Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật ở Gia Định – Sài Gòn

Tác giả: Huỳnh Ngọc Trảng

Thời gian, chiến tranh và tốc độ đô thị hóa đã nhanh chóng xóa đi những di tích cổ xưa của xứ Gia Định. Ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không còn nhiều dấu vết cổ xưa như đất cũ Hà Nội và cũng không còn những công trình lớn của nhà nước phong kiến ngày trước như cố đô Huế. Những nhà cao tầng, dinh thự, công sở đã mọc lên trên mặt bằng của thành lũy, dinh thự phong kiến cũ.


Xem qua các tài liệu thư tịch cổ, cũng như các bản đồ và những công trình khảo cứu về Gia Định, Sài Gòn xưa, chúng ta sẽ bắt gặp những trang sách viết về ”Cổ tích Gia Định””.

Những công trình kiến trúc thời nhà Nguyễn hiện lên trên bản đồ của Oliver Puymanel (có sách viết Puymanuel) vẽ năm 1790, là Quy thành hình bát quái do Gia Long xây dựng năm 1790. Thành này còn có tên là Gia Định kinh hay là Phan Yên thành.

Quy thành là căn cứ trung tâm của cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi (1833). Năm 1835, Minh Mạng sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa đã hạ lệnh phá hủy toàn bộ thành xây theo kiểu Vauban này. Đến năm 1836, Minh Mạng ra lệnh xây một thành khác ở Đông – Bắc thành cũ, gọi là thành Phụng tức thành Gia Định. Thành này bị thực dân Pháp tấn công và phá hủy vào năm 1859. Dấu vết duy nhất còn lại ngày nay là bức tranh vẽ cảnh cổng thành khi giặc Pháp tấn công và những tàn tích dọc đường Đinh Tiên Hoàng phía gần xưởng Ba Son.

Từ mặt bằng của thành Gia Định, vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đã liên tiếp mọc lên những công trình kiến trúc theo kiểu phương Tây (Nhà thờ Đức Bà 1887 – 1890), Pháp đình, Dinh Thống đốc, Nhà Bưu chính, Nhà hát, chợ Bến Thành, Dinh Norodom). Cùng số phận với thành Gia Định, một số ngôi chùa lớn bị thực dân Pháp chiếm làm đồn bốt để chống lại những cuộc phản công của nghĩa quân kháng chiến xuất phát từ vùng Đại đồn Chí Hòa mà chúng gọi là ”Chiến tuyến chùa chiền” (linge des pagodes). Đó là chùa Khải Tường, chùa Kiếng Phước, đền Hiển Trung, chùa Cây Mai trải dài từ vùng tiếp cận thành Gia Định (nay là trường Lê Quý Đôn) đến Phú Lâm. Ngày nay các di tích ấy chỉ còn sót lại một pho tượng Phật của chùa Khải Tường để ở Bảo tàng Lịch sử.

Đa số các chùa, miếu, đền thờ xây dựng từ thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX cũng bị chiến tranh và thời gian phá hủy. Đến nay, số công trình kiến trúc theo thức Việt Nam còn lại quá ít và đã được trùng tu lại trong những năm bản lề của thế kỷ trước và thế kỷ này. Đó là chùa Trường Thọ ở Gò Vấp, chùa Từ Ân, chùa Gò (Phụng Sơn Tự), chùa Giác Viên ở quận Mười Một, chùa Giác Lâm ở Tân Bình, chùa Phước Tường ở Thủ Đức.

Trước khi những công trình kiến trúc theo kiểu phương Tây có mặt ở đất Sài Gòn, ở vùng đất Gia Định, ngoài các công trình của người Việt, còn có các công trình của người Hoa. Những công trình lớn của người Hoa là đền miếu – thường là trụ sở của các ban được gọi là Hội quán – đã làm cho diện mạo phố xá ở xứ này nhất là vùng Chợ Lớn  có vẻ riêng. Xem xét tường tận những đền miếu của người Hoa, dễ thấy chúng có hình thức kiến trúc khác với hình thức kiến trúc của người Việt, song công trình chạm trổ bên trong bao gồm các bao lam, các phù điêu trên kèo, cột, đầu đao, xiên trinh có không ít những sản phẩm do các nghệ nhân người Việt tạo tác. Đặc biệt những Hội quán của người Minh Hương như Gia Thạnh hội quán (ở đường Trần Hưng Đạo, quận Năm), Nghĩa Nhuận hội quán (đường Nguyễn Văn khỏe, quận Năm), Phước An hội quán (đường Hùng Vương) là những công trình kiến trúc mỹ thuật thuần Việt Nam. Những tác phẩm điêu khắc ở đó khác hẳn với các công trình điêu khắc ở các ”chùa Tàu” khác như Tuệ Thành hội quán, Nghĩa An hội quán, Ôn Lăng hội quán, Quỳnh Phú hội quán, Quảng Triệu hội quán hay Điện Ngọc Hoàng (ở Đa Kao), Miếu Tam Sơn, …

Những công trình kiến trúc của nhà Nguyễn ở Gia Định kinh, cùng với đền chùa miếu mạo của người Việt, người Hoa đến nay hầu như đã bị khuất lấp bởi các công trình kiến trúc tân kỳ.

Trong những thập niên thuộc nửa sau thế kỷ này, suốt từ 1954 – 1975, đồng thời với sự xuất hiện của những thương xá, ngân hàng, khách sạn, nhà thờ và hàng loạt các công trình công cộng, ở Sài Gòn cũng xuất hiện một số kiến trúc phỏng theo lối kiến trúc cổ, tất nhiên là với các vật liệu xây dựng mới và cách tân khá nhiều.

Thời kỳ này, những năm đầu là các đền miếu của một số hội tương tế như Đền thờ Trần Hưng Đạo, Đền Thánh Mẫu Phủ Giầy và Đền thờ Hai Bà Trưng (Bình Thạnh), Đền Sài Sơn (một ở đường Lê Văn Sĩ và một ở đường Nguyễn Thiện Thuật), Đằng Giang Linh Từ (tức Đền Quan Bơ ở Quận Tư) và sau năm 1963, khi Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, hàng loạt các chùa Phật mới được xây dựng và một số chùa cũ được trùng tu lại. Đáng kể trong số này là chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Một Cột (Thủ Đức), chùa Phước Hòa (Quận Ba), chùa Pháp Hội (Quận Mười), …


Những công trình kiến trúc trong vài thập niên qua tuy có chú ý tìm về những đặc trưng riêng trong kiến trúc truyền thống, song thật sự đã có nhiều biến đổi so với trước.

Thức kiến trúc cổ truyền cũng như những công trình điêu khắc đậm đà bản sắc dân tộc còn bảo lưu đầy đủ có lẽ là chùa Trường Thọ, chùa Tư An; qui mô nhất là chùa Giác Lâm, kế đó là chùa Giác Viên, chùa Gò Phụng Sơn, chùa Phước Tường và một số ngôi nhà cổ ở rải rác khắp các huyện ngoại thành.

Đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ – những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất cho thức kiến trúc Gia Định – là kiểu nhà ”trùng thiềm điệp ốc” (hay còn gọi là ”trùng thiềm trùng lương”). Đây cũng là kiểu cách chung cho kiến trúc Đàng Trong thế kỷ XVIII,  XIX. Theo đó, mục đích chính là phát triển diện tích nội thất theo chiều sâu bằng cách lắp ghép hai tòa nhà song song liền mái. Kiểu cách này cũng rất phổ biến ở vùng nông thôn Nam bộ và thường được gọi là nhà ”sắp đọi”.  Việc xếp đặt như vậy đã thực sự tạo nên một nội thất thống nhất và trong đó thường được ngăn cắt bằng vách ngăn ngang theo các hàng cột để thành Chánh điện, nhà tổ, đường.giảng.

 Mặt khác, kiểu ”trùng thềm điệp ốc” này cũng xuất phát từ kiểu nhà rường, (còn gọi là xuyên trếch – ở Trung bộ, xiên trính – ở Nam bộ). Nói chung kiểu nhà truyền thống người Việt chủ yếu được trổ cửa theo chiều ngang nên hẹp, do đó việc lắp ghép hai tòa nhà song song như vậy nhằm làm cho diện tích nội thất được tận dụng hơn, dễ bày biện hơn, thuận tiện cho việc tổ chức các lễ nghi và tăng thêm tính thâm nghiêm cho không gian nội thất.

Ở một số nơi, việc mở rộng không gian chiều sâu cũng theo qui tắc trên, nhưng các tòa nhà không ghép liền vào nhau mà nối nhau bằng hai nhà cầu dọc để chừa ở giữa một cái ”sân tĩnh”. Cái ”sân tĩnh” này có tác dụng làm thoáng gió và hắt ánh sáng vào nội thất. Đó là trường hợp chùa Phụng Sơn, Nghĩa Nhuận hội quán và phần sau giảng đường và nhà khách chùa Giác Lâm.

Riêng chùa Giác Viên, việc ghép hai dãy nhà song song, thẳng góc với tường hông hai bên giảng đường, đã nối hai dãy nhà chính với Đông lang và Tây lang, cũng đã tạo nên hai cái sân trong thoáng đạt và mát mẻ. Rõ ràng với cấu trúc này đã mở rộng về chiều ngang và diện tích ngôi chùa. Ánh sáng và khí trời ùa vào Đông lang, Tây lang và một phần vào nhà tổ, giảng đường tạo nên việc trao đổi gió và ánh sáng, mặt khác cũng tạo nên cấu trúc hiếm thấy ở các di tích Gia Định.

Rõ ràng việc phát triển chiều rộng và chiều sâu của các công trình kiến trúc nêu trên là một đặc trưng bắt nguồn từ thức kiến trúc truyền thồng của nhà người Việt. Nếu không thực hiện theo kiểu lắp ghép này thì muốn phát triển chiều sâu bắt buộc phải tăng số hàng cột, tăng độ cao của cột cái và do đó, diện tích mái sẽ lớn dềnh dàng.

Đây là đặc điểm kiến trúc của các di tích cổ ở trên địa bàn thành phố chúng ta.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!