Tà bất cảm chánh – Đặng Lễ Nghi

Xứ Bắc Thành, tỉnh bắc Ninh, có một người tên là Nguyễn Chánh Bình, tâm tánh cang cường khí khái lắm, bình sanh không ưa sự dị đoan, ưa chánh ghét tà, việc văn chương người cũng thông, người đã vào hàng học sanh, vợ người khoản sớm để lại hai đứa con trai, đứa lớn nên mười một tuổi, đứa nhỏ nên chín tuổi. Chánh Bình ngày đêm lo dạy hai con cũng thông minh lắm.

Ngày kia Bình đem hai con xuống Hà Nội mướn phố ở mà học đặng đến khoa mà thi cho luôn thể. Cha con tới Hà Nội mà không có chỗ ở, liền dạo theo thiềng thị kiếm phố mà mướn, vừa thấy một dãy phố, có một căn đóng cửa không có người ở, hỏi thăm nhà chủ phố đến mướn.

Chủ phố nói:

– Phố tôi rất nhiều mà có một căn không ai mướn, dầu có mướn thì ở cũng không đặng, vì là ma yêu trong phố phá lắm, không ai dám ở.

Bình nghe nói thì cười và nói rằng:

– Nếu không ai ở thì cho tôi ở.

Chủ phố nói:

– Tôi không tiếc chi mà sợ e chú ở không đặng, nếu chú ở đặng thì tôi cho ở không, tôi không ăn tiền.

Bình nói:

– Không hề chi mà chú ngại, cho tôi ở nó làm sao tôi thì tôi chịu.

Chủ phố thấy than thỉ lắm thì biểu người đi đến phố đó mà quét dọn tử tế cho Bình ở.

Nguyễn Chánh Bình vào phố ở đã hai đêm không có sự chi cả, qua đêm thứ ba, cha con đang ngồi đọc sách, thì nghe tiếng giày lộp cộp trên tấm bửng, tức thì nghe tiếng thổi vo vo, đèn tắt. Nguyễn Chánh Bình tự nhiên lo thắp đèn, vừa xong thì lại thổi tắt đi, nó cứ làm vậy ba bốn lần, mà Bình cũng không sợ, cứ lo đọc sách.

Đang đọc sách thì nghe có tiếng con gái nói thanh thao rằng:

– Nhà nầy là của tôi ở thuở nay, người ở đâu dám đến mà choán chỗ của ta? Nếu người không đi thì ta sẽ làm hại.

Bình nghe nói thì trả lời rằng:

– Phố nầy ta mướn có chủ, ta chả đi đâu.

Qua đêm sau cha con cũng đọc sách, liền nghe tiếng lộp cộp, ngó lại thì thấy trên vách thòng xuống một cái thang, có một người con gái tác chừng mười tám mười chín tuổi, nhan sắc đạp đẽ lắm, đi xốc tới trước mặt Bình mà nói rằng:

– Ta biểu đi sao không đi? Nếu trong ba bữa mà không đi thì ta sẽ bắt con lớn của ngươi chết.

Bình nghe nói vậy nổi nóng lên, cầm quạt đánh vào mặt người con gái, tức thì con gái biến mất.

Cách ba ngày thì thằng con lớn đau bụng mà chết, Bình than khóc rồi lo chôn con. Tối lại còn một cha một co, cũng ngồi đọc sách, liền nghe tiếng kêu trên không mà rằng:

– Sao ngươi không đi?

Bình đáp rằng:

– Tao chả đi đâu, tao ở đây, mi giỏi làm chi thì làm.

Con gái ma nói rằng:

– Nếu năm ngày nữa mà ngươi không đi, thì ta sẽ bắt thác con ngươi.

Bình tự nhiên không sợ sệt chi, cứ việc lo học mà thôi. Đủ năm ngày thì đứa con đau mê man một buổi rồi chết. Bình than khóc và nói rằng:

– Số mạng nơi trời.

Lo chôn con an rồi, tối ngồi một mình mà học thì buồn vì là vắng con, trong một giây phút thì con ma lại kêu mà nói:

– Sao ngươi không đi, còn đợi ta bắt ngươi nữa sao?

Bình nói:

– Mi giỏi thì bắt ta, chớ ta nõ đi.

Con ma nói:

– Nếu ngươi không đi thì ngươi hãy coi ta!

Qua đêm sau, Bình đang ngồi học nghe tiếng động lộp cộp trên vách rồi nghe một cái đụi, ngó lại thấy một cái đùi người ta coi bộ như sình mà tái xanh. Bình ngồi xem chớ không sợ chi, rồi rớt xuống một cánh tay cũng tái xanh, một hồi lại rớt cái mình.

Bình ngồi tự nhiên và rằng:

– Lũ ma nầy thật là quái lắm. Bây cố ý làm như vậy mà nhát tao, song tao nõ sợ, trối kệ nhà mi làm gì thì làm.

Tức thì nó rớt liền liền đủ cả thân mình, ráp lại thành người liền bước tới trước mặt Nguyễn Chánh Bình, xem ra hình cung kính.

Bình ngó nó thì nó vòng tay lại mà lạy Bình và nói:

– Xin quan lớn chớ chấp kẻ tiện tì.

Bình nghe vậy thì thấy làm lạ liền hỏi lại rằng:

– Mi đã bắt hai con ta sao mi không bắt ta cho muôn, nay lại đến mà xin lỗi? Còn phận ta là một người bần sĩ sao gọi ta là quan lớn? Có chi vậy hãy nói cho ta nghe?

Con ma nói:

– Tôi không phải bắt con ông chết, đó là số mạng nơi trời. Vốn tôi là ma quỉ biết rõ ngày chết nên tôi mượn đó mà nhát cho ông sợ mà đi cho khỏi nơi đây, chớ ở lộn theo thì tôi sợ lắm. Thường yêu ma hay sợ người chánh khí, còn sự kêu bằng quan lớn là đến khoa thi đây, ông sẽ đậu đầu tấn sĩ, vì lòng trung nghĩa chánh khí thì ông đặng chức thiếu bảo. Bây giờ tôi xin nói một điều xin quan lớn nhậm lời: tại chỗ quan lớn ngồi, đó là cái hòm của tôi, khi chồng tôi chôn tôi thì có bỏ theo mười lăm nén bạc, xin ngài mướn người đào lên đem dời đi nơi khác, lấy mười lăm nén bạc đó mà tiêu xài nội cuộc, còn dư thì ngài tiêu xài, phận tôi tuy là ở nơi chín suối song cũng cảm đội ơn ngài, và tôi cũng hết lòng theo mà giúp ngài mọi việc.

Nói rồi biến mất.

Nguyễn Chánh Bình ngồi nghĩ một hồi rồi nói:

– Ma quỉ rất nên kỳ quái.

Sáng ngày Bình đi đến nhà chủ phố mà nói lại các việc đầu đuôi cho chủ phố nghe và xin chủ phố cho mình đào phố mà lấy cốt y như lời con ma xin.

Chủ phố chịu cho, Bình về mướn người đào xuống sâu hơn mười thước thì đụng một cái hòm bằng đá, trên nắp có khắc bốn chữ “Mã Viện thứ thê”, xem điệu chữ giống điệu chữ đời Hán, dỡ nắm hòm thì thấy xác một người con gái mặt mày xinh tốt, một chặp lâu hơi gió vào thì tan lần, xem lại cho kỹ thì có mười lăm nén bạc liệm theo.

Nguyễn Chánh Bình lấy bạc mướn người đem dời hài cốt nơi khác, lại đắp xây mồ mả tử tế, lấy mười lăm nén bạc đó mà trả tiền tổn phí cho mấy người làm công, còn dư tiền bao nhiêu thì Bình mau giấy tiền vàng bạc mà đốt hết, không lấy một đồng trong số tiền đó.

Qua năm sau tới hội khoa thi, thì Nguyễn Chánh Bình ra thi đậu đầu tấn sĩ, làm quan đến chức Thiếu Bảo y như lời con ma đã nói với mình năm trước.

Gẫm lại xưa nay chẳng khác, hễ người ở công bình chánh trực khí khái, dầu cho thần thánh cũng vì, còn loài ma quỉ thì kính sợ, như đời xưa, đời Tam Quốc, có Tôn Bá Phù (Tôn Sách) thật cũng là chánh khí, thầy Vu Kiết dùng tà thuật mà có dám làm chi đâu, sau Tôn Sách bị bịnh mà chết.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!