Xà niên – Đặng Lễ Nghi

Tai thường nghe nói con xà niên, vốn nó là người ta mà có cầm ngải, hễ khi nào muốn đi vào rừng bắt thịt, thì ngậm ngải mà đi. Trước khi ngậm ngải mà đi, thì dặn người ở nhà hễ thấy vác thịt về thì người nhà phải cầm chổi quét nhà ra đón, đánh lên đầu ba cái đặng cho ngải nó xuất ra khỏi mình. Nếu không làm như vậy, để lâu ngải nó lậm vô mình thì phải điên.

Nghe người tuổi tác nói rằng:

“Con xà niên nguyên tích trước có vợ chồng chú kia nhà ở gần rừng. Người vợ có cầm ngải, hễ vài ba ngày thì đi bắt thịt một lần mà mỗi lần đem thịt về thì chồng chạy ra lấy chổi đánh ba cái tức thì ngải nó ra khỏi mình thì đặng bình an.

Có một lần vợ đi bắt thịt, chồng ở nhà uống rượu với anh em, say ngủ mê, vợ đem thịt về thì không hay, nên không có dã ngải đặng; người vợ lậm ngải liền bỏ chạy vào rừng đói khát ăn lá cây củ cỏ, lâu ngày mọc lông ra xồm xàm cả mình, lòng cũng biết thương cha mẹ chồng con, nên bam đêm thì nghe tiếng kêu ‘châu ôi’. Ban đầu thì đi hai chơn lâu thì khòm, rồi lần lần bò quị xuống bốn chơn, như con thú.

Ấy là lời người trên trước nói vậy song không đủ cớ mà tin.”

Có chuyện như vầy:

Thợ Triều là người ở tại bến Kéo, có quen với tên Sâm, tên Hậu, tên Nhạn, vốn là người ở Rạch Rể. Cả thẩy đều là thợ rừng, thường hay đi vào rừng cốt cây mà bán. Trong bốn người thợ nầy thì có một tên Sâm, hình cao lớn, sức lực mạnh lắm, lại trong mình thạo nghề võ. Có nhiều khi đi cốt cây gặp cọp đón đàng thì để một mình Sâm cự mà thôi.

Một ngày kia bốn người đi vào rừng cốt cây cột nhà, vào tới rừng liền phân nhau đi mỗi người mỗi phía xa xa nhau kiếm cây mà đốn, lại dặn khi nào có muốn kêu tựu thì phải hú hồi, dặn dò rồi thì mỗi người đều đi mỗi phía mà đốn cây.

Tên Sâm kiếm đặng một cây cột lớn chừng năm sáu tay, liền tra rìu vào đốn; đốn một hồi lây cây ngã. Sâm bẻ thước đi cho đúng thước rồi sẽ trảy gọn. Bẻ thước đo xong rồi, thì va ngồi nơi gốc cây ăn trầu hút thuốc, nghỉ một chút rồi sẽ chặt ngọn.

Đang khi ngồi ăn trầu thì nghe  tiếng đi ào ào đằng xa, va liền đứng dậy mà coi, thì nó đi xốc lại gần, va nhìn sửng không hiểu nó là con thú gì mà dị vậy, đầu mặt mình mẩy lông lá lồm xồm mà coi giống hình người mà sao lại đi bốn chơn. Con quái đó nó xốc nà vô muốn cắn. Sâm sợ liền thụt lui lại lấy cái rìu đập vô cây sút cái chẻn với lưỡi rìu rớt ra còn cái đầu rìu không, quyết lòng đánh với nó chớ không chạy.

Con thú nhảy tới chụp, Sâm tràng tra trớ lại, đánh một hồi lâu chừng giập bã trầu thì con thú té chết. Sâm mệt buông đầu rìu ngồi chài bài thở dốc, lật đãy lấy trầu ăn, vừa ăn vừa nói:

– Mồ cha tám kiếp loài thú dữ, muốn cắn tao nên phải chết.

Nói vừa dứt lời thì con thú đó run rẩy cả mình, tay chơn chuyển trở, Sâm ngồi nhìn sửng, một lát nó sống lại chờn vờn đứng dậy nhảy xốc vô mình, con mắt lườm lườm làm dữ, va lấy đầu rìu đánh với nó một hồi rất lâu. Sâm cũng mệt mà con thú cũng mệt, SÂm ráng sức mà đánh với nó một hồi nữa, con thú bị va đánh nhiều cái nặng té nhào xuống nằm kề bên gốc cây mà chết.

Sâm nói:

– Khi nãy đánh chết rồi sống lại làm dữ, bây giờ để tao dỡ cây cột nầy lên đè mầy.

Nói rồi ráng sức mà dỡ hỏng cây cột lên gác đầu cây lên mình con thú. Rồi Sâm bỏ đi ra ngoài mé rừng, hú hồi kêu mấy anh kia tựu lại mà kêu con thú. Va hú vài ba chặp thì mấy anh kia nghe đi ra mé rừng gặp nhau. Sâm liền nói lại từ đầu chí đuôi cho ba anh kia nghe sự con thú quái lạ như vậy, dắt mấy ảnh vô chỗ đó coi:

– Tôi đã đánh chết dỡ cây đè nó đó.

Ba người đi theo Sâm vô tới đó thì con thú sống lại bao giờ không biết đi mất. Sâm rùng mình lấy làm lạ sao con đó có sức mạnh quá như vậy.

Thợ Triều, thợ Hậu nói rằng:

– Nó là con xà niên, nó có cầm ngải nên nó mạnh lắm.

Bốn người cãi lẫy với nhau mà không biết có phải con xà niên hay là không.

Tưởng lại mỗi xứ đều có thú lạ. Như bên phương Tây có thú đầu người ta mà mình ngựa, Tây kêu là Centaure (Săn – tô) đó cũng lạ; như con Sirène (xi ren) có đầu và tay là người đàn bà mà khúc dưới là cá, có vảy có đuôi. Hai con nầy cũng đối với xà niên đời xưa.

Lời bàn Vương Hồng Sển

Ông Đặng Lễ Nghi quên nói rõ hai con thú của Tây kể nơi trên, vốn trong chuyện thần thoại, và không có trên thế gian.

Con xà niên đây cũng vậy.

Thuở xưa, đường giao thông có, sử địa học, khoa học và vạn vật học đều mơ hồ, chuyện ngải chuyện bùa lại thạnh hành, nên chuyện người biến ra thú, vẫn được thuật lại và vẫn tồn tại trong trí óc bợm nhậu, là nhóm giàu tưởng tượng hơn ai cả. Đây là một đề tài tha hồ cho ta khai thác: chuyện con xà niên.

Ông Đặng Lễ Nghi tả rành rọt thợ Sâm khiêng cây cột mới đốn đè trên mình con xà niên nầy, mà ông quên nói nó giống đực hay giống cái? Những ai sau nầy có dịp nói tiếu lâm “chuyện con xà niên” trong bộ Đối cổ kỳ quan của ông Đặng Lễ Nghi, in năm 1910, xin nhớ bổ túc cho vậy.

Về danh từ “xà niên”, tôi nghi nó không phải tiếng Việt, có lẽ một do thần thoại Chàm của nhóm ngậm ngải tìm trầm, hai do chuyện tiếu đàm của người Cao Miên là xứ bùa ngải và khỉ đột, giả nhơn.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!