17 – Coi đất Gia Định

Tháng hai năm kỹ mão (1819), vua Gia Long bị bệnh nặng lắm. Ngài cho đòi Duyệt và Lễ bộ thượng thư Phạm Công Hưng vào cung giao cho lãnh tờ di chiếu, dặn các công việc về sau. Ngài sai Duyệt kiêm lãnh năm dinh của đạo quân Thần Sách.

Chẳng bao lâu vua Gia Long mất, tháng giêng năm sau (1820) Tháo tử Đảm lên ngôi, đổi hiệu năm là Minh Mạng.

Năm sau vua Minh Mạng sai Duyệt lãnh chức Tổng trấn thành Gia Định. Bao nhiêu công việc trong xứ Gia Định và ngoài biên thùy, Duyệt đều được phép tùy tiện mà làm, không phải tâu vua.

Hồi Duyệt chưa tới Gia Định, ở nước Chân Lạp có người thầy chùa tên là Kế dùng phép bùa chú quyến dỗ nhân dân, những kẻ mê tín theo hắn rất nhiều. Được thể, Kế bèn tụ họp đồ đảng làm loạn. Hắn tự xưng là Chiêu Vương, kéo quân đánh cướp những huyện Quang Hóa, Quang Phong, Thuận Thành, rồi lại phá hoại hai xứ Ba Cầu và Nam Sang của nước Chân Lạp.

Toán giặc ấy người ta kêu là giặc Sãi.

Quân ta và quân Chân Lạp dẹp mãi chưa tan.

Bắt đầu vào đến Gia Định, tức thì Duyệt sai Phó tổng trấn Hoàng Công Lý đem một đạo quân hiệp với quân nước Chân Lạp cùng tiến đánh Kế. Giao chiến một trận, quân ta đại thắng, thâu được rất nhiều đồn trại trâu xe của giặc.

Kế lại ùa sang Chân Lạp đánh lấy được xứ Thi Thu. Quan lại Chân Lạp nhiều người theo về với Kế.

Duyệt sai Phó đô Thống chế Nguyễn Văn Tứ và Trấn thủ Nguyễn Văn Thụy hiệp với Chưởng cơ Phan Công Nghĩa đem quân dồn đánh. Đảng giặc tan hết, Kế bị giết, dư chúng đều xin đầu hàng.

Tin báo tiệp ra đến Phú Xuân, vua Minh Mạng mừng lắm, Ngài bảo với Lê Chất:

– Giặc Sãi đã vào gần tới Nam Vang, thanh thế kể cũng đã mạnh, Tổng trấn thành Gia Định đã khéo sai tướng ra quân, trừ diệt đi được, thật chẳng phụ trách nhiệm “một bức thành dài” mà triều đình đã ủy thác cho. Nếu không, Nam Vang mà bị thất thủ, Gia Định chắc cũng bất lợi …

Chất tâu:

– Những tên quân Sãi đã làm giặc đó cũng là những đứa cừ khôi hung tợn. Trước kia, quan trấn Gia Định e phiền bề trên lo ngại, nên không dám nói nó là giặc lớn đó thôi.

Ý vua Minh Mạng cũng nghĩ như vậy. Ngài ban cho Duyệt một vạn quan tiền và một bức chiếu thư như vầy:

“Năm trước quân mọi quấy rối biên thùy, ngươi chỉ đánh trong mấy tháng đã yên. Bây giờ giặc Sãi làm loạn, kể còn khó đánh hơn tụi quân Mọi, ngươi cũng đã dẹp được yên liền. Xét ra ngươi tuy ở ngoài phiên trấn, mà lòng ngươi lúc nào cũng ở nhà vua. Ta đã rõ cho ngươi chỗ đó. Vậy ta thưởng cho một vạn quan tiền để ngươi thưởng các tướng sĩ”.

Hồi ấy ở trấn Gia Định có viên quan là Hoàng Công Lý tính rất tham lam, đối với dân nhiều điều bạo ngược. Duyệt làm sớ tâu vua Minh Mạng, xin ghép Lý vào án xử tử.

Kế đó, Duyệt xin vào kinh chầu vua. Vua Minh Mạng không cho, Ngài hạ chỉ dụ ngăn rằng:

“Ta cũng biết ngươi có lòng nhớ Chúa, nên muốn vào chầu. Mà ta để ngươi vất vả hoài ờ ngoài phiên trấn, cũng không yên lòng, vẫn muốn gặp ngươi cho thỏa lòng mong mỏi. Chỉ vì Gia Định là chốn trọng yếu của nhà nước, mà hồi này dân chúng đã khổ vì sự tàn ngược của Hoàng Công Lý, lại khổ về nạn tật dịch, đói khát, như kẻ đau ốm chưa lành, lại thêm Xiêm La vẫn còn dòm nom, Chân Lạp chưa thật thần phục, bấy nhiêu việc đó cần phải được ngươi ở lại coi sóc đối phó, thì ta mới khỏi lo ngại.”

Duyệt lại phải ở Gia Định. Nhờ về sự trông nom chăm chỉ, xếp đặt khôn khéo của Duyệt, dân chúng Gia Định mỗi ngày mỗi có vẻ hưng thạnh. Sau khi Duyệt đã đốc quân đào xong cái kênh Vĩnh Tấ, đường thủy tiện lợi, mùa màng tốt hơn trước nhiều. Trung năm Minh Mạng thứ tư (1823), số dân Gia Định tăng một vạn người. Vua Minh Mạng đưa chiếu thư khen Duyệt và ban cho Duyệt một chiếc giải lưng dát ngọc.

Tháng tám năm ấy, Duyệt lại dưng sớ xin vô chầu. Lần này được vua Minh Mạng cho phép.

Duyệt tới kinh, vào trào bệ kiến, vua Minh Mạng sai mời lên điện, cho phép Duyệt được ngồi nói chuyện, chứ không phải quì.

Sau khi đã hỏi qua công việc trong trấn Gia Định, vua Minh Mạng lại nhắc đến con cháu của bọn công thần trong ấy và hỏi thăm tình hình bọn đó lúc này ra sao. Duyệt thưa:

– Hồi tôi còn ở Gia Định, những lúc đem quân đi tuần ngoài biên, tình cờ ngang qua những nơi Nước Xoáy, Rạch Chênh, tôi hằng nhớ tới những bậc công thần thủa trước. Bọn người đã theo tiên đế vào sanh ra tử trong những trận gian nan đến nay không còn bao lăm. Có khi tôi phải cảm động bồi hồi, nước mắt chảy ra chan chứa. Tôi cũng thường thường hỏi thăm con cháu các bực công thần ấy, và thường thường tìm đến tận nhà. Kẻ nào thơ ấu, tôi khuyên đi học, kẻ nào bồ côi, tôi đem về nuôi, ý tôi cũng muốn cho chúng đến lúc lớn khôn, trong tay có được ít nhiều tài nghệ, hòng khi triều đình có thể thâu dùng. Nhưng mà, bọn đó phần nhiều là hạng hèn mọn, lại quen theo thói dong chơi. Thâm chí có kẻ họp nhau làm càn, hùa vào với bọn trộm cướp. Đáng giận và đáng tiếc biết dường nào!

Rồi, Duyệt xin vua Minh Mạng tha tội cho Tiền quân Dũng quận công Lê Văn Quân. Một người có nhiều công to với vua Gia Long, vì việc xích mích với Võ tánh, bị vua Gia Long lột hết chức tước, phải uống thuốc độc tự tử, vua Gia Long còn đánh vào áo quan đủ một trăm gậy.

Vua Minh Mạng trả lời:

– Việc ấy hãy để đó.

Cách đó ít al6u, viên quan bảo hộ nước Chân Lạp là Nguyễn Văn Thụy có đệ về triều một bức thư của Nặc Ông Chân, vua nước Chân Lạp, gửi sang. Trong thư đại ý nói rằng:

“Nước tôi từ đời cah ông, đến đời con cháu, trên thì nhờ sức vun trồng của triều đình, dưới thì nhờ sức che chở của quan bảo hộ, nào trừ nạn Xiêm, nào dẹp giặc Kế … Những công đức ấy sánh với công đức của Mạc Thiên Tứ, thật là to lớn gấp mười; tôi vẫn chưa từng báo đáp. Vậy nay xin dưng ba phủ Lơi-Ca-Bát, Chân-Sâm và Mật-Luật để đền ơn cho quan bảo hộ (Nguyễn Văn Thụy) cũng như đến ơn cho Mạc Thiên Tứ ngày xưa,..”

Vua Minh Mạng giao cho quần thần cùng bàn xem có nên nhận hay không.

CÁc quan bàn tán phân vân, kẻ bảo đừng nah65n, người rằng cứ nhận. Duyệt nóng ruột nói:

– Vua Chân Lạp cắt đất cho Nguyễn Văn Thụy, chẳng phải bổn tâm của hắn muốn vậy. Chỉ vì hắn sợ nước Xiêm, nên buộc phải cố kết lấy lòng nước ta, hòng ta bênh vực cho hắn. Bây giờ, nếu ta cứ nah65n, ấy là tham lam, nước Xiêm sẽ có cớ mà trách. Bằng ta chối đi, thì trái với cái ý “lo lắng hiền cương” của Tiên đế ngày xưa. Theo tôi, thì trong ba phủ đó, Lợi-Ca-Bát quá ư xa xôi, chối đi cũng được. Đến như Chân-Sâm, Mật-Luật thì ở giữa lòng hai xứ Châu Đốc và Gian Thành, xin cứ nhận lấy mà trả lại hắn hết các thứ thuế. Như vậy, cốt để tỏ cho hắn biết ta chỉ vì việc biên phòng mà nhận, không phải cầu vì lợi. Rồi đó ta sẽ liệu cách vỗ về dân chúng, cho chúng biết cảm ơn mình và vui lòng theo mình, phòng để mai sau có chỗ dùng đến chúng. Nếu mà bây giờ ta không thâu nhận lấy hai xứ ấy, lỡ ra biên thùy xẩy có việc chi, thì Hà Tiên, Châu Đốc chưa chắc giữ nổi, mà trấn Gai Định cũng phải yếu đi.

Trịnh Hoài Đức cũng nhận lời Duyệt là phải.

Vua Minh Mạng bèn theo lời Duyệt, sai Nguyễn Văn Thụy chỉ nhận hai phủ Chân-Sâm, Mật Luật của vua Chân Lạp, trả lại hắn phủ Lợi-Ca-Bát.

Tính Duyệt nóng nảy, trong những lúc đối đáp với vua Minh Mạng, thường hay tỏ vẻ cương trực, vượt hẳn ra ngoài lễ phép. Vì Duyệt vừa là tướng cũ, có công to, vừa là bực đại thần có nah65n lời trối trăn của vua Gia Long, cả triều đều phải tựa vào, cho nên vua Minh Mạng cũng phải nể mặt mà không dám chấp. Một bữa, Lê Chất (Tổng trấn Bắc Thành) ở bắc Thành về kinh, vào triều gặp Duyệt, Chất nói với Duyệt:

– Lúc này trào mới đương tin bọn quan văn, khiến họ xếp đặt phép tắc uy nghi, dùng để trị dân, trị nước. Chúng ta là hạng tướng võ, chỉ quen lấy lòng ngay thẳng nết cứng cỏi làm tôi nha vua, sao khỏi có lúc sai lầm lễ độ. Vả chăng so sánh trong đời thái bình với đời chinh chiến, thì sự đối đãi giữa vua với tôi đã khác nhau nhiều. Vậy thì chúng ta cũng nên từ quan trả ấn, lui về kinh thành hầu hạ bề trên, ngõ hầu khỏi mắc tội lỗi.

Duyệt đáp:

– Ý tôi cũng định như vậy.

Hai người bèn cùng dưng biểu xin nộp lại đôi ấn Tổng trấn.

Vua Minh Mạng cho đòi cả hai lên điện và hỏi:

– Ta đương trọng dụng các ngươi. Cớ sao các ngươi lại nói câu đó? Hay là công việc ở ngoài hai trấn khó nhọc lắm sao?

Duyệt chỉ quỳ gối mà khóc, không nói chi hết. Hồi lâu Duyệt cùng Chất lạy tạ trở ra.

Vài hôm sau, vua Minh Mạng sai người đến tân dinh Duyệt yên ủi và bảo Duyệt trở về Gia Định lo lắng công việc trong trấn.

Trong khi vào triều từ biệt, vua Minh Mạng ân cần dặn Duyệt:

– Lần này ngươi đi, lòng ta rất là quyến luyến. Vậy ngươi phải giữ gìn thân thể, cẩn thận trong lúc làm việc, chớ để cho ta phải lo.

Về đến Gia Định, Duyệt lại ra công lo lắng việc binh, việc dân, tình hình trong trấn mỗi ngày mỗi thấy khá thêm.

Qua năm Minh Mạng thứ tám (1827), nghe tin Vạn Tượng bị Xiêm La kéo quân sang đánh, A-Nỗ phải chạy qua trấn Nghệ An, nhiều người không muốn cho ở, Duyệt dưng sớ nói:

“Vạn Tượng là một nước phụ thuộc nước mình, họ chịu cống hiến nước mình đã lâu. Nay họ có nạn, cùng quá mới phải tới đây kêu van với mình. Theo nghĩa phải, nước mình không nên bỏ họ. Vả chăng, Xiêm La với mình, tiếng rằng làng giềng, thực ra chỉ là một nước cừu địch. Nếu Vạn Tượng bị mất về Xiêm La, thì bờ cõi Xiêm La sẽ giáp nước mình, ấy là cạnh giường có người ngủ ngáy khè khè, tôi e rằng mình cũng khó mà yên giấc. Chi bằng nhân trong lúc này ta hãy sắp đặt cho nước Vạn Tượng làm cái hàng rào chắc chắn của nước mình. Chỉ hiềm một nỗi nước mình nhận nước Vạn Tượng, tất nhiên Xiêm La phải đòi, nếu ta không trả cho Xiêm, thì hai nước không khỏi sinh ra xích mích. Theo ý tôi, thà rằng mất lòng với Xiêm La, mà được vạn Tượng theo thuộc về mình, thì sự tai hại còn nhỏ. Nếu nể Xiêm La mà để cho Vạn Tượng phải mất, thì cái thế lực Xiêm La sẽ cực lớn lao, nó sẽ để vạ cho mình nhiều lắm.

Cân nhắc tình nghĩa đầu nặng đầu nhẹ, đo đắn họa hại đằng nào cạn, đằng nào sâu, tôi tưởng nên nhận Vạn Tượng là nước mình, mới là đắc sách. Làm vậy, nếu như Xiêm La có vì tranh nhau với ta, mà đưa binh đao phạm đến Nghệ An, thì Gia Định kề bên Xiêm La, tôi xin đem một đạo binh chặn họng nó và đạp vào lưng nó, chẳng khó chi hết.

Đó mới là kế vạn toàn.”

Vua Minh Mạng hạ chiếu khen cái thao lược và can đảm của Duyệt.

Hồi ấy trong nước còn yên, không phải dùng đến binh lực, cho nên trong mấy năm trời, Duyệt được đem hết tài lực kinh doanh công việc Gia Định. Thấy vòng thành Gia Định nhỏ hẹp, sợ khi có việc không đủ chống giữ, năm Minh Mạng thứ mười (1830), Duyệt xin xây lại thành ấy cho được thêm cao thêm rộng, xứng đáng là một trấn quan trọng ở miền Nam.

Sau khi được vua Minh Mạng cho phép Duyệt đốc quân sĩ phá hết thành cũ, xây lại một vòng thành khác, vừa hết một năm mới xong. Thành xây toàn bằng đá ong vừa cao vừa dầy, mặt Thành rất rộng, có thể cho quân chạy ngựa; bốn góc và bốn cửa thành đều có chòi cao để quân canh gác; ngoài thành đào một vòng hào rất rộng và sâu, qui mô cực kỳ hùng tráng.

Năm sau (1832), nghe tin Lê Chất mới mất, vua Minh Mạng dạy đem toàn hạt Bắc Thành chia ra nhiều tỉnh, bắt chước như Mãn Thanh, mỗi tỉnh đặt mấy viên cai trị, không để mấy viên trổng trấn như trước, Duyệt không hiểu vì sao mà đất Gia Định chưa bị chia làm hàng tỉnh như vậy, bèn làm sớ tâu:

“Tôi nay tuổi già sứa yếu, xin cho nghỉ việc, và xin theo như lệ mới, chia đất Gia Định ra làm nhiều tỉnh, cho tiện việc cai trị”.

Vua Minh Mạng không nghe, Ngài bắt Duyệt cử phải gắng sức lãnh chức tổng trấn, rồi sau sẽ hay.

Vài tháng sau, Duyệt bị bệnh nặng, đến ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832) thì mất, thọ 60 tuổi. Táng tại làng Bình Hòa.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!