Lũy Bán Bích

Từ sau năm 1698, công việc xây thành đắp lũy vừa để phòng thủ Sài Gòn vừa biến Sài Gòn thành một trung tâm đô thị lớn nhất phía Nam được các chúa Nguyễn quan tâm. Sài Gòn nhanh chóng trở thành một trung tâm quân sự quan trọng.

Năm 1731, sau vụ giặc Sa-Tot từ Campuchia xâm phạm Sài Gòn bị đánh bại, các chúa Nguyễn đã củng cố, sửa chữa lại các đồn lũy ở Sài Gòn, xây dựng dinh Điều Khiển (phía Nam dinh Phiên Trấn), xây các tường thành vây quanh các dinh thự và các khu vực trọng yếu. Dinh Điều Khiển không chỉ là cơ quan quân sự đầu não của riêng Sài Gòn mà còn là của cả phía Nam.

Năm 1771, quân Xiêm La đánh phá Hà Tiên và tiến về Sài Gòn. Nguyễn Cửu Đàm – một võ quan cao cấp của chúa Nguyễn chỉ huy quân sự phía Nam – đã đánh tan đội quân xâm lược. Nhận thấy vị trí quan trọng của vùng đất Gia Định mà trung tâm là Sài Gòn, ông đã huy động quân lính và dân phu ‘đắp lũy đất, phía Nam từ Cát Ngang, phía Tây đến cầu Xảo Huệ, phía Bắc giáp thương khẩu Nghị Giang, bao quanh đồn dinh, cắt ngang đường bộ để ngăn ngừa sự bất trắc”, …

Lũy do Nguyễn Cửu Đàm chỉ huy xây dựng, trong các sách sử còn gọi là lũy Bán Bích hay Bán Bích cổ lũy, còn trên bản đồ của Trần Văn Học (năm 1815) ghi là Cựu Lũy. Lũy Bán Bích là một công trình quân sự lớn nhất của Sài Gòn cho đến thời điểm 1772. Lũy dài 15 dặm tức 8,586km, bao quanh một diện tích khoảng 50km vuông. Bên trong có đồn dinh là dinh thự hành chính và quân sự quan trọng nhất của chúa Nguyễn ở phía Nam, các khu phố thị, chợ búa quan trọng. Phần lớn diện tích trung tâm Sài Gòn ngày nay đã nằm trọn trong vòng bảo vệ của lũy Bán Bích. Bên trong và bên ngoài lũy Bán Bích thông thương nhau có các đường bộ (quan lộ) và đường thủy theo sông, rạch lớn. Nhiều trạm kiểm soát và ụ phòng ngự được bố trí ngay lối ra vào thủy bộ dọc lũy.

Với việc xây dựng lũy Bán Bích cùng việc đào kênh Mã Trường (kênh Ruột Ngựa) của Nguyễn Cửu Đàm, thành phố Sài Gòn về cơ bản đã được định hình.

 

Viết một bình luận

error: Content is protected !!