Đời loạn lạc anh hùng toan ẩn tích
Giữa lộ đồ hào kiệt gặp gian mưu
Rốt nhà Lê đời vua Lê Chiêu Thống có giặc Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Văn Lữ dấy tại Qui Nhơn, sau lần lần nhà Lê càng suy, thì Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc mới xưng là Thiên Vương, hiệu Thái Đức. Qua tháng 5 năm Bính Ngũ lại sai Nguyễn Văn Huệ lần vô lấy Huế, rồi đánh luôn ra Bắc. Qua năm Đinh Dậu, Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ lại đánh vô Gia Định, vua Duệ Tông phải chạy xuống Rạch Chanh rồi sau lại bị bắt tại Cà Mau. Còn ông Mục Vương là Hoàng Tôn chạy vô Ba Vắt cũng bị bắt, sót lại có một mình ông Nguyễn Ánh (Gia Long) mà thôi. Sau Huệ về Qui Nhơn để ông Châu làm tổng đốc, ông Oai làm tướng và Cai cơ Chấn làm Điều khiển ở lại giữ các dinh đất Gia Định, thì thuở ấy loạn lạc khắp nơi, cờ nghĩa dựng đều tứ phía, ai ai cũng đều có lòng báo quấc cần vương, lại cũng có kẻ tùng cơn ấy mà làm việc cướp giựt bá tánh cho tiện nữa.
Khi ấy nơi Phan yên có một người hình dung tuấn tú, diện mạo khôi ngô, mắt tợ nước thu, mặt như dồi phấn, dẫu cho Phan An, Tống Ngọc là trai lịch đời trước cũng chẳng hơn vậy, tên là Vương Thế Trân tuổi vừa hai chín mà gồm đủ trí tài, võ văn kiêm bị, mười tám môn binh khí chẳng môn nào chẳng thạo, năm kinh hai truyện chẳng chỗ nào chẳng thông. Cha mẹ đều mất sớm, ấy cũng vì lúc loạn quân nơi Gia Định, Nguyễn Văn Huệ đánh lấy Phan Yên mà ra. Ông nội Vương Thế Trân nầy, lúc Nguyễn Trịnh đánh nhau, thì hay theo tùng chinh với ông Nguyễn Hữu Hào cũng đã có lập nhiều công lạ nên đặng phong làm Đề đốc; sau lúc Nguyễn Hữu Hào vưng sớ chinh phại Cao Man, khi bắt đặng Nặc Ông Thu rồi thì Vương Đề đốc liền xin từ việc chiến chinh vì tuổi đã lớn rồi, ở lại Phan Yên vui thú cày bừa mà thôi. Ấy cho nên Vương Thế Trân nầy vẫn là dòng dõi anh hùng đó. Tuy là còn bởi ấu thơ, song cũng đã có lòng báo quấc cần vương, hằng muốn chiêu tập nghĩa binh mà làm cho rỡ danh nam tử, song nghĩ lại Tây Sơn binh ròng tướng mạnh, triều đình còn chẳng cự lại thay, huống ta nay dầu có chiêu tập thế mấy, thì bất quá cũng là quân ô hạp, ngày giờ đâu mà thao luyện chi tinh ròng đặng; vì có làm ra thì lại càng thêm mối hại cho dân, càng phải đổ máu con người hơn nữa. Vậy chi bằng ta phải ẩn nhẫn, dưỡng lấy cái thân hữu dụng nầy mà vào chốn núi non, thủng thẳng thăm dọ máy binh, rồi tùy theo cơ hội ấy mới gọi là người trí giả.
Nghĩ vậy liền sắm sửa thát nang lìa khỏi quê hương mà tầm nơi ẩn dật. Lúc ấy lại nghĩ “Nội Nam kỳ ta, duy có hạt Tây Ninh có hòn núi Chiêng Bà Đen là cao hơn các núi khác và lại có những rừng cao bao giăng tứ phía, thông giáp với Cao Man. Ấy là nơi địa đầu, chỗ ấy ngày sau, ví bằng khí số Lê trào chưa dứt, thì sẽ có thế mà cử đồ đại sự”.
Vương Thế Trân liền nép lại nơi cội cây mà coi bọn ấy làm gì cho biết.
Nghĩ rồi liền nhắm thẳng Tây Ninh mà trổi gót, cứ việc ngày đi đêm nghỉ, hai ngày tròn gần đến Trảng Bàng. Bỗng đâu nghe trong rừng có tiếng người ngựa, Vương Thế Trân liền nép lại nơi cội cây mà coi bọn ấy làm gì cho biết. Giây phút thấy có hai người đi đầu, tuổ tác xấp xỉ nhau chừng bốn mươi ngoài, theo sau chừng mươi kẻ tùy tùng, thảy đều cỡi ngựa, phăng phăng đầu kia đi lại; đến gần lại nghe người đi trước day lại hỏi một người tùy tùng rằng:
– Có phải lối nầy chăng?
Người ấy liền thưa rằng:
– Phải.
Người kia lại hỏi:
– Sao mà chẳng thấy?
Người tùy tùng ấy lại nói:
– Thật rõ ràng tôi mới thấy tại đây thì tôi vội vã chạy về mà phi báo cho lãnh binh liền. Chẳng biết vì cớ chi mà bây giờ lại chẳng thấy. Hay là người ấy thấy chúng ta đến mà ẩn đâu đó chăng. Chúng ta phải tầm kiếm mới đặng?
Người kia gật đầu nói:
– Phải,
Rồi liền khiến mấy người tùy tùng đồng rẽ ra mà tầm soát các nơi.
Lúc ấy Vương Thế Trân tưởng “có lẽ bọn nầy thấy ta quảy đồ hành lý sùm sề, tưởng rằng có bạc vàng nhiều, nên chận mà cướp giật chi đây chăng?” Nghĩ vậy liền để gánh xuống, rút cây đòn gánh ra. Nguyên cây đòn gánh nầy lúc mới sửa soạn đi thì Vương Thế Trân đã biết đời nầy là đời ly loạn trộm cướp khắp nơi, lại thêm đường đi rừng bụi, chẳng có khí giái theo mình sao tiện, còn đem khí giái theo thì càng thêm bề bộn vì đồ hành lý rất nhiều; nên đã đặt cho thợ rèn làm một cây đòn gánh nặng nổi bốn mươi hai cân. Trước là gánh đồ, sau phòng có hộ thân thì càng tiện.
Lúc ấy Vương Thế Trân rút cây đòn gánh ra ghìm sẵn nơi tay rồi bước ra hỏi lớn rằng:
– Phải bọn ngươi kiếm ta chăng?
Mấy người kia vừa thấy liền xuống ngựa, lại có một người bước đến thi lễ mà nói rằng:
– Đại ca mạnh giỏi hé? Nay đại ca muốn đi đâu mà một mình giữa chốn rừng bụi như vầy?
Vương Thế Trân liền đáp rằng:
– Tôi nhơn thấy đời ly loạn cho nên muốn tìm chốn núi non mà ẩn, song chưa biết là đi đâu.
Người ấy nói:
– Vậy thì càng hay, thôi xin mời đại ca về nghỉ chơn, rồi chúng tôi sẽ có việc mà tố trần với đại ca.
Vương Thế Trân liền nói:
– Khoan! Vì muốn tôi về nhà thì trước hết xin phiền nhị vị cho tôi biết nhị vị là ai và vì sao mà biết tôi?
Người ấy liền nói:
– Tôi đây là Trịnh Cao, còn người nầy là em tôi tên Trịnh Hạ, nhà gần nơi trước đây. Tôi nhơn thấy đời ly loạn cho nên cách năm tháng trước tôi đã đi châu lưu cùng trong lục châu, mà tầm kiếm anh hùng đặng có lo cứu quê hương cho khỏi điều loạn lạc. Lúc đi đến Phan Yên tôi có nghe danh đại ca, song vừa sửa soạn đến mà ra mắt thì kế lấy đặng tin nhà rằng bà thân tôi từ trần cho nên tôi phải trở về lập tức. Song từ ấy đến nay tôi hằng có lòng hoài vọng đại ca luôn. Đến nay việc nhà đã sắp đặt vừa xong thì tôi sai một người bộ hạ của tôi, là người ngày trước có ở với đại ca, đến mà dọ tin tức coi đại ca còn ở tại Phan Yên chăng hay đã vùng vẫy nơi nào rồi, vì lúc nầy đương hồi ách nước nạn dân, anh hùng ít hay ở yên một chỗ. Té ra người ấy ra đi chưa đầy một buổi đã trở về mà báo tin rằng “Gặp đại ca một mình đang quảy hành lý mà đi qua hướng nầy” cho nên tôi phải đến đây mà đón rước. Vậy nay ví chẳng gặp đây thì thôi, chớ như đã gặp rồi, xin phiền đại ca thẳng đến lều cỏ nơi tôi trước đây mà nghỉ chơn rồi chúng ta sẽ đàm đạo cho phỉ tình?
Vương Thế Trân thấy nói vậy liền đi lấy đồ hành lý quảy lên vai mà theo mấy người ấy. Trịnh Cao lại chẳng cho, biểu một người tùy tùng phải để một con ngựa cho Vương huynh cỡi, còn tên ấy phải đi bộ mà gánh những đồ hành lý. Người ấy vừa để gánh lên vai thì đứng dậy chẳng nổi, vì mắc cây đòn gánh nặng quá thêm đồ hành lý nữa nên dở lên chẳng nổi.
Vương Thế Trân thấy vậy phải rút cây đòn gánh cầm theo mình rồi bảo người ấy đi bẻ cây khác mà gánh thì mới nổi cho.
Rồi đó, mấy người đồng kề ngựa nhau mà nói chuyện. Đi đặng nửa giờ bỗng thấy trước mặt có hơn năm trăm người đồng quì xuống mà tiếp nghinh. Vương Thế Trân thấy vậy nghĩ thầm rằng “Bọn nầy chắc muốn dụ mình về đặng mà làm việc hại cho dân thêm nữa. Chớ chi mình biết trước cũng chẳng đi mà làm gì. Ngặt nay mình đã đi đến đây, chẳng lẽ chối từ cho đặng, vậy thôi chi bằng chừng nào họ rủ mình thì mình sẽ phân trần lợi hại cho họ nghe cũng chẳng can chi”.
Còn đang suy nghĩ bỗng đã đến nơi mỗi người đều xuống ngựa, thấy hai bên dinh trại đóng dài hơn mấy trăm căn, chính giữa có cất một cái nhà cao rộng, bước vô cửa thì thấy trên có một tấm biển lớn đề ba chữ ‘Tụ Nghĩa Đường”.
Trịnh Cao liền mời Vương Thế Trân ngồi chính giữa, còn hai anh em ngồi hai bên, hối dọn yến diên mà thết đãi, rồi Trịnh Cao đứng dậy vòng tay mà nói với Vương Thế Trân rằng:
– Tôi xem khí số lê trào đã thon von, vả lại thiên hạ là chẳng phải của một người, hễ ai có đức thời đặng, cho nên chúng tôi chiêu binh mãi mã đây là đợi cho gặp người tài đức mà phò tá đặng cứu lấy quê hương mà thôi. May gặp đại ca đây thật là người tài đức vậy, bốn phương thiên hạ đều nghe tên, sáu tỉnh anh hùng đều biết mặt, nên chúng tôi muốn thỉnh đại ca về đây mà tôn lên bửu vị. Chúng tôi sẽ phơi gan trải mật mà phò tá đặng bình định biên cương, cứu dân nơi nước lửa mà chung hưởng cuộc giàu sang, chẳng biết ý đại ca thể nào?
Vương Thế Trân nghe như vậy thì đỏ mặt tía tai liền hết lơn mà mắng rằng:
– Ta tưởng các ngươi có lòng tốt mời ta về mà nghỉ ngơi chẳng dè các ngươi mống lòng phản bạn chẳng kể ngọn rau tấc đất, chẳng sợ mạng trời, chẳng kiêng phép nước. Các ngươi chớ trông ta theo các ngươi làm điều quấy như vậy đâu. Các ngươi chớ tưởng lấy cuộc giàu sang mà làm cho xiêu lòng ta đặng đâu. Phải ta biết trước như vầy, chẳng hề thèm đến đây mà làm chi?
Nói rồi vội vã đứng dậy đòi đồ hành lý mà đi. Trịnh Cao liền bước lại níu áo mà năn nỉ rằng:
– Xin đại ca chớ giận. Chúng tôi vẫn biết đại ca là một đứng anh hùng; nay thấy đại ca lìa bỏ quê hương mà đi như vầy thì chắc đại ca cũng lo kiếm chỗ nơi mà chiêu mộ nghĩa binh chớ chẳng không. Song chưa chắc lòng đại ca dốc cần vương báo quấc mà làm hay nhơn thấy đời loạn ly nầy mà tính việc riêng cho nhà mình cũng không chừng. Cho nên mấy lời nói ấy là lời thử cho biết bụng đại ca đó. Nay mới rõ đại ca thật là một đứng trung lương, một trang nghĩa khí vậy. Thôi đại ca hãy nán lại đây mà nghỉ ngơi một đôi ngày rồi sẽ đi cũng chẳng muộn chi. Và nay chúng ta đã biết bụng nhau rồi, vậy xin kết làm anh em, ngày nào đại ca muốn dấy việc phải cho tôi hay, thì tôi sẽ hiệp binh với đại ca cho rõ lòng trung nghĩa của chúng ta”.
Vương Thế Trân thấy nói hết lời, phần thì trời gần tối, nếu đi cũng chẳng tiện, chi bằng ngụ đỡ một đêm cũng chẳng hại gì. Nghĩ vậy bèn ừ chịu ở lại một đêm sáng ra sẽ thượng trình. Rồi mấy người mới vầy lại ăn uống, luận võ đàm văn cùng nhau chớ chẳng nói đến việc chi khác nữa.
Lúc trên tiệc, coi Trịnh Cao ân cầu mời đãi vừa cạn chén nầy thì mời ép chén kia. Vương Thế Trân thấy vậy đã có bụng nghi nên từ đó đến sau chẳng uống nữa, lại nói rằng thuở nay không biết uống rượu, giả đò say buông lời vinh cường, mở giọng sang đàng một hồi rồi ngả ngửa trên ghế làm bộ bất tỉnh.
Trịnh Cao thấy vậy liền khiến tả hữu khiêng ra sau vườn đem vô một cái chòi nhỏ để Vương Thế Trân trên một cái giường, rồi bỏ nhau ra đi.