Chương VII – Chung

Chung cuộc người ngay an phận,

Đáo đầu đứa dữ vong thân.

Nói về Trương Bá Vạn lúc nhảy xuống sông, vì bị trong mình có lộn hơn mười nén bạc nên nặng quá chẳng nổi lên đặng. Phần thì lúc ấy nước chảy lớn cho nên trên mặt thì coi nhẫn còn đổ xuống, song dưới đáy sông thì nước đã có hơi chảy vô rồi, Trương Bá Vạn bị bạc nó neo xuống đáy sông rồi nước đưa lần lần lên hoài; sấp bạn chẳng biết, thấy nước còn chảy ra thì cứ lặn kiếm từ chỗ mũi ghe dài xuống xuôi theo dòng nước trên mặt, chớ chẳng kiếm ngược trở lên cho nên mới tìm không đặng.

Ghe đi rồi ba bữa, Trương Bá Vạn ta mới ló mặt lên mà mập mạp hơn xưa, lại gặp nhầm quân hoang, nó mới mở lưng lấy hết bạc tiền, rồi bỏ thây trôi dật dờ trên mặt nước, làm làng xóm phải mua chiếu đem bó lại, rồi đào lỗ mà dập bên mé sông ấy.

Đây nói về bọn Vương Thế Trân khi tàu buôn vớt lên rồi thay đổi quần áo khô khan hỏi thăm mới biết tàu ấy chạy thẳng qua Mã Cao. Ai nấy đều rầu. Vì tuy khỏi thác mà nay lại phải phiêu lưu đến xứ lạ lùng biết làm sao mà dung thân cho đặng? Cả bộ hành dưới tàu thấy mấy người bị hoạn họa ấy thì áp nhau xúm lại coi.

Có một người Thanh Khách tướng mạo phương phi, tuổi lối năm mươi ngoài, coi có khí tượng người sang, lại nhắm Vương Thế Trân rồi lấy viết, giấu mực đam lại viết hỏi Vương Thế Trân có phải là người Annam không?

Vương Thế Trân lấy viết viết lại nói phải. Ông ấy thấy biết hiểu chữ Tàu mà trả lời lại đặng thì mừng liền viết nữa hỏi:

– Vậy chớ đi đâu? Tính việc gì, làm sao mà đến bị tàu đụng.

Vương Thế Trân mới lấy viết tả hết thế mình tính, việc mình làm và cuộc mình đã gặp tự đầu chí đuôi cho người ấy biết. Viết rồi đưa cho người ấy coi thì coi bộ mầng rỡ trầm trồ hoài, vì tuy là Vương Thế Trân viết xỉu xỉu qua đặng nói chuyện, song người ấy biết quả là một tay văn chương lỗi lạc chớ chẳng phải tầm thường.

Vương Thế Trân thấy ý người ấy khen ngợi ưa mến mình liền lấy viết, viết ít câu mà than rằng:

– Nay tôi tuy khỏi chết song phải bị phiêu lưu đến xứ lạ lùng, tiếng tăm của người chẳng thạo thì biết lấy chi mà dung thân cho đặng.

Người ấy thấy vậy thì lật đật trả lời lại rằng:

– Tôi họ Quách, nhà giàu có lớn, thiên hạ thảy đều kêu tôi là Quách Thiên hộ, nhà ở tại Mã Cao song có lập nhiều tiệm buôn bán lớn ở Phố Mới và Hương Cảng. Nay một là thấy chú em hoạn nạn, hai là thấy tài tình của chú em thì tôi hết lòng thương. Vậy thì khi đến Mã Cao rồi tôi sẽ đem chú em về nhà tôi mà coi dùm việc sổ sách cho tôi, mỗi tháng tôi sẽ tính tiền công cho, để dành đó phòng ngày sau có trở về cố quốc. Còn bọn theo với chú em đó thì để đến nơi coi người nào xài đặng trong việc gì tôi sẽ trọng dụng, xin chú em chớ lo.

Vương Thế Trân coi rồi liền quì xuống mà thi lễ với Quách Thiên Hộ. Quách Thiên Hộ liền đỡ dậy mời ngồi. Từ đó hai người cứ hỏi cái nầy, viết cái kia hoài, sau vầy ra việc thơ phú với nhau.

Vương Thế Trân cũng biểu Cao Minh Lượng hãy làm chơi cho giải khuây và làm quen luôn thể. Quách Thiên Hộ có ý yêu chuộng hai người lắm, mà thứ nhứt là Vương Thế Trân. Mỗi bữa ăn đều kêu hai người ăn chung với mình.

Tàu chạy đặng ba ngày đêm, mới thấy dạng bờ cõi Trung Nguyên. Quách Thiên Hộ mới biểu mấy người đi theo Vương Thế Trân sửa soạn đồ đạc rương trắp đặng lên bờ, trong giây phút tàu đà cập bến. Quách Thiên Hộ liền dẫn hết bọn ấy về nhà mình. Về đến nơi mỗi người đều thấy nhà cửa nguy nga tôi tớ chật nhà thiệt quả là cự phú.

Từ ấy Quách Thiên Hộ phú thác hết thảy ciệc nhà cho Vương Thế Trân, lại giao cho Cao Minh Lượng coi việc sổ bộ cả thảy. Nếu có thơ từ ở đâu của các nhà buôn bán gởi đến thì hai người cứ việc làm thơ trả lời rồi đưa cho Quách Thiên Hộ ký tên mà thôi.

Việc trong ngoài đâu đó đều phân minh vén khéo sạch sẽ; Quách Thiên Hộ lấy làm vừa lòng đẹp ý lắm. Ở đó vừa đặng sáu tháng, ngày kia trời mưa đêm, có một bọn cướp ước có năm mươi tên kéo tới bao nhà Quách Thiên Hộ mà đánh phá.

Quách Thiên Hộ thất kinh liền kêu hết thảy sấp gia đinh, vô mở kho phát mỗi người mỗi món binh khí, đồng ở trong giữ gìn chẳng cho phá cửa. Vương Thế Trân thấy vậy thì biểu Quách Thiên Hộ lựa cho mình một món binh khí cho vừa rồi sẽ ra cự với bọn ấy.

Quách Thiên Hộ thấy tướng Vương Thế Trân mỏng mảnh thì tưởng là biết văn không mà thôi; cho nên nghe Vương Thế Trân nói như vậy thì là rằng:

– Đừng có điên, chúng nó hơn năm bảy mươi, mà ăn cướp ở đây chớ chẳng như các chỗ đâu, đứa nào cũng võ nghệ cao cường cả. Mình cứ ở trong mà giữ đừng cho chúng nó phá cử đặng thì là may lắm đó. Chớ nếu nó vô đặng thì nó đả phá hết gia tài mà trứng mén nó cũng chẳng chừa.

Đương nói dang ca thì bọn ăn cướp đã phá đặng cửa trước ào vô rồi. Quách Thiên Hộ liền kêu trời một tiếng rồi té xỉu xuống đất. Lúc đương nguy cấp, Vương Thế Trân ngó ngoái lên trên vách thấy có treo một cây roi đồng dài chừng sáu bảy thước mộc, liền nhảy lại giựt xuống rất vừa tay mới nhảy tới cự với bọn ăn cướp ấy.

Đánh chẳng đầy ba hiệp đã cho thằng chánh đảng một roi nát óc, rồi lùa bọn ấy ra ngoài sân hết, chúng nó mới bao vây tứ phía. Vương Thế Trân một mình cự với năm mươi tay võ nghệ mà chẳng nao núng chút nào cả.

Lúc ấy, trong nhà Cao Minh Lượng mới đốc chúng gia dịch đỡ Quách Thiên Hộ lên giường rồi cứu cấp hồi lâu mới tỉnh lại. Quách Thiên Hộ liền hỏi thăm bọn ăn cướp, thì Cao Minh Lượng thưa rằng:

– Đương giao phong với Vương Thế Trân ở nơi trước sân.

Quách Thiên Hộ mới trèo lên lầu ngó xuống mà coi mà chẳng thấy chi vì đèn đuốc tắt queo hết. Quách Thiên Hộ liền lật đật biểu người trong nhà mau nổi đuốc lên, đem lên lầu treo thòng xuống cho sáng kẻo e tối tăm Vương Thế Trân chẳng thấy mà sơ thất chăng?

Khi đèn đuốc nổi lên rồi thì Quách Thiên Hộ thấy quân ấy vây chặt Vương Thế Trân ở giữa, còn Vương Thế Trân thì huơi cây roi như rồng bay phượng múa, coi thấy một lằn sáng sáng qua lại giữa đám ấy mà thôi chớ chẳng thấy mình Vương Thế Trân cho đặng, mà hễ thấy cái lằn sáng ấy tới đâu thì người ngả tới đó. Chưa đầy hai giờ mà quân ấy chết có mấy mươi người còn lại mấy mươi trự đồng kéo nhau chạy mất.

Quách Thiên Hộ sợ Vương Thế Trân rượt theo nó nên lật đật kêu vô mầng rỡ khen ngợi hết sức. Sáng ngày Quách Thiên Hộ liền đi báo cho quan hay, rồi lo việc chôn cất bọn ăn cướp bị giết.

Nguyên cây roi treo trên vách mà Vương Thế Trân lấy hồi nãy là của ông già Quách Thiên Hộ hồi trước, người ấy võ nghệ cao cường, song vì chẳng gặp thời cho nên chuyên có một nghề mãi võ giang hồ mà thôi. Sau Quách Thiên Hộ nhờ có của bên vợ mới làm ăn ít năm khá rồi lại gặp đặng mỏ bạc tại cù lao Đại Dự cho nên mới nổi giàu to như vậy. Cây roi ấy từ ngày ông già Quách Thiên Hộ chết rồi thì treo đó mà làm dấu tích chớ chẳng ai dám rờ đến vì nó nặng gần bốn mươi cân.

Đám ăn cướp ấy tàn rồi thì cả xứ đều biết tên Vương Thế Trân. Từ đó nhiều tay anh dõng hay tìm đến mà làm quen làm lớn. Ông Quách Thiên Hộ lại tính chia cho một phần gia tài. Vương Thế Trân hết sức từ chối mà chẳng đặng, nên phải thọ lãnh. Tính hết cả thảy phần của anh ta đặng bảy mươi ba muôn chín ngàn năm trăm sáu mươi tám lạng bạc, còn mỗi người trong nhà Quách cũng thưởng kẻ một trăm người năm bảy chục lượng hết.

Quách Thiên Hộ lại viết thơ biểu thằng con trai ở Hương Cảng phải về đặng xin Vương Thế Trân tập rèn võ nghệ hầu sau có gìn giữ qui mô, chớ biết Vương Thế Trân làm gì cũng trở về Nam Việt chẳng lẽ ở hoài bên nầy cho đặng.

Còn Vương Thế Trân, lúc nầy tuy là ở nơi nhà ông Quách Thiên Hộ rất nên sung sướng, muôn việc đều khỏi lo, lại khi không mà được của cải gia tài như vậy, song chẳng lấy chi làm vui. Vì hằng lo lắng chẳng biết việc quốc gia. Ấy là lòng trung nghĩa của đứng đại trượng phu thế vậy đó.

Chẳng đầy một tháng thì con trai của Quách Thiên Hộ đã về đến, Vương Thế Trân mới đem hết bình sanh sở học của mình mà truyền ráo, trót năm ngoài mới xong xuôi. Rồi đó liền từ giã Quách Thiên Hộ mướn một chiếc tàu buồm chở hết sự sản đồng với Cao Minh Lượng và cả bọn thủy thủ xuống mà trở về Nam Việt.

Hai người lúc từ biệt nhau thì lụy ứa dầm dề, dẫu cho anh em ruột cũng chẳng bằng. Tàu kéo neo chạy trọn bảy ngày, trời êm gió thuận qua ngày thứ tám thì thuyền đã vào cửa Cần Giờ; trót một ngày thì đã đến Phan Yên.

Đến nơi, Vương Thế Trân bước đặng lên bờ rồi ngó tứ phía thấy dời đổi khác thường. Đi chẳng mấy năm về coi chốn quê xưa mình coi sao điêu hao buồn bực lạ lùng thì rơi nước mắt. Ấy cũng vì loạn lạc giặc giã nên mới mau đổi dời như vậy. Hỏi thăm lại những thân bằng cố hữu của mình ngày trước thì kẻ thác người đi. Buồn thôi đáo để.

Vương Thế Trân mới mướn một căn nhà, mua sắm đồ đạc xong xuôi rồi thì tức tốc đi lên Trảng Bàng đặng có thăm viếng Nhan tiểu thơ. Đi đến nơi hỏi thăm người ta thì ai ai cũng nói tiểu thơ đã hóa hồ ly, còn người dì tiểu thơ thì đã ly trần cách vài tháng trước rồi.

Nghe như vậy thì Vương Thế Trân lăn nhào xuống đất mà khóc, rồi liền đó trở về Phan Yên xuất tiền bạc rước thầy chùa về làm chay làm phước, mình mặc đồ tang lạy khóc, thiên hạ đều động lòng.

Cúng quải như vậy đặng ba ngày bỗng đâu bữa chót lối ba giờ chiều có một người đến coi đám chay ấy rồi hỏi thăm thiên hạ mới đọc đầu đuôi lại, tên ấy liền la lớn lên rằng:

– Nhan tiểu thơ còn sống mà người nầy làm cái gì lạ vậy?

Vương Thế Trân đương khóc lạy nghe tiếng la như vậy thì tưởng mình là chiêm bao liền mở mắt lớn mà ngó thiên hạ một hồi không nói chi cả. Người ấy lại kêu Vương Thế Trân mà hỏi rằng:

– Chú em là ai mà làm chay làm phước cho Nhan tiểu thơ đó?

Vương Thế Trân bây giờ mới biết thiệt có người nói chớ chẳng phải chiêm bao, liền nói rằng:

– Tôi là chồng, tên Vương Thế Trân. Nhơn vì loạn lạc vợ chồng phân cách nhau đã ba năm nay. Bây giờ trở về hỏi thăm thì nghe thiên hạ nói vợ tôi đã bị thiêu mà chết lại hóa ra hồ ly. Cho nên tôi bởi thương vợ phải làm như vầy cho hết lòng.

Người ấy liền nói:

– Nhan tiểu thơ chưa chết đâu, hiện bây giờ đương ở tại nhà ông Triệu Tổng đốc. Còn tôi là gia dịch của Triệu Tổng đốc đây. Từ tiểu thơ về ở yên nơi nhà chủ tôi thì chủ tôi hằng sai người nhà đi tầm kiếm công tử khắp nơi mà chẳng gặp. Nay nhơn sai tôi đi đòi bạc, ngang qua đấy thấy làm chay tôi hỏi thăm mới biết, nên lật đật nói cho công tử hay. Thôi bây giờ công tử hãy mau mau đến dinh quan Triệu Tổng đốc kẻo tiểu thơ ngày đêm trông đợi.

Vương Thế Trân nghe đặng tin ấy thì tuy là chưa mấy tin song chẳng khác như rồng lên mây cá gặp nước, mầng thôi khấp khởi. Liền lập việc trai đàn, tức tốc thay đổi y phục thẳng đến triệu phủ. Đến đó chồng vợ gặp nhau khóc òa, hai đàng đều đem việc vãn sự mình ra mà đọc nghe rất thảm sầu.

Rồi đó Vương Thế Trân về cất nhà cửa tử tế mới qua cưới nàng Nhan Khả Ái về. Vợ chồng Triệu Tổng đốc đứng gả. Những thân bằng cố hữu đều tựu đến yến diên, tiêu thiều chập trổi vui vẻ biết sao mà nói cho cùng đặng.

Từ ấy, Vương Thế Trân sẵn có của lại ông Triệu Tổng đốc coi Nhan tiểu thơ cũng như con gái mình vậy nên lúc đưa về cho Vương công tử thì tang liêm rất hậu, cho nên trở nên một người giàu có lớn.

Sau Nhan thị sanh đặng hai trai thảy đều thông minh, học hành có danh. Vợ chồng từ ấy thung dung an hưởng thanh nhàn, tiếng rền trong sáu tỉnh.

Còn Cao Minh Lượng từ ấy cũng nhờ có của ông Quách Thiên hộ mà đặng khá, lại cất nhà ở kế với Vương Thế Trân, hai nhà đãi nhau như tình cốt nhục.

Nhơn lúc rảnh rang việc nhà, Vương Thế Trân mới sai người đi kiếm mấy tay phú hộ ngày trước có hùn với mình, như người nào đã qua đời rồi thì cho mời con cháu đến, bày ra một tiệc rất nên trọng thể mà đãi.

Lúc mãn tiệc rồi, Vương Thế Trân mới đứng dậy nói với mấy người ấy rằng:

– Vả ngày trước mấy ông có giao tiền của cho tôi mà đi lo việc đồn điền miệt Bình thuận, nơi giáp giái Trung Nam lưỡng kỳ. Song vì thời vận đảo điên cho nên những tiền của ấy lớp thì chìm nơi đáy biển, lớp thì tứ tán ra hết, làm cho tôi phải trần thân mà trải, chịu nhiều cuộc hiểm nguy. Nhưng mà tuy vậy chớ thật cũng bởi cuộc nông tang ấy tôi mới phải phiêu lưu đến khách địa mà lập đặng cái sự nghiệp đồ sộ như ngày nay đây, nên tôi chẳng dám quên ơn chư quí ông bao giờ. Vậy nay tôi xin thối hồi lại cho chư ông số tiền ấy. Song vì ngày trước lúc ghe chìm nơi Nam hải thì những sổ sách đều mất hết cho nên tôi chẳng nhớ đặng của ai là bao nhiêu. Vậy tính theo số vốn tôi lãnh này nọ là 956.000 quan, tính ra bạc thì là 7.967 nén, Thôi nay tôi xin giao đủ số ấy cho chư quí ông về mà chia với nhau, chớ tôi chẳng biết sao mà dám chia cho đặng.

Nói dứt lời thì thấy trong nhà khiêng ra mười mâm bạc nén vung chùng để nơi giữa bàn.

Mấy vị phú gia ấy đồng từ chối chẳng ai chịu lãnh cả, lại nói rằng:

– Anh em tôi trong cơn loạn lạc ấy thì bị mấy bọn côn đồ phi tử nó cướp giựt biết bao nhiêu, chúng tôi còn không tính thay. Huống việc ấy là việc của anh em chúng tôi đồng ưng hùn với Vương đại nhơn mà lo bề trí phú chớ chẳng phải Vương đại nhơn ép uổng chi anh em tôi. Đến nay có rủi mà tiêu mất hết, ấy là tại nơi vận thời của anh em tôi không khá nên mới khiến ra như vậy, lại làm cho Vương đại nhơn phải bị nhiều điều nguy hiểm. Còn sự nghiệp ngày nay đại nhơn an hưởng đấy là bởi nơi tài tình và mạng vận của đại nhơn mà ra, chớ có cậy chi trong số tiền của anh em tôi đâu. Vả lại, nếu như đại nhơn là người bất tài, rủi phải bỏ thây nơi đất khách thì anh em tôi có thường nhơn mạng cho đại nhơn không? Mà nay phòng dám lãnh của nầy?

Vương Thế Trân thấy không ai chịu lãnh thì chẳng biết làm sao bèn nói:

– Thôi mấy ông ngày nay không lãnh của nầy thì tôi cụng không dám thâu giữ nó. Vậy nay đương lúc triều đình hữu sự, nhà nước nghiêng nghèo, Nguyễn chúa đã bỏ ngôi Nguyên soái nhiếp quốc chánh mà tức Vương vị rồi, đương lo tu bổ chiến thuyền sắm sanh khí giái. Vậy nay tôi phải xuất thêm cho đủ số một muôn nén đặng mà đem dưng cho nhà nước hầu có phí dụng trong việc quân binh. Kẻo làm trai đứng trong quốc vương thủy thổ mà gặp lúc nước nhà có việc, mình lại chẳng giúp đặng điều chi cả thì lấy làm thẹn quá.

Mấy tay phú hộ nghe vậy thì đồng ưng chịu và khen tạ Vương Thế Trân chẳng cùng.

Rồi đó Vương Thế Trân mới đem một muôn nén bạc ấy đến trước mặt Đại Việt quốc Nguyễn Chúa mà dưng. Vua lấy làm khen ngợi chẳng cùng, lấy lời phủ hủy rồi phong cho một tấm biển thếp vàng có đề bốn chữ lớn “Háo nghĩa khả phong” nhằm năm Canh Tí (1780).

Nay con cháu Vương Thế Trân nhẫn còn giữ tấm biển ấy mà làm dấu tích rất nên vinh diệu tổ tông.

————————– Chung ————————

Viết một bình luận

error: Content is protected !!