Đất Gia Định 10 Thế kỷ đầu Công Nguyên – 06

Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.

Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.


Phần II: Khảo cổ học đất Gia Định và vùng ven trong 10 thế kỷ đầu Công Nguyên

Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định

Vùng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã mang những chứng tích sinh hoạt của con người từ thời tiền sử. Truyền thống này đã kéo dài qua thời sơ sử, thời cổ đại cho đến ngày nay một cách khá liên tục. Một số di tích và di vật khảo cổ từ thời kỳ Óc Eo trở về sau đã được tìm thấy ở nhiều nơi trong khu vực này.


17. Gò Cây Mai

(Tọa độ 11,949 B – 115,898 Đ). Trên một gò đất lúc trước có lẽ có hào bao quanh, nền móng của một kiến trúc cổ còn nhận rõ vào giữa thế kỷ XIX. Theo Trịnh Hoài Đức, năm 1816, khi đào đất để trùng tu ngôi chùa ở đây, người ta gặp nhiều gạch ngói cổ cỡ lớn và hai miếng vàng lá hình vuông mỗi cạnh 1 tấc, mỗi miếng nặng 3 đồng cân (đơn vị đo lường cũ) trên mặt chạm hình “yêu cổ cỡi voi” mà tác giả trên cho là bùa trấn tháp của Hồ Tăng. L. Malleret đoán định đó là hình thần Indra cỡi voi Airavata. Tại  địa điểm này, Etienne Aymonier đã ghi nhận sự hiện diện của những công cụ tiền sử gồm những lưỡi cuốc, mai, đục bằng đá và rìu nhỏ bằng đồng.


18. Gò Chùa Phụng Sơn

(Tọa độ 11,952 B – 115,892 Đ). Không xa Gò Cây Mai, trên một mô đất dạng vuông mỗi cạnh khoảng 100m, có hào bao quanh, trước đây đã quan sát được nhiều gạch vỡ và những mảnh sa thạch. Có hai tấm đan bằng phiến thạch ở góc Đông – Nam của ngôi chùa tại đó. Một tượng Visnu bốn tay Hậu Óc Eo bằng sa thạch, đầu đội mão hình lăng trụ, ặc y phục dài. Tượng tạc chưa hoàn tất, đã bị phong hóa nhiều (cao 0m63 không tính phần đế). Pho tượng này đã được đưa vào Bảo tàng Sài Gòn năm 19939 (MBB N0 2905).

Năm 1988, một cuộc đào thám sát tại đây trên cơ sở phát hiện dấu vết nhiều hàng gạch thấy được trên mặt đất gò sát bên cánh phải chùa Phụng Sơn. Đợt thám sát này đã làm xuất lộ một phần nền gạch là khối vật chất kiên cố gồm đá khối granit, cát trắng, gạch vỡ dày trên 2m (tính từ mặt gò xuống). Di tích Gò Chùa Phụng Sơn được xác định là một di chỉ kiến trúc gạch đá hỗn hợp, có cấu trúc móng chim kiên cố, có qui mô rộng lớn và mang một số đặc trưng của kiến trúc Văn hóa Óc Eo.

Năm 1991, Ban Khoa học Xã hội Tp. HCM (nay là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân vân  TP.HCM) đã tiến hành khai quật khu di tích này. Phạm vi di tích được xác định vào khoảng 8.820m2. Hố khai quật được mở ra về cả cánh trái và cánh phải của sân chùa.

Kết quả cuộc khai quật được thông báo là đã phát hiện “gần như toàn bộ cấu trúc của một đền thờ và khu mộ táng (tại khu A), và toàn bộ hiện vật quan trọng gồm các tượng bán thân và linga, đều tìm thấy ở đáy (quanh hố thờ và dưới miếu Ông Tà. Tại khu B đã phát hiện cửa chính phía Đông và cửa hậu ngôi đền ở phía Tây”.

Những di vật thu thập được trong quá trình khai quật gồm “đồ gốm Óc Eo điển hình”, “gốm Óc Eo mỏng”, các loại gốm khác, các vật dụng bằng gốm, đất nung như cà ràng, chân đèn, quai chảo, cậu, nắp nồi, vòi bình, gạch cỡ lớn và xỉ sắt. Đặc biệt còn tìm thấy được 7 đầu tượng và mảnh tượng bằng đất nung, trong đó có “hai đầu người bằng đất nung, màu đỏ gạch, tượng gần nguyên vẹn … Sống mũi lõm, cánh mũi rộng, mắt hai mí, đuôi mắt không xếch, môi hơi dày, cằm không nhọn, má bầu, miệng mỉm cười tươi. Nhìn chung khuôn mặt phúc hậu, trên đầu chít khăn – loại khăn có múi nhỏ ở giữa, có phong cách Indo – Persique …”.

Niên đại của di tích Gò Chùa Phụng Sơn được đoán định vào thế kỷ 5 Sau Công nguyên.


19. Trường đua Phú Thọ

Những ảnh chụp từ máy bay cho thấy dấu vết của một khu cư trú cổ, gồm những đường thẳng đan chéo hình bàn cờ như những con đường của một thành phố.


20. Rạch Lò Gốm

Trong một nhà dân ở đây, L. Malleret đã quan sát được hai pho tượng bằng đá do chủ nhà tìm thấy năm 1928 trong một thửa ruộng ở Phú Thọ, phía Tây Bắc thành phố (tọa độ 11,957 B – 115,887 Đ). Những tượng này đã được tô trát và sơn phết rất khó nhận ra hình dạng. Một trong hai hiện vật là một tượng Lokesvara Tiền Angkor, trước mão có hình Amitabha không rõ nét. Y phục nhẵn và ngắn. Hai cánh tay không tách khỏi mông, khuỷu tay tựa trên một chốt đỡ. Cánh tay phải hơi cong lên, bàn tay đưa ra phía trước, ngón trỏ và ngón cái chập lại. Cánh tay trái duỗi theo thân, tay cầm một bình nhỏ (cao 0m68 không tính phần đế).


21. Bàu Ông Bun

Khoảng 10km về phía Tây Sài Gòn, ở công trường khai thác cát bàu Ông Bun, xã Bình Hưng Đông tỉnh Chợ Lớn cũ, những công cụ tiền sử đã được phát hiện năm 1917. Tại địa điểm này cũng đã tìm thấy một khối sa thạch có dạng hai hình chóp cụt đối đỉnh có trang trí hoa văn kiểu Chân lạp cùng những cái nhạc đồng. Khối sa thạch đã được đưa vào Bảo tàng Phnom Pênh (S.30,7) và những nhạc đồng đã được đưa về Bảo tàng của Hội Nghiên cứu Đông Dương. Có lẽ đây là những nhạc đồng không xác định xuất xứ, lưu trữ tại Bảo tàng Sài Gòn.


22. Góc đường Lê Hồng Phong và Trần Hưng Đạo

Trên một khoảng đất trống ở góc đường Pétrus Ký (Lê Hồng Phong) và Galliéni (Trần Hưng Đạo) ngày trước, có xuất lộ những tấm đan bằng sa thạch hay bằng phiến thạch, L. Malleret đã khai quật địa điểm này năm 1940 và phát hiện một bức tượng xây bằng gạch cỡ lớn và một pho tượng nhỏ bằng đồng của một nhân vật quì gối, hai tay nâng một cái chậu quá lớn so với cơ thể, đầu đội mũ hình chóp, y phục ngắn có sọc theo phong cách Baphuo6n 9the61 kỷ IX) (Bảo tàng Sài Gòn, MBB N0 3009).

Tượng này có dạng tương tự với một tượng khác thuộc sưu tập Stocket ở Bruxelles. Nhưng trực tiếp hơn, tác giả trên đã so sánh nó với những tượng Ông Phỗng bằng đất nung có lớp men bóng của nghệ thuật Đại La diễn tả những người tôi đòi lùn mập quỳ gối, hai tay nâng trước ngực một cái bình lớn (Bả tàng Lois Finot, Hà Nội, N0 25082, xuất xứ Vĩnh Phúc, Hà Đông). Tượng này cũng giống tượng người quỳ gối ở Lạch Trường (Thanh Hóa), thuộc một truyền thống văn hóa khác.

Cũng từ địa điểm này, 4 tấm đan bằng đá đã được đưa về Bảo tàng Sài Gòn. Một tấm là một bậc thềm tương ứng với một khung cửa rộng 0m90, có hai lỗ mộng hình chữ nhật để gắn cột ở hai bên (MBB N0 3006). Một tấm nữa cũng tương ứng với khung cửa trên (MBB N0 3007). Hai tấm còn lại có thể là những bệ đá hay chân tán. Một tấm vuông mỗi cạnh 1m30, ở giữa có một lỗ vuông và hai khe trũng đối diện để gắn với một phần phía trên đã mất. Vòng quanh mặt bệ đá được trang trí hình hoa sen cách điệu: chính giữa 4 đường biên này là một hình có lẽ là đầu voi cách điệu (MBB N0 3005). Tấm cuối cùng có dạng một nửa của bệ đá nói trên (1m75 x 0m90 x 0m24), có lẽ dùng đặt áp vào vách. Phần trang trí phía hông gồm hai dãy: phía dưới gồm một dãy răng bố trí tỏa xéo ra hai bên và mặt trước của mỗi răng, hình tứ giác, được trang trí bằng một hình hoa bốn cánh. Phía trên là một băng dài, gồm từng đoạn chưa hai hình thoi năm giữa những đề tài hoa lá cách điệu hóa, mỗi đoạn cách nhau bởi một hình hoa thị. Một mép vát nối liền phần mặt và phần hông của bệ đá.


23. Chùa Giác Quan

(Tọa độ 12,012 B – 115,949 Đ), xã Bình Hòa, tổng Bình Trị, Gia Định cũ, có để một tượng sư tử bằng sa thạch, tạc theo phong cách Chăm, đứng trong tư thế tấn công. Tượng thú này đã được đưa ra Bảo tàng Sài Gòn (MBB N0 3029).


Còn tiếp

Viết một bình luận

error: Content is protected !!