Bài ca Văn Minh – Tứ đại

Tác giả: Hoàng Huấn Trai trích trong Thập tài tử của Đặng Đắc Lợi năm 1915.

Á nay ta nay người huyện Tân Hòa (Cầu Kho)

Huấn Trai tự đặt tánh Hoàng,

Phổ văn tràng một bài khuyến ca

Lời dám khuyên cùng chúng ta

Học đời Đông A

Cũng giống như da vàng

Bạn đồng bang

Ráng mà kêu nhau thức dậy

Lo lắng việc đời

Đừng có ngủ mê man.

– – – – –

Á bang hỡi đồng bang

Xin bớt lòng tranh làm quan

Hãy hiệp hùn buôn bán

Cho rành nghề tính toán

Rồi cũng thấy vô bạc ngàn

Á xem nhắm xem đã nhàm

Của cải muôn vàn

lại nhiều người khôn ngoan

Khôn ngoan đâu nỡ khoanh tay ngồi vậy

Để Khách với Chà

Nó đoạt lợi của ta.

– – – – –

Á ta hỡi chúng ta

Xin bỏ những lời kiêu ngạo

Cùng mấy điều gian trá

Một lòng nong nả, đừng phế

Dẫu muôn việc chi cũng thành.

Á mối lợi bỏ răng đành

Là bỏ răng đành

Bỏ răng đành hỡi đồng bang

Đồng bang ôi

Hiệp nhứt tâm vầy nên bọn

Thì cũng có ngày

Đại sự phải khả kham.

– – – – –

Á Nam dân nước An Nam,

Thân trâu bò đã định kham

Thôi thời, thôi thời

Ráng sức hãy ráng sức

Làm cho hết sức

Thì mới biết cơ trời

Á Tủi tủi tủi than

Hết tủi rồi than

lại nhiều lần bầm gan

Dằn lòng, dằn lòng

Gắng chí hỡi gắng chí

Mựa đừng thối trí

Sau có lẽ gặp thì

Á châu sáu châu địa cuộc Nam kỳ

Chinois chán ở Liên kỳ

Đứa bán cơm cùng thằng bán cháo

Lập lầu đài nghinh ngang

Của chúng ta nó đà thâu đoạt

Sắm xe với tàu

Lại vích mặt làm sang.

– – – – –

Á bang hỡi đồng bang

Xin chớ có phàn nàn

A thứ tự do ta kết một lòng

Ngày sau đặng mở mày Việt bang.


Giải chú của cụ Vương Hồng Sển trong sách “50 năm cải lương” xuất bản 1968

Bài ca nầy may thời tác giả còn để lại danh tánh và ngày soạn: ngày soạn, ta định trước ngày in thành tập 15/06/1915. Tác giả xưng tên rõ ràng là Hoàng Huấn Trai ở huyện Tân Hòa, nay thuộc vùng Cầu Kho, Sài Gòn.

Trong bài, tác giả dùng danh từ, tỷ như “chinois”, “bỏ răng đành”, “khả kham” khiến ta có thể định vừa biết Pháp văn, vừa sành Hán tự lại dùng tiếng “răng” thay vì “làm sao”, là một văn sĩ miệt ngoài (trung) vào đây; thêm nữa giọng văn đoan trang tân thời rất khác giọng miền Nam trơn tuột nôm na.

Nếu không có ngày ghi 15/06/1915, ta có thể lầm văn nay rồi. Nhưng đã có danh từ “An Nam” chứng minh viết trước năm đảo chánh 1945 vậy.

Văn cách nay trên năm mươi năm (phần chú giải này cụ Vương Hồng Sển viết vào năm 1968) mà vầy kể là mới lắm và đã có sự tỉnh ngộ, cảnh tỉnh đồng bào bớt mê thi đậu làm quan và khuyên chú tâm nhiều vào thương trường thương mãi. Bốn năm sau, 1919, xảy ra cuộc tẩy chay chi-noa (để chế đổ hàng hóa Tàu) là kết quả một phần của bài ca trên đây vậy.

Nhưng người chúng ta không bền chí: vùng vẫy là vì bị hiếp sau chúng dụ nói ngọt là đâu về đó, thương mãi vẫn trong tay người ngoài, mà chẳng những thương mại không đâu.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!