Dấu tích văn hóa cổ ở Gia Định – Sài Gòn trước 1698

Vùng đất Gia Định – Sài Gòn có nhiều di tích khảo cổ và nhiều nơi có những vết tích cổ. Đa số các di tích thuộc thời đại kim khí, sớm nhất là di tích Bến Đò (Quận 9) có niên đại cách nay khoảng 4.000 năm, một số di tích thuộc văn hóa Óc Eo vào những thế kỷ đầu sau Công Nguyên và một vài di tích hay vết tích thuộc giai đoạn muộn hơn. Tập trung nhiều di tích khảo cổ nhất là huyện Cần Giờ, sau đó là quân 1 và quận 9.

Di tích Bến Đò được khai quật tháng 5 – 1977 tìm được 513 công cụ đá, 783 mảnh công cự vỡ, phế vật, 58.446 mảnh gốm và hàng trăm viên bi gốm vào thời đại kim khí cách nay khoảng 4.000 năm. Một số hiện vật tiêu biểu và độc đáo của di tích Bến Đò: rìu đá, cuốc đá mang số ký hiệu BTLS 9450 và BTLS 4557, một hiện vật đá khá độc đáo mang ký iệu BTLS 4876.

Năm 1915, Molbé đã giới thiệu loại hiện vật này dưới tên lưỡi dao găm hay lưỡi giáo.

Di tích Hội Sơn ở ấp Bến Đò, xã Long Bình, (quận 9 ngày nay) được Henri Fontaine phát hiện và công bố vào năm 1971. Ở Hội Sơn cũng như ở Bến Đò tìm thấy rìu tứ giác, hai loại vòng hình dĩa và loại vòng tay.

Di tích Gò Sao được phát hiện năm 1987, thuộc ấp 7 xã Thạnh Lộc, (quận 12 ngày nay) tìm được rìu đá và mảnh gốm. Niên đại tương đương với niên đại của di tích Bến Đò.

Di tích Bông Bàng thuộc ấp Thới Tây, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn được phát hiện năm 1990. Hiện vật tìm được gồm chiếc đục đá, đá basalt, có lớp patin màu xanh, dài 7,5cm, rộng 3cm, dày 1,1cm; thân mài nhẵn nhưng còn ít nếp ghè, hai mặt cong đều, góc lưỡi  cán (mang ký  hiệu BTLS 9397), có niên đại tương đương với niên đại của di tích Bến Đò, Hội Sơn và Gò Sao.

Di tích Gò Cát thuộc ấp Chùa Ông, xã Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 ngày nay) được phát hiện vào năm 1985 gồm cuốc đá, rìu đá, đục đá, bàn mài, rìu đồng, bi gốm và mảnh gốm. Cư dân cổ ở đây ngoài việc sử dụng hiện vật bằng đá và gốm đã biết sử dụng hiện vật hiện vật bằng đồng. Di tích Gò Cát có niên đại cách nay khoảng 3.000 năm.

Di tích Gò Cây Mai, nay nằm góc đường Hùng Vương và Nguyễn Thị Mão (quận 11) được phát hiện vào năm 1900. Ở đây đã tìm thấy những hiện vật bằng đá và rìu đồng. Trước đó theo Gia Đình thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, vào năm Bính Tý (1816) có đào được gạch kích thước lớn và tìm được 2 miếng vàng lá hình vuông mỗi cảnh 1 tấc, trên chạm hình “cổ phật cỡi voi”, có niên đại trải dài từ thời kim khí (cách nay khoảng 3.000 năm) đến thế kỷ XIX.

Di tích Long Bửu, ấp Long Bửu, xã Long Bình (quận 9 ngày nay) được phát hiện vào năm 1977 với 28 hiện vật đá, 2 hiện vật đồng, 5 hiện vật sắt, một số hiện vật gốm có niên đại 2.500 năm. Điểm đáng lưu ý là cư dân cổ ở Long Bửu đã biết đến nghề đúc đồng mà những mảnh khuôn tìm được là bằng chứng (ở đây tìm được 3 mảnh khuôn đúc đồng bằng đá).

Trong khi đào móng xây dựng nhà thờ Sài Gòn năm 1878, những người làm việc ở đây đã tìm thấy những hiện vật khảo cổ bằng đá, bằng gốm và xương cốt. Theo J. Silvester thì đó là xương cốt của trẻ em được chôn trong chum hay bằng gốm.

Di tích Giồng Cá Vồ thuộc ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, phía nam  huyện Cần Giờ,  được khai quật năm 1994, tìm thấy 339 mộ chum, 10 mộ đất và nhiều hiện vật khác bằng đá, thủy tinh, xưởng kim loại và gốm. Theo các nhà khảo cổ học, Giồng Cá Vồ là một trung tâm thủ công nghiệp với nghề sản xuất gốm, chế tác đồ trang sức đá, thủy tinh và vỏ nhuyễn thể, … Trong số mộ có 306 mộ chum tìm thấy di cốt người và 258 mộ có đồ tùy táng chôn theo. người chết được mai táng theo tư thế ngồi bó gối trong chum.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!