Chương III

Dưng chước mầu toan bề trí phú,

Dùng mưu quỉ tính cuộc tiểu tinh.

Đây nói về Vương Thế Trân khi từ biệt Nhan tiểu thơ rồi thì cứ noi theo đường cũ mà trở lại; vừa đi nửa đường bèn gặp một người bạn thiết tên là Cao Minh Lượng. Người nầy vẫn thuở trước có học một trường với Vương Thế Trân, tuy là võ nghệ kém hơn Vương Thế Trân song trí hóa rộng nhiều, hay thấy biết nhiều việc cao xa, trong thiên hạ ít ai bì kịp, bình nhựt nếu Vương Thế Trân có muốn tính toán việc chi thì hay nghị với Cao Minh Lượng.

Vương Thế Trân đi nửa đường gặp Cao MInh Lượng

Cho nên hôm nay gặp đây thì Vương Thế Trân lấy làm mừng rỡ lắm liền hỏi hỏi:

– Vậy chớ Cao huynh đi đâu đó vậy?

Cao Minh Lượng đáp rằng:

– Tôi tính đi lên làng trên đây mà đòi ít giạ lúa đem về mà chi độ. Còn Vương đệ đi đâu đó?

Vương Thế Trân liền thuật đầu đuôi các việc và nói.

– Bây giờ tính trở về mà phân phát của cải ấy cho chúng lâu la biểu nó tứ tán ra làm ăn đừng quen thói dữ ấy nữa.

Cao Minh Lượng nghe vậy thì cười rằng:

– Vương đệ tính như thế thì cũng phải song chưa phải là kế hay. Vì nếu nay Vương đệ chia phân cho nó rồi Vương đệ rút vô rừng núi mà ở thì càng thâm mai một anh hùng, chớ biết chừng nào cho lập thân đặng. Vậy nay, qua có một kế vạn toàn xin em khá nghe theo. Vả lúc nầy là lúc thiên hạ cả loạn những bọn khi nghĩa biết bao nhiêu mà bọn nào cũng chẳng làm chi cho nên việc, cứ có một đều đến mấy chỗ phú gia dọa hẵm, cướp giựt mà thôi, cho nên mấy chỗ ấy để tiền trong nhà chẳng khác để gươm để đao vậy. Vậy nay mình sẵn có bọn nầy thì hãy biểu nó theo mình rồi đến mấy chỗ phú gia ấy vào trần thuyết lợi hại cho người ta nghe rằng: “Nay giặc Tây Sơn tuy đương chiếm đoạt Nam kỳ nầy, song chưa chắc bọn giặc ở an đặng, vì dòng Lê cũng còn nhiều ông, song chẳng biết chư ông để tiền trong nhà có chắc là giữ đặng chăng? Vậy nay anh em chúng tôi tính dắt nhau ra miệt Bình Thuận nơi giáp giái Trung – Nam lưỡng kỳ mà mở cuộc đồn điền; vả lại chỗ ấy có đất hoang dư trăm muôn mẫu, mặc sức ta mở mang mà cày cấy, phòng khi cần vương mộ nghĩa mà trợ lực cho Lê trào. Ví bằng số nước có suy vi thì chúng ta cũng chẳng mất thửa phần giàu có vậy. Nay chúng tôi xin chư quí ông hãy hùn vô kẻ ít người nhiều đặng anh em tôi sắm sửa đồ vật và mua trâu bò mà đi làm cuộc ấy, tên mấy ông sẽ đem vô sổ hẳn hòi, như sau có khá chúng ta sẽ chia nhau cho phân minh, hay là như ông nào tính muốn theo anh em tôi mà lo việc thì cũng tiện vậy”. Đó tính như vậy phải tiện không? Vương đệ nghĩ đó mà coi như triều đình thạnh thì mình ắt đặng chữ sang, còn triều đình suy thì mình cũng sẵn cái giàu; chớ làm như em thì biết ngày nào cho thấy mòi khá cho đặng.

Vương Thế Trân nghe nói có lý liền ưng chịu, đồng rủ nhau trở lại. Khi về đến nơi Vương Thế Trân mới bảo sấp lâu la ấy hãy theo mình mà làm ăn, như đứa nào chẳng muốn theo thì ở lại cũng chẳng hại chi.

Vậy trong ấy có hơn ba trăm người tình nguyện đi theo, Vương Thế Trân mới dắt hết trở về Phan yên, rồi đến nhà mấy ông phú hộ mà tố trần việc tính làm ấy. Mấy ông phú hộ đều ưng lòng, kẻ đưa năm ngàn người đưa bảy ngàn quan, cộng hết thảy số tiền là chín trăm năm mươi sáu ngàn quan (956.000), mới rải ra đi mua trâu bò sắm cày bừa trục phản đủ đồ.

Khi cuộc tiệc sắm xong, Cao Minh Lượng lại bảo phải đầu đơn xin với giặc Nhạc Huệ phê cho mình một cái phép ra chiếm cứ nơi giáp giái Trung Nam lưỡng kỳ ấy mà khai phá làm ruộng, chớ vì không vậy thì e bọn ta rất đông chúng nó ắt nghi là khí nghĩa làm loạn chi đây thì ắt chẳng khỏi mang họa về sau.

Khi đơn trạng phê rồi đồng kéo nhau hơn sáu trăm người, trâu hơn ngàn ngoài con, lội bộ mà ra đến chỗ ấy. Đi nửa tháng trường mới tới nơi, liền cất trại dài hơn bốn trăm căn cho người ta ở và nhốt trâu cùng đồ đạc theo cuộc cày cấy.

Từ ấy mỗi ngày cứ đốc suất cho quân ấy ra ruồng phá lo việc ruộng nương chớ chẳng nói đến việc chi nữa hết. Lẩn bẩn thiều quang thấm thoát tin đã tám tháng trời, khai phá có hơn bảy mươi ngàn ngoài mẫu, mới lo mua giống các nơi đam về đặng cấy thử mùa đầu coi có khá cùng chăng?

Mới vừa sửa soạn rủi đâu có một bọn lâu la hơn ngàn người đến cất trại gần đó mà ở. Nguyên bọn nầy bị binh Cai cơ Chấn đuổi ra Trung kỳ, rồi lại bị binh ngoài Trung kỳ đuổi dồn lại cho nên chẳng biết đi đâu phải trú lại nơi đó.

Tuy là mấy ảnh chẳng dám động chi đến bọn Vương Thế Trân, và tuy vậy Vương Thế Trân có văn phê hẳn hòi song e chẳng khỏi việc tai bén họa đinh về sau. Và bọn ấy chẳng chầy thì kíp cũng phải bị bắt vì bởi tiền môn cự hổ hậu môn tấn lang thì chúng nó chạy đâu cho khỏi.

Thấy việc như vậy, Cao Minh Lượng biết thế ở chẳng yên cho nên biểu Vương Thế Trân phải tịnh trở về Phan Yên chẳng nên ở lâu chốn nầy, ắt cũng có ngày bị họa lây chớ chẳng không.

Vương Thế Trân nghe phải liền phân phát trâu bò gạo lúa cho mấy trăm người ấy, rồi với Cao Minh Lượng đồng chở hết những tiền còn lại có hơn mười muôn quan, mướn xe chở tiền xuống Mũi Né kiếm ghe bầu mướn về Phan yên đặng có thối hồi cho mấy người hùn, rồi sẽ lo phương khác.

Hai anh em khi đi đến Mũi Né mướn đặng ghe hai chiếc chở tiền, một chiếc chở người, qua ngày sau ghe mới kéo neo. Chạy đặng hai ngày một đêm trời êm gió thuận, cả thoàn đều vui vẻ. Qua bữa sau chừng sáu giờ sớm mai, thấy khí trời mát mẻ gió máy bặt tăm ghe chẳng chạy đặng; mặt biển bằng trang như nước trong chậu. Một lát, có gió rao rao hướng Đông Nam thổi tới, ghe vát đặng một hồi. Chừng một giờ chiều, gió lại thổi chánh Nam, cả thoàn đều có bụng lo, mới tính kiếm nơi mà đụt gió.

Chẳng dè gió thổi đến mạnh quá dựa bờ chẳng đặng; chưa đầy một khắc sóng dậy ba đào, nhắm lại chiếc ghe chẳng khác một cái phao lồng trên dòng nước. Nào buồm nào cột thảy đều đi theo ngọn gió. Nhiều khi ngọn sóng đưa lên tưởng đã đụng trời, khi lại giựt xuống như vào địa phủ.

Nào lái nào bạn đều khoanh tay mà kêu trời, chớ chẳng biết làm sao cho đặng. Hai chiếc ghe tiền chìm mất, còn mỗi người đều chắc phải chôn vào bụng cá mà thôi.

Thình lình trời vụt tối đen như mực, những người ngồi trên ghe còn lại đều chẳng thấy nhau đặng, lại thêm mưa lớn xối nhàu dường như ai múc nước mà đổ vậy; chớp nháng đầy trời, nghe những tiếng xôn xao và sét nổ; mỗi người đều sởn gáy ghê mình, ai ai cũng phải vịn cứng vào be ghe bằng không thì ắt phải theo ngọn sóng mà chôn vào bụng cá chớ chẳng không?

Thôi! Cả thoàn những tiếng khóc tiếng than, kêu trời trách đất vang rân chẳng biết sao mà nói cho cùng đặng. Qua lối tám giờ tối nhờ một cái chớp cả thoàn đều thấy phía tây bắc có một cục chi đen trày cao hơn mấy trượng, trườn ngay tới giữa chiếc ghe, cả thoàn đều điếng ngắt, tên đà công vụt nhảy ra có ý xô tay bánh vạy mà tránh cái vật ghê gớm ấy.

Dè đâu chẳng kịp, vừa nắm đến tay bánh thì ghe trước mũi nghe một cái rầm, trọn cả mũi ghe đều nát nghiến, nước ào vô, cả thoàn đều xuống biển, mới biết vật ghê gớm ấy là một chiếc tàu lớn vì tối đen nên chẳng thấy mà chạy sấn nhầm trên chiếc ghe hiểm nghèo nầy.

Bên tàu hay đụng ghe rồi thì lập tức ngừng máy, liệng trái nổi xuống và mở dây thả mấy chiếc tam bản treo hai bên đặng có cứu vớt những người khốn khổ ấy.

Thời may Vương Thế Trân, Cao Minh Lượng và năm người thủy thủ đều vớt đặng còn sót có một mình chủ ghe mà thôi. Ai nấy đều sa nước mắt. Hỏi ra mới biết tàu ấy là tàu buôn của người nước Anh Quấc, ở Phố Mới (nay là Singapore) chạy về Mã Cao (nay là Ma Cao, Áo Môn huyện Hương Sơn gần vàm Hổ Khẩu tỉnh Quảng Đông) .

Quan chủ tàu liền bảo cấp quần áo cho mấy người bị nạn nầy thay đổi cho khô khan, rồi tàu cứ việc chạy thẳng đường qua Mã Cao.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!