Bản rập là bản in lại những nét chính của một bản chạm khắc về bố cục, hình vẽ, độ nông sâu, … bằng cách đặt một tờ giấy mỏng (giấy dó, giấy bản, giấy xuyến chi) lên trên bề mặt của một bản chạm khắc đá, gỗ hay đồng rồi dùng màu xoa và rập lên mặt giấy. Các họa sĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà khảo cổ thực hiện bản rập để ghi lại họa tiết của các hoa văn hay hình trang trí trên mặt trống đồng, bia đá, hình chạm trổ của các khám thờ, cánh cửa, cánh cổng, bàn thờ, … hoặc nét chữ (chữ Hán, chữ Nôm) khắc trên các bia đá (khi đó các bản rập này được gọi là thác bản).