Tham thì thâm – Đặng Lễ Nghi

Trong thế sự, ai ai cũng có lòng tham, mà việc tham có nhiều cách, nhưng mà có người tham phải, có người quấy.

Tại xứ Chợ Quán, làng Nhơn Gian (1) có một người tên T.. Hồi trước có làm việc làng, làm đến chức xã trưởng, mà tâm tánh tham lam, lại thêm xuôi ngược lắm, hay câu mâu lỗi phép, ở với người nội lân đều ghét, vì là hay bắt vạ bắt tội, đòi giải đòi nạp đặng mà ăn lo ăn lót; và cứ làm như vậy xoàng xoàng.

Một ngày kia va bị người ta kiện phải mất chức Thôn trưởng, rồi sau trong làng thấy va cũng lạnh, nên làng cử va làm một chức nhỏ nhỏ để mà đốc dân canh tuần.

Ngày hai mươi một tháng chín nhằm ngày làng nhóm lớn. Làng nhóm tới canh ba mới xong việc, rồi ai về nhà nấy, mà anh ta thì còn ở lại nơi dỏ làng (2).

Cách một chặp, có một người đi ngang qua dỏ, thú thôn trưởng cựu thấy liền hỏi:

– Ai đi đó? Đêm khuya như vậy, đứng đó coi!

Tên kia đứng lại. Cựu thôn trưởng ra bắt tên kia đem vô dỏ mà tra hỏi:

– Mầy là người ở đâu, đi đâu, về đâu?

Tên kia thưa rằng:

– Tôi là người ở lo ti (3), tôi đi bạn với người ta ở Chợ Sỏi (bây giờ là Bến Thành), nay tôi về thăm nhà.

– Còn mấy cắp nắp chi trong tay đó?

Tên kia nói:

– Mười quan tiền của chủ họ trả cho tôi, tôi buộc lưng bốn quan, còn sáu quan tôi cầm đây.

Chú thôn trưởng cựu thấy nó có chín mười quan thì muốm làm thế nào mà lấy cho đặng tiền nó. Anh ta liền làm bộ chỉ mặt tên kia mà nói rằng:

– Mầy nói mầy đi bạn ghe cho họ mà tao xem hình mầy giống là thằng ăn trộm.

Anh ta làm bộ ngó cái khăn trên đầu nó và nói nhận rằng:

– Khăn đen mầy bịt đó sao giống khăn tao? Ủa! Mà cái áo vân mầy mặc đó cũng giống áo tao!

Anh ta cố ý nói nhận làm vậy cho thằng nọ sợ mà lo lót tiền. Tên kia cúi lạy và khóc thút thít:

– Tôi lạy thầy, xin thầy thương phận con dân nghèo khó.

Anh cựu thôn trưởng nạt nó:

– Ẻ! Mầy là thằng gian, rõ ràng mầy ăn trộm đồ của tao, nên tao coi hai món giống rồi.

Tên kia vừa khóc vừa thưa rằng:

– Trăm lạy thầy, xin thầy rộng xét: áo đen giống áo đen, khăn đen giống khăn đen, thầy nói vậy tội nghiệp em qua!

Ảnh lại nạt nó:

– Ẻ, tội nghiệp gì mầy nà?

Rồi anh ta xem mấy quan tiền rồi nói:

– Ủa! Mà mấy quan tiền đó cũng giống mấy quan tiền của tao: quả thật mầy là thằng ăn trộm, thôi không nói nhiều lời, tao ních trăng mầy lại mai tao giải quan cho mầy ở tù.

Tên kia lạy và khóc thút thít:

– Trăm lạy thầy xin thương em cùng, em không phải người gian.

Anh ta nạt nó và nói:

– É, ngay gian thây kệ mầy, tao cứ phép.

Tên kia vừa khóc vừa nói:

– Thật tội nghiệp quá, khăn cũng nói giống, áo cũng nói giống, tiền cũng nói giống; thầy ôi, tiền nào cũng như tiền ấy, tiền nào cũng xỏ bằng chuỗi lác.

Anh ta nói:

– Thôi thôi, tao không nói sự chi hết, bây giờ tao bắt quyết mầy tội đi đêm tam canh vô làng tao, ‘không gian đi đâu tối, không vội đi đâu đêm’.

Tên kia nghe nói gắt lắm thì nói:

– Thôi xin thầy cho tôi đi, tôi xin chịu cho thầy năm quan.

Anh ta nói rằng:

– Tao không thèm năm quan của mầy đâu, tao đóng trăng mầy mai tao nạp; nếu mầy muốn tao tha mầy đi, thì mầy phải để mười quan tiền lại cho tao thì tao thả mầy đi.

Tên kia năm nỉ hết sức mà anh thôn trưởng cựu cứ việc không nghe, tên nọ liền khóc bệu bạo trao tiền lại rồi ra đi.

Anh ta đặng tiền thì mừng lắm: “Mình cố ý nhận diện nói mạo là lấy tiền nó, chớ tiến, khăn, áo của mình ở nhà!”. Nói vậy mà sao trong bụng phát nghi, vội vã đi về nhà thì là canh tư, về nhà thấy nhà cửa mở, liền thắp đèn rọi coi, áo khăn đã mất hết, vào xem trong rương, vát (4) mười quan tiền cũng mất.

Lúc đó anh ta dậm chơn bức tóc nói:

– Tức tôi quá, mình bắt đặng ăn trộm của mình mà lại thả đi mà ăn năm quan tiếng, hồi đó mình nhìn bậy mà nhằm rõ ràng.

Anh ta nói cái nầy quả là trời đất phạt mình về tội tham.

Vậy từ nầy về sau không thèm tham nữa! Gẫm lại phận mình thuở nay, trong lòng cứ lo phương thế mà kiếm tiền, hồi mình còn quyền chức thì mình cũng làm nhiều điều bất phải, toan bề xuôi ngược  lỗi phải tội vạ, làm rộn ràng, đến nay mình đã hết thời mà cũng cứ giữ thói cũ, đã không tu đức mà lại còn làm việc gian, thật là trời đất quỉ thần ngó thấy trong lòng rõ ràng.

Hèn chi lời sách nói rằng: “Nhơn bất tri, thiên tất tri chi”.

(1) Làng Nhơn Gian trước ở vùng Chợ Quán. Ngày trước, cái nhà lớn ở đường Hưng Đạo Vương, đề trên bảng: Villa Nhơn Gian, sau bán và đổi làm trụ sở hội Đức Trí Thể Dục

(2) Dỏ làng là điếm canh trong làng.

(3) Lo ti: lò nấu rượu của công ty, độc quyền nấu và bán rượu đời Pháp thuộc.

(4) Vát tiền: hay vác tiền là năm quan, tức tiền nhiều và nặng đến phải vác trên vai chớ không mang trong lưng hay xách được.


Vương Hồng Sển phụ chú

Thuở đàng cựu, xài tiền đếu và tiền kẽm (zinc). Theo phép xưa, cứ sáu mươi đồng kẽm là một tiền, rồi mười tiền là một quan, và mười quan tiền thì gọi là một chục. Sức nặng của bốn chục là kể một tạ. Và cứ lấy hai mươi hai đồng tiền kẽm để một hàng dài là kể một thước ta.

Về thước lại chia ra có: thước mộc (dài bằng 22 đồng kẽm) hay là hắt thước; thước vải hoặc thước may thì đo đặng 27 đồng kẽm để khít nhau lại. Để khỏi mất công đếm lâu lắc, lại có chế ra cái vi tiền để sắp tiền vào đó khỏi đếm.

Cái khó ngày xưa là tiền không đúng cân lượng y nhau và không có tiền mẫu. Mỗi lần đúc tiền là có khác chút ít, lại nữa hắt thước dài, vắn tùy mỗi người cao hay lùn, nên cân lượng và thước ta rất phiền phức.

Sách Taberd nói một thước ta là 0m48726. Philastre nói 0m526. Launary nói là 0m636, Revue Indo chinoise nói thước vải đo 0m644; Gia Định thông chí nói một thước là 0m44; sách nữa nói 0m424, sách khác nữa nói 0m434. Tôi kể bao nhiêu quí vị đủ điên đầu.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!