Ấn tượng – Chủ nghĩa Ấn tượng

Ấn tượng (Tiếng Anh: Impression) là dấu ấn mạnh được để lại bởi một đối tượng hoặc được chắt lọc từ một thực thể.

Ví dụ: xúc cảm, nét đẹp, ý nghĩ đọng lại ngay từ cái nhìn hoặc sự tiếp xúc đầu tiên. Ấn tượng gắn liền với giác quan, thuộc về giai đoạn thứ nhất của quá trình nhận thức – giai đoạn cảm tính.

Chủ nghĩa Ấn tượng phát sinh ở Pháp từ những năm 70 của thế kỷ XIX. Hội họa Ấn tượng không phải là một trường phái thuần nhất có chương trình và nguyên tắc được xác định rõ rệt mà chỉ là tập hợp các nhóm nghệ sĩ có cùng quan điểm và cùng mục đích trưng bày tranh. Những người tiên phong là Monet, Renoir, Sisley và Bazille. Họ là bạn học cùng trường, cùng bất đồng quan điểm với chương trình cũng như phương pháp dạy học mỹ thuật của nhà trường lúc bấy giờ. Họ kết bạn với Pissarro, Cézanne, Morisot, Degas, Guillaumin và Manet. Năm 1873, phòng Triển lãm Quốc gia Pháp trưng bày tranh của các họa sĩ trên. Năm 1874, họ quyết định trưng bày độc lập các tác phẩm của mình tại phòng nhiếp ảnh của Nadar. Tranh Ấn tượng mặt trời mới mọc của Monet đã gợi ý cho nhà phê bình nghệ thuật Louis Leroy gọi họ là các ”Họa sĩ Ấn tượng”.

Phái Ấn tượng cho rằng mục tiêu nghệ thuật chính là ghi nhận một phần thiên nhiên hay cuộc sống với tinh thần khách quan và khoa học bởi cách nhìn riêng của từng họa sĩ. Phái Ấn tượng muốn vẽ ngay tại chỗ, mô tả ngay cái hiện thực để thu bắt ấn tượng thị giác đối với cảnh vật, vì thế, họ đánh giá cao việc vẽ ngoài trời (việc mà trường phái Barbixon) đã làm năm 1840. Họ thường hoàn thành tác phẩm ngay tại nơi quan sát, trước khi điều kiện ánh sáng thay đổi. Họ không vẽ bóng bằng màu xám hay màu đen mà dùng màu bổ túc. Các họa sĩ bỏ đường viền trong tranh, họ vận dụng màu trực tiếp hoặc màu phản chiếu để tạo ra ánh sáng và bầu khí quyển xung quanh cảnh vật. Khác với các trường phái hội họa trước, trường phái Ấn tượng sử dụng một cách hệ thống kỹ thuật diễn tả bằng các vệt màu (touches de couleur), tức là màu sắc khi đặt lên nền tranh vẫn còn nguyên các vệt bút, ít có thao tác đi nhòe.Vì vậy, bề mặt tranh Ấn tượng xù xì chứ không nhẵn như mặt tranh cổ điển. Nhóm họa sĩ Ấn tượng trưng bày tất cả tám cuộc triển lãm vào những năm 1874, 1876, 1877, 1879, 1880, 1881, 1882, 1886. Tên “Ấn tượng” không được dùng trong các cuộc triển lãm lần thứ nhất, thứ tư và lần cuối cùng. Ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng rất lớn. Phần lớn lịch sử hội họa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX là lịch sử phát triển của hội họa Ấn tượng, đồng thời cũng chính là sự phản ứng chống lại nó. Năm 1876, khi triển lãm tranh lần thứ hai của nhóm Ấn tượng được trưng bày, báo Le Figaro coi các tác giả vẽ tranh như những kẻ điên. Đến năm 1900, Việ sĩ hàn lâm J. L. Gérome coi chỗ trưng bày tranh Ấn tượng là nơi làm ô danh nước Pháp … Nhưng nhà buôn tranh Durand Ruel đã bắt đầu gặt hái những thành công nhờ bán chúng từ cuối những năm 1880, 1891, 1905. Năm 1926, tanh của trường phái Ấn tượng đã bắt đầu đấu đắt giá.Đến những năm 50 của thế kỷ XX, giá tranh Ấn tượng ở các phòng ban đấu giá đã lên đến những con số khổng lồ. Hội họa Ấn tượng giữ một vị trí qua trọng đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật thế giới, chính nó là nền móng khởi đầu cho nền hội họa hiện đại.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!