16 – Kinh lược hạt Thanh, Nghệ

Năm thứ 18 hiệu Gia Long (1819), hai trấn Thanh Hoa, Nghệ An có nạn mất mùa, dân quê không có gì ăn.

Những kẻ đói khát xua dân tụ nhau từng đoàn kéo đi ăn trộm ăn cướp, tình hình trong trấn cực kỳ rối loạn, quan lại sở tại không thể dẹp nổi.

Rồi ở những xứ Thanh Bình, Thiên Quan, những toán thổ phỉ đồng thời họp tập, quấy nhiễu các nơi hương thôn.

Lại ở về vùng Sơn Âm, một bọn tù trưởng là Quách Tất Thúc, Hà Công Thái, Nguyễn Đình Giá, Đinh Thế Đội đóng giữ các nơi hiểm yếu chống lại quan trào. Triều đình mấy lần phái người chiêu dụ, bọn đó vẫn không chịu ra.

Vua Gia Long sai Duyệt phải ra kinh lược cả hai hạt Thanh Nghệ, và sai Phó Đô đốc Nguyễn Văn Trí, Vệ úy Tôn Thất Huy theo Duyệt, coi về quân cơ, Tham bồi Nguyễn Hựu Nghi giúp việc từ hàn trong quân cho Duyệt.

Phàm những công việc cắt đặt binh cơ, soi xét dân tình cái gì lợi thì làm, cái gì hại thì bỏ – cùng là quan lại tham nhũng ra sao, dân gian oan khuất thế nào, hễ là việc nhỏ, vua Gia Long đều cho phép Duyệt tùy nghi mà xử, khi nào gặp có việc lớn mới phải tâu lên.

Trước khi đi, Ngài dặn Duyệt rằng:

– Thanh Hoa là đất “tắm gội” (1) của nước, mà Nghệ An là xứ vai vế của ta. Ngươi đi chuyến này, chỉ cốt dẹp yên giặc cướp, chiêu tập dân quê. Vậy thì kẻ nào đã chịu qui phục, nên tha tội chết cho chúng, kẻ muốn theo trào đình mà đái tội lập công, thì nên khuyên nhủ dỗ dành cho chúng hết lòng ráng sức. Sao cho kẻ nhọc được khỏe, kẻ đi được về, kẻ nghiêng được đứng, kẻ cong được thẳng, muôn dân trăm họ, đều sống ở cõi “sinh nuôi yên lành”. Thế mà thôi.

Duyệt vâng mạng vua, rồi đi.

Ra tới Nghệ An, trước hết Duyệt sai tuyên bố oai đức của trào đình, rồi đi dò hỏi những nỗi đau đớn của dân chúng.

Những toán giặc cướp thoạt nghe oai phong của Duyệt, đâu đó tự nhiên tan vỡ, đứa thì tự đến cửa quân thú tội, kẻ thì bị những quan quân bắt giết. Cả xứ đều yên lặng.

Duyệt bèn dưng sớ tâu vua Gia Long, đại ý nói rằng:

“Dân hạt Nghệ An hiện nay nghèo khổ thái quá. Xét ra nhân dân phải chịu đến nông nỗi ấy chỉ có hai cớ: một là quan lại trong trấn đều không đủ tài cai trị, hai là những hạng liêu thuộc lại rất tàn khốc tham lam. Vì hai cớ ấy mà dân phải nghèo, rồi vì dân nghèo mới sinh ra ăn trộm, ăn cướp.

Vậy xin kén lấy người khác ra đây coi việc cai trị, và xin tha xâu, giảm thuế, cho dân khỏi phải gánh vác nặng nề. Như vậy, tự nhiên dân chúng được yên.”

Vua Gia Long theo lời tâu ấy, Ngài hạ chiếu tha cho dân vùng Nghệ An vụ thuế năm ấy, và vụ thuế năm trước nếu ai còn thiếu cũng thôi không bắt nộp nữa.

Chiếu ấu ban ra, dân chúng Nghệ An hết thảy mừng rỡ.

Rồi Duyệt kéo ra Thanh Hoa.

Bắt đầu hạ lệnh cho các quan phủ huyện, dạy họ phải để cho bọn trộm cướp ẩn núp được phép ra thú, đừng bắt chúng phải chịu tội.

Một mặt Duyệt sai Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận cầm tờ hiểu dụ vào khắp mấy nơi thượng dụ dỗ bọn tù trưởng ở đó, giảng cho chúng nghe thế nào là họa, thế nào là phúc, rồi khuyên chúng nên ra đầu hàng.

Suốt mấy tháng trời, Duyệt chỉ chiêu dụ như vậy, không hề dùng đến binh lính đánh dẹp.

Kế đó, Duyệt lại bảo quan địa phương bầy tỏ hết nỗi lợi, hại của dân. Rồi Duyệt tùy theo từng việc nghĩ ra phương pháp xử trí, làm sớ tâu vua Gia Long, xin cho thi hành.

Coi tờ sớ ấy, vua Gia Long đáp lại như vầy:

“Cứ những việc mà ngươi tình bầy, ta cũng rõ rằng ngươi đã thể theo tấm lòng thương dân của ta mà lo cho cả trấn Thanh Hoa yên ổn thái bình. Vậy, kể từ năm mậu dần này trở về trước, thuế ruộng và thuế sản vật, nơi nào còn thiếu cũng thôi, dâu siêu nếu chịu về quê, nhập bộ thì tha xâu thuế cho trong ba năm …”

Cũng như dân trấn Nghệ An, dân trấn Thanh Hoa tiếp tờ chiếu ấy chúng đều tỏ bộ vui vẻ.

Rồi đó, những kẻ phạm tội, từ mấy năm trước chúng tụ tập nhiều tốp, hoặc vài chục người, hoặc hàng trăm người, kéo đi phá rối các làng các xóm, bây giờ chúng đều bó dáo về hàng, binh lính của triều đình không phải dò la bắt bớ chi hết.

Hồi đó ở ngoài Bắc Thành cũng có nhiều kẻ phạm tội tụ nhau làm loạn. Nghe tin ở trấn Thanh Hoa, giặc cướp đều được đối đãi một cách khoan hồng, chúng đều kéo đến cửa quân xin đi lập công chuộc tội.

Bấy giờ Duyệt mới sai người đưa hịch cho bọn tù trưởng ở miền thượng du Thanh Hoa.

Bọn Quách Tất Thúc, Nguyễn Đình Giá, và Đinh Thế Đội tiếp hịch của Duyệt, ai nấy khiếp sợ, một mặt họ sai mấy người con nhỏ là Quách Tất Công, Quách Tất Tại, Hà Công Quỳnh .. ra xin đầu hàng, một mặt thì họ rủ nhau tìm đường chạy trốn.

Bọn Quách Tất Công ra đến dinh quân của Duyệt, chúng đều kinh khiếp, mười phần chắc chết cả mười, cả bọn kêu van, xin Duyệt tha tội, Duyệt nghiêm sắc mặt và nói:

– Lũ bay hãy còn con nít, ta có giết chi cho bẩn gươm!

Bọn Công mừng rỡ tạ ơn. Duyệt tiếp:

– Tụi bay phải về nói cho cha bay hay rằng: Nếu không thể đánh lại quân trào, thì mau mau rủ nhau đầu hàng. Bằng không, nay mai ta sẽ cho quân hỏi tội!

Rồi Duyệt tha hết cho về.

Cách ít lâu, bọn Tất Thúc đưa tin xin cho đầu thú. Duyệt bèn dưng sớ về triều tâu rằng:

“Những nơi dân mọi vẫn ở, đều là nơi địa thế hiểm hóc, ít có vết chân người ngoài đi vào. Cho nên, những kẻ có tội thường mượn chỗ đó làm nơi ẩn nấp. Trừ d9uo5c bọn đó. Thật là một sự khó khăn. Nếu muốn đón đánh nã bắt, thì quân quan chưa tới, chúng đã trốn vào rừng rồi. Mà muốn đóng quân phòng triệt, thì bị nguồn cao nước độc, không thể ở lâu. Bởi vậy, thủa xưa triều đình vẫn coi là nơi hẻo lánh mà bỏ qua.

Ngày nay oai trời rung động, chúng đã bó mình lại hàng. Vậy xin lượng trên ngó xuống, mở đường cho chúng được bỏ đàng cong mà theo đàng ngay.

Lại còn mấy đứa sau khi ra đầu, tự chúng muốn đi lập công chuộc tội. Cũng xin ơn trời đoái lại, cho chúng được theo đòi công việc trong quân. Rồi đây nếu chúng có công thì thưởng, bằng như thói cũ không chừa, thì sẽ chiếu luật trị tội …”

Vua Gia Long khen phải. Ngài bảo Duyệt tha tội cho bọn Tất Thúc, và ban cho họ một bức chiếu thư như sau:

“Lũ ngươi trái lại mạng lệnh triều đình đã lâu, đáng lẽ nay phạt trừng trị thật nghiêm cho đáng tội. Ta chỉ nghĩ rằng: lũ ngươi đã trót dại dột, muốn cho lần lần hối hận tự sửa lấy mình, nên ta không nỡ ra oai.

Mới đây ta có sai viên đại thần đi ra kinh lược, cốt để vỗ về dân chúng cho được theo đường ngay lành, yên phận làm ăn. Còn như những kẻ trẻ nít như lũ ngươi, thì ta không cần hỏi tới. Nay lũ ngươi đã biết ăn năn lỗi cũ, tự ra thú tội đầu hàng, thôi thì ta cũng tha cho. Lũ ngươi từ nay phải gột rửa thói xưa, tập theo đường chính, hầu được hưởng phúc về sau ..”

Rồi Ngài phong cho Đình Giá làm Phòng ngữ sứ, Tất Thúc làm Phòng ngữ Đồng tri đội, chín người cùng bọn đều làm chức Phòng ngữ Thiêm sự. Và cấp cho họ các thứ vàng bạc, áo quần, khuyên họ phải làm việc cho hết chức phận.

Từ đó, giặc cướp tan hết, dân chúng yên ổn.

Trước kia mười động dân mọi ở chân Sầm Tứ miền thượng du, thuộc xứ Vạn Tượng vẫn không chịu cống lễ triều đình. Nay nghe Duyệt đi kinh lược, một người tù trưởng tên là Phi-Sỹ-Vu-Hâm cũng đem tiền của đến nộp, xin cho thuộc vào nước Nam.

Duyệt đem việc đó tâu lên. Vua Gia Long bảo Duyệt thu nhận tế vật và kể cho Phi-Sỹ-Vu-Hâm vào hạng công man.

Hồi ấy ở ngoài Bắc Thành đã có mấy trấn bỏ sổ đinh cũ, dựng sổ đinh mới, riêng còn hai trấn Thanh Nghệ sổ đinh vẫn chưa làm. Vua Gia Long giao cho Duyệt phải coi việc đó.

Duyệt làm sớ tâu:

“Dựng sổ dân đinh là một việc lớn. Được người có tài ra làm, cố nhiên là hay. Nếu người làm mà không có tài, khó lòng tránh khỏi tệ bại. Hiện nay có lệnh nghiêm trị những kẻ ẩn lậu, hậu thưởng cho kẻ cáo tố, song mà thói thường người ta vẫn hay lánh nặng cầu nhẹ, dẫu cho pháp luật rất nghiêm, cũng không cấm được sự gian. Bây giờ nếu muốn làm lại sổ đinh, thì phải cần có những người giỏi thạo trông coi mới được tinh vi. Bằng không như vậy, e rằng sổ mới lại còn sơ sót hôn sổ cũ nữa …”

Vua Gia Long cho lời ấy là phải.

Tháng bẩy năm ấy, sổ đinh Thanh, Nghệ làm xong, vua Gia Long đòi Duyệt về triều.

Bấy giờ ở miền Thanh, Nghệ trộm cướp xin ra đầu thú tất cả hơn 900 người, trước kia Duyệt đã tâu xin tha tội cho họ. Khi sắp ra về, Duyệt lại cho họ được vào làm lính, để cho hai trấn sai dùng. Trong số 900 người ấy, 420 người thuộc bộ Thanh Hóa, dựng thành một đạo kêu là quân Thanh Thuận, và 480 người thuộc bộ Nghệ An thì dựng một đạo kêu là quân An Thuận. Duyệt lại xin cho con trai Hà Công Thái là Hà Công Quỳnh làm chức Cai đội, con trai Nguyễn Tất Thúc là Nguyễn Tất Công, Nguyễn Tất Tại đều làm chức Phòng ngữ Thiêm sự, và giao cho họ coi đốc bốn làng Sơn Âm, Chân Lại, Trường Môn, Bằng Lương, cùng theo giữ đồn Chi Nê.

Hai tháng sau, Duyệt đến Phú Xuân, vào triều bệ kiến, vua Gia Long yên ủi hồi lâu, rồi Ngài hỏi đến tình hình hai trấn Thanh Nghệ. Nhân có cơ hội, Duyệt tâu:

– Tôi đi chuyến này, nhờ có oai đức của triều đình, cho nên công việc cũng được mau xong. Chỉ có một điều chưa yên là, ở hai trấn ấy có nhiều vườn ruộng trước kia sổ điền bỏ sót. Bây giờ xét lại mới cho vào bộ, mà lại đánh qáu nặng, dân quê đóng góp không nổi. Vậy xin sửa lại cho vừa lòng dân.

Vua Gia Long vui vẻ mà rằng:

– Nếu đã làm lợi cho dân, thì ta có tiếc gì đâu.

Duyệt tiếp:

– Miếu thờ nhà Lê ở Thanh Hoa đồ thờ hiện nay còn thiếu. Vậy xin sai các quan lại trong trấn phải xuất tiền kho mà sắm cho đủ, để tỏ cho dân biết rằng: triều đình đối với vua Lê vẫn hậu.

Vua Gia Long ưng theo.


(1): quê quán của nhà vua gọi là đất tắm gội

Viết một bình luận

error: Content is protected !!