn hơn là cúi gằm đầu ở trên cuốn lịch sử và sách địa dư, thì đất nước xa hay gần, núi non cao hay thấp, cảnh vật tốt hay xấu, cuộc đời vui hay buồn, có bao giờ mình tưởng tượng ra cho được. Em lấy làm khoan khoái trong lòng và được sáng tỏ con mắt ra nhiều lắm đến nỗi chẳng biết văn chương là gì, cũng dám đặt để cho thành câu lục bát để ngâm chơi: Phấn son chẳng thẹn má hồng, Phú Xuân đã trải, Thăng Long cũng từng. Đã có ý tự cao, tưởng mình là hạng con gái biết rộng thấy xa lắm rồi đó. Chẳng những đã gặp duyên phận hơn phần nhiều chị em mình, mà tới bạn râu mày, chẳng may mà gặp em hỏi cho một vài câu về lịch sử và địa dư nước nhà, có lẽ nhiều anh cũng bí. Mấy anh chớ có vội khinh em gái như em!

Nói vậy mà chơi đó thôi, chớ võ trụ bao la, kiến văn học thức của người ta đã biết đâu là bờ là bến. Học chút nào hay chút nấy, thấy tới đâu biết tới đó mà thôi. Ở rạch ra sông, thấy sông chảy cuồn cuộn, đã tưởng là sông lớn rồi, nhưng tới khi ra biển, thấy biển nước minh mông, mới hay là biển rộng. Mình mới thấy quanh đất nước mình, đừng có vội tự cao. Ông Stendal chẳng nói đó sao: “Võ trụ là cuốn sách lớn, mình mới thấy đất nước mình, là mới mở chương đầu ra đó mà thôi”.

Tục ngữ ta có câu: “Được voi đòi tiên”. Em đã được du lịch trong đất nước nhà, lại còn muốn làm sao cho thấy đất nước của người ta nữa. Cái tư tưởng ấy, cái hy vọng ấy, sau khi ở nhà trường ra rồi, càng thấy nó sôi như dầu nóng như lửa. Ngày đêm tâm tâm niệm niệm, sao cho có cơ hội. Nà cơ hội nào cho bằng cơ hội nầy: nhà có tiền, tuổi còn trẻ, má hồng còn rảnh, chỉ thắm chưa trao, nếu không đi thì còn đợi tới bao giờ? Tới lúc cùng ai lo “tát biển Đông”, làm cái “máy đẻ con” cho xã hội, rồi thì tay bồng tay mang, việc nhà việc cửa, thức khuya dậy sớm, tính gạo lo tiền, một thân gánh vác non sông, trăm việc buộc ràng thân thế, thì còn rời đi đâu được một bước nữa.

Nhưng mà đi đâu.

Con trai Nam Việt, làm thân ngang tàng bảy thước, có chí hồ thỉ bốn phương, mà muốn bước chưn ra khỏi bức địa đồ nầy – ông Tản Đà kêu là “bức địa đồ rách”.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!