Đất Gia Định 10 Thế kỷ đầu Công Nguyên – 15 – Kết

Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.

Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.


Đất Gia Định 10 thế kỷ đầu Công Nguyên

Lời Kết

Trên đây là một phác thảo, trong tình trạng hiểu biết hiện nay về những di chỉ, di vật khảo cổ ở đất Gia Định và những tương quan của chúng với tiến trình lịch sử địa phương trong bối cảnh chung của Nam Đông Dương và Đông Nam Á.

Đất Gia Định xưa, bao gồm địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và vùng ven ngày nay, là nơi tụ hội của hầu hết các yếu tố văn hóa khảo cổ trong lịch sử: Văn hóa đá cũ (Lộc Ninh, Vườn Dũ, Bình Lộc, Dốc Mơ, Suối Đá, Xau6n Lộc, Định Quán), văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn (Suối Chồn), văn hóa đá mới (Cầu Sắt), đá mới – đồng (Núi Gốm, Bến Đò, An Sơn), đồng – sắt (Dốc Chùa, Suối Chồn, Rạch Núi), văn hóa Sa Huỳnh (Hàng Gòn, Phú Hòa, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ), Đông Sơn (trốn đồng Bình Phú, Vũng tàu, Lộc Ninh, Lộc Khánh, Phú Chánh), văn hóa Óc Eo, Hậu Óc Eo và văn hóa Việt.

Những chuyển biến và phát triển của xã hội nông nghiệp lúa nước vào thời đại kim khí đã đưa đến sự hình thành những cộng đồng cư dân có mật độ cao, chuẩn bị cho sự ra đời của văn hóa Óc Eo vào đầu Công nguyên rộng khắp trên vùng hạ lưu và châu thổ Sông Cửu Long. Ở Gia Định và miền Đông Nam Bộ, văn hóa khảo cổ từ khoảng 500 năm trước Công nguyên cho đến thời đại Óc Eo đã hình thành trên truyền thống đá mới – kim khí Đồng Nai bên cạnh những yếu tố Sa Huỳnh và Đông Sơn. Văn hóa Óc Eo đã thừa kế những quan hệ văn hóa xa hơn qua đường hàng hải (và có thể qua một phần con đường Tơ Lụa) với Trung Hoa, Ấn Độ, với thế giới Địa Trung Hải và Trung Á.

Văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo ở Nam Bộ đã phát triển song hành với văn hóa Lâm Ấp – Champa ở Trung Bộ; giai đoạn cuối của thời đại Hậu Óc Eo tương ứng với sự ra đời của văn minh Angkor vào cuối thế kỷ thứ IX sau Công nguyên ở vùng Biển Hồ. Óc Eo, Champa và Angkor là những nền văn minh lớn trong lịch sử Nam Đông Dương và của cả Đông Nam Á, trong đó văn hóa Óc Eo đã giữ vai trò khai phá và định hình nền văn minh đô thị đầu tiên trong khu vực. Trong suốt 10 thế kỷ đầu Công nguyên, quá trình đô thị hóa đã diễn tiến một cách liên tục và vững chắc trên toàn đất Nam Bộ, mà những di tích khảo cổ đã được tìm thấy trong thời kỳ này, tương ứng với thời đại Óc Eo và hậu Óc Eo, có thể nói là vô cùng phong phú trong vùng đất Gia Định xưa.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!