Chương V

Cao quỉ kế cường đồ trơ mặt,

Ngộ mưu gian liệt nữ liều thân.

Cách đặng vài ngày chi đó, có một bọn ăn cướp ở miệt Tây Ninh kéo xuống, phân nửa là người Chàm, có hai tên đầu đảng: một người tên Ngưu Cường, một người tên Mã Kiện ào xuống Trảng Bàng mà cướp giựt bất kỳ trâu bò, bất kỳ gà lợn của ai đều bắt ráo.

Ngày kia tên Mã Kiện phó đảng vừa cỡi ngựa ngang qua nhà Nhan tiểu thơ nhằm lúc tiểu thơ bước ra ngoài mà phơi tơ, anh ta liền chạy đại vô bắt để lên lưng ngựa mà trở về trại mình. Nhan tiểu thơ kêu khóc lạc giọng nó cũng không buông.

Về vừa đến nơi, kế lấy anh chánh đảng là Ngưu Cường hay đặng liền cho quân đòi đến mà quở rằng:

– Vả ta làm đầu trong đảng nầy, thì nếu ai có đặng món chi cũng phải đem đến mà thưa trình cho minh bạch, có đâu nhà ngươi bắt con gái người ta lại tự chuyên chứa lấy một mình chẳng cho ai hay thì tội ấy khó dung cho gã.

Mã Kiện thấy nói vậy thì nổi giận nói rằng:

– Như việc tiền bạc chi thì đem về phải trình thưa phòng có chia chác, chớ cái nầy là cái lương duyên túc đế của tôi, duyên ai nấy gặp lại phải thưa trình mà làm chi?

Hai đứa cãi lẫy hồi lâu liền đánh lộn. Đánh đến tối mò chẳng ai hơn ai. Đêm ấy liền chia hai bổn bộ binh ra rồi đốt đuốc lên đánh nữa. Đánh sáng đêm cũng chẳng ai hơn thua, sáng ra lại đánh cho đến chiều. Đánh thôi hai bên chẳng biết là bao nhiêu.

Lúc ấy, Trương Bá Vạn hay sự như vậy thì tính kế đặng có đoạt tiểu thơ. Bên kia Ngưu Cường và Mã Kiện quyết việc chết sống với nhau thì cũng bởi sắc tiểu thơ, còn bên nầy Trương Bá Vạn trằn trọc đêm ngày tính tới lo lui, cũng về duyên Nhan thị đó.

Đang khi ngồi suy tính, vụt nhớ sực nhớ việc cướp người buông lửa của Hoạn Thơ làm ngày nọ, liền cười mà nói rằng:

– Xong rồi! Song nay thây ma đâu cho sẵn đem bỏ vô lửa mà làm tang cho đặng. Còn ví bằng chẳng có tang thì bọn ấy ắt theo mà tập nã thì mình cũng khó dấu cho nhẹm.

Nghĩ như vậy bèn nói:

– Thôi nay ta phải làm như vầy mới tiện.

Tức thì liền đi kiếm thợ săn biểu trong một ngày phải bắt cho đặng một con chồn, dầu giá mấy cũng mua. Xế qua tên thợ săn đam về một con cáo rất lớn; Trương Bá Vạn liền hỏi:

– Vậy chớ nhà chú có vợ con chi không?

Tên thợ săn trả lời rằng:

– Nhà tôi có một mẹ già, nên đi săn bắn về kiếm thịt đổi gạo nuôi mẹ mà thôi, nhơn nghèo nên chưa dám có vợ.

Trương Bá Vạn thấy vậy liền lấy ra năm nén bạc cho tên thợ săn và biểu phải về dọn dẹp lấy đồ đạc, chở bà mẹ qua đi theo mình về Định Tường thì mình sẽ lo bề vợ con và sẽ giúp vốn cho mà buôn bán, chớ ở đây làm chi chốn rừng bụi cho cựa cái thân.

Tên thợ săn thấy vậy thì cả mừng, liền về lo sắp đặt đặng có đi theo Trương Bá Vạn. (Anh Trương Bá Vạn tính đem tên thợ săn theo về xứ đặng cho khỏi bể việc con chồn về sau).

Việc xong rồi mới đi mướn ít quân hoang cũng biểu nó thi theo mình về xứ đặng có phục dịch trong nhà. Đứa nào chịu thì tức tốc đưa bạc tiền và biểu phải đem quần áo lại tức thì đặng tối có đi; lại đi mướn sẵn một chiếc ghe để đó.

Tối lại tên thợ rừng cùng hai đứa gia dịch mới mướn đó đã đến, thì Trương Bá Vạn cho ăn uống no say hết. Qua đến canh hai liền kéo qua trại của Mã Kiện mà coi, thì thấy Mã Kiện với Ngưu Cương đương đánh vùi với nhau nơi trước trại; trong trại trống trơn chẳng có một ai cả.

Bốn người liền lỏn vô ngả sau, đi thẳng vào trong gặp đặng Nhan tiểu thơ đương ngồi trong buồng mà khóc. Trương Bá Vạn liền bước đến nói rằng:

– Cô em đừng khóc, qua đến cứu em đây.

Nhan tiểu thơ ngước mặt lên thấy Trương Bá Vạn thì lại thêm buồn, song nghĩ bây giờ đã cùng nước, thôi miễn là mình ra cho khỏi hổ nguyệt luông đàm rồi tới đâu hay đó, chớ biết sao bây giờ, liền đáp rằng:

– Như quan nhơn có lòng tốt cứu tôi đặng phen nầy, thiện ân ấy ví bằng tái tạo.

Trương Bá Vạn liền biểu phải đi theo mình mà ra khỏi chỗ ấy, rồi để thây con chồn trên giường của tiểu thơ, nổi lửa lên mà đốt. Đốt rồi bốn người đồng đem tiểu thơ ra khỏi trại để lên kiệu khiêng  thẳng xuống ghe, rồi trở lên nhà tom góp đồ hành lý trả tiền nhà xong xuôi đồng xuống ghe đi về Định Tường.

Đàng nầy, Mã Kiện đương đánh với Ngưu Cương vùng thấy sau trại lửa lên đỏ trời, thì thất kinh liền thâu quân trở lại đặng có chữa lửa. Đàng kia, Ngưu Cương thấy lửa cháy trại Mã Kiện thì cũng có ý sợ chết tiểu thơ đi, cho nên để cho Mã Kiện về chữa lửa chẳng nói chi hết.

Mã Kiện khi chữa tàn lửa rồi thì đáo soát kiếm Nhan tiểu thơ. Kiếm đến trong buồng thì đốc quân giở cây củi lên mà kiếm, dở vừa rồi thì thấy có một con chồn nhăn răng méo miệng, che1y queo trên giường mà chết, chớ chẳng thấy tăm dạng tiểu thơ đâu hết. Thiên hạ đều thất kinh.

Từ ấy cả xứ đều nói Nhan tiểu thơ quả là hồ ly chớ chẳng phải người ta. Bà dì Nhan tiểu thơ cũng chẳng biết sao mà nói.

Bọn Ngưu Cương, Mã Kiện từ thấy mất Nhan tiểu thơ rồi thì cũng vô tâm luyến chiến, cho nên hòa hảo với nhau anh em như cũ, song cách chẳng bao lâu cũng bị giặc Tây Sơn tận diệt.

Còn Trương Bá Vạn bắt đặng Nhan tiểu thơ rồi đồng xuống ghe noi theo sông Vàm Cỏ mà trở về Định Tường. Đi gần hai ngày mới đến Bến Lức. Đến đây thì vừa hết canh một tính đậu ghe đó sáng lên chợ mua ăn rồi sẽ đi. Từ ngày xuống ghe thì Trương Bá Vạn lập nết nghiêm trang chẳng mở hơi chi cả, vì có ý để cho đến nhà rồi sẽ mặc sức, có mất đi đâu mà phòng vội.

Nhưng mà vì Trương Bá Vạn là một tay đệ nhứt phong tình lại gặp lúc lửa rơm gần gũi, thì có dễ chi mà dằn lâu cho đặng. Cho nên đêm ấu đậu ghe rồi, Trương Bá Vạn mới bò lần lại bên chỗ Nhan tiểu thơ nằm, ôm cứng Nhan tiểu thơ vào lòng mà nói rằng:

– Em ôi! Từ lúc đụt mưa nơi nhà cũng vì em mà anh xương thịt xõ mòn khổ tâm cực trí biết bao nhiêu, ngày nay mới đặng gần bên em. Nếu hôm nay em chẳng đoái tình mà sấp lưng day mặt nữa, thì anh chắc chẳng sống đặng rồi. Mạng sống của anh ngày nay ở nơi tay em đó. Đã biết em lúc ni như chim lồng cá rọ, nếu anh cưỡng bức thì há lại chẳng đặng sao? Nhưng mà anh muốn làm sao chi vui đẹp cả hai bên mới phải, chớ anh chẳng muốn riêng vui một mình; nếu nay anh cưỡng bức em thì thật là phỉ bình sanh chí sở nguyện của anh rồi đó, song ắt là em phải buồn chớ chẳng không, mà nếu em buồn thì anh há vui cho đặng sao? Vậy nếu ngày nay em chẳng khứng thờ anh là chồng, nói rằng anh chẳng xứng gần nơi bên mình tiên nữ nầy thì thà là anh cam thác, chớ chẳng muốn cho trái lòng em mà có một điểm buồn chi cho em cả. Em ôi! Xin hãy rộng suy kỹ xét mà đoái tưởng tình nầy. Ví một tiếng ừ của em mà cứu đặng một mạng sanh linh của tạo hóa há chẳng phải là lòng nhơn sao?

Nhan tiểu thơ nghe vậy thì nghĩ thầm rằng: ‘Nó mà làm như vầy, ấy là bởi nơi cái sắc của mình đó, nay bề nào mình cũng ở trong tay nó; tuy bây giờ nó nói vậy chớ cùng đường rồi nó há dễ chẳng ra tay sao? Nếu mình chẳng trước tính để đến đó rồi thì dầu có thác cũng chẳng rửa đặng cái nhơ kia. Tính tới tính lui ngàn chết muôn chết cũng là một cái chết. Nay phải gạt nó đi mới đặng”.

Nghĩ như vậy liền nói:

– Thôi xin chàng hãy buông tôi ra cho tôi phân hết mọi lời rồi thì tôi chịu, chớ đến đỗi nầy còn không sao cho đặng. Vả tôi là gái có chồng, nay làm ra như vậy thì tôi đã thất tiết với chồng tôi rồi đó. Lại nay chồng tôi đi khỏi cũng chẳng biết chết sống thể nào, mà dẫu chồng tôi có sống đi nữa thì đến lúc mạng chung tôi cũng chẳng có lẽ mà còn tang phục chi nữa cho đặng, vì lúc ấy tôi đã có chồng khác rồi còn chi nữa. Vậy nay tuy vậy chớ tôi cũng chưa thất thân với chồng; thôi xin cho phép tôi trước ngày thất thân để cho tôi đặt bàn hương án tế tự tang khó cho chồng tôi ba ngày rồi sẽ hiệp vầy cầm sắt cũng chẳng muộn chi?

Trương Bá Vạn nghe vậy thì mừng rỡ lắm, liền ưng chịu rồi hun hít một hồi mới trở lại chỗ mình mà ngủ.

Nhan tiểu thơ coi chừng anh ta ngủ mê rồi liền sẽ lén bò ra trước mũi ghe ngước mặt lên trời mà than rằng:

– Tạo hóa ôi! Sanh tôi ra tài sắc chi cho lắm, rồi lại ghét ganh mà làm cho truân chuyên đến thế nầy. Từ lọt lòng cho đến ngày nay là mười tám tuổi hằng thấy tinh những cuộc sầu thảm, hiểm nghèo mà thôi; chớ chưa hề thấy đặng chút sướng, chút vui nào cả.

Nói đến đây thì đôi hàng sái lụy rồi lại kêu Vương công tử mà than rằng:

– Công tử ôi! Tôi cũng tưởng có ngày cang lệ hiệp vầy, đặng tôi ra thân tôi tớ mà đền đáp ơn ngày nọ, dè đâu từ nầy tôi phải phụ phàng công tử. Hoàng thiên ôi! Xin hoàng thiên chứng chiếu, tôi có thác đây xin cho hồn tôi bay đến nơi chồng tôi ở đặng mà từ giã đôi lời. Còn tôi mà có xuống đến tuyền đài rồi thì tôi cũng khẩn nguyện Diêm Vương xin cho tôi lại làm thân trâu ngựa chi đó đặng mà đền đáp cái ơn ngày nọ cho Vương công tử thì mới vừa lòng. Công tử ôi! Ngày công tử đi vợ chồng biệt nhau, tôi có ý lo cho công tử trải gió dầm sương cho nên trong bài tiễn biệt tôi có nói “thiếp chốn cô phòng dầu an phận. Chạnh người mưa nắng dặm quan san”. Ấy là tôi tưởng thân tôi ở nhà chắc là yên ổn chớ có dè đâu ra đến đỗi nầy. Hèn chi khiến công tử ngày ấy lại có câu rằng “một bước một lo vì liễu yếu”.

Vừa than đến đây thì nghe có tiếng động trong thoàn cho nên Nhan tiểu thơ e Trương Bá Vạn hay đặng thì ắt là khó nỗi liều mình, cho nên vội vã nhảy đùng xuống sông.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!