Phần 02

Tàu chạy được gần hai ngày, mặt biển êm lặng như không, mà em vẫn say sóng lừ đừ, chẳng qua chỉ bởi mình chưa quen, cho nên chiếc tàu hơi lúc lắc chút đĩnh, là đã say song rồi. Mới ra Đông hải mà đã như vậy, mấy bữa nữa qua biển Ấn Độ, thì chịu làm sao được. Đòi đi làm chi, để gánh vác cái khổ nhức đầu chóng mặt nầy vào mình!

Cô Nhựt Bổn đi ăn cơm chiều về phòng, thấy đồ ăn của em biểu bồi đem lại phòng còn để y nguyên đó chưa ăn; cô nói:

– Trời ôi! Mặt biển phẳng như trên tờ giấy trắng, mà cô say sóng dữ như vậy sao? Phải lên sân tàu hóng gió một chút thì tự nhiên nó hết.

Cô nói bằng tiếng Pháp rõ ràng, chắc cô chưa biết em là người nước nào, nhưng đã đi quá giang tàu Pháp, thì hẳn cũng có biết tiếng Pháp đôi chút vậy. Cô noi rồi, đỡ em ngồi dậy, làm điệu dáng một cách như chị em thân thiết trong nhà, rồi rủ em lên sân tàu chơi.

Lên sân tàu, thì thiệt em thấy trong mình dễ chịu liền, là nhờ có gió và không khí thoáng hơn. Té ra sau em mới hiểu rằng cái nghề đi biển, cứ chường mặt ra với sóng bao nhiêu thì càng không say, chớ nếu nằm hoài trong phòng, nó kín gió và ngột hơi, tự nhiên là mình phải khó chịu. Chúng tôi đứng dựa bên thành tày, ngó trăng xem nước; em thấy bóng trăng mờ tỏ, mặt nước mình mông, ngó xa xa như mòn con mắt mình, mà không thấy cái gì ngăn cản hết, thì trong lòng mình nghe như sanh ra một mối tư tưởng phóng khoáng lạ lùng. Phải chi tạo hóa lăn người ta vào cuộc đời, mà cuộc đời cứ thẳng băng như thế kia, đừng có gì chán chường con mắt, đừng có gì đau xót trong lòng, thì ai có chán đời làm chi.

Song nghĩ lại cái cảnh “chưn mây mặt nước, một màu xa xa” như vầy, chẳng qua chỉ làm rung động lòng thơ của mình trong giây lát mà thôi, chớ nhắm mải trông hoài, thì thấy nó mất hết thú vị. Trước con mắt nếu không có cái bông mới nở, chiếc lá gần tàn, để làm cái đích mỹ quan cho mình; nếu chỉ trông thẳng băng mà không thấy gì, thì tưởng người mù tưởng tượng cũng ra, mình cần gì phải có con mắt. Cũng như cuộc đời, nếu không có những khi buồn, khi vui, khi cười, khi khóc, nó chen lộn với nhau để cho cuộc đời thêm vị, thì ai cần đời làm chi.

 Em đương nghĩ vẩn vơ trong đầu, thì cô Nhựt Bổn chỉ tay ra phía xa xa mà nói rằng:

– Còn mấy giờ đổng hồ nữa thì tới Singapour. Tới đó, chị em ta sẽ dắt nhau lên chơi.

Em chưa kịp nói gì, thì cô đã nói tiếp:

– Chỗ ấy tuy không phồn hoa nhiệt náo gì, nhưng mà cái hình thế nó tốt đẹp không thua gì Hương Cảng. Người quí quốc ở đông lắm. Tôi chịu cái chí của người quí quốc đi xa doanh nghiệp khắp dưới bóng mặt trời đâu cũng tới nơi …

Em nghe mấy câu ấu, trong lòng đã hổ thầm, chúng mình có … đi tới đâu mà di dân doanh nghiệp?… Thôi, chắc hẳn cô nầy lầm em là người quê hương của bà Trịnh Dục Tú rồi; em lật đật chặn ngang mà nói rằng:

– Cô tưởng tôi là người Trung Quốc phải không?

Cô có ý ngạc nhiên nói:

– Phải! Vậy chớ cô là người ở đâu?

– Tôi là người Việt Nam.

Nói tới mấy tiếng nầy, em cố ý nhìn kỹ coi cái cảm giác ở trên nét mặt của cô ra sao, thì thấy nét mặt vẫn hòa nhã như thường, chỉ gục gặc đầu hai ba cái, ..

Trong khi em chưa kịp hỏi, thì cô đã nói rằng:

– Tôi là người Nhựt Bổn, học sanh trường Đại học Sư phạm ở Đông Kinh, đã tốt nghiệp, nay đi sang Pháp, Anh, Đức và Huê Kỳ để khảo cứu về việc phụ nữ giáo dục của họ. Còn cô đi đâu đây, và có mục đích gì.

Em cũng nói thiệt là đi sang Pháp du lịch mà thôi chớ không có mục đích gì khác.

***

8 giờ sáng bữa 24 Mars, thì tàu tới Singapour. Cô Thượng Xuyên Cúc Tử (tức là tên cô Nhựt Bổn đó, từ đây trở xuống kêu tên cho tiện) rủ em lên bờ chơi. Cửa biển nầy, hễ khi nào tàu tới buổi chiều hay buổi tối, thì mới đậu cách đêm, còn tới ban ngày, thì bao giờ cũng đậu chừng bốn năm giờ đồng hồ là chạy, vì họ không có hành khách và hàng hóa bao nhiêu. Đất của ai thì là mối hàng của kẻ ấy, chẳng lạ gì. Chuyến nầy tàu tới buổi sớm, chỉ tính đậu tới 12 giờ trưa là chạy. Vì vậy mà riêng phần em tuy có lên bờ, nhưng cũng là đi chơi qua loa cho biết, chớ không xem xét gì được hết.

Singapour là một thành phố của người Hồng Mao, dân cư đông lắm, nghe nói tới trên 30 vạn người, mà phần nhiều là người Trung Hoa, chiếm được cái địa vị rất lớn trên trường kinh tế. Ta coi thế lực người Huê kiều ở đây còn đồ sộ lớn lao hơn ở Chợ Lớn của mình nhiều. Nơi nào ở dưới quyền thống trị của người Hồng Mao, thì dường như họ xếp đặt sửa sang có phần lịch sự hơn những nơi thuộc về các dân tộc khác. Rồi đây còn coi Coi..Said (bị mờ), thì càng thấy rõ ràng lắm.

Chúng tôi … (bị nhòe) … đi một vòng thành phố, thấy địa thế của nó … (bị nhòe) … rộng bằng Sài Gòn, nhưng đến những đường … (bị nhòe) … thì thấy nguy nga và sạch sẽ hơn nhiều. Singapour … (bị nhòe) … có vẻ rộn rịp, và sự giao thông cũng tiện … (bị nhòe) … hơn. Thứ xe điện không có đường rầy ở … (bị nhòe) … điều lạ, nó cứ chạy thinh thang ở trên đường … (bị nhòe) …. xe kéo và xe hơi, mà muốn tránh qua bên nào cũng được, muốn đi qua ngả nào cũng được, không phải nhứt định như thứ xe có đường sắt. Xe kéo thì là độc quyền của người Trung Quốc, chớ người Mã Lai họ không thèm làm.

Cuộc buôn bán ở đây, theo cái chế độ tự do mậu dịch (le libre échange) của người Hồng Mao, nghĩa là nước nào có sản vật hay đồ chế tạo gì, cứ đem tới đó bán tự do thong thả, không phải đóng thuế nhập cảng. Chỉ trừ ra có những thứ hàng hóa như rượu, thuốc hút, cùng là những thứ hàng mà họ gọi là “đồ sang trọng” thì mới phải đóng thuế, vì những thứ hàng ấy, ai nhiều tiền dư bạc, thì mua xài cho sang trọng, chớ nó không cần dùng cho sự sanh hoạt của người ta, cho nên phải chịu thuế.

Bởi vậy những hải cảng nào của người Hồng Mao, ta mua vật gì cũng rẻ bằng phân nửa nơi khác, vì nhà buôn không phải chịu thuế hàng hóa, thì tự nhiên họ bán rẻ được. Xứ nào làm được cái chế độ nầy, là họ đã tới trình độ rất cao trong trường kinh tế rồi. Cả hoàn cầu, chỉ mới thấy có nước Hồng Mao như vậy; nó trái với chế độ của mọi nước khác là chế độ bảo hộ hóa vật (protectionnisme), đánh thuế nặng những thứ hàng hóa ở ngoài vào, để bảo hộ cho những nhà chế tạo, chớ không phải là bỏ hộ cho người mua hàng.

Còn cái chế độ tự do mậu dịch thì không chịu như vậy; những người chủ trương cái thuyết nầy lại lo bảo hộ cho người mua, chớ không bảo hộ cho nhà chế tạo. Họ nói rằng: không có lý nào chỉ bảo hộ cho mấy nhà chế tạo là một số ít, lại để cho người mua hàng phải chịu cao giá trong khi mua hàng của ngoại quốc, là thứ hàng mình phải cần dùng tới. Vì vậy, họ cứ cho đồ ngoại hóa vào để cạnh tranh với đồ mình, mà không đánh thuế gì hết, để cho hàng hóa được rẻ, lợi cho người mua.

Cái chế độ ấy tuy thiệt là hay, song chắc hẳn mấy nước đàn anh trong thương nghiệp như là nước Hồng Mao mới làm được, nếu như những nước mua bán còn chật hẹp, đồ chế tạo còn vụng về như xứ mình, mà làm cách tự do mậu dịch, thì chắc mấy nhà công nghệ nhỏ phải chết đói.

Đi chơi một hồi, rồi chúng tôi vô trong một cái tửu điếm của người Nhựt, uống nước giải khát. Cô Cúc Tử nói với em rằng:

– Thôi bây giờ cô hãy đi về tàu trước, cho phép tôi đi thăm người con gái ông Lãnh sự Nhựt ở đây, là chị em bạn học với tôi ngày trước.

Cô đi, rồi tôi về tàu, thấy trong người đã mệt mỏi lắm, vì mùa nầy ở đây, còn nóng dữ hơn bên mình nhiều.

Đúng 12 giờ trưa, thì tàu mở máy, từ biệt Singapour để chạy sang Colombo.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!