Chương 04

Năm đó, anh ta không nhớ rõ về năm nào, cũng trong cùng huyện Thạch Thành này, có một người lính đồng thường hay theo hầu bân cạnh quan huyện và được ông quan đó thương yêu, trọng dụng lắm, một hôm có kẻ đến báo cho biết mẹ anh ta ở nhà ốm sắp chết, và khuyên anh ta nên xin phép quan huyện về thăm mẹ cho trọ đạo hiếu với người gần tới buổi lâm chung. Anh lính đồng đó vốn quê quán ở Ninh Bình, vì sự kiếm ăn nên phải đi xa xôi mãi vào mé thượng du miền Thanh Hóa. Thuở xưa chưa có xe cộ đi nhanh cho lắm, hóa nên từ Thạch Thành về tơi quê anh lính đồng, đường đi phải nửa tháng nếu đi ngựa, và một tháng nếu đi cáng hoặc đi chân. Bởi thế, anh lính phải liệu đi dớm tối cho về tới nhà, kẻo lỡ chậm thì có khi bà mẹ không được trông thấy mặt anh trước khi tắt nghỉ.

“Anh lính vội vàng khúm núm vào khóc lóc kể sự tình cho quan huyện rõ và xin phép quan từ chức để về nhà trông coi mọi việc gia đình. Quan huyện thương tình, cho phép về ngay sáng hôm sau, lại đưa tặng anh ta hai chục quan tiền để về quê quán làm ăn và ma chay cho mẹ. Anh ta lạy từ quan huyện và gia quyến ngài rồi thu xếp hành lý định sáng ngày mai đi sớm. Tôi hôm đó, anh lính ngủ ở đầu hè nhà tư thất, để tang tảng sáng ra đi cho tiện, đỡ phiền. Độ ấy vào tiết mùa thu, trung tuần tháng chín, trăng lên tròn vành vạnh và sáng quắc, phong cảnh ban đêm ngoạn mục vô cùng.

Quan huyện là một ông quan thanh liêm và hiền từ; ngài vốn là một nhà thâm nho, xuất thân vì khoa mục. Tối hôm đó, chả biết sao, ngài tự thấy trong lòng vồn chồn khắc khoải, ngài bèn sai bưng một cái bàn mây, một cái ghế nhỏ ra đầu hè ngồi thưởng nguyệt ngâm thơ. Rồi ngài ngồi trầm ngâm trước nhà vừa hút thuốc lào, vừa thẩn thờ ngâm vịnh. Cách chỗ quan huyện ngồi không xa mấy bước, anh lính dõng nằm đắp chiếu ngủ say. Anh ta đạp tung cả chiếu chăn, để lộ mặt ra ngoài. Bóng trăng chiếu vào khuôn mặt anh, khiến quan huyện phải giật mình kinh ngạc. Vì không biết tại sao, trong khi ngủ say, anh ta trông khác hẳn. Cái vẻ tươi cười, lanh lẹn, thường ngày vẫn hiện trên bộ mặt anh ta, tự nhiên biến đi đâu mất hẳn. Trên trán anh ta, lúc ấy, những đường răn in lằ rõ rệt, một nét cười đau đớn làm xếch hẳn mồm anh khiến cho anh giống như một kẻ đã chết trong một trường hợp thê thảm. Quan huyện nghĩ thầm trong dạ: chắc anh lính kia nghe tin mẹ ốm nặng nên ưu phiền. Ngài đã định không nhìn đến anh ta nữa, đi vào nhà tự thất nghỉ ngơi. Bỗng đâu, vừng mây che lấp mặt trăng tan đi, ánh trăng tia thẳng vào đầu anh lính võng. Liền lúc ấy, một con chuột từ phía dưới nhà chạy thẳng lên hè, mồm tha một chiếc lá bàng to. Con vật ấy rón rén lại gần đầu anh lính, phủ chiếc lá lên mặt người mê ngủ.

Quan huyện ngồi yên lặng trông con chuột. Ngài lấy làm kinh dị vô cùng. Ngài cho rằng sự phủ lá lên mặt tên lính kia có ẽ là sự tự nhiên, không có điểm gì quan trọng. Ngài lại gần anh lính, nhặt chiếc lá bàng trên mặt anh ta ném ra ngoài. Rồi ngài đợi một chốc ngắm xem con chuột làm gì. Một lúc lâu, con vật ấy lại hiện ra, chạy tới mé anh lính võng nó trèo lên ngực anh, rồi ngơ ngác nhìn. Không thấy chiếc lá trên mặt anh ta nữa, nó bèn lao xuống. Chẳng bao lâu nó tha chiếc lá khác lại phủ lên mặt anh ta; lần này thì quan huyện cho là rất lạ lùng, ngài định bụng thử xem con chuột làm đến thế nào mới thôi. Ngài bèn nhặt chiếc lá vứt đi chỗ khác. Quả nhiên, con chuột lại tha chiếc lá nữa, làm như mấy bận đầu tiên. Cứ như thế đến non mười lần, hễ quan huyện lượm chiếc lá đi thì con chuột lại đem một chiếcla1h mới phủ lên mặt người lính ngủ. Mải sau cùng, quan huyện mới nhận ra rằng nếu mặt anh lính bị chiếc lá phủ kín, thì con chuột không kỳ cục làm gì. Ngài yên trí trong đó hẳn có một điểm quái gở, bèn thôi không tò mò nữa, vào phòng đi ngủ.

Sáng hôm sau ngài trở dậy rõ sớm, cho gọi anh lính dõng và khuyên anh ta đừng nên trở về quê quán má có khi gặp sự chẳng lành. Anh lính khóc lóc, lạy lục, nhất quyết xin cáo từ, kêu rằng mẹ anh chỉ có một con. Nên anh không thể nào không về nhà cho được. Quan huyện phải dằn lòng để anh lính trở về quê quán nhưng ngài kể lại chuyện chiếc lá phủ mặt cho anh ta nghe và dặn dò anh ta phải rất cẩn thận trong khi đi đường.

Lạy từ chủ, anh lính dõng mạnh mẽ ra đi. Ngày thì trèo núi, vượt khe, đến chiều lại tìm nhà trọ nghỉ chân, không dám đi đêm khuya khoắt. Như thế độ non nửa tháng. Anh ta về tới Đồng Giao, gần đến chân đèo Tam Điệp. Chỗ này đường đất rất hiểm hóc và có tiếng là nơi lắm cọp dữ, hùm thiêng. Sáng sớm, anh lính dõng vội ra đi định bụng chiều tìm nơi ngủ trọ. Không may con đèo dài lắm, và suốt cả dọc đường không thấy một quán hàng nào. Tối đến, anh ta lo quá vì anh chơ vơ ở giữa đồng rừng. Nhưng anh lính là một tay can đảm lắm, anh vội vàng kiếm một cây đại thụ, trèo lên tận ngọn rút dao bảy bên lưng vạt bớt lá um tùm, rồi căng một tấm vải dùng làm võng nằm để ngủ. Anh ngủ ngon lắm không biết kinh sợ là gì. Ngủ một mạch đến sáng ngày, anh bị một tiếng inh ỏi làm choàng tỉnh dậy. Lúc ấy độ vào gần canh năm, tang tảng sáng. Nghe tiếng kêu vang động, anh ta cúi đầu nhìn xuống đất, phải giật mình kinh hãi vì thấy chính ở dưới chỗ anh ta nằm, bên cạnh gốc đại thụ, một vật gì to lớn trông như con hổ, lông lá trắng xóa đương ngồi chễm chệ, gầm lên một tiếng nghe xa kể mấy dặm đường.

Anh lính hoảng kinh, đành nằm in trên ngọn cây, không dám xuống, cũng không dám cựa. Anh ta chú ý dò xem con thú kia ngồi đó để làm gì. Một chốc, anh bỗng ghê rợn vô cùng, vì thấy ở mé xa đi lại một đàn hổ, đủ các màu, đủ các tuổi. Con thì đen, con thì xám, con thì vàng. Lại có con trẻ, con già, con lớn con bé. Chúng nó kéo nhau lũ lượt, cùng đi cả lại gốc cây. Đến nơi, hình như chúng kính sợ hãi, quì rạp cả xuống lạy chào con hổ trắng, rồi chia ngôi thứ tự cùng ngồi. Hai bên hốc cây, ngồi một hàng hổ đen, bốn con. Bốn con ấy quây quần chung quanh con hổ trắng như bốn ông tứ trụ. Rồi, sắp hai hàng chỉnh tề, đến hơn hai chục con hổ xám ngồi hàng đầu, đối diện con hổ trắng, cách gốc cây chừng năm sáu bước dài. Sau lưng đàn hổ xám, cứ theo thứ tự già trẻ, lớn bé, một đàn hổ đến mấy trăm con – có lẽ là tất cả hổ trong rừng – ngồi chầu về mé Chúa đoàn. Chúng nó lũ lượt kéo đến dần dần, chỉ trong khoảnh khắc là đã đông nghịt cả một khu rừng thẳm.

Anh lính dõng sợ quá. Nhưng anh na82m vắt vẻo trên tận ngọn cây, không ngại gì bị lũ hổ ăn thịt được. Anh bèn im lặng nhìn xem hội hổ hành động thế nào. Anh nhận thấy quần hổ tựa hồ rất kính trọng con hổ trắng. Chúng ngồi im phăng phắc, cúi đầu chờ lệnh chưa phán ra. Làm Hoàng đế chốn sơn lâm, chắc hẳn là ông Cọp trắng, độc nhất vô nhị. Thứ nhì đến loài hổ đen, cận thần của hổ trắng, bao giờ cũng chỉ có bốn con, dùng làm bốn ông đại tướng. Thứ ba thì đến các hổ xám, liệt vào hàng kỳ tướng coi các binh cơ. Rồi đến những hổ vàng thường, tức là dân hay lính. Hôm đó có lẽ là ngày tụ hội của Triều đình hổ, các hổ xa gần nghe tiến Chúa gọi phải vội vàng đến chầu chực để nghe lệnh chỉ ban ra. Quần hổ tụ nhau lại chỉ có trong độ nửa giờ, đến hết canh năm đã ngồi đông đủ mặt. Có lẽ từ trước, chúng nó đã hẹn nhau đúng ngày giờ nào thì Chúa ngự; hóa nên điều từ xa xôi lần lại đèo Tam Điệp, lẩn quất trong rừng núi, đợi nghe tiếng hổ trắng thì họp thành quần. Bởi thế nên hổ trắng vừa mới gầm xong, đã thấy nhao nao chạy lại không biết bao nhiêu là hổ.

Trong rừng lúc đó rất là im lặng. Chim buổi sáng đều bay rất xa, không dám hót; những đàn khỉ, đàn vượn, cũng lẩn tít lên ngọn cây không dám kêu la và nhẩy nhót tung tăng. Bao nhiêu dã thú trong rừng đều ẩn nấp trong hốc, trong hang, chẳng con nào dám đánh bạo chờn vờn, sợ chết. Chỉ có đàn công là bao giờ cũng theo hổ như sáo sậu và quạ khoang theo trâu bò. Chỗ nào dưới có hổ, là trên có công và chim khướu. Nhưng mà không dám hót, cả rừng đều im lặng như tờ. Trừ tiếng gió vi vu, tiếng lá kh6o xào xạc, không được nghe tiếng gì khác nữa.

Giữa quãng tĩnh mịch đó, bỗng Vua Hổ trắng gầm lên một tiếng vang lừng rồi nhún mình đứng thẳng dậy, như người. Hổ trắng chỉcho61ngh xuống đất có hai chân sau, còn hai chân trước, khác với các hổ thường, có thể bẻ quật lại như tay người, không liền một khớp. Vua hổ đứng dậy, rồi Ngài rùng mình một cái, lấy hai tay phanh bụng, lột lần da bọc ngoài như thế cởi chiếc áo vậy. Anh lính dõng lấy làm lạ khi thấy ông Hổ trắng kia, sau khi cởi áo, hóa thành một ông lão đầu râu bạc phới, trông oai nghi, lẫm liệt lại có bề nhân đức, hiền từ. Ông lão già bèn gập chiếc áo da để cạnh mình, rồi ngồi xuống. Ông thò tay vào túi áo, móc ra một quyển sách nhỏ, mở sách ra, phán rằng:

”Năm ngoái các con làm tròn công việc cả rồi ta có lời khen cho đó. Vậy, những kẻ nào đã bị tận số bây giờ các con phải khai ra, để ta in vết máu vào chỗ chữ tên, khảo lại cho đúng và cho đỡ lầm lẫn. Các con mau mau khai ra!’ Ông lão nói dứt lời, thì một con hổ đen nhẩy ra ngoài cúi đầu thi lễ. Con hổ đó rùng mình một cái, hóa ra một ông tướng mặt đen trông dữ tợn vô cùng. Ông tướng ấy móc túi lấy ra một quyển sổ con, rồi chỉ sáu con hổ xám ngồi mé bên phải, hàng đầu, tâu rằng:

 – Kính trình Chúa soái! Sáu viên tướng này đã chia cho ba chục quân vùng Đông Bắc, ba chục quân vùng Tây Bắc, ba cục quân vùng Chính Bắc, bắt hành tội những người có tên trong sổ năm ngoái, không bỏ sót một người nào. Chúng tôi xin đọc từng tên để Chúa soái khảo sát.

Nói xong, ông tướng mặt đen đọc một hồi những tên người bị hổ ăn thịt trong năm, và đọc cả ngày giờ những người đó bị nạn. Ông lão già nghe xong mỗi tên lại cầm một chiếc bút son đánh một chấm đỏ vào sổ của mình. Hồi lâu khi đã đọc xong, ông tướng mặt đen gấp sổ lại, bỏ vào túi, rồi quì xin thăng chức cho các phó tướng. Ông lão già phong tặng cho các hổ xám hàng thứ nhất bên phải xong đâu đấy, thì ông tướng kia lại rùng mình một cái, biến ra hổ đen, rồi đi lại chỗ ngồi như cũ. Xong lượt hổ đen thứ hất đến lượt hổ đen thứ nhì, hóa ra ông tướng mặt đỏ, cũng làm như thế, và xin thăng thưởng cho lũ hổ xám, hàng thứ nhất bên trái. Rồi đến lượt thứ nhì, bên phải, và hổ đen thứ tư, tướng mặt trắng, chủ tướng đội hổ xám hàng thứ nhì bên trái. Khi đều phong tặng đâu đấy xong cả, các hổ đen lại hiện nguyên hình ngồi chầu ở chỗ cũ, bên cạnh ông cụ già.

Anh lính dõng nghe ngóng biết được bốn con hổ đen kia cai quản bốn phương, mỗi con có sáu con hổ xám phò tá. Mỗi con hổ xám lại cai quản mười lăm con hổ vàng, ra lệnh cho hổ vàng đi bắt những kẻ có số hổ ăn thịt.

Sau khi công việc thuộc năm trước đã trình bày cặn kr4, ông cụ già mới khép sổ, bỏ vào túi, lấy ra một quyển sổ mới cầm tay. Rồi ông đọc từng tên, chỉ từng giờ, phân việc cho các bộ hạ. Anh lính dõng lắng tai chú ý, nghe đọc những tên đâu đâu không quen thuộc, cũng có khi mang máng nghe được một tên quen.

Khi ông già đọc đến tên “Nguyễn Văn Hai, người làng Đồng Thụy tỉnh Ninh Bình”, số đáng bị cọp ăn thịt ngày 12 tháng hai năm Đinh Hợi (1887) thì anh lính dõng kia bỗng giật nẩy mình, suýt nữa ngã lộn nhào xuống đất. Anh ta vội vịn lấy một cành cây và ép tay vào ngực cho con tim đỡ đập mạnh. Anh ta hoảng hốt lo sợ đến cực điểm: lúc này anh mới thấy can đảm của anh tiêu tán từ bao giờ! Vì Nguyễn Văn Hai chính là tên anh; vì theo số mệnh, anh chỉ còn sống được có hơn bốn tháng!

Anh lính dõng Nguyễn Văn Hai lo quá; anh bồn chồn luống cuống, không biết nghĩ thế nào. Trông ông cụ già phúc đức thế kia, anh cũng muốn xuống lạy van cụ xin tha cho anh; nhưng nếu xuống, tất thế nào cũng chết. Anh đành phải nén lòng nằm trên ngọn cây chờ dịp khi nào họ đi hết, họa chăng anh mới xuống được gốc cây. Rồi anh nghĩ vẩn, nghĩ vơ, rồi anh thương thân nằm khóc. Anh nghĩ tìm kế thoát thân cho khéo, anh tính rằng muốn khỏi chết, anh sẽ về nhà nằm tận đáy hầm sâu. Anh suy nghĩ hồi lâu, khi ngoảnh xuống thì đã thấy quần hổ tan đi từ lúc nào không rõ. Dưới gốc cây không còn ai nữa, chỉ có một mình ông cụ già đương nằm co ngủ rất ngon lành. Cụ gối đầu lên chiếc áo da, vắt tay qua trán. Trong miệng cụ tuôn ra không biết bao nhiêu là bọt, xùi lên thành một đám to bằng một cái nồi mười.

Anh lính Hai ở lâu trên mạn đồng rừng nên biết rõ cách xem bói của hổ, trong khi hổ ngủ, anh đợi lúc đống bọt, báo cho anh là ông Hổ trắng kia ngủ đã say lắm, anh mới lẻn tụt xuống, vội vàng tìm một súc gỗ vuông vắn, nâng đầu cụ già để gối vào gỗ, rồi ăn cắp cái áo da trèo một mạch lên ngọn cây, giấu áo vào khăn gói, buộc khăn gói vào một chỗ rõ cao, có nhiều lá rậm. Xon anh phấp phỏng ngồi đợi.

Một lúc lâu, ông cụ giật mình tỉnh dậy, giụi mắt nhìn bốn phía. Thấy chiếc áo da mất tích, cụ lộ ra vẻ lo sợ, chạy tung tăng tìm kiếm khắp mọi nơi. Mãi sau cùng, cụ nhìn lên đỉnh ngọn cây, thấy có người chót vót trên đó. Cụ bèn vẫy người ấy, bảo rằng:

 – Tráng sĩ ơi! Tráng sĩ chơi nghịch làm gì hãy đem áo trả cho lão, lão đội ơn nhiều lắm. Cái áo ấy tráng sĩ lấy cũng không làm gì được, mà làm cho lão cực khổ cả một đời. Tráng sĩ có lòng nhân từ, xin làm phúc trả tấm áo kia cho kẻ già nua tuổi tác!

Anh lính Hai ngồi trên cây nói xuống:

 – Con có lấy áo của cụ đâu? Nhưng con biết người ăn cắp áo của cụ. Nếu cụ thề với con một lời, con xin chỉ chỗ cho cụ để cụ lấy áo lại, không thì thôi!

 – Thề điều gì? Thề được thì lão xin thề!

 – Điều này không có gì khó cả, vì nó là quyền của cụ. Vừa rồi, cụ bảo con sinh phúc cho cụ, con đâu có cái oai to lớn ấy. Chính cụ nên sinh phúc cho con mới phải! Con nằm đây đã lâu con nghe hết những lời cụ nói và biết rõ hết các hành tung của cụ. Con là một người trong mấy trăm người có số bị cọp ăn thịt. Và con chỉ được sống có hơn bốn tháng nữa thôi! Nếu cụ thề rằng cứu con khỏi chết, con sẽ trả áo cho cụ. Nếu không, con đường nào cũng chết, thà ăn cắp áo cụ mà chết còn hơn. Cụ có thề không?

 – Lão xin thề: Lão sẽ cứu nhà ngươi! Vậy nhà ngươi xuống đây, lão bảo cho cách tránh nạn. Nhưng hễ lão bảo cho biết rồi thì phải trả áo cho lão nhé!

Anh lính Nguyễn Văn Hai tụt suống gốc cây, rạp đầu lạy cụ. Ông cụ đỡ anh ta dậy, hỏi xong tên tuổi làng quán, ngày sinh tháng đẻ, rồi móc túi lấy quyển sổ ra, tìm kiếm một hồi. Khi cụ đã tìm được tên anh Hai, cụ sẽ lấy tay vuốt lên chữ tên anh một cái. Bỗng thấy chữ ấy mờ đi. Cụ nói:

 – Cái này không khó, nhưng nhà ngươi phải kín đáo và cẩn thận lắm mới được. Ta xem nhà ngươi không phải là người gian ác, chả qua tại Nam Tào nhầm. Đợi đến ngày 11 tháng hai, giờ Thân, nhà ngươi làm một người bù nhìn thế mạng, cho đứa bù nhìn ấy mặc áo quần nhà ngươi, và cho tay nó cầm một cái đĩa. Trên d9i4aTpha3i có màu gà hay máu vịt. Nhà ngươi phải cắt mười đầu móng tay móng chân bỏ vào đĩa máu ấy. Lại lấy kim trích ngón tay, ngó chân bóp mỗi ngón cho ra một giọt máu, hòa hai mươi giọt máu ấy vào đĩa máu ở trên tay bù nhìn. Rồi một vài giờ trước giờ Thân, cho đem thằng bù nhìn đó vào khu rừng phía tây làng … phủ Nho quan gầ chỗ nhà ngơi ở. Lại phải buộc ca1ch thằng bù nhìn chừng hai bước, một con lợn béo độ hai năm. Vào khoảng cuối giờ Thân, một con hổ vàng sẽ qua mé ấy, nó sẽ thấy thằng bù nhìn dâng cho nó đĩa máu, nó liếm sạch đĩa máu ấy, rồi bắt con lợn tha đi. Đĩa máu ấy thay cho máu người, con lợn thay cho xác thịt người, ngươi sẽ được toàn tính mệnh. Nhưng phải kín đáo và cẩn thận lắm mới được, kẻo sai lầm thì không cứu được nữa đâu! Nào, bây giờ ngươi khá mau mau trả áo cho ta, ta còn bận có tí việc phải đi ngay, không nên chậm trễ!”

Anh lính dõng Nguyễn Văn Hai nghe nói xong bèn phủ phục xuống lạy tạ ơn như chày máy, rồi vội trèo lên cây lấy áo trả cụ già. Cụ già vừa nhận tấm áo xong thì biến mất.

Anh lính Hai, khi cụ già đã khuất, vội thu thập hành lý, rồi đi thẳng về quê hương. Bống tháng sau khi anh về tới nhà, anh ta làm đúng theo lời dặn của thần hổ trắng. Anh làm bù nhìn xong xuôi mặc áo quần cho nó để tay nó cầm một đĩa máu gà pha với máu và móng mười đầu ngón tay ngón chân của anh. Rồi anh dặn dò kỹ lưỡng người em họ, mượn đứa em ấy đem bù nhìn và bắt lợn ra để ở mé làng …, ven rìa núi. Anh ta không dám đến đó, sợ vào rừng e cọp sẽ không ra, mà anh cũng không dám tiết lộ bí mật cho em biết, cỉ dặn dò cứ làm đúng như lời anh dặn, và làm thế để hiến cho hổ ăn. Thằng em họ tiếc rẻ con lợn béo, nghĩ bụng tội gì đem biếu của ngon cho hổ trong rừng. Nghĩ thế, nó giữ con lợn về phần nó chỉ đem có thằng bù nhìn ra dựng ở ngoài đồng.

Khi hổ đến nơi, trông thấy đĩa máu thì liếm sạch ngay tức khắc. Ăn xong đĩa máu hổ không thấy có quà gì nữa, tức mình gầm lên mấy tiếng, vật ngã thằng bù nhìn ra rồi đi thẳng vào rừng.

Lúc này anh lính dõng Nguyễn Văn Hai đương ở trong nhà, bỗng kêu lên một tiếng rõ to, ngã lăn ra bất tỉnh. Họ hàng xúm lại thì anh Hai đã tắt thở mất rồi. Đứa em họ lúc ấy mới hiểu con lợ tức là sinh mệnh của anh nó vậy.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!