(Đăng ngày 31 – 07 – 1930)
Ngồi nói chuyện với bà một lúc lâu, thì cô con gái của bà đi học về. Cô mới có 19 tuổi, người coi có nhan sắc tuyệt trần, mà đạp cái vẻ nhu mì phước hậu; người đàn bà thấy nhan sắc của cô cũng phải ghen. Sau em cùng cô kết giao thân thiết, cô có tặng cho em một tấm hình để làm kỷ niệm. Lúc về, đem treo ở nhà, có một ông nhà nho tới chơi ngó thấy, tấm tắc khen đẹp, lại ngâm nga mấy câu “Bĩ mỹ nhơn hề, Tây phương chi nhơn hề” trong Kinh Thi rồi cầm viết đề bốn chữ “tuyệt thế giai nhơn”. Em nghĩ bụng mà cười thầm: Mấy ông cựu học hủ nho của ta thấy nhan sắc cũng biết là nhan sắc chớ có phải vừa gì sao.
Cô ấy học ở trường Đại học Văn chương, sắp thi tốt nghiệp. Cô nói chuyện rằng cô có quen mấy người bạn đồng học là anh X … và anh V … đều là người Việt Nam cả.
Từ đó trở đi,em thường đi lại cái nhà ấy. Cả hai mẹ con đều tỏ lòng thương em thành ra cái tình giao du trở nên thân thiết. Có khi hai mẹ con lại dắt em đi chơi nhà nầy nhà kia, toàn là những nhà nền nếp hết cả. Nhơn vậy em mới biết đại khái cái gia đình của một người Pháp ra thế nào.
Lúc trước, thấy có người Pháp cử động tự do, ăn nói tự do, con nít chơi giỡn ngang ngược, không ai ngăn cấm, bao nhiêu những cảnh tượng mắt thấy tai nghe ở ngoài, đều khiến cho em tưởng tượng ra một cái gia đình người Pháp rất là quái lạ. Tưởng tượng là trong gia đình họ, tất nhiên là đàn bà chỉ nằm dài mà ăn, hay là vợ chồng rầy lộn nhau hoài hay là con quen cửi cha, tớ quen mắng chủ: chắc là lôi thôi lộn xộn lắm. Té ra không phải vậy. Một cái gia đình nền nếp ở bên Pháp không khác gì một gia đình nền nếp ở bên ta hết, lại còn có phần nền nếp hơn nữa.
Cái gia đình tôi quen đây có một mẹ với hai con, một trai một gái, đều đi học, và một con ở gái. Nhà ở thì cũng theo hạng trung lưu bên Pháp, nhà nào cũng vậy: có phòng khách, phòng nhạc, phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm với một cái bếp, đều cách biệt nhau.
Lần nào em tới, cũng thấy bà mẹ đương săn áo lên mà làm việc nhà, khi thì lụi hụi ở dưới bếp làm đồ ăn, khi thì cầm cụi may vá cho con; con ở kia chỉ là người phụ mà thôi, chớ thiệt là ở trong nhà, việc gì bà cũng để mắt hay là mó tay vào hết. Sáng ra, bà đi chợ lấy, rồi về mới làm việc nhà. Thường lệ, bữa sáng thì mới ăn thịt cá, còn bữa tối thì chỉ ăn súp và những món ăn nào nhẹ, cho dễ tiêu.
Cô con gái đi học về, liệng cái cặp da đựng sách vào phòng, cổi đồ tốt ra rồi cũng lấy miếng vải quấn ngang bụng, xuống bếp phụ giúp với mẹ, hoặc là lên dọn bàn ăn, coi ra bộ vui vẻ và lanh lẹ lắm. Lúc ăn, mấy mẹ con ngồi cùng ăn, chuyện trò vui vẻ. Ăn rồi mẹ thì ra may vá hoặc coi nhựt trình, con thì khảy đàn tiêu khiển, hoặc là đem sách ra đọc. Chiều lại mấy mẹ con dắt nhau đi dạo mát, hay là coi chớp bóng và coi hát.
Cách sanh hoạt của họ, chẳng những gì là gia đình nầy mà nhiều gia đình khác cũng vậy, em thấy có cái vẻ dịu dàng, êm ái, mà người mẹ làm chủ trong gia đình, thì thật là tảo tần, chịu khó, cần kiệm, làm lụng, đủ mọi tư cách người nền nếp.
Nhà ấy có đứa con trai, còn nhỏ tuổi. Nó mới có 10 tuổi, mà có phép tắc lắm. Ta thấy con tây bên Annam, có đứa mới bảy tám tuổi, kêu người bồi bưng cà phê lên cho nó uống, là “bú dù”, hay là thằng nhỏ đi xe máy trên lề đường, có người hiền lành đi ngang, chẳng chòng ghẹo gì nó, nó cũng hất nón người ta đi, rồi lại cười hì hì và nhiếc mắng người ta là “khỉ”, tức như là chuyện mà bà Pinson đã than phiền trong báo Indépendance Tonkinoise lúc nọ. Đó là con của vài người tây ở thuộc địa thì vậy, chớ bên Pháp không có vậy đâu.
Em thấy gia đình nào bên tây, cũng cho con trẻ cử động chơi bời thong thả, tức là để cho nó dạn dĩ và mở mang trí khôn. Song họ cũng bắt nó ăn có giờ, ngủ có khắc, và chơi có tiết độ, lại dạy dỗ cho nó có khuôn phép, ở trong nhà hay ra ngoài đường cũng vậy. Chớ không phải là nó có quyền muốn ăn quà bánh gì, thì tự do mua ăn, hay là hỗn hào với ai mà được đâu.
Em đã nhận kỹ ra: Lúc cha mẹ có khách, sai con bưng cà phê hay là rót rượu vào, con làm xong những việc ấy thì lui ra để cho cha mẹ nói chuyện với khách, chớ không phải là đứng lại nhõng nhẽo với cha mẹ, hoặc là làm ồn ào gì. Chiều lại cha mẹ dẫn con đi chơi, nếu nó thấy sự gì lạ, nó hỏi thì cha mẹ vui lòng giảng dạy cho nó từ li từ chút.Cách ấy chính là cách giáo dục nhi đồng rất hay; không như bên ta, khi con hỏi điều gì, cha mẹ lại dạy rầy nó: Ý, con nít biết gì mà hỏi.
Nói tóm lại, cái gia đình nền nếp của họ, họ là người đàn bà làm chủ trong nhà, phải lo lắng sắp đặt nhứt thiết, để cho chồng con yên tâm làm việc ở ngoài, và trong nhà trong cửa được sạch sẻ, êm đềm, vui vẻ; con cái lại được trông nom cẩn thận, dạy dỗ hẳn hòi. Những phận sự ấy, em thấy người đàn bà Pháp làm đầy đủ lắm.
Tận mắt em ở trong cảnh sanh hoạt của những gia đình ở chỗ có văn minh và có nữ quyền như vậy. Thế mà ở xứ ta, có nhiều chị em dám lớn tiếng nói rằng phận sự đàn bà là ở ngoài xã hội, chớ không phải là nguyên ở trong gia đình, em thiệt lấy làm lạ!