Hồi thứ 15: Nguyệt Nga nhân có Lục ông, Kiều công mời qua nghe tin Vân Tiên mất buồn rầu khóc than.

Đoạn nầy đến thứ Nguyệt Nga;

Hà Khê phủ ấy theo cha học hành.

Kiều công lên chức Thái khanh;

Chỉ sai ra quận Ðông thành chăn dân.

Ra tờ khắp hết xa gần;

Hỏi thăm họ Lục tìm lần đến nơi. (1270)

Khiến quân đem bức thơ mời;

Lục ông vưng lịnh tới nơi dinh tiền.

Kiều công hỏi Lục Vân Tiên;

Lục ông thấy hỏi bỗng (bỗn) liền khóc than.

Thưa rằng: Nghe tiếng đồn vang;

Con tôi nhuốm bịnh giữa đàng bỏ thây;

Biệt tin từ ấy nhẫn (nhẩn) nay;

Phút nghe ngài nói châu mày lại thương!

Kiều công trong dạ bàng hoàng;

Trở vào nói lại cùng nàng Nguyệt Nga.(1280)

Lục ông nói lại cùng cha:

Duyên con rày đã trôi hoa dạt bèo.

Riêng than chút phận tơ điều;

Hàn giang chưa gặp Ô kiều lại rơi.

Nàng rằng: Đã thiệt như lời;

Xin cha sai kẻ mời người vào trong.

Nguyệt Nga đứng dựa bên phòng;

Tay ôm bức tượng khóc ròng như mưa.

Công rằng: Nào bức tượng xưa;

Nguyệt Nga con khá đem đưa người nhìn.(1290)

Lục ông một buổi ngồi nhìn;

Tay chơn vóc dạng (giạc) đều in con mình.

Chuyện trò sau trước phân minh;

Lục ông khi ấy sự tình mới hay:

Thương con phận bạc lắm thay!

Nguyền xưa còn đó con rày đi đâu?

Kiều công chi xiết nỗi sầu;

Lục ông thấy vậy thêm đau gan vàng.

Kiếm lời khuyên giải với nàng;

Giải cơn phiền não kẻo mang lấy sầu.(1300)

Người đời như bóng phù du;

Sớm còn tối mất công phu lỡ làng!

Cũng chưa đồng tịch đồng sàng;

Cũng chưa nên nghĩa tào khang đâu mà.

Cũng như cửa sổ ngựa qua;

Nghĩa nào mà ủ mặt hoa cho phiền?

Nàng rằng: Trước đã trọn nguyền;

Dẫu thay mái tóc phải nhìn mối tơ.

Công rằng: Chút nặng tình xưa;

Bèn đem tiền bạc tạ đưa cho người.(1310)

Lục ông cáo tạ xin lui;

Tôi đâu dám chịu của người làm chi?

Ngờ là còn trẻ mất đi;

Hay đâu cốt cách còn ghi tượng nầy.

Bây giờ còn lại thấy đây!

Tấm lòng thương nhớ dễ khuây đặng nào?

Ngửa than đất rộng trời cao;

Tre còn măng mất lẽ nào cho cân;

Lục ông từ tạ lui chân;

Kiều công sai kẻ gia thần đưa sang.(1320)

Nguyệt Nga nhuốm bịnh thở than;

Năm canh (kanh) lụy ngọc xốn xang lòng vàng.

Nhớ khi thề thốt giữa đàng;

Chưa nguôi nỗi thảm lại mang lấy sầu.

Công đà chờ được bấy lâu;

Thà không cho gặp buổi đầu thời thôi.

Biết nhau chưa đặng mấy hồi;

Kẻ còn người mất trời ôi hỡi trời!

Thuở xưa giữ dạ ghi lời;

Thương người quân tử biết đời nào phai?(1330)

Tiếc thay một dự anh tài;

Việc văn việc võ nào ai dám bì:

Thương vì đèn sánh lòng ghi;

Uổng (uỗng) công nào thấy tiếng gì là đâu!

Thương vì hai tám trên đầu:

Người đời như bóng phù du lỡ làng.

Thương vì chưa đặng hiển vang;

Nước trôi sự nghiệp huê tàn công danh.

Thương vì đôi lứa chưa thành;

Vùa hương bát nước ai dành ngày sau?(1340)

Năm canh (kanh) chẳng ngớt hột châu;

Mặt nhìn bức tượng ruột đau như dần.

Dương gian nay chẳng đặng gần;

Âm cung biết có thành thân chăng là?

Kiều công thức dậy bước ra;

Nghe con than khóc xót xa lòng vàng.

Khuyên rằng: Con chớ cưu mang;

Gẫm trong còn mất là đàng xưa nay.

Đờn cầm ai khéo dứt dây;

Chẳng qua con tạo đổi xây không thường. (1350)

Nàng rằng: Không xiết nỗi thương!

Khi không gẫy gánh giữa đường không hay.

Nay đà loan phụng lẻ bầy;

Nệm nghiêng, gối chích phận này đã cam.

Trăm năm thề chẳng lòng phàm;

Sông Ngân đưa bạn, cầu Lam rước người.

Thân con còn đứng giữa trời;

Xin thờ bức tượng trọn đời thời thôi.

Kiều công trong dạ chẳng vui:

Con đà giữ tiết một đời hay sao?(1360)

Viết một bình luận

error: Content is protected !!