Thầy hù – Phụng Hoàng San

Anh thầy hù mới ra nghề, cạo đầu cho người khách kia, phạm một dao thì anh lấy một ngón tay đậy lại, cho máu đừng chảy, đậy hết một bàn tay năm ngón mà hỡi còn phạm.

Anh ta ngừng lại mà nói với khách rằng:

– Cái đầu của anh coi vậy mà còn non quá, nên cạo bây giờ chưa được. Để đợi ít năm nữa cho nó già rồi tôi sẽ cạo hết cho.


Vương Hồng Sển:

Tại sao người lớp trước ở miền Nam nầy thường gọi những người chuyên môn cạo đầu váy tai và sau nầy, làm nghề hớt hóc cạo râu, là ‘thầy hù’?

Tôi tra không thấy sách xưa hay nay nào cắt nghĩa hai tiếng nầy. Và ‘thầy hù’ ngày xưa, cũng có nghĩa là ‘người hay nói láo’.

Trong bộ Đại Nam quốc Âm tự vị Huỳnh Tịnh Của có ghi: : tiếng nhát sợ, nhứt là nhát con nít, mà giả tiếng cọp kêu; một nghĩa khác nữa là rên rỉ, rên hù hù

Cọp hù: tiếng cọp hộ vắn vắn

Vả chăng, ngoài Bắc, gọi ‘ráy tai’ và không dùng tiếng ‘thầy hù’.

Nay trong sách không có, luôn cả hai ông bạn Trần Văn Hương và Lê Ngọc Trụ cũng bí nốt, và đây là sách tiếu lâm, nên được phép tha hồ chế biến, thêm nhưn thêm nhị.

Theo tôi hiểu, sự việc như vầy, và xin để cho tôi cắt nghĩa: hồi tôi còn nhỏ, cách nay sáu mươi năm, con ít đi học, lên tới lớp nhứt, dọn thi tiểu học, mà đầu còn cạo trọc lóc trọc lơ, nhẵn nhụi như cái gáo dừa. Tôi nói cạo là cạo bằng dao, chớ không được hớt sát như các thầy các sư ngày nay thường làm: đẩy tông-đơ mà không cho đẩy sát!

Các cha chú, người Nam, thì hồi đó còn để tóc dài bới lại. người các chú (người Hoa) thì để bím, thắt ‘bì bi’ (đuôi sam), cạo tóc chung quanh sạch bót; còn học trò thì cạo trọc.

Chỉ có độ vài mươi người làm việc cho Tây, gọi mấy ông mấy thầy, thì tóc hớt ngắn, cho nên nhắc lại, lối 1910, bọn đi cạo đầu dạo từ xóm nầy xóm kia, dân chúng đặt cho cái tên lạ lạ, là ‘thầy hù’.

Cho đến 1911 (Tân Hợi), dân Trung Quốc làm cách mạng, lật đổ nhà Mãn Thanh, cắt đuôi bím và để tóc hớt cụt theo kiểu Tây Phương, từ ấy bọn ‘thầy hù’ bớt nghề cạo đầu, và mới đổi ra nghề hớt tóc như ngày nay vậy.

Tuy bỏ nghề cạo đầu chớ vẫn giữ nghề cạo râu và váy tai, lấy cứt ráy. Thầy hù váy tai lấy cứt ráy thì khỏi nói, họ làm nhẹ nhàng khéo léo, và đang khi người được váy tê mê tâm thần – gởi hồn trên mây – thì thầy hù kéo lông váy ra, bịt lỗ tai lại, thổi mộ hơi gió thật mạnh vào tai, miệng la ‘hù’ một tiếng sát tai, làm cho kẻ kia giật mình như từ trên mây rớt xuống, đoạn thọc lông váy tai vào lỗ trở lại, lấy cây nhíp thép búng một cái vèo, rồi kê sát cây nhíp còn rung cho đụng cây lông váy, người được váy tơ lơ mơ sướng cực kỳ. Bởi làm cái nghề thổi tai hù lên hù xuống, cho nên thét rồi được danh hiệu là ‘thầy hù’.

Một điều khác nữa là phần đông các thầy hù nầy đều là tay bán trời không chứng, ăn đông nói tây, ăn đàng sóng nói đàng gió, bịa chuyện láo khoét không tin được.

Thuở ấy chưa có nhựt báo chưa có bộ thông tin tuyên truyền, cho nên các chuyện trên xóm dưới xóm vợ ai lấy trai, con nào đẻ sẩy, đổ lọp, tâm bôn, v.v …, đều do miệng thầy hù học lại.

Vả chăng thuở ấy, các mẹ muốn con thôi khóc cũng đem thầy hù ra dọa, khiến nên ai ai cũng ngán thầy hù, tin đồn thất thiệt cũng y, mất con nít cũng nghi cho vã, (1) ví đó sanh ra danh từ : ‘đừng thầy hù mầy’ tức là đừng có nói láo như thầy hù mầy, và ‘thầy hù hù con nít’ tức là anh hớt tóc cạo râu đi dọa nạt trẻ con.

Viết đến đây, tôi nhớ lại, lối năm 1913, tôi học lớp nhì (cours moyen) cứ mỗi tháng, mẹ tôi cho tôi ba đồng xu, tức ba phần trăm (0,03) của đồng bạc hồi đời đó, để đi lại tiệm chú Hỉa ‘cạo đầu cho nó mát’.

Lúc ấy tôi đã chồng ngồng cái đầu, thấy gái đã biết mắc cỡ, thế mà mẹ tôi không cho được năm xu (0,05), để đi cạo cho đường hoàng, lại chỉ phát cho có ba đồng xu (0,03) khiến cho tôi bị chú Hỉa đãi vào hàng hạ cấp!

Thuở ấy, hễ có đủ năm đồng xu lỗ, thì chú Hỉa cho ngồi ghế dựa, có khăn choàng tử tế cho tóc con tóc cắt đừng rớt vào kẽ áo vào thân mình; bằng với giá ba đồng xu, (phải đưa tiền trả trước), tuy chú vẫn cạo và không nói nặng nhẹ gì, nhưng cách cư xử đối đãi đã khác; cho ngồi ghế đẩu, phân nửa bàn tọa ra ngoài, không có khăn choàng, và muốn tóc khỏi rới xuống áo quần và xuống gạch, thì chú phát cho miếng nắp hộp thiết cũ, chú cạo tới đâu, mình phải lẹ tay đưa miến g thiếc ra hứng, khi nào tóc rớt xuống gạch, khi cạo rồi, mình phải lấy chổi hốt quét sạch sẽ trước khi về. Chỉa trả thiếu có hai xu mà chú hành hạ mình thế ấy, phép tắc thầy hù đời xưa là vậy.

Nhiều khi, đang cạo được một phần hay phân nửa cái đầu, kịp có khách sang và gấp đến, chú Hỉa thôi cạo cho mình và biểu ra ngồi chờ đâu đó, đợi cho chú cạo đầu lấy tai cho khách xong xả rồi chú mới tiếp tục cạo cho mình.

Trời đất ô! Ai đời đầu cạo còn lại phân nửa, mà chú biểu mình ‘đi chơi đi’ là đi chơi cái gì?

Tuy vậy, nhờ tuổi nhỏ nên bao nhiêu cũng tha thứ, ở nhà để mẹ cạo đầu thì dao lụt rát da, hít hà còn không được, thà cho chú Hỉa làm gì thì làm…

Nói chí đáng, cây dao cạo của chú Hỉa là cây dao cạo Tàu, có hình lưỡi búa, (nên cũng gọi dao cạo lưỡi búa), dày dục mà bén ngót  còn hơn dao A-lơ-măng ngày nay. Trong tay chú Hỉa, cây dao là một nghệ thuật thần sầu, chú kéo chạy tới đâu là tóc rớt tới đó, da đầu êm ru như có thoa mỡ, nhứt là khi chú cạo tới sau ót, chú trịch áo đi một đường bí quyết, vừa lạnh xương sống vừa khoái rần rần từ gót chân đến đỉnh đầu!

Nhớ lại thật là tài xứng với câu liễn sau nầy, đã đọc đâu đây quên phứt:

“Cười phấn cợt son, tô điểm tóc tai người tứ xứ,

Mài dao đánh kéo, mở mang mày mặt khách năm châu”

Nghĩ lại, ngày nay vật đổi sao dời, đời càng mắc mỏ, chạy không đủ ăn. Mỗi lần hớt tóc, trả một trăm bạc mà vẫn không có cái khoáy váy tai. Không bì năm 1913, với ba đồng xu lỗ )0,03), chú Hỉa chạy cho một đường dao lưỡi búa nơi sau ót, cái khoái lên tận mây xanh.

Chú Hỉa và chú Sủng, đều là hai lão thầy hù ở chợ Sóc Trăng, tôi từng biết mặt biết mày và từng thí nghiệm tài riêng ăn đứt nghề cạo váy sáu chục năm về trước.

Bây giờ thảy đều lên chức. Vật giá đều leo thang. Thầy lên ông, ông lên cụ. Hớt tóc là một nghệ thuật. Người hành nghề ăn vận ra phết, đâu cón nhớ ông bạn đồng nghiệp ‘thầy hù’ năm xưa. Kể về tài ba, kém việc váy tai váy lỗ ghèn, duy thiện nghệ cái nghề chìa tay, trả một trăm, còn cho rằng nhẹ.

Hạnh phúc, mầy đi đâu?

Viết một bình luận

error: Content is protected !!