Truyện Thủ Huồn – Đinh Thái Sơn

Có một người tên là Thủ Huồn (1) ở tỉnh Gai Đình, làm việc thơ lại, thì làm nhiều sự bất nhơn muốn lợi cho mình mà hại người ta. Cho đến khi già thì giàu có lắm. Người vợ chết đi, anh ta mới thôi làm thơ lại. mà không có con, ngồi buồn mới tính mình giàu có mà không con, chẳng để của làm chi cho nhiều, phải đi ra xứ bắc kỳ đặng mà mua đồ chơi.

Té ra đến đó là xứ Quảng Yên, vừa gặp nhóm chợ Mạnh Ma, đủ cả người dương gian âm phủ đến đó, anh ta mới đến chợ ấy mà chơi, vừa gặp người vợ âm phủ lên đi chợ. Lúc ấy vợ chồng gặp nhau mừng rỡ lắm.

Anh ta mới hỏi người vợ rằng:

– Mầy chết xuống âm phủ bấy lâu nay mầy làm nghề gì?

Người vợ nói rằng:

– Tôi chết xuống tôi ở vú nuôi con cho vua, tôi sung sướng lắm.

Anh ta lại nói rằng:

– Tình nghĩa vợ chồng ở với nhau đã lâu, từ khi mầy chết đến nay, thì tao thương nhớ mầy lắm. Bây giờ mà gặp mầy đây, thì mầy phải đem tao đi với, xuống mà coi thử cho biết làm sao.

Người vợ nói:

– Đi thì đi, mà không đặng ở lâu, trong năm ba bữa thì về mà thôi.

Đó rồi vợ chồng dắt nhau đi. Đến nơi rồi, người vợ giấu anh ta ở dưới nhà bếp.

Anh ta mới nói với người vợ rằng:

– Mầy phải đem tao đi mấy cửa ngục mà coi thử những người ở dương gian làm sự chi, mà chết xuống mắc tội chi cho biết.

Khi ấy người vợ đem anh ta đi đến cửa ngục kia, thấy có một cái gông lớn lắm, anh ta sợ lắm. Mới biểu người vợ đam lại chỗ anh chủ ngục ở mà hỏi cái gông lớn đó, để phạt tội chi làm vậy mà không thấy ai mang?

Anh chủ ngục mới nói:

– Cái gông đó để dành, đặng sau làm tội Thủ Huồn.

Anh ta mới hỏi:

– Vậy cho Thủ Huồn ở trên dương gian làm những tội chi?

Chủ ngục nói rằng:

– Vì tên Thủ Huồn ở trên dương gian làm việc thơ lại, người ta có tội sống làm ra chết, tội phải làm ra quấy, cho vay đặt nợ một vốn ăn không biết mấy lớp lời, ăn ở nhiều sự bất nhơn bất nghĩa, trong bụng muốn tham lợi cho nhiều.

Anh ta lại hỏi:

– Như vậy thì vợ nó có tội chăng?

Chủ ngục nói:

– Sự ấy là tại người chồng bất nhơn, thì làm tội một người chồng mà thôi, chớ vợ khỏi tội.

Anh ta lại hỏi:

– Tội như vậy, phải làm sao cho hết?

Chủ ngục trả lời:

– Phải làm chay cho lớn, và bố thí của ấy cho hết, thì khỏi tội.

Anh ta mới nói với người vợ mau mau đem trở lên dương gian, chỗ chợ Mạnh Ma, rồi anh ta mau mau trở về Gia Định, mới rước thầy làm chay, mà làm việc bố thí đến ba năm, của anh ta mười phần hết bảy.

Anh ta lại trở lại chỗ chợ Mạnh Ma một lần nữa, đặng chờ người vợ lên mà đi theo về âm phủ mà coi thử cái gông đó làm sao. Vừa gặp người vợ lên, mới đem anh ta xuống âm phủ một lần nữa, anh ta mới đến chỗ cái gông mà coi, thì thấy cái gông mười phần nhỏ hết chín phần, còn một. Anh ta thấy cái gông nhỏ lại làm vậy thì mừng lắm, mới hỏi anh chủ ngục làm sao mà cái gông đó, trước khi lớn, bây giờ nhỏ như vậy?

Anh chủ ngục nói:

– Vì tên Thủ Huồn ở trên dương gian làm chay bố thì, thì tội nó giảm đi, cho nên cái gông nó nhỏ lại. Phải chi nó bố thí cho hết của nó đi, thì cái gông ấy tiêu mòn hết.

Người vợ liền đem anh ta về dương gian. Anh ta lại làm chay một lần nữa, và làm một cái nhà bè ở giữa sông (bây giờ là sông Nhà Bè) để mà thí tiền gạo, cùng nồi niêu trách trã và những đồ ăn, bố thí hoài hết của thì thôi. Lại làm ra một kiểng chùa tại tỉnh Biên Hòa, tục kêu là chùa Thủ Huôn.

Lúc ấy anh ta nằm chiêm bao, có một người đến nói rằng:

– Mầy có lòng bố thí đã nhiều, lại làm một kiểng chùa mà thờ Phật, thì mầy đã đặng khỏi tội, mà kiếp sau mầy đặng phước lớn.

Thấy như vậy hay vậy, chớ không biết làm sao. Té ra sau lại đến đời vua Đạo Quang ở bên tàu, có giấy qua hỏi nước An Na tỉnh Gia Định có ai tên là Thủ Huồn chăng? Khi ấy vua An Nam trả lời lại nói có, và hỏi vua Tàu vì cớ gì mà hỏi tên Thủ Huồn làm chi?

Bên Tàu trả lời lại nói:

– Vì vua Đạo Quang sanh ra, nơi bàn tay có chữ son đề rằng “NAM VIỆT GIA ĐỊNH THỦ HUỒN”

Thì hiểu là anh ta đầu thai kiếp khác được làm vua Tàu; cho nên vua Đạo Quang có cúng ba cốt Phật bằng vàng tại chùa Thủ Huồn tỉnh Biên Hòa.

(1) Huồn: đây là tôi chép nguyên văn trong sách ra. Theo Việt ngữ chánh tả tự vị của ông bạn Lê Ngọc Trụ, chữ Huồng (viết có g), căn cứ theo tài liệu nhà học giả tiền bối Trương Vĩnh Ký để lại, là do đọc trại tên ông nầy, viết Võ Thủ Hoằng.


Lời bàn Vương Hồng Sển

Chuyện Thủ Huồn hay Võ Thủ Hoằng cho ta biết gốc tích sự thành lập nơi có địa danh là “Nhà Bè” nay còn đó. Chuyện có đáng tin hay không, chợ Mạnh Ma ở Quảng Yên có hay chăng, tôi không dám phê bình.

Vì cốt truyện là khuyến thiện trừng tham, nên đáng để dành trong sách.

Duy vua Đạo Quang là có thật, ông tức vị năm Tân Tị (1821), băng năm Tân Hợi (1851) thọ 69 tuổi, miếu hiệu Tuyên tông Thành hoàng đế. Việc ông vua nầy là hậu kiếp ông Võ Thủ Hoằng tôi không dám biết.

Nhà Bè còn đó, còn chùa Thủ Huồng ở Biên Hòa có còn chăng, là một vấn đề thiếu sót, tôi chưa được nghiên cứu và ước mong người thức giả xứ bưởi ngọt chỉ giáo.

———- Chung ———–

Viết một bình luận

error: Content is protected !!