11 – Đánh thành Qui Nhơn

Trong khi Duyệt cùng Chúa Nguyễn đem quân đi đánh Phú Xuân, thì ở Qui Nhơn Thiếu phó Diệu và Tư đồ Dũng thúc quân đánh thành càng gấp hơn trước.

Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, tuy có khéo dùng lời lẽ ngon ngọt mà khuyên dỗ bộ hạ, nhưng tướng sỹ cũng nhiều người trốn lén ra hàng quân Tây. Có lần cả mấy đội quân ngỏ toan cửa thành mà đi. Tánh phải sai nhuệ phong vệ úy Ngô Văn Sở đem quân xông vào đóng chặt cửa thành, không cho ra nữa, mà họ đã ra hơn ngàn người rồi.

Nhờ về Tánh khéo dùng mưu kế chống lại quân Tây, cho nên vẫn giữ được vững.

Nhưng mà thành ấy bị vây đã hơn hai năm, lương thực dần dần cạn kiệt.

Bộ hạ có người kguye6n Tánh bỏ thành mà chạy, Tánh không nghe và nói:

– Ta vâng mạng nhà Chúa mà giữ thành này, thành còn thì ta còn, thành mất thì ta mất. Nếu bỏ thành mà trốn cho sống cái thân, thì sau này mặt mũi nào ngó thấy nhà Chúa?

Rồi Tánh cho quân giết voi giết ngựa mà ăn.

Chẳng bao lâu voi ngựa cũng hết, quân sĩ đều đói meo, Tánh sai quân đem những củi khô chất đầy quanh lầu bát giác, rồi lại đốc quân giữ thành như thường.

Một bữa, quân Tây đánh thành rát quá, Ngô Tùng Châu tìm Tánh hỏi kế chống cự ra sao, Tánh chỉ vào lầu bát giác mà rằng:

– Đó; kế của tôi đó!

Và Tánh nói luôn với Châu:

– Tôi làm chủ tướng, theo nghĩa, không thể cùng sống với giặc, ông là quan văn, chắc rằng giặc không nỡ giết, nên tìm cách mà tự toàn.

Châu cười và đáp:

– Trung nghĩa chỉ có một đường. Văn với võ có khác chi nhau? Ông có thể chết theo chữ “nghĩa”, tôi không thể chết theo chữ “trung” được sao.

Tức thì, Châu về nhà riêng, uống thuốc độc tự tử.

Tánh hay Châu chết vỗ đùi bảo với thủ hạ:

– Vây là ông Ngô tranh trước mình rồi.

Tức thì Tánh đến tận nhà coi việc khâm liệm chôn cất cho Châu.

Luôn bữa đó, Tánh một mặt sai đưa thư cho Thiếu phó Diệu, nói rằng: “Làm tướng phải chết với thành trì, đó là việc của ta, quân sĩ không có tội gì, chớ có giết hại”. một mặt sai lấy thuốc súng đổ ở dưới lầu, rồi Tánh tự mình bận áo mũ chỉnh tề, ngồi xếp bằng tròn trên lầu, đói các tướng đến cả trước lầu và nói:

– Từ khi ta vâng mệnh nhà Chúa đóng giữ thành này, giặc nó kéo quân cả nước đến vây, kể hơn hai năm rồi. Trong hai năm đó, nhờ được tướng sĩ đồng tâm, cho nên chống được với giặc. Nay lương đã hết, sức cũng hết, giữ không thể được, đánh cũng vô ích, thì ta chết đây, cho khỏi để khổ cho tướng sĩ!

Tướng sĩ nhiều người nước mắt rưng rưng, cúi rạp xuống đất mà khóc. Tánh đuổi đi hết, rồi tự mình châm lửa đốt lầu.

Thiếu phó Diệu và Tư đồ Dũng dẫn quân vào thành, thấy Tánh và Châu đã chết một cách can đảm, hai tướng có ý kính trọng, sai quân làm ma, tống táng rất tử tế.

Khi Duyệt và Chất đem quân đến Trà Khúc, thì thành Qui Nhơn đã về quân Tây hơn một tháng rồi, Thiếu phó Diệu và Tư đồ Dũng đã sai quân đóng đồn phòng triệt suốt một dải từ đèo Bến Đá đến đèo Cung Mang, đồn lũy rất là kiên cố.

Duyệt và Chất đốc quân tiến đánh mấy trận kịch liệt, phá luôn được vài ba đồn, bắt được rất nhiều khí giới voi ngựa.

Tháng bẩy năm ấy, Duyệt đưa hịch cho Tống Viết Phúc, bảo Phúc kéo quân đến cửa Tân Quan, rồi đổ lên bộ mà chặn ngang con đường Binh Đê. Duyệt và Chất thì đốc quân đánh đồn Bến Đá và đồn Bồ Đề. Hai mặt cùng đánh ập lại.

Chẳng ngờ Phúc vừa đi tới Tân Quan bị toán phục binh của Từ Văn Chiêu trổ lên đánh giết, quân Phúc vì không phòng bị tan vỡ hết cả, Phúc bị chém chết tại trận.

Duyệt và Chất tiến đến Bồ Đề, vừa gặp toán quân của Từ Văn Chiêu ở miệt Tân Quan kéo lên. Hai tướng thúc quân liều chết xông vào, giết được vô số quân Tây, bắt được hai viên đại tướng là Nguyễn Văn Khôn, Hồ Văn Tự và hơn ba ngàn quân sỹ.

Chúa Nguyễn được tin thắng trận, mừng rỡ vô hạn, liền sai người thưởng cho tướng sỹ hai ngàn lạng bạc và phong cho Duyệt và Chất đều làm tước quận công.

Tuy có chiếm được mấy đồn, đánh được vài trận, nhưng Duyệt và Chất cũng biết quân Tây còn mạnh, chưa thể đánh luôn.

Hai tướng bèn đóng quân ở Thanh hảo, sai quân đắp một dẫy lũy suốt từ cửa Mỹ Á lên đến đầu núi Cây Cờ, chia quân đóng đồn phòng giữ.

Trong đồn Thanh Hảo có lẫn rất nhiều quân hàng ở với quân cũ của Duyệt và Chất. Thiếu phó Diệu và Tư đồ Dũng luôn luôn phao lời phản gián, thành thử tướng sỹ không được yên lòng, ai nấy nơm nớp lo sợ. Nhờ Duyệt và Chất khéo dùng lời lẽ phủ dụ, cho nên không hề xảy ra sự gì.

Hồi ấy Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Đức Xuyên vẫn đóng quân ở Vân Sơn, cũng đã giao chiến nhiều trận, nhưng không thể tiến được bước nào, quân Thành vẫn chưa liên tiếp được với quân của Duyệt và Chất.

Năm ấy, Qui Nhơn mất mùa, lương hướng ở Gia Định lại bị ngược gió không vận ra được, bên Thành sắp không còn gì mà ăn. Duyệt nghe tin đó, liền sai quân đưa sang cho Thành một vạn năm ngàn phương thóc. Nhờ vậy, quân Thành mới khỏi phải đói.

Sang tháng mười, Duyệt và Chất lại đem quân diễu qua các con đường rừng ở phía sau Qui nhơn, coi thử chỗ nào trọng yếu, thì sai quân đắp ụ đóng đồn, phòng khi quân địch chạy theo lối ấy.

Đến tháng một, thấy có tin nói: Vua Cảnh Thạnh đem ba vạn quân thủy, bộ tiến vào Linh Giang, có Bùi Thị Xuân là vợ Thiếu phó Diệu đem năm ngàn tinh binh đi theo, chực đánh vào thành Phú Xuân, để làm thanh ứng cho toán quân địch ở Qui Nhơn. Duyệt liền sai người viết thư đưa cho Chúa Nguyễn, đại ý nói rằng:

“Hiện nay ở đây giặc đã khốn quẩn, không đường tiến lui, đồ dùng của quân sỹ đều lấy hết ở thành Qui Nhơn. Mà xứ này dân đói, lúa đắt, chúng nó lại thu thuế má rất nặng, nhân dân ta oán đã tệ lắm. Tôi trộm nghĩ rằng: nếu có thành bằng sắt đúc, ao nước sôi, mà không có lúa cũng không giữ được. Huống chi mấy huyện Qui Nhơn, của cải được là bao nhiêu mà có thể giữ được lâu dài. Chắc rằng nay mai chúng nó sẽ quyết một trận tử chiến ở miệt Quảng Ngãi, mong rằng họa may được chăng. Vả lại, chúng nó nay đã cùng đường, quân sỹ đề có lòng liều chết, nếu ta xua quân ra đánh, đánh chưa chắc được, quân chưa chắc toàn. Chi bằng cứ đắp lũy cho cao, đào hào cho sâu, hãm cho chúng nó ở đó. Chờ đến khi nào chúng nó ở không được mà phải đi, bây giờ ta sẽ đặt quân phục, giữ chỗ hiểm, đ1on đường mà đánh. Như vậy chắc là toàn thắng.

Tôi chỉ lo rằng: Từ miệt Linh Giang trở ra, chưa biết thế giặc động tĩnh ra sao, xin cho Lê CHất ra đó, hiệp sức với Nguyễn Văn Trương, cùng đánh cùng giữ.

Tôi xin một mình ở đây, giàm buộc tụi giặc, không cho chúng nó ra khỏi Thanh Hảo nữa bước.”

Chúa Nguyễn coi thư rất ngợi khen Duyệt và trả lời như vầy.

“Toán quân bại trận của Nguyễn Quang Tỏa, đánh một trận có thể bắt được. Chỉ có hai thằng Diệu Dũng cố cùng mà giữ thành Qui Nhơn, không thể để cho chúng nó lan ra. Vậy nay phải hai đường giáp công, việc quân ở Vân Sơn giao cho Nguyễn Văn Thành điều khiển, việc quân ở Thanh Hảo giao cho ngươi. Các ngươi phải hiệp sức với nhau mà tính toán, nên đánh thì đánh, nên giữ thì giữ, sao cho ta khỏi phải lo về mặt đó. Hai chàng Diệu, Dũng nay chưa trừ được, phải để trọng binh mà chấn áp tụi giặc sắp tan. Chưa thể sai Lê Chất đi nơi khác được. Hãy để hắn hợp sức với ngươi mà quét cho sạch dư đảng của giặc …”

Tiếp thư ấy, Duyệt liền đưa cho Chất coi.

 Kế đó, đồn Mỹ Á bị Từ Văn Chiêu dẫn quân lên đánh. Duyệt sai thủ đồn Trịnh Ngọc Trí đem quân chống cự, rồi Duyệt tự mình đốc một toán quân ra sức giáp công. Quân Tây thua to.

Sang tháng chạp, mấy viên tri huyện ở những huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mỹ Hoa cùng đến dinh quân của Duyệt đầu hàng. Duyệt nhận lời rối, viết thư đưa lên Chúa Nguyễn, xin cho những người ấy lại được lãnh chức tri huyện như cũ. Chúa Nguyễn ưng ý.

Tháng giêng năm nhâm tuất (1801) vua Cảnh Thạnh (1) tự mình đốc dẫn đại binh cùng nhiều tướng tá kéo đến cửa biển Nhật Lệ, một mặt đánh đồn Nhật Lệ, một mặt đánh núi Đâu Sơn, thanh thế rất mạnh. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Văn Trương dẫn thủy binh, Phạm Văn Nhân và Đặng Trần Thường dẫn bộ binh chia đạo kéo ra chống cự.

Quân Tây tiến sát đến lũy Nhật Lệ, bị quân Nguyễn dùng súng đại bác bắn xuống, chết hơn ngàn người. Quân Tây lại xô qua mặt Đâu Sơn, tướng sĩ bắn vào chân núi bò lên như kiến. Quân Nguyễn dùng đá lăn xuống, quân Tây bị bẹp rất nhiều, Bùi Thị Xuân, vợ Thiếu phó Diệu, vẫn hăng hái xua quân liều chết mà đánh.

Giao chiến tự sáng sớm đến qua chiều, quâng Nguyễn hết sức chống giữ viên nữ tướng đó vẫn không chịu lui.

Gần tối, gió đông bắc thình lình nổi lên. Nguyễn Văn Trương thừa thế thúc quân xông đánh thủy trận của quân Tây ở biển Nhật Lệ. Thủy trận bị tan, quân Tây ở Đâu Sơn tự nhiên kinh hoảng mà vỡ, Bùi Thị Xuân phải theo vua Cảnh Thạnh chạy ra Linh Giang.

Quân Nguyễn đón đường đánh giết, quân Tây lại thua một trận tan nát. Vua Cảnh Thạnh phải chạy ra Bắc, thuyền bè quân sĩ bị mất gần hết. Lòng người ngoài Bắc càng nôn nao.

Chúa Nguyễn thấy vua Cảnh Thạnh đã bị kiệt quệ, quân thế của mình càng ngày càng mạnh, Ngài liền sai người giục Duyệt đánh gấp vào thành Qui Nhơn.

Được lệnh, Duyệt liền đốc quân tiến đánh, bắt được Đô đốc Châu Hữu Mỹ và hơn ba chục đại tướng.

Tức thì Duyệt cùng Chất dẫn cả bộ binh, thủy binh kéo đến phá đồn Thạch Tân.

Luôn mấy trận giao chiến, quân Nguyễn đều đại thắng, hạ được mấy đồn. Hai tướng bèn đốc bộ binh đến đóng ở đồn Kiên Hạ, thủy binh thì đóng ở cửa Tân Quan.

Rồi Duyệt và Chất hội quân với Nguyễn Văn Thành, hai mặt đồng thời đánh vào Qui Nhơn.

Thì kih ấy Tống Viết Phúc bị chết tại trận, Duyệt vì căm tức càng thêm nghiêm khắc. Bộ hạ vào trận hơi lùi một chút Duyệt theo quân pháp trị liền, không hề khoan thứ. Mỗi khi thắng trận, Duyệt giết hết sạch quân địch, không tha một mạng. Nói rằng “Ta giết để cúng ông Tống Viết Phúc”.

Khi ấy, nghe tin Duyệt sắp đại chiến, Chúa Nguyễn sợ Duyệt tàn sát nhiều quá, bèn sai người đưa thư khuyên rằng: “ Quân cửa đứng vương giả, đi đến đâu chỉ cần cho yên đến đó. Trong khi ra trận, hễ có bắt được quân giặc, không nên chém giết một cách quá lạm. Vả lại, từ khi thành Bình Định gây cuộc binh đao đến nay, cũng đã lắm sự tàn tệ. Phải nên nghiêm cấm quân lính, không được cướp bóc, để cho dân được yên nghiệp làm ăn ..”

Duyệt được thư ấy, không giết nhiều quá như trước.

Lúc ấy, Thiếu phó Diệu và Tư đồ Dũng cầm mấy vạn quân chống nhau với quân Nguyễn, tám chín tah1ng trời, lương thực dần dần hết cả.

Bên ngoài hai đạo quân của Duyệt và Thành tiến đánh càng ngày càng dữ. Hai tướng biết rằng không thể giữ được, hồi tháng ba lừa khi đêm tối, hai tướng cùng tám chục chiến tướng, ba ngàn tinh binh, tám mươi sáu con voi bỏ thành Qui Nhơn lên trốn vào rừng. Thành và Duyệt biết tin dẫn quân đuổi theo, thì bọn Diệu – Dũng đi đã xa rồi, Duyệt bắt được Đô đốc Trần Đại Nựu giải về Phú Xuân nộp cho Chúa Nguyễn.

Luôn tháng ấy, Chúa Nguyễn để Thành ở lại Qui Nhơn, cho Duyệt và Chất đem quân trở về Phú Xuân.

Vậy là từ vỉa Nhật Lệ tới mũi biển Cà Mau đều thuộc dưới quyền Chúa Nguyễn.

Tháng năm năm ấy, hoàng thành sang sửa đã xong. Chúa Nguyễn sai người ra đảo Phú Xuân đón Vương mẫu và Vương phi về Phú Xuân, rồi đổi niên hiệu làm Gia Long nguyên niên.


(1): Lúc ấy vua Cảnh Thạnh đã đổi niên hiệu là Bảo Hưng. Vì muốn cho độc giả khỏi lạm nên cứ gọi là Cảnh Thạnh.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!