Vĩnh Long phong cảnh thi:
Vĩnh Long địa cảnh rộng thinh thinh
Thuở cựu trào ta chốn tỉnh thành.
Miễu thánh ngày nay còn hiện tại,
Quốc công thờ trước dấu anh linh.
Mười ba tổng, tục đều trung hậu,
Trăm mấy thôn, người biết học hành.
Thế cuộc hiệp tan tan lại hiệp,
Mau như mây nổi giữa trời xanh.
Vĩnh Long địa cảnh lịch xinh,
Nguyên xưa thiết lập Vĩnh Thanh trấn thành.
Sau cải Vĩnh Long tỉnh thành,
Đất nhiều vườn ruộng xanh quanh lao cồn.
Mười ba tổng, hơn trăm thôn,
Y quan lễ nhạc lưu tồn cổ phong.
Châu thành phố xa ở đông,
Dinh sanh đắc ý mé sông một hàng.
Các tòa lầu các nghiêm trang,
Hai bên phang niết vẻn vang hơn nhiều. (10)
Học trường tinh khiết mỹ miều,
Trường nam trường nữ thảy đều dạy siêng.
Ngặt vì sông cái phía tiền,
Ghe phen cẩn đá lỡ liền khôn ngăn.
Xoi đào mũi nước chảy băng,
Lâu nay bồi đắp tốn hằng của muôn.
Đường xe dạo cũng giải buồn,
Vòng lớn vòng nhỏ luôn luôn quanh dài.
Hai bên trồng những nam mai,
Thường khi song mã vãng lai giải phiền. (20)
Cả ngàn phong cảnh điền viên,
So cùng Bà Chiểu cũng miền lịch thanh.
Các thôn bàn cận châu thành,
Đua ghe ăn giải có danh khen thường.
Nhà thờ nhà phước nhà thương,
Ngàn phong điển xá binh thương thị triền.
Tàu đó sớm tối ghé liền,
Bộ hành lên xuống bạc tiền quá đông.
Tàu tuần đi khắp ngoài trong,
Bắt quân gian tế lướt xông ra vào. (30)
Bất kỳ sai tới hạt nào,
Dẫu cơn phong võ ba đào cũng đi.
Mâm trầu rực rỡ oai nghi,
Tợ đèn tợ giẽ đủ thì điểm trang.
Sắm ra nội vụ sẵn sàng,
Để khi cho mướn các làng hôn nhơn.
Nhứt đồ Hương Dưỡng tốt hơn,
Nhì đồ Tổng Đạt chạm sơn khéo đều.
Các nơi đồ ấy cũng nhiều,
Vĩnh Long kiể cách mỹ miều bực trên. (40)
Rạch Đất Néo, khéo đặt tên,
Trong Văn Thánh miễu hai bên ruộng đồng.
Nguyên xưa xóm ấy chưa đông,
Có ông Đức Méo ở trong rạch nầy.
Ngày sau khai phá sum vầy,
Người kêu Đất Méo đến rày thành danh.
Nhớ khi trấn Vĩnh Long thành,
Phan công Thanh Giản trung thành liêm minh.
Rõ ràng nhứt lộ phước tinh,
Phương dân đều cảm đức lành no say. (50)
Gặp hồi thế cuộc chẳng may,
Mối giềng sáu tỉnh hai tay điều đình.
Nỡ rằng mãi quấc cầu vinh,
Cửu trùng cao thẳm bao đành lấp ngơ.
Mấy ai thời vụ kiển cơ,
Mình sinh lời trối lả thơ sanh đề.
Hư nên đã liệu một bề,
Thung dung tựu nghĩa hồn về non sông.
Phải trang phẩm trọng nho tông,
Trời soi ngay thảo tấm lòng chứng tri. (60)
Quấc ân nhứt thủ đi thi,
Muộn sầu chẳng xiết thảm bi không ngần.
Vĩnh Long chùa miễu giăng giăng,
Làng Long Hồ có miễu văn một nền.
Nguyên xưa dấu để vững bền,
Sao dời vật đổi xuống lên vận đời.
Bởi vì son sắc rạng ngời,
Háo thi lạc thiện lòng người không phai.
Phan công gầy dựng lưu lai,
Sau ông Nộ-Nọn bồi tài kinh dinh. (70)
Nay nhờ nhà nước hậu tình,
Cho ngàn đồng bạc trợ thành mỹ quan.
Lại thêm có cô Năm Lang,
Là con ông Hộ giàu sang phải nghì.
Tử thừa phụ nghiệp vĩnh vi,
Thương cha mẹ đã tảo qui Diêm đình.
Cúng vào sở ruộng của mình,
Giá hai ngàn bạc phát lành tự tâm.
Thêm ngoài bạc hiện hai trăm,
Giao cho Văn miễu muôn năm lâu dài. (80)
Bình Long thầy phó mười hai,
Tên Tống Hửu Định ít ai sánh tày.
Làm đâu Văn hội ngày nay,
Trùng tu miễu võ chỉ bày rất công.
Sửa sang thứ lớp ngoài trong,
Nay đà nghiêm chỉnh Điện cung hậu tiền.
Ơn nhờ tứ hải lạc quyên,
Kẻ nhiều người ít bạc tiền phủ phê.
Xuân thu Đinh tế thường lề,
Nghi văn phẩm tiết tư bề phân mình. (90)
Phan công tùng tự miễu đình,
Tới khi kị nhựt sắm sanh lễ bày.
Mồng năm tháng bảy chánh ngày,
Đồng nhơn văn hội cúng rày không sai.
Phụ thêm Ông Hộ là hai,
Nhớ ơn lớp trước tiền khai hậu bồi.
Hương đèn trà rượu heo xôi,
Cỗ bàn trần thiết các ngôi rạng lòa.
Mát yêm cây trái cỏ hoa,
Nhơn cơ nghĩa chỉ một tòa nghiễm tôn. (100)
Hương chức nội Long Hồ thôn,
Đều là vào hội Thánh môn miên trường.
Nguyễn Đức mới thăng phủ đường,
Cũng người bằng hữu trong trường nho văn.
Thiên đường hồn đã siêu thăng,
Dấu roi nết tốt bạn hằng cảm trông.
Tống Hữu Định người có lòng,
Rước đem linh cữu chôn trong Thánh từ.
Ít nhiều chung đậu của tư,
Lo bề tống táng chỉ ư tâm đồng. (110)
Phò Nguyễn trào, Tống quấc công,
Trung cang nghĩ khí một ông linh thần.
Miễu tại Long Châu địa phần,
Cựu trào thiết lập sửa mần đã lâu.
Tân trào cai trị lớp sau,
Hỏi han sự tích biết âu rõ ràng.
Ba ngàn đồng bạc hậu ban,
Đội ơn nhà nước cho làng trùng tu.
Hưởng nhờ huyết thực thiên thu,
Rộng thinh trước miễu giai cù thẳng ngay. (120)
Thiếu chi chùa miễu đời nay,
Tục người tế tự cũng hay kỉnh thành.
Thuở ấy ông Cao Văn Sanh,
Thiên tư mẫn thiệp khí oanh tánh hào.
Giải dầu hoạn hải ba đào,
Làm tôi giúp nước công lao rất nhiều.
Tống Minh tri phủ cựu triều,
Gia viên ẩn dật mỹ miều nho phong.
Xóm Cái Cá nhà ở đông,
Có người phú thọ phải ông nhơn hiền. (130)
Tên đặt gọi là Tống Diên,
Thiệt trang phước đức cao niên trong làng.
Phước Hậu thôn, ông Cả Nhan,
Tu nhơn tích thiện tiếng vang xa gần.
Nay đà cách biệt dương trần,
Phước sanh thảo thuận để phần tử tôn.
Quấc âm cách đặt khéo khôn,
Vĩnh Long toàn hạt tiếng đồn Giáo Kim.
Tánh người nho nhã khiêm khiêm,
An thường thủ phận chẳng thèm vọng tham. (140)
Sanh Giáo Thiệp cũng kỳ nam,
Thơ hương kế mỹ chức làm Nghiệp sư.
Siên cùng nhựt nguyệt cư chư,
Học trò thành đạt hiện chừ đương kiêm.
Chợ Bà Kè, thấy Tú Nghiêm,
Thiệt thà chơn chất tánh khiêm dịu dàng.
Tốt thay Mỹ Thạnh một làng,
Anh linh hiển hích miễu quan Tiền hiền.
Ngày xưa hưu trí qui điền,
Chiêu dân lập ấp xóm riềng mở mang. (150)
Ra công lập đặng thành làng,
Gọi làng Mỹ Hội phía ngoài hai thôn.
Với Mỹ Thạnh, là ba thôn,
Tiền hiền Cẩm địa lưu tồn miễu môn.
Miễu ngài chánh Mỹ Thạnh thôn,
Đến ngày kị lạp ba thôn tới đều.
Viên quan hương chức mỹ miều,
Một câu thành kỉnh tạc biêu tấm lòng.
Lê Công An, ấy tên ông,
Bà là họ Đặng Thị Thông rõ ràng. (160)
Ông bà công cán gian nan,
Dựng nên cơ chỉ một làng ra ba.
Biết bao phước đức ông bà,
Vợ chồng hi mất đều là ngày nguyên.
Ông nhằm vọng nhựt tháng giêng,
Bà thì nhằm bữa hạ nguyên tháng mười.
Ngàn thu hương lửa rạng ngời,
Sống sao thác vậy như người thần tiên.
Gọi là miễu quan Tiền hiền,
Nơi làng Mỹ Thạnh cất riêng một tòa. (170)
Có người gần đó không xa,
Thầy Cai tổng Điểm phú gia hào cường.
Giáp thìn trận bão tai ương,
Bốn trăm giạ lúa qua đường Gò Công.
Giúp cho những kẻ khốn cùng,
Đương cơn thiên biến cũng lòng thiện tâm.
Sông Mân – Thích, cồn Cái Nhum,
Truy nguyên thiên biến cũng lòng thiện tâm.
Nhớ xưa Văn tiếp tánh Châu,
Phò Cao hoàng đế trước sau một lòng. (180)
Chức phong Đô đốc Nguyên nhung,
Cúc cung tận tụy liều cùng quân vương.
Nơi sông Mân – Thi1cg bị thương,
Đem thân cảm dõng chiến trường quyên sanh.
Anh hùng chí khí liệt oanh,
Sử xanh tạc để đành rành còn ghi.
Làm tôi ngay thảo trọng nghì,
Hưởng nhờ ơn chúa vinh chi cho bằng.
Biển dâu dời đổi lăng xăng,
Tổng làng nhơn nghĩa bổn căn vuông tròn. (190)
Bình Chánh tổng An Hội thôn,
Cựu tân hương chức bảo tồn thỉ chung.
Ngọn rau tấc đất chữ lòng,
Tu bồi miễu võ tâm đồng hân hoan.
Bởi vì gốc có viên quan,
Là chánh Tổng Hưởng sửa sang lịch đời.
Cù lao giồng án các nơi,
Người đều nhờ cậy lộc trời điền viên.
Chợ Lách có ông Huyện Thiền,
Làm tôi nhà nước nhọc siêng công trình. (200)
Xảo thông chữ nghĩa học hành,
Chiêu hiền đãi sĩ đam mính dạy dân.
Giữ câu liêm cán thận cần,
Sửa nên phong tục mỹ thuần gần xa.
Các làng an ổn cửa nhà,
Ch83ng lo trộm cướp ngầy ngà ngày đêm.
Tế thần phép tắc tôn nghiêm,
Ya quan lễ nhạc khiêm khiêm kính nhường.
Xóm riềng roi dấu yêu thương,
Bình Sơn sở tại thôn hương tiếng đồn. (210)
Chợ Vũng Liêm, Trung Tính thôn,
Đình thần chùa Phật nghiễm tôn trong làng.
Mấy nhà hào hộ giàu sang,
Lắm tay khẳng khái lắm trang mẫn cần.
Đốc phủ sứ, Nguyễn Duy tân,
Ngài đà hưu trí dưỡng thân thanh nhàn.
Trước sau danh giá vẹn toàn,
Sanh con lập nghiệp vững an sum vầy.
Gò Ân, Nước Xoáy lịch thay,
Có ngôi Thần Miễu làng rày Hồi Long. (220)
Thuở Cao hoàng đế Gia Long,
Bị Tây Sơn biến ngự trong ấy thường.
Ngày nay đông đảo thôn hương,
Dấu xưa lễ nghĩa hào cường phú gia.
Miễu thần ngay chỗ ngả ba.
Lầu đài cao vọi một tòa nghiêm trang.
Diện tiền triều thủy tam giang,
Vách tường bốn phía tam quan cửa đình.
Phải là nhơn kiệt địa linh,
Người nhờ cuộc đất thái bình dinh dư. (230)
Thầy Tổng Nghĩa tánh nhơn từ,
Gốc nhà phước đức còn chừ hiển vang.
Con là Tổng Lễ rất nhàn,
Thủ thành sự nghiệp bảo toàn thinh danh.
Anh em sung túc gia đình,
Phụng nuôi lão mẫu đẹp tình từ huyên.
Hồi Long tứ cận xóm riềng,
Giàu sang nhà ấy khuôn viên tiếng đồng.
Bình Trung tổng, Trung Hưng thôn,
Có ông Cai tổng danh tồng đương vi. (240)
Tên người là Nguyễn Văn Phi,
Làm tôi giúp nước lắm khi thanh cần.
Bắt ăn cướp, đã nhiều lần,
Khai kinh Mướp Sác nhơn dân đều nhờ.
Gốc nhà lương thiện tư cơ,
Cha là Chủ Báu thuở giờ lưu lai.
Sanh ra trai lớn, Nguyễn Bài,
Làm Hương sư chức có tài cảm đương.
Bình sanh dõng lực khác thường,
Hào tâm hiệp khí chẳng nhường cổ phong. (250)
Nguyễn Báu, Nguyễn Bài hai ông,
Đã đều về chốn âm cung xa miền.
Nguyễn Phi sau nối mối giềng,
Phụ huynh sự nghiệp nhơn hiền cả ba.
Phi, thêm kế mỹ thê gia,
Ông Đỗ Văn Tuấn trước là phụ ông.
Tuấn, làm cai tổng Bình Trung,
Nết na ngay thẳng cám trông nhắc đời.
Bên mình bên vợ rạng ngời,
Băng thanh ngọc nhuận phải người nhà sang. (260)
Vĩnh Long phong cảnh thanh nhàn,
Nghiệp nhờ hột lúa muôn vàng thương sương.
Sông to tôm cá có thường,
Lưới chài xăm đáy sở trường làm ăn.
Xe mui đưa rước lăng xăng,
Ghe lồng sắm để nghề năng buôn hoài.
Thuở kia khoa mục nhiều ngài,
Hẫy còn tào phách lưu lai Thánh hiền.
Thơ bài đờn địch chơi liền,
Phong lưu lớp trước lưu truyền hậu sanh. (270)
Tre bông vật mọn mà danh,
Vĩnh Long với Mỹ tươi xanh đầy bờ.
Bến Tre, Sa Đéc, Cần Thơ,
Cũng là có ít lờ mờ dạng bông.
Mấy anh thợ quạt hay dùng,
Mua về Bình Định với cùng Phú An.
Măng Mạnh Tông, vật thiệt sang,
Bụi tre coi nhỏ măng càng lớn to.
Long Hồ, Sa Đéc, Mỹ Tho,
Nhiều nhà trồng đặng vật mua mắc tiền. (280)
Mùi thơm không độc ăn hiền,
Thịt heo hầm nấu mềm liền ngọt ngon.
Thấp cao cây mẹ cây con,
Mạnh Tông tên đặt tiếng còn lưu danh. (284)