Đất Gia Định 10 Thế kỷ đầu Công Nguyên – 05

Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.

Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.


Phần II: Khảo cổ học đất Gia Định và vùng ven trong 10 thế kỷ đầu Công Nguyên

Khu vực Phía Đông Sài Gòn

1. Cần Giờ

Trên đường vào Sài Gòn từ phía biển, nhóm di chỉ Cần Giờ (huyện Duyên Hải, Tp. Hồ Chí Minh) cho thấy một phức thể văn hóa khảo cổ gồm những di vật từ rìu đá mài cho đến những di tích thuộc thời kỳ phong kiến Việt, trong đó có những hiện vật thuộc văn hóa Óc Eo và Hậu Óc Eo. Nhóm di chỉ này cách Sài Gòn khoảng 60km theo đường chim bay về hướng Đông Nam nằm trong khu vực các cửa sông Ngã bảy, Đồng Tranh, Soài Rạp và vịnh Gành Rái, thuộc địa hình đầm ầy nhiệt đới ven biển, chịu ảnh hưởng thường xuyên của gió mùa, thủy triều và sự lắng đọng của phù sa. Thảm thực vật chủ yếu là các loại cây rừng nước lợ ven biển (rừng Sác). Quần thể động vật gồm các loại thủy sản như cá, tôm cua lươn, ếch, …; loài thú có vú có heo rừng, nai, chồn, khỉ …; loài có cánh gồm cò, mỏ nhát, cu, … Nổi lên trên mặt địa hình ngập nước này là những giồng cát có nguồn gốc cấu tạo hỗn hợp sông – biển, dấu hiệu của những đường bờ biển cổ (giồng cát và gò cát bồi kéo dài từ Đồng Hòa đến Cần Giờ) và nhiều gò đất đỏ cao từ 1m đến 3m (nhân dân địa phương cho biết trong vùng có đến hằng trăm gò loại này).

Hiện vật thuộc văn hóa Óc Eo ồm những mảnh gốm mịn Óc Eo điển hình ở Giồng Am, Giồng So Đũa; những mảnh bình gốm thô thon dài (loại số 35 theo phân loại của L. Malleret gọi là “chai” gốm) tìm thấy ở Giồng Am và Giồng Cá Trăng, nhiều thỏi đất nung hình trụ tròn ở Giồng Am, Giồng Sấu, Giồng Cá Trăng và một thỏi hình tháp tiết diện tứ giác ở Giồng Cây Trôm Lớn. Những thỏi đất nung này cùng loại hình với những di vật khai quật được trong mộ táng Óc Eo năm 1983 (6). Hiện vật thuộc thời kỳ Hậu Óc Eo gồm các loại gốm muộn, các loại gạch có độ nung cao và những vết tích kiến trúc ở Giồng Am và Giồng Cây Trôm Lớn.

Khu di tích Cần Giờ đã được Viện Khoa học Xã hội tạ Tp. Hồ Chí Minh sơ bộ khảo sát từ năm 1976. Những đợt khảo sát tiếp theo vào những năm 1977, 1978, 1980 đã xác định loại hình di chỉ “gò nổi” ven biển ở khu vựa này. Theo người dân địa phương, trong vùng có đến cả trăm gò đất đó rải rác trên các sông rạch. Tuy nhiên các cuộc khảo sát và đào thám sát cho đến năm 1980 chỉ được giới hạn trên một số gò chính.

Giồng Am ở xã Cần Thạnh, cách thị trấn Cần Giờ khoảng 1km về phía Tây Nam và cách Ủy ban Nhân dân huyện khoảng 150m về phía Nam. Trong những năm gần đây, do việc đào đất đắp đường và do dòng chảy của sông Rạch Cầu, giồng đất này bị cắt thành bốn mảng và lớp đất văn hóa đã bị mất đi một phần, chỉ còn mảng phía Đông tương đối còn nguyên vẹn.

Diện tích khảo sát năm 1978 là vào khoảng 600m2. Lớp đất mặt có nhiều cỏ thấp; tầng văn hóa màu nâu đỏ (0m50 – 0m70), sinh thổ là lớp đất bột sét xám. Hiện vật ở đây hầu như chỉ gồm hai loại đất nung và gốm. Về đất nung, có loại hiện vật hình khối trụ là phổ biến nhất. Ngoài ra có loại gạch thỏi dài, tiết diện hình vuông hoặc chữ nhật, loại gạch hình thang và hòn kê. Về đồ gốm, có nhiều loại mảnh miệng và thân đồ đựng loại “chai gốm”, cổ bình gốm. Xương gốm thường có màu đỏ nhạt và màu xám, nặn bằng tay, chất liệu sét mịn không trộn bã thực vật, độ nung cao.

Giồng Cá Trăng ở xã Cần Thạnh, khoảng 6km về phía Tây Bắc thị trấn Cần Giờ. Đây là một gò đất đỏ rộng khoảng 400m2. Tầng văn hóa lộ ra bên bờ rạch Cá Trăng ken đầy mảnh gốm, đang bị nước xói mòn.

Gốm là loại di vật phổ biến ở đây, thường có màu đỏ, đỏ nâu, xám tro, làm bằng tay (mặt trong có in nhiều vết ngon tay), xương mỏng, chắc; chất liệu sét mịn không trộn bã thực vật. Loại hình gốm chủ yếu là đồ đựng, mà tiêu biểu là loại miệng loe có gờ lật mép vào bên trong. Hoa văn trang trí có văn chải thô, văn vạch hình răng sói, hình tròn, đường cong kết hợp tiêu biểu của hoa văn gốm Sa Huỳnh. Ngoài ra có loại thỏi đất nung, mảnh đồ đựng có xương gốm thô dày như loại gốm ở Giồng Am.

Gò Gốc Tre Lớn ở xã Lý Nhơn, cách thị trấn Cần Giờ khoảng 23km về phía Bắc và cách khu cư dân Lý Nhơn 5km về phía Bắc – Tây Bắc. Di chỉ tìm thấy ở điểm rạch Gốc Tre Lớn đổ ra sông Vàm Sát. Gò rộng khoảng 200m2, với lớp đất đỏ lẫn mùn thực vật, gồm hai điểm cao cách nhau khoảng 25-30m. Điểm thứ hai ngang với mức nước triều cao.

Hiện vật rải rác quanh chân gò và trong lớp đất văn hóa, hầu hết là mảnh các loại đồ đựng bằng gốm. Xương gốm có màu đỏ, nâu đỏ, xám, xám mốc; chất liệu là loại sét pha cát, độ nung khá cao, phần lớn được nặn bằng tay, một số làm bằng bàn xoay. Hoa văn trang trí có văn chải, văn vạch, văn in ô vuông.

Giồng Cháy ở xã Cần Thạnh, cách Giồng Am khoảng 800m về phía Tây Nam. Di tích gồm hai gò đất, gò lớn ở phía Bắc, cao hơn mặt đất chung quanh khoảng 0m40 – 0m50. Mạn Tây gò này có nhiều di vật chủ yếu là những thỏi đất nung hình trụ. Gò nhỏ ở phía Nam, cách gò lớn 50m với cùng một loại di vật. Ngoài ra, ở đây còn có loại hiện vật bằng đất nung hình khối giống như gạch cổ.

Gò Ba Động ở xã Cần Thạnh, có loại di vật bằng đất nung hình dạng không nhất định, to nhỏ khác nhau (dài từ 10 đến 20cm), giống gạch, có một lớp thủy tinh phủ bên ngoài, dày khoảng 1mm màu vàng xanh, xanh đen hay xanh rêu.

Giồng Lá Buông Ông Hầng ở xã Cần Thạnh, cũng có loại di vật bằng đất nung bọc lớp thủy tinh giống như loại đã gặp ở Gò Ba Động và Giồng Cháy. Ngoài ra, có tìm thấy một mảnh gốm thô, chất liệu pha nhiều cát.

Giồng Đất Đỏ ở xã Cần Thạnh, có loại mảnh miệng đồ đựng bằng gốm giống như loại đã gặp ờ Giồng Cá Trăng. Ngoài ra ở đây cũng tìm thấy một loại gốm màu đỏ, mỏng (0,3cm). Dọc bờ rạch có một phần gò bị lở, làm lộ ra tầng văn hóa dày trên 1m. Việc trồng trọt ở gò này đang phá hủy các dấu vết văn hóa cổ.

Giồng Ao ở xã Cần Thạnh, có một số sành muộn và một loại gốm cứng tô màu.

Giồng Sấu ở Cần Thạnh, cũng có loại mảnh gốm đặc trưng đã tìm thấy ở Giồng Am.

Mũi Gành Rái ở xã Cần Thạnh, không xa thị trấn Cần Giờ. Ở đây đã tìm thấy nhiều mảnh gốm vàng nhạt tráng men nâu ở mặt trong, loại mảnh sành màu nâu và mảnh sứ tráng men màu trắng đục. Theo người dân địa phương cho biết, trước đây có người đã tìm thấy tại một điểm bị sóng biển xói mòn lở một rìu đá mài và một lưỡi giáo bằng đồng.

Giồng Cây Trôm Lớn ở xã An Thới Đông, được phát hiện vào năm 1980. Ở đây có loại di vật bằng đất nung và đồ gốm giống các loại hiện vật đặc trưng đã gặp tại Giồng Am. Ngoài ra còn có gạch vuông cỡ lớn và gạch thẻ.

Gò Đất ở tắc Ông Thọ, xã An Thới Đông. Ở đây có nhiều loại gốm thô văn chải của các loại đồ đựng, miệng rộng, xương gốm dày 5-6mm và các loại gốm cứng của thời kỳ muộn.

Di vật gốm ở Cần Giờ có những dạng mới so với các loại hình gốm ở các di chỉ khảo cổ khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài một số mảnh gốm Óc Eo đặc trưng, chúng có khả năng mang nhiều đặc thái địa phương của vùng văn hóa Óc Eo đặc trưng, chúng có khả năng mang nhiều đặc thái địa phương của vùng văn hóa ven biển này. Những ảnh hưởng văn hóa có thể nhận thấy qua một số yếu tố đã quan sát được, như loại hoa văn khắc vạch dạng Sa Huỳnh trên một mảnh gốm ở Gò Cá Trăng; hoa văn vạch, chải thô, in với những đề tài đường thẳng bố trí ngang, xéo, đứng xéo, xương cá, đan, ca rô và các loại miệng gốm ở Rạch Gốc Tre Lớn phảng phất và nét tìm thấy trong gốm Dốc Chùa.

Hai di tích Giồng Am và Giồng Cháy đã được Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh khảo sát lại vào năm 1986. Ở Giồng Cháy, tại Gò Nhỏ ở phía Nam đã xác định được một sàn đất nung khá lớn, hơi cong lòng máng, dài 1m80, rộng 0m75, dày khoảng 0m10. Trên mặt lõm lòng máng có lớp thủy tinh màu vàng xanh còn đọng lại. Có một số thỏi đất nung hình trụ tròn ở lòng máng và rải rác chung quanh còn dính lớp thủy tinh dày 0,1cm, 02,cm.

Từ năm 1991 đến năm 1994, những khảo sát, kha quật ở Cần Giờ do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội) với sự tham gia của Viện Khảo cổ học (Hà Nội) đã đưa đến những nhận thức mới về nền văn hóa cổ của vùng đất này. Những cuộc khai quật ở qui mô lớn tại hai di chỉ Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ vào những năm 1993 – 1994 đã phát hiện 365 mộ chum, 12 mộ đất, di cốt người cổ (đã phục nguyên được 20 sọ cổ) và hàng ngàn vật tùy táng, chủ yếu là đồ trang sức (nổ bật là sưu tập 26 khuyên tai hai đầu thú), sau đó là công cụ, vũ khí, gốm và một số di vật khác.

Khu di tích Cần Giờ cho những niên đại

2500 ± 50 BP = 550 trước Công Nguyên (Giồng Cá Vồ)

2480 ± 50 BP = 530 trước Công Nguyên (Giồng Cá Vồ)

2470 ± 50 BP = 520 trước Công Nguyên (Giồng Phệt)

2100 ± 50 BP = 150 trước Công Nguyên (Giồng Phệt)

1665 ± 40 BP = 285 sau Công Nguyên (Giồng Am)

Tập hợp di vật ở đây cho thấy những quan hệ văn hóa với các di chỉ mộ chum khác ở miền Đông Nam Bộ, với các di chỉ thời đại kim khí ở hạ lưu sông Đồng Nai, với những yếu tố văn hóa Sa Huỳnh, Tiền Óc Eo, và xa hơn với một số di tích mộ chum ở Đông Nam Á và Đông Á (Thái Lan, Philippin, Indonesia, Đài Loan).


2. Đồng Sơn

Vào tháng 3 và tháng 5 – 1978, trong những đợt khảo sát ở xã Đồng Sơn (Gò Công – Tiền Giang), vào khoảng 50km về phía Nam Sài Gòn và 40km về phía Tây Cần Giờ, chúng tôi đã thu thập được nhiều mẫu gốm cổ. Trong số hiện vật, đặc biệt có một loại nồi nhỏ (5 tiêu bản) đường kính miệng trung bình 110mm, cao trung bình 45mm, mặt đáy phía ngoài có vạch những đường xéo kỹ hà. Loại hình này trước đây đã tìm thấy ở Óc Eo và Samrong Sen, được xem như là một loại nồi nấu thủy tinh. Ngoài ra còn có một loại đèn gốm có độ nung khá cao.


3. Bàu Thành

(Tọa độ 11,653 B – 116,538 Đ), thuộc Long Điền, cách vài cây số về phía Đông Bà Rịa, gần trụ sở huyện Long Đất (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ở đây có một bàu lớn dài khoảng 400m, rộng 200m nằm theo hướng Đông – Tây, tường gọi là Bàu Tượng (Mare aux Eléphants). Pierre Paris đã đào ở một mô cát về phía Tây bàu này đến độ sâu 1m60, tìm thấy một số mẫu gốm (bảo tàng Sài Gòn, MBB N° 3033), một con lăn pesani và một con lăn khác bị gãy (MBB N° 3034 và 3035).

Gốm Bàu Thành gồm các loại gốm mịn, gốm có vòi, với một dạng cổ và chân đế đặc biệt là loại núm vung trũng, do L. Malleret giám định, thuộc loại gốm đặc trưng Óc Eo, cho phép đoán định đây là một di chỉ Phù Nam. Ngoài ra cũng có loại gốm chắc làm bàn xoa, nung kỹ, thuộc thời kỳ muộn hơn, giống loại gốm Ku-lên (thế kỷ IX) và loại gốm men màu kem xanh nước biển có những vết rạn tương tự như loại gốm Tống.


4. Gò Bường (Nhà Mát)

Cũng ở Bàu Thành, thuộc xã Long Phước, tổng Thanh Tuy Thượng, Long Thành (Đồng Nai), trong đồn điền cao su của B. Révertégat, những vết tích của một kiến trúc gạch đã được ghi nhận. Kiến trúc này gồm hai sàn gạch chồng lên nhau, dạng vuông, có một sàn mỗ cạnh dài từ 50m đến 60m, cao khoảng 2m; sàn nhỏ mỗi cạnh dài 15m, cao từ 1m đến 2m, kèm theo là hai hồ nước hình chữ nhật, một hồ có cạnh dài khoảng 80m, rộng 50m. Ở địa điểm này cũng đã tìm thấy những mảnh tượng đồng cỡ lớn, và một chân tượng (dài 0m185) đã được đưa vào Bảo tàng Sài Gòn (MBB N° 2412).

Năm 1989, Viện Khoa học Xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh và Bảo tàng tỉnh Đồng Nai đã tiến hành khai quật di tích này. Di tích có dạng gò nổi nằm giữa vùng trũng thấp, cao hơn mặt ruộng chung quanh từ 1m đến 3m. Cuộc khai quật đã làm xuất lộ một kiến trúc gạch hình chữ nhật gần vuông, dài khoảng 20m (Đông – Tây) và rộng khoảng 15m (Bắc – Nam). Bình diện kiến trúc được ngăn thành nhiều ô vuông 3m50 x 3m50 như những phòng nhỏ, nền lát gạch, dưới nền tấn gạch vỡ và đá hộc, lèn kỹ với cát mịn. Giữa kiến trúc, từ độ sâu 0m90, có một hộc nhỏ hình phễu sâu xuống khoảng 0m50 chứa đầy cát trắng. Về phía Đông Bắc có một đường móng xây theo lối bẻ góc, mỗi đoạn dà 2m, có thể là phần xây nhô ra phía ngoài của kiến trúc. Tập hợp di vật tìm thấy trong hố khai quật gần những hiện vật bằng kim loại (1 mảnh vàng, lục lạc đồng, chân đế bằng đồng thau, đnh móc bằng sắt), đồ trang sức (2 hạt chuỗ, 2 viên đá quí, tinh thể thạch anh và tectit), hiện vật bằng đá (1 rìu tứ giác, 8 mảnh đá có khắc chữ cổ, mảnh bánh xe đá, mảnh cánh tay tượng) và hiện vật gốm (gốm thô, gốm mịn, vòi bình, đồ sành, sứ tráng men).

Hiện trạng khai quật cho thấy di tích có khả năng đã bị đập phá ở giai đoạn cuối. Bia đá có khắc chữ Phạn, tượng, đồ đựng bằng gốm, sứ đều bị vỡ thành mảnh nhỏ; tường gạch không còn nguyên vẹn. Di tích này có thể có nguồn gốc chung với những kiến trúc Óc Eo ở đồng bằng Sông Cửu Long. Những chữ Phạn trên những bia đá ở đây được giám định là “chỉ xuất hiện vào thời gian thuộc thế kỷ X sau Công Nguyên”. Di tích Gò Bường được đoán định niên đại vào khoảng thế kỷ 10 – 12 sau Công Nguyên.


5. Bến Cam

Trong cuộc khảo sát ngày 2.10.1984 tại ấp Bến Cam, xã Phước Thiện huyện Long Thành (Đồng Nai), Đào Linh Côn đã xác định những vết tích kiến trúc ở độ sâu 2m, mỗi chiều rộng khoảng 1,8m trên một gò cát và đã chuyển đến chúng tôi một mẫu gạch xám trắng ửng hồng có mang những vỏ trấu. Đây là loại gạch cỡ 25 x 12 x 07 cm phổ biến trong kiến trúc và mộ táng Óc Eo.


6. Vũng Tàu

Trong “Công viên nhà mát Vũng Tàu” (Parc des villas du Cap Saint Jacques, tọa độ 11,50 B – 116,352 Đ), trên gò đất phía Tây Bãi Dừa, một sưu tập hiện vật quí đã được tìm thấy trong những trường hợp không xác định vào ngày 23-12-1925 và được đưa vào Bảo tàng Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội ngày 26-8-1926, theo nghị định của toàn quyền Đông Dương số 2109 ngày 25-5-1926. Sưu tập này gồm 58 hiện vật bằng vàng hay bạc, được giữ trong tủ sắt quả Bảo tàng và đã bị thất lạc sau tháng 9-1945. Bộ hiện vật này chưa được chỉnh lý.  Phần điểm tin của tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ liệt kê “bốn hoa hồng cánh nhỏ hình khối, hai hoa tai có khoen đôi, hai mảnh gãy mỗ mảnh gồm hai hình khối bát diện, hai hình ốc dập, hai bông hoa trũng có móc đã bị ô xít hóa, sáu chiếc nhẫn hình kèn săn, một dây vòng tay gồm hai phần với một nửa nút khóa không nạm đá quý, 17 mảnh đồ trang sức dập trong đó có một mảnh gồm ba khâu nối liền, hai cái kẹp có móc nhọn không nạm, một cái kẹp nạm hai viên đá quý (một xanh lá cây và một đỏ), sáu khoen nhẫn lá, một nhẫn có nạm mặt bằng đá xanh màu lá cây, bảy nhẫn có mặt không nạm, một nhẫn trơn, một vòng tay trơn”. Căn cứ trên những mô tả trên đây, L. Malleret đoán định một số hiện vật trong sưu tập thuộc loại trang sức trong nghệ thuật kim hoàn Óc Eo.


7. Thắng Tam

Trong một ngôi chùa ở xã Thắng Tam (11.488B – 116.38Đ), phía Đông trung tâm Vũng Tàu, có để thờ một tượng Phật bằng sa thạch tạc theo phong cách Hậu Óc Eo mà từ lâu vẫn được xem là một tượng Chăm. Pho tượng này, cùng một tượng khác nhỏ hơn, đã được một số dân chài người Vệt từ miền Trung vào tìm thấy ở núi lớn gần nguồn Gành Rái. Tượng tạc đức Phật ngồi thiền, chân xếp hoa sen, hai tay nối trước bụng, bàn tay phả đặt trên bàn tay trái, tựa trên chân phải. Phật có mũi thẳng theo kiểu Ấn Độ, miệng mỉm cười hiền hòa, tóc xoăn từng búp khá lớn, khoác cà sa mỏng bó người để lộ vai phải (cao 1m, cả bệ 1,18m).


8. Bến Đá

Cũng ở Vũng Tàu, một tượng Visnu bốn tay Hậu Óc Eo bằng sa thạch được phát hiện ở Bến Đá phía chân ph1a Bắc núi lớn. Tượng thần được tạo khá thô, dáng thấp mập, bốn tay cầm những vật tùy thân quen thuộc: bánh xe, con ốc, quả cầu và cây gậy. Bàn tay trái phía dưới tựa trên cây gậy chống thẳng xuống đồng thời làm giá đỡ. Đầu độ mão và một vòng cung đá nối liền đầu với hai vật tùy thân cầm trong hai tay phía trên, mình quấn sampot ngắn xếp rẽ quạt phía trước thân dưới (cao 0,72m, cả bệ và chốt 1,05).


9. Hàng Gòn

Ngôi mộ cự thạch Hàng Gòn ở ấp Xuân Thanh, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) do Jean Bouchot phát quật năm 1972 đã là đối tượng của nhiều bài nghiên cứu từ đó cho đến nay. Di tích này có niên đại sớm so với Óc Eo.

Tuy nhiên ở đây, chúng tôi muốn nhắc lại ý kiến cho rằng ngôi một đá này có thể không cổ như niên đại đã được đoán định (thời kỳ đồ đồng hay sớm hơn). Những biểu hiện của một nền văn hóa cự thạch là hiển nhiên ở Đông Nam Á và hình như nó đã để lại những dấu vết ở Óc Eo vào thời kỳ Phú Nam.

Nhiều di vật khảo cổ khác đã được ghi nhận ở trong vùng, như chiếc vòng đồng nặng 1,065kg (MBB N0 3143), mảnh gốm cổ, khuôn đúc rìu và kim ghim, những hiện vật đá có đường vạch, v.v … Những dự kiện trên đây cho thấy tầm quan trọng của khu di tích Hàng Gòn đối với truyền thống khảo cổ của đất Gia Định.


10. Cây Gáo

Di tích trước đây ở xã Cây Gáo 2, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, nằm trên ngọn đồi ở tả ngạn sông Đồng Nai, cao khoảng 50m so với mực nước biển, cách mép sông khoảng 4 – 6m. Được phát hiện năm 1985 và khai quật năm 1986 nhằm nghiên cứu, thu thập tài liệu tại hiện trường trước khi lòng hồ Trị An tràn ngập toàn bộ khu vực này.

Cuộc khai quật do Viện Khoa học Xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Đồng Nai phối hợp thực hiện, đã làm lộ toàn bộ bình diện của di tích gốm 2 di chỉ kiến trúc bằng gạch nằm song song (17,50m x 9,70m và 11,60m x 3,60m). Cả hai đều là những kiến trúc tôn giáo, có thể là một ngôi đền chính và phần phụ thuộc của nó.

Kiến trúc lớn chia thành 3 phần: Ở giữa là nền gạch có lẽ là nơi hành lễ; phần phía Tây xây thành 2 hình ô vuông lồng vào nhau. Chính giữa ô vuông bên trong có một khối trụ tròn bằng gạch ăn sâu vào lòng đất có lẽ là một hình tượng linga và yoni. Phần phía Đông có cấu trúc khá đặc biệt, được ngăn thành hai căn hẹp ở hai bên, ở giữa là một phòng rộng, có bậc tam cấp lên xuống ở phía Đông. Phía trước bậc tam cấp lại có một bức tường xây chắn lại. Di tích này có niên đại 1700 ± 45 BP = 250 sau Công nguyên. Hiện nay di tích đã chìm sâu dưới lòng hồ Trị An.


11. Đồng Bơ

Di tích ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, ở hữu ngạn sông Đồng Nai, cách bến đò Vĩnh An khoảng 9km. Quanh di tích là vùng trũng bị ngập nước vào mùa mưa. Nơi đây vốn là khu rừng rậm, phần lớn là tre, nứa, nhiều loại sao, dầu và nhiều cỏ tranh.

Vào những năm 1984 – 1985, toàn bộ khu rừng này được khai thác trắng để làm lòng hồ cho nhà máy thủy điện Trị An. Vào năm 1986 – 1987, di tích được biết đến trong đợt điều tra khảo cổ vùng này do Viện Khoa học Xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng tỉnh Đồng Nai tiến hành theo yêu cầu giải tỏa lòng hồ Trị An.

Đoàn khảo sát đã phát hiện Đồng Bơ là một di tích kiến trúc đã bị phá hủy gần như toàn bộ. Đây là một gò đất đường kính rộng 30 – 35m, cao hơn mặt ruộng chung quanh khoảng 1,30m. Theo những vết tích còn lại trong những hố thám sát, có thể xác định một kiến trúc gạch nằm ở phần phía Tây nơi cao nhất của gò, bình diện hình vuông theo hướng Bắc – Nam (chếch Đông 25 độ). Cạnh phía Đông và phía Tây dài 4m, cách nhau khoảng 5m. Cạnh phía Nam đã bị hủy một phần lớn; gần cạnh phía Bắc được xây rộng thêm 0,60m trên chiều dài 2m.

Tường gạch chung quanh kiến trúc còn lại 4 hàng, xây theo kiểu 2 viên ngang, tiếp đến 2 viên dọc xen kẽ nhau. Ở trung tâm bình diện vuông, tại độ sâu 1,25m (tính từ mặt gò) là một nền đá thạch anh xếp chèn chặt thành hình vuông, mội chiều rộng 1m80. Các viên đá có kích thước cạnh 10-15cm được xếp thành 10 lớp, có những lớp đất sét dày 1m. Bên cạnh nền thạch anh có một khối thạch anh lá lớn, dạng hình cầu tròn, đường kính khoảng 0m70. Phía ngoài cách nền đá khoảng 0m60 có những viên gạch, có thể là dấu vết còn lại của một nền gạch lát bên ngoài nền đá. Cả hai nền này (nền đá và nền gạch) đều ở sâu hơn móng tường bên ngoài khoảng 0m30. Móng tường còn lại, nơi cao nhất là 8 hàng gạch.

Hiện vật thu thập được từ khu di tích (đều do chủ đất nhặt được) gồm 1 cánh tay cầm con ốc, 1 con lăn bằng đá, 5 viên cuội suối có hình bầu dục tròn láng, 1 phần thân trên của bình gốm.

Di tích kiến trúc Đồng Bơ “ có nét khá giống với một số kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ. Niên đại muộn có thể vào khoảng thời gian từ thế kỷ VII đến thế kỷ VII sau Công nguyên.”


12. Miếu Ông Chồn

Di tích thuộc địa phận lâm trường Vĩnh An, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Phú Lý 7km về phía Tây Bắc, có hai con suối Răng và suối Rong (nhánh của suối Răng) chảy ở mạn Đông và mạn Tây. Miếu Ông Chồn là tên quen dùng của người Chro sống trong vùng để gọi địa điểm này.

Di tích được phát hiện và đào thám sát vào tháng 5 năm 1987, do Viện Khoa học Xã hội tại Tp. HCM và Bảo tàng tỉnh Đồng Nai thực hiện. Phần chính của khu di tích gồm hai lò lớn nối liền nhau theo hướng Bắc – Nam, rộng 9 – 13m, cao khoảng 3m so với mặt đất chung quanh. Gò phía Nam đã bị san ủi hơn một nửa về mạn Đông. Kiến trúc tìm thấy trong lòng gò này chỉ còn lại mảng tường ở góc Tây Nam với 24 lớp gạch xây cao. Phần nền phía dưới tường gạch được lát 6 lớp đá thạch anh trắng (kích thước cạnh mỗi viên từ 25 – 30cm). Ở gò này, đá gạch bị đào bới ngổn ngang. Trong số đó có 5 phiến đá được mài nhẵn, rộng từ 30 – 40cm, dài khoảng 70cm, dày 5 -6cm. Riêng có một tấm (60cm x 25cm x 5cm) được đục một rãnh rộng 2cm suốt chiều dài mặt tấm đá.

Gò phía Bắc còn khá nguyên vẹn. Ở đỉnh gò có một hố đào sâu 0m50, rộng 1m nhưng chưa phạm đến kiến trúc gạch bên dưới. Khoảng 10m về phía Bắc hai gò lớn này có một mô đất nhỏ rộng khoảng 15m2, cao khoảng 1m. Trên mô đất rải rác nhiều gạch vụn. Có một hố đào ở chân mô đất làm xuất lộ nhiều viên gạch vỡ. Có khả năng bên dưới mô đất là một kiến trúc gạch khá lớn. Về phía Tây, cách khu di tích Miếu Ông Chồn khoảng 200m, trên một đỉnh đồi cao 10m, có một nền đất hình vuông khá phẳng, mỗi cãnh khoảng 40m. Ở giữa nền đất này có một gò cao hơn nền đất khoảng 2m, rộng khoảng 10m2, trên mặt gò lộ ra nhiều vĩa gạch. Gò này được che phủ bởi cây rừng rậm rạp nên còn nguyên vẹn. Voi rừng tụ tập nghỉ ngơi tại đây nên đất gò trở nên nhẵn bóng.

Di chỉ kiến trúc Miếu Ông Chồn có nét giống với kiến trúc Đồng Bơ, bên trên xây gạch, phía dưới lát đá thạch anh làm nền móng. Tuy nhiên, kiến trúc ở Miếu Ông Chồn có qui mô lớn hơn nhiều.


13. Biên Hòa

Thành phố Biên Hòa ngày nay là một vùng đất mang nhiều cổ vật. Tại địa điểm Bửu Sơn, năm 1863 đã phát hiện một tượng thần Visnu; năm 1996, đã phát hiện thêm một bệ đá phiến màu xám đen tạc thành hình bông hoa tám cánh có lỗ tròn xuyên qua giữa; một yoni bằng đá, 4 tấm đan bằng đá phiến, một tượng Nam thần, một tượng Apsara, một tượng thần Visnu bằng đồng thau.

Địa điểm Cầu Hang được đào thám sát năm 1992, đem lại nhiều di vật bằng gốm và đất nung gồm đỉnh chóp (yếu tố kiến trúc), ngói bản, ngói ống, ngói diềm, các loại đồ đựng như nồi, bình, chậu và một số gạch, đá.

Kiến trúc di tích Cầu Hang được định niên đại khoảng thế kỷ 10 -12 sau Công Nguyên. Tại địa điểm Cầu Chàm, năm 1967, một cư dân khi đào đất đắp nền nhà đã tìm thấy một phù điêu với hình chạm thô sơ. Cách đó không xa, 3 phù điêu tương tự cũng đã được tìm thấy.

Tại An Hòa (xã Hóa An) đã phát hiện một tượng đá mất đầu và một tượng thần Ganesa bằng đồng. Ở Tân Lai đã phát hiện 3 tấm đá phiến, có thể là những bộ phận của đền tháp cổ thời Hậu Óc Eo. Tại Bửu Hoa, một lưỡi rìu đá và hai pho tượng cổ đã được phát hiện vào năm 1916. Một pho tượng đá được tìm thấy ở Bửu Thành, một tượng thần Ganesa ở Tân Xuân (Tân Triều) và ở Tân Triều Đông (Tân Xuân, Vĩnh Cửu), H. Parmentier ghi nhận vào năm 1909 một tượng thần Ganesa bằng đá.


14. Long Thành – Nhơn Trạch

Vùng đất này thuộc địa hình đồi gò và gò tháp ven sông Đồng Nai và các chi lưu của nó. Ngoài di tích Gò Bường, 3 di tích khác đã được khảo sát: tại Bến Gỗ (Hòa Hưng – Long Thành), năm 1934 G. Mignon phát hiện một tượng thần Ganesa và 2 tượng khác được thờ ở chùa Bửu Long: B. Révertégat đã tìm được một tượng thần Uma. Đợt thám sát năm 1988 đã dem lại một khối sa thạch có rãnh dài, một khối đá vuông (phần dưới của một bệ thờ), một linga, phù điêu, gạch, ngói.

Địa điểm Suối Cả (Long Thành) gồm 2 di tích: tại gò Chiêu Liêu, một kiến trúc gạch và di vật gốm đã được phát hiện trong đợt khai quật tháng 3 năm 1996. Di tích này có niên đại 1900 ± 70 BP = 50 sau Công nguyên. Một kiến trúc gạch và di vật gốm cũng được tìm thấy ở Gò Ông Tùng. Hai kiến trúc gạch, bị đào phá cũng đã được ghi nhận tại địa điểm Bến Săn (Phước Thiện – Nhơn Trạch).


15. Vĩnh Cửu – Thống Nhất

Ngoài những di chỉ Cây Gáo, Đồng Bơ và Miếu Ông Chồn, vùng này còn có các di tích Bàu Sen và Rạch Đông. Di tích Bàu Sen (Vĩnh Tân, Vĩnh Cửu) được phát hiện năm 1994 và khai quật năm 1995. Ở đây đã tìm thấy dấu vết kiến trúc gạch đã bị đổ nát, phần thân dưới của một tượng đá, một phần cánh tay tượng và một số mảnh đồ đựng bằng gốm men. Di tích Rạch Đông (Hố Nai, Thống Nhất) được phát hiện năm 1991 và khai quật năm 1992. Đây là một di chỉ khá quan trọng, gồm 4 kiến trúc gạch và một số tập hợp dị vật gồm rìu đá, bàn nghiền, bàn tay tượng đá, lá vàng và đồ gốm. Rạch Đông được đoán định niên đại vào khoảng thế kỷ VIII – IX sau Công Nguyên.


16. Nam Cát Tiên

Khu di tích Nam Cát Tiên thuộc huyện tân Phú, ở về phía Bắc tỉnh Đồng Nai. Cho đến nay đã phát hiện 2 di chỉ Nam Cát Tiên và Đạ Lắk. Di chỉ Nam Cát Tiên được phát hiện năm 1990 và khai qua65tn năm 1991. Ở đây đã tìm thấy vết tích kiến trúc gạch, hai tấm đan bằng đá, trụ đá vuông và một ít mảnh gốm. Di chỉ Nam Cát Tiên được định niên đại vào khoảng thế kỷ VII – VIII sau Công nguyên. Di chỉ Đạ La81k (trong vườn quốc gia Nam Cát Tiên) được khai quật năm 1996, tìm thấy dấu vết kiến trúc gạch và một tập hợp di vật gồm yoni, linga, 1 bàn nghiền, 2 mí cửa, 2 mảnh vòng vàng và một ít mảng gốm.


Còn tiếp

Viết một bình luận

error: Content is protected !!