Tác giả bài viết: Trần Phước Thuận
Đăng trên báo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bạc Liêu
Giới thiệu bản Dạ cổ hoài lang
Từ lúc bài Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu ra đời đến nay chưa đến trăm năm, nhưng đã có rất nhiều dị bản. Nhiều người cho rằng sở dĩ có hiện tượng này là do dự phát triển quá nhanh của bài Dạ cổ hoài lang. Nhưng cũng có người nói từ khi bài Dạ cổ hoài lang được công bố đến vài chục năm sau đã được lưu hành gần như khắp Nam bộ từ phạm vi đờn ca tài tử cho đến cải lương, nhưng vấn đề in ấn để phổ biến lại rất hạn chế, đa số chỉ được truyền miệng.
Những người ghi chép đôi khi lại tự ý ghi theo cách hiểu của mình, hoặc đọc cho người khác chép lại thì đọc sai hoặc đọc không rõ. Những bản này lại tiếp tục được phổ biến, thành ra bài Dạ cổ hoài lang càng ngày càng xa nguồn gốc.
Bản gốc Dạ cổ hoài lang
Bản gốc Dạ cổ hoài lang là bản đã được công bố vào đêm rằm tháng tám – Trung thu năm Mậu Ngọ 1918 tại Bạc Liêu. Đây là bản 20 câu nhịp đôi gồm cả nhạc lẫn lời. Bản thảo do chính tác giả lưu giữ. Vì thiếu điều kiện bảo quản nên chỉ hơn 10 năm sau đã bị mối mọt cắn nát.
Trong khoảng thời gian cuối đời, tác giả đã chép lại bản này để biếu một số bạn thân hoặc đọc lại cho những người hâm mộ ghi chép.
Năm 1972, chính tác già Cao Văn Lầu cũng đã chép lại bài Dạ cổ hoài lang vào trong tập bản thảo các sáng tác mới của mình. Ông thường nói: “Dạ cổ hoài lang là bản vọng cổ đầu tiên, nay bản gốc đã hư hết nếu tôi không ghi lại thì sau này sẽ không còn bản gốc nữa”. Tập bản thảo này được gia đình tác giả lưu giữ và sau khi tác giả qua đời, các con ông đã giao lại cho Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu.
Như vậy, bản Dạ cổ hoài lang do chính tay tác giả chép lại trong tập bản thảo năm 1972 hoặc các bản tác giả đã tặng cho bạn bè đều có thể xem là bản gốc. Chỉ tiếc là các bản này đều không ghi dấu nhạc mà chỉ chép lời ca. Các bản này đều giống nhau, cũng là 20 câu nhịp đôi; trong đó có 2 nhịp ngoại ở câu thứ 4 và thứ 12.
Lời ca đều có nội dung như sau.
- Từ, từ phu tướng
- Báu kiếm sắc phán lên đàng
- Vào ra luống trông thơ nhạn
- Năm canh mơ màng
- Trông tin chàng
- Gan vàng càng lại thêm đau
- Lòng dầu say ong bướm
- Xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang
- Đêm luống trông tin bạn
- Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
- Vọng phu vọng luống trông tin chàng
- Xin đó chớ phụ phàng
- Chàng chàng có hay
- Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
- Bao thuở đó đây sum vầy
- Duyên sắc cầm tình thương với nhau
- Nguyện cho chàng
- Đặng chữ bình an
- Trở lại gia đàng
- Cho én nhạn hiệp đôi với đó đây.
Các dị bản của Dạ cổ hoài lang
Về việc biến đổi lời ca, như trên đã nói có rất nhiều nguyên nhân, chủ quan có và khách quan cũng có. Có người tự ý thay đổi, cũng có người lầm mà đổi.
Người đầu tiên có ý biến đổi là ông Ký Tấn, người làm nghề tụng kinh đám ma cũng vừa là một tay ca tài tử lúc bấy giờ. Từ những năm đầu sau khi bài Dạ cổ hoài lang ra đời, ông Tấn đã đề nghị thay hai chữ “tin chàng” ở cuối câu 5 thành “tin bạn”. Theo ông thì chữ nhạc của cuối câu thứ 5, 15 và 19 trùng lắp nên sửa lại hay hơn. Mặc dù lời đề nghị của ông không được thực hiện nhưng kể như ông là người đầu tiên khơi động ý niệm thay đổi nhạc và lời của bản Dạ cổ hoài lang.
Người thứ hai là cô Ba Chương, thường gọi là cô Ba Vàm Lẻo (vợ của nhạc sĩ Ba Lất), một danh ca vào hàng tiền bối ở Bạc Liêu. Có lẽ cô cho rằng lời ca trong bản gốc hơi khó ca nên cô đã tự ý sửa đổi cho dễ ca hơn.
Theo lời nghệ sĩ Bảy Nhiêu kể lại:
“Đêm 18/10/1921 là đêm khai trương tại đình Trung Nhứt (Thốt Nốt) cũng là đêm tôi ra sân khấu ca ngâm hát xướng. Mặc dù vợ tôi mới sinh Kim Cúc chưa đầy tháng .. Cùng năm ấy, tôi xuống Bạc Liêu học ca Dạ cổ hoài lang với chị Ba Vàm Lẻo và học đờn với nhạc sĩ Ba Chột .. Tôi say mê, tối ngày vừa đờn vừa ca:
Từ phu tướng. Báu kiếm sắc phong lên đàng. Và ra luống trông tin chàng, Năm canh mơ màng”.
Bản của cô Ba Vàm Lẻo dùng để dạy ông Bảy Nhiêu đã thay đổi 27 chữ trong 11 câu của bản gốc.
Cô Ba Vàm Lẻo là một danh ca, ông Bảy Nhiêu sau đó ít lâu cũng nổi tiếng. Bản Dạ cổ hoài lang đổi mới này lại dễ ca, cho nên được nhiều người ca theo.
Nghệ sĩ Đỗ Lộc Châu (1913-1978) ở Bạc Liêu cũng xem đây là sở đắc của mình, nhưng ông lại nghĩ trong câu thứ 2 nên dùng chữ “sắc phán” của bản gốc hay hơn “sắc phong” của cô Ba. Thế nên trong tập chép bài ca của ông có ghi lại toàn bộ bản đổi mới của cô Ba Vàm Lẻo nhưng câu thứ 2 vẫn ghi là “sắc phán”.
Bản Dạ cổ hoài lang này vẫn là 20 câu nhịp đôi, nhưng có 5 nhịp ngoại ở các câu: 4, 6, 12, 16 và 20.
Nội dung dị bản này như sau.
- Từ phu tướng
- Báu kiếm sắc phán lên đàng
- Vào ra luống trông tin chàng
- Năm canh mơ màng
- Đau xót xa gan vàng
- Đôi hàng lụy rơi
- Lòng dầu xa ong bướm
- Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
- Đêm luống trông tin bạn
- Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
- Vọng phu vọng luống trông tin chàng
- Sao nỡ phụ phàng
- Chàng có hay
- Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
- Bao thuở đó đây sum vầy
- Duyên sắc cầm từ đây
- Nguyện cho chàng
- Hai chữ bình an
- Trở lại gia đàng
- Cho én nhạn hiệp đôi.
Bài ca canh tân này được ông Bảy Nhiêu mang về Sài Gòn phổ biến ở các tỉnh miền Đông, tại Bạc Liêu thì được ông Đỗ Lộc Châu cổ vũ nên chẳng bao lâu đa số nghệ sĩ và những nhà nghiên cứu cổ nhạc Nam bộ đều biết đến.
Sau năm 1975, dị bản này lại được các nghệ sĩ Trần Thanh Hòa, Đỗ Lâm Tòng, Trương Văn Đầy,.. dùng để giảng dạy cho các lớp cổ nhạc ở Bạc Liêu và sử dụng trong sinh hoạt văn nghệ tại Câu lạc bộ Cao Văn Lầu. Cho nên bản Dạ cổ hoài lang do cô Ba Vàm Lẻo cải tiến càng ngày càng được phổ biến rộng hơn.
Ông Đỗ Lâm Tòng (con ông Đỗ Lộc Châu) đã nhiều lần xác nhận bản này được canh cải chỉ nhằm mục đích dễ ca. Ông còn nói, trong một số đợt ca diễn cũng có mặt ông Cao Văn Lầu nhưng lần nào ông Sáu cũng vẫn vui vẻ không có phê phán. Vì vậy đến khi câu lạc bộ Cao Văn Lầu được thành lập (1990), ông Đỗ Lâm Tòng đã mạnh dạn đem bản Dạ cổ hoài lang này để làm tài liệu sinh hoạt nội bộ và giảng dạy cho học viên. Đến nay, bản Dạ cổ hoài lang không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục biến đổi.
Trong quá trình biến đổi cũng có người nói lời bài ca Dạ cổ hoài lang không phải của ông Cao Văn Lầu, mà ông chỉ là người phổ nhạc. Người đầu tiên phát biểu là ông Nguyễn Tử Quang, trên bán nguyệt san Bách khoa số 63 ngày 13/0/1959, ông đã khẳng định bài Dạ cổ hoài lang là một bài thơ do sư Nguyệt Chiếu sáng tác. Lời phát biểu của ông cũng có một số người tin theo. Nhưng sau khi điều tra và xác minh kỹ lại thì nhà sư Nguyệt Chiếu đích thực không phải là tác giả bài thơ này.
Xét qua nội dung, nó cũng chỉ là một trong những hình thức biến đổi từ bản gốc Dạ cổ hoài lang. Vẫn chưa biết người chủ động biến đổi là ai nhưng do ông Nguyễn Tử Quang đưa ra nên tạm gọi là bản Nguyễn Tử Quang. Bản này đã biến đổi 22 chữ trong 11 cậu của bản gốc. Hiện nay cũng có nhiều người dùng để ca.
- Từ phu tướng
- Báu kiếm sắc phong lên đàng
- Vào ra luống trông tin chàng
- Thêm đau gan vàng
- Trông tin chàng
- Gan vàng thêm đau
- Chàng dầu say ong bướm
- Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
- Đêm ngóng trông tin bạn
- Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
- Vọng phu vọng luống trông tin chàng
- Năm canh mơ màng
- Chàng hỡi chàng có hay
- Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
- Bao thuở đó đây sum vầy
- Duyên sắc cầm tình thương
- Nguyện cho chàng
- Đặng chữ bình an
- Trở lại gia đàng
- Cho én nhạn hiệp đôi.
Bản Dạ cổ hoài lang có ghi dấu nhạc xưa nhất bằng “giấy trắng mực đen” chính là bản của soạn giả Trịnh Thiên Tư. Bản này được biên soạn khoảng năm 1926, đến năm 1962 mới được in trong tác phẩm Ca nhạc cổ điển của ông.
Nhưng ở đây, Trịnh Thiên Tư đã biến bản Dạ cổ hoài lang 20 câu nhịp đôi thành 20 câu nhịp 4, nhưng chỉ có 4 nhịp ngoại ở các câu 6, 12, 16 và 20. Cả lời ca cũng đổi khác đến 11 câu. Trong đó có nhiều chữ thay thế, thêm vào hoặc bớt ra.
Phần nhạc
- hò là xang xê cống
- ú liu cổng liu cổng xê xang
- hò xê líu cổng xê xang là hò
- xề xang xê xang là hò
- liu xáng u liu xàng
- liu xàng xàng xề liu “ú liu”
- hò l2 xang xê cống
- xê líu xừ cống xê líu xừ xang
- hò xê cống xê xang xự
- xê liu xừ cống xê xừ xang
- xừ xang xừ cống xê xang là hò
- xề xang xê là hò “xể la hò”
- xống xê xang hò xang cống xê
- xê liu xừ cống xê líu xừ xang
- ú liu công liu cộng xê xàng
- liu xáng xàng xề phạn liu “ú liu”
- là xự cổng xê xang là hò
- xê líu xự cống xê líu xự xang
- ú líu cộng liu cộng xê xàng
- liu xáng xàng xể phạn liu “ú liu”
Phần lời
- Từ là từ phu tướng
- Báu kiếm sắc phán lên đàng
- Vào ra luống trông tin nhạn
- Năm canh mơ màng
- Em luống trông tin chàng
- Ôi gan vàng thêm đau
- Đường dầu xa ong bướm
- Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
- Còn đêm luống trông tin bạn
- Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
- Vọng phu vọng luống trông tin chàng
- Lòng xin chớ phụ phàng
- Chàng là chàng có hay
- Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
- Biết bao thuở đó đây sum vầy
- Duyên sắc cầm đừng lợt phai
- Là nguyện cho chàng
- Hai chữ an bình an
- Trở lại gia đàng
- Cho én nhạn hiệp đôi.
Bản của Trịnh Thiên Tư có 4 nhịp ngoại ở cuối các câu 6, 12, 16 và 20; và ở giữa các câu 1, 4, 11, 15, 17, 18, 19 đều có ghi nhịp ngoại. Bản này tuy khác xa bản gốc, nhưng được chọn đăng trong sách Ca nhạc cổ điển. Sách này lại được ông Cao Văn Lầu viết lời giới thiệu. Vì vậy cũng được nhiều người tin tưởng và xem đây là một giai đoạn chuyển mình của bài Dạ cổ hoài lang trong quá trình chuyển hóa thành Vọng cổ.
Kết bài
Tóm lại, các bản Dạ cổ hoài lang ngoài bản gốc do chính tác giả ghi lại, còn có ba bản canh tân của cô Ba Vàm Lẻo, Nguyễn Tử Quang và Trịnh Thiên Tư được nhiều người sử dụng. Ngoài ra còn có hàng chục bản khác hiện đang lưu hành, nhưng các bản này đều có xuất xứ từ một trong bốn bản trên.
Hiện nay bản Dạ cổ hoài lang được phổ biến rất rộng không những ở trong nước và hải ngoại. Điều này đủ chứng minh sức ảnh hưởng của bản Dạ cổ hoài lang đối với nền âm nhạc của Nam bộ.