Chương 9: Một lục địa đã biến mất

Sáng hôm sau, 19 tháng 2, Ned sang phòng tôi. Tôi cũng đang chờ Ned tới. Ned có vẻ rất buồn nản.

 – Thế nào, giáo sư? – Ned hỏi.

 – Thế nào, ông Ned? – Tôi trả lời. – Tình hình diễn biến bất lợi cho chúng ta, phải không?

 – Lẽ ra lão thuyền trưởng chết tiệt này phải cho tàu đỗ lại đúng lúc chúng ta cuẩn bị chạy trốn mới phải!

 – Nhưng ông Ned ạ, Nemo phải đến chỗ chủ ngân hàng.

– Sao lại chủ ngân hàng?

 – Đúng hơn là đến ngân hàng. Ý tôi muốn nói xuống đại dương là nơi những của cải của Nemo được bảo quản tốt hơn bất cứ một ngân hàng nhà nước nào.

Tôi kể cho Ned nghe những chuyện xảy ra đêm qua, trong lòng thầm hy vọng rằng sẽ gây cho Ned ý nghĩ không bao giờ rời bỏ Nemo. Nhưng câu chuyện của tôi chỉ làm Ned rất ân hận là đã không dự cuộc tham quan vùng biển Vigo, nơi xưa kia là chiến địa, Ned nói:

 – Tuy vậy chưa đến nỗi tuyệt vọng. Thua keo này ta bày keo khác! Tối nay có thể …

 – Tàu chạy về hướng nào? – Tôi hỏi.

– Tôi không rõ.

– Thôi được, trưa nay ta sẽ biết.

Ned sang chỗ Conseil. Còn tôi thì mặc quần áo rồi sang phòng khách. Kim địa bàn chỉ hướng tây nam. Tàu quay lưng về châu Âu. Tôi nóng lòng mong đợi tọa độ được ghi lên bản đồ.

Đến gần 11 giờ rưỡi tàu nổi lên mặt biển. Tôi chạy vội lên boong. Ned Land đã lên đó trước tôi.

Chẳng thấy gì ngoài cảnh sóng nước mênh mông và vài cánh buồm phía chân trời. Mấy chiếc tàu buồm chắc đang chờ gió xuôi để vòng qua mũi Hảo Vọng. Trời đầy mây đen. Nhất định sẽ có bão.

Ned tức điên lên. Anh ta căng mắt nhìn qua lớp sương mù phủ kín chân trời. Ned vẫn hy vọng sau màn sương đó là mảnh đất anh ta mong đợi.

Đến giữa trưa, mặt trời ló ra. Viên thuyền phó lợi dụng lúc đó để xác định độ cao của mặt trời. Biển bắt đầu động, nắp tàu đóng lại, tàu lại lặn xuống.

Một giờ sau, tôi đưa mắt nhìn bản đồ thì thấy tàu đang cách bờ biển gần nhất là một trăm năm mươi dặm. Vấn đề chạy trốn không thể đặt ra được. Các bạn có thể hình dung ra sự tức giận của Ned khi tôi báo cho anh ta biết tọa độ của tàu.

Về phần tôi, tôi chẳng thất vọng gì lắm. Đúng là tôi vừa trút được một gánh nặng và lại có thể yên tâm làm tiếp các việc bình thường của mình.

Buổi tối, khoảng 11 giờ, thuyền trưởng Nemo đột ngột vào chỗ tôi. Ông ta rất lịch sự hỏi tôi đêm qua không ngủ được có mệt không. Tôi trả lời là không mệt.

 – Thế thì xin mời giáo sư tham gia một cuộc dạo chơi kỳ thú.

– Thưa thuyền trưởng, tôi rất xúc động trước sự quan tâm của ngài.

 – Giáo sư đã xuống đáy biển sâu ban ngày dưới ánh sáng mặt trời. Ngài có muốn quan sát đáy biển vào đêm tối trời không?

 – Tôi rất sẵn sàng!

 – Xin báo để ngài biết trước là chuyến đi này sẽ rất vất vả, vì phải đi xa, phải trèo núi và đường không được tốt lắm.

 – Thưa thuyền trưởng, tất cả những cái đó chỉ kích thích thêm sự tò mò của tôi. Tôi sẵn sàng đi cùng ngài.

 – Xin mời giáo sư đi! Giáo sư cần mặc quần áo lặn.

Vào phòng để quần áo, tôi chẳng thấy Ned và Conseil, cũng chẳng thấy một phù thủy thủ nào. Họ không tham gia chuyến đi đêm này. Trái với lệ thường, thuyền trưởng không bảo tôi mang Ned và Conseil đi theo.

Mấy phút sau, chúng tôi đã chuẩn bị xong. Tôi đeo lên lưng những bình chứa không khí nhưng không được trang bị đèn điện. Tôi lưu ý Nemo về điều đó, ông ta trả lời:

 – Chúng ta sẽ không cần đến đèn điện.

Tôi cảm thấy hình như mình nghe không rõ, nhưng không hỏi lại được vì Nemo đã chụp chiếc mũ sắt lên đầu. Tôi cũng làm theo Nemo. Tôi được cấp thêm một chiếc gậy đầu bịt sắt. Mấy phút sau, chúng tôi đã đặt chân xuống đáy Đại Tây Dương ở độ sâu ba trăm mét.

Sắp tới nửa đêm. Dưới đáy biển tối đen như mực, nhưng Nemo chỉ cho tôi xem vệt đo đỏ cách tàu Nautilus hai hải lý. Đó là lửa ư? Nếu là lửa thì bắt nguồn từ đâu? Và sao lửa lại cháy được trong chất lỏng? Tôi không thể giải thích được. Nhưng dù sao ngọn đuốc lập lòe ấy cũng giúp chúng tôi dễ đi hơn. Bây giờ tôi hiểu rằng đèn điện quả là không cần.

Tôi đi cạnh Nemo, hướng theo ngọn lửa dẫn đường ấy. Đáy biển lúc đầu còn phẳng lặng, sau dâng cao dần. Chúng tôi chống gậy bước những bước dài nhưng chậm vì đáy biển đầy tảo và đá dăm …

Chúng tôi đi chừng nửa tiếng đồng hồ. Đáy biển ngày càng nhiều đá. Những con sò, các lớp giáp xác nhỏ li ti phát ra ánh sáng lân tinh yếu ớt. Tôi thoáng thấy những đống đá được hàng triệu động vật giống như những bông hoa và tảo phủ kín. Chân tôi trượt trên tấm thảm thực vật dính nhơm nhớp và nếu không có gậy thì tôi đã bị ngã nhiều lần. Quay lại, tôi vẫn thấy ánh sáng đèn pha tàu Nautilus. Chúng tôi ca2ng đi xa thì ánh sáng đó càng mờ đi.

Những đống đá dưới đáy đại dương mà tôi vừa nói trên mang dấu vết một sự sắp đặt nhất định mà tôi không giải thích nổi. Ngoài ra còn một số hiện tượng kỳ lạ nữa. Tôi cảm thấy dưới đế giày bằng chì của tôi đang lạo xạo những xương khô. Phải chăng chúng tôi đang bước trên mảnh đất đầy xương? …

Ánh sáng soi đường cho chúng tôi ngày càng rực đỏ, tựa như ánh lửa của đám cháy phía chân trời. Lửa cháy trong nước kích thích tính tò mò của tôi đến cao độ. Có phải đó là ánh điện không? Hay là tôi đang được chứng kiến một hiện tượng của thiên nhiên mà các nhà bác học chưa hề biết? Tôi thoáng có ý nghĩ: Biết đâu cái lò lửa ngầm dưới biển này không do bàn tay con người duy trì? Biết đâu tôi cah83ng gặp may ở đây những người bạn, những người đồng chí của Nemo, đang sống một cuộc đời độc đáo như Nemo? Biết đâu tôi chẳng gặp cả một đám người vì chán ghét những ràng buộc trên mặt đất mà đi tìm độc lập tự do dưới đáy biển? Những ý nghĩ vớ vẩn, mung lung cứ ám ảnh tôi mãi.

Trong trạng thái bị kích thích cao độ ấy, nếu có gặp một thành phố xây dưới nước như Nemo hằng mơ ước, thì tôi cũng sẽ cho là chuyện rất tự nhiên.

Con đường chúng tôi đi ngày càng sáng tỏ. Một ánh hào quang trăng trắng phát ra từ phía sau ngọn núi cao hơn đáy biển hai trăm mét. Nhưng ánh hào quag đó chỉ phản ánh những tia sáng bị khúc xạ trong nước biển. Bản thân cái nguồn phát sáng thì ở bên kia ngọn núi.

Thuyền trưởng Nemo vững bước giữa những đống đá ngổn ngang. Ông ta rất thông thạo con đường này. Tôi yên tâm đi theo Nemo. Đối với tôi, Nemo giống như một vị thần biển! Tôi ngắm nhìn vóc người cao lớn của Nemo in trên ánh hồng.

Một giờ đêm chúng tôi tới chân núi. Nhưng muốn trèo lên sườn núi dốc đứng thì phải theo những con đường nhỏ rất khó đi nằm giữa rừng cây rậm rạp. Đây đúng là một rừng cây đã chết, trụi hết lá, đã hóa đá vì tác động của muối biển …

Cảnh tượng thật chẳng lời lẽ nào tả xiết!

Thuyền trưởng Nemo va64n đi trước. Tôi không muốn bị tụt lại nên cố theo sát Nemo. Chiếc gậy rất được việc. Chỉ cần bước hụt là có thể lao xuống vực thẳm nằm kề bên những con đường hẹp. Tôi nhảy qua những khe núi sâu mà nếu ở trên cạn thì tôi đành chịu không dám vượt …

Tôi hiểu rõ rằng những điều tôi miêu tả về cuộc tham quan dưới đáy biển này chắc các bạn sẽ cho là chuyện bịa hoàn toàn! Nhưng không, tôi không mơ ngủ đâu! Tất cả những cái đó tôi đều nhìn thấy tận mắt!

Chúng tôi rời tàu Nautilus đã được hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi đã vượt qua dải rừng. Phía trên chúng tôi chừng ba mươi mét là đỉnh núi nhọn hoắt. Từng đàn cá từ phía dưới cah6n chúng tôi bơi lên như những bầy chim hoảng sợ vụt bay lên khỏi bụi cỏ. Tim tôi đập thình thịch mỗi khi có một vòi bạch tuộc ghê rợn, hay một càng cua khủng khiếp bỗng chặn ngang đường! Hàng ngàn chấm sáng long lanh trong bóng đêm. Đó là mắt những con tôm khổng lồ như đang lần vào hang, những con cua vĩ đại đứng sừng sững như những cỗ đại bác đặt trên xe, những con bạch tuộc đáng sợ đang ngoe nguẩy vòi như những đàn rắn. Thật là một thế giới quái dị!

Nhưng thuyền trưởng Nemo đã quen với những quái vật đó nên chẳng chú ý gì tới chúng cả. Chúng tôi đã tới một cao nguyên, nơi có nhiều cái bất ngờ đang chờ đợi tôi. Trước mắt tôi hiện ra những cảnh hoang tàn xưa kia do bàn tay con người chứ không phải do thiên nhiên tạo nên. Những phiến đá chồng chất lên nhau có vẻ lộn xộn nhưng cũng có thể đoán ra xưa kia là những cung điện, đền đài, nhà cửa.

Tôi đang ở đâu vậy? Tôi cần biết điều đó, nhưng không thể gọi Nemo được. Tôi bèn nắm lấy tay ông ta. Nhưng Nemo lắc đầu chỉ lên đỉnh núi, hình như muốn nói: “Cứ đi đi! Trèo lên cao nữa đi!”

Tôi ráng sức đi theo Nemo và mấy phút sau thì tới đỉnh núi. Tôi nhìn lại. Sườn núi chúng tôi vừa trèo lên chỉ cao hơn đáy biển chừng hơn hai trăm mét. Nhưng sườn núi bên kia thì cao hơn gấp đôi và đâm thẳng xuống một hõm sâu. Trước mắt tôi trải ra một khoảng không gian mênh mông sáng lòa. Ngọn núi chúng tôi đang đứng là núi lửa, cách đỉnh chừng mười lăm mét, từ miệng núi phun ra những dòng thác lửa cuồn cuộn. Núi lửa, như một bó đuốc khủng khiếp, chiếu sáng cả một đáy biển bằng phẳng nằm dưới chân núi.

Tôi nói núi lửa ngầm phun ra dung nham chứ không ra lửa. Muốn có lửa thì cần có không khí no dưỡng khí, và lửa không cháy được trong nước. Trước mắt tôi hiện ra một thành phố chết: những tòa nhà đổ nát, những đền đài hoang tàn. Xa xa là những ống dẫn nước khổng lồ. Xa hơn một chút là vết tích của một hải cảng, nơi xưa kia có nhiều tàu buôn và tàu chiến ra vào. Xa hơn nữa là những dãy nhà đổ nát, những dãy phố hoang vu.

Tôi đang ở đâu? Ở đâu? Tôi muốn biết điều đó, muốn biết điều đó dù có phải vứt bỏ cái mũ sắt đang bảo vệ đầu!

Nhưng thuyền trưởng Nemo đã bước đến gần tôi và ra hiệu cho tôi đừng làm như vậy. Sau đó, ông ta lấy một viên đá trắng mềm viết lên tường một chữ: ATLANTIC.

Atlantic! Đó là một lục địa mà sự tồn tại đã được nhiều nhà bác học tranh cãi. Lục địa đó nằm trước mắt tôi với tất cả những bằng chứn của tai họa đã xảy ra!

Cách đây nhiều thế kỷ, những trận lũ lụt và động đất đã hoành hành trên hành tinh chúng ta. Chỉ cần một đêm và một ngày là lục địa Atlantic đã bị xóa sạch khỏi mặt đất. Chỉ có những ngọn núi cao nhất là còn được trông thấy ngày nay!

Tôi nhớ lại tất cả những điều đó khi đọc chữ “Atlantic” của Nemo. Số phận kỳ lạ đã đưa tôi đến một ngọn núi của lục địa đã bị mất! Tôi được sờ mó vào những hòn đá của những tòa nhà đồng thời với các thời đại địa chất! Tôi được bước chân lên mảnh đất mà những người nguyên thủy đã đi! Dưới cah6n tôi lạo xạo những vật hóa thạch đã sống ở những thời kỳ xa xưa nhất dưới bóng cây giờ đây đã biến thành đá.

Chao ôi, sao tôi không có đủ thì giờ để theo sườn núi dốc đứng mà đi xuống! Tôi muốn đi suốt lục địa huyền diệu này xưa kia hẳn đã nối liền châu Phi với châu Mỹ! Tôi muốn thăm các thành phố cổ xưa nhất, nơi sinh sống của những người khổng lồ, thọ hàng thế kỷ, có đôi tay hùng mạnh vần đi được những tảng đá chống lại được sự tàn phá của nước biển! Biết đâu một ngày kia lục địa Atlantic bị chôn vùi dưới đáy biển sẽ nổi lên mặt nước? …

Trong khi tôi mơ tưởng và cố ghi lại trong trí nhớ tất cả những chi tiết của cái cảnh hùng vĩ này thì thuyền trưởng Nemo tì tay vào bức tường đầy rêu và im lặng. Nemo đang nghĩ tới những thế hệ đã mất đi hay đang tìm lời giải đáp cho những số phận của con người? Hay Nemo đến đây để tìm nguồn sức mạnh mới trong quá khứ lịch sử, để sống trong giây lát như những người khổng lồ ngày xưa? Tôi đặt ra mọi giả thuyết để tìm hiểu những ý nghĩ của Nemo và chia sẻ những ý nghĩ đó với ông ta.

Suốt một tiếng đồng hồ chúng tôi ngắm nhìn khoảng đất bằng trải ra dưới ánh sáng của dung nham cháy đỏ đôi khi sáng rực.

Lúc đó mặt trăng xuyên qua lớp nước dày và rọi những tia sáng yếu ớt xuống lục địa bị chìm ngập. Nemo đứg thẳng dậy, đưa mắt nhìn lần cuối rồi ra hiệu cho tôi đi theo.

Chúng tôi xuống núi rất nhanh. Sau khi vượt qua khu rừng hóa thạch, tôi thấy ánh đèn pha của tàu Nautilus lấp lánh như một vì sao. Nemo hướng theo ánh đèn đó. Chúng tôi trèo lên tàu đúng lúc những tia sáng đầu tiên của mặt trời mọc vừa chạm mặt biển.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!