Ông chảng (heo rừng lớn) – Đặng Lễ Nghi

Có nghe người ta nói rằng “ông chảng”, mà không biết ông chảng ra làm sao, cũng không rõ tiếng ‘chảng” (1) là tên riêng, hay là làm sao mà kêu chảng. Còn tiếng thiên hạ kêu “ông” là ông ấy có chức chi, hay là cớ chi, hay là già cả mà ngưởi kỉnh là ông.

Tiếng kêu “ông chảng”, nguyên tích là tên của người đặt ra. Tại làng Phú Sơn, có một con heo rừng li71n lắm, nó cứ ở theo mấy vườn hoang, ngày đêm gì nó cứ phá thiên hạ phải hư hại, chừng nó lớn đi thì cái móng nó chảng ra, nên gọi là chảng; còn tiếng kêu ông là người ta sợ nó phá nên kêu bằng ông chảng cho nó đừng phá.

Những người ở làng Phú Sơn với người o83 gần thì bị nó phá hư hại lắm, khấn vái bao nhiêu mặc lòng cứ việc phá, người làng Phú Sơn với mấy làng ở gần rủ nhau đi thưa vụ ông chảng.

Quan đốc phủ tại Cái Bè là Trần Bá Lộc, nghe làng bẩm về việc ông chảng thì quan phủ nổi giận nói rằng:

– Loài thú vật phá dân sao gọi rằng ông? Vậy thôi để ta đòi bọn thợ săn đến đặng bàn tính việc trừ ông chảng.

Trong hai mươi người thợ săn thì có một người tên Quản Năng là người giỏi nghề võ lắm, thường thường đánh giết cọp như chơi. Tức thì quan phủ lựa một người đội với sáu tên lính đều là người giỏi võ nghệ, sáu người đều có đem đủ khí giái.

Quan phủ lại đòi mười lăm người có nuôi chó săn, giỏi, đều đem tới hiệp với bọn thợ săn với lính. Quan phủ cũng đồng đi với bọn săn, đi đến làng An Mỹ, giáp ranh làng Phú Sơn.

Có người bẩm với quan phủ rằng:

– Mới thấy ông chảng đi vô vườn của cai tuần Thống.

Quan phủ dạy vây xing quanh vườn, thả mười lăm con chó săn vô lục. Chó gặp ông chảng ở giữa vườn, chó săn giỏi mười lăm con áp vô xung quanh đều cắn ông chảng, mà ông chảng không sợ. Vì là da dày lắm, lại có nanh dài, mấy con chó cứ việc vây ép ông chảng vô bụi gai, ông chảng bị nhiều vít lắm, phía trong thì chó, phía ngoài thì vạn săn (2), mà ông chảng lén trốn ra khỏi vòng vây, chạy tới tại sân nhà của thị Hai Trong. Mà ngày đó tại nhà thị Trong thì có tên Đinh với em là tên Vàng, anh em ngó thấy heo thì nói:

– Cha chả, con heo nầy nó bị bọn săn rượt đà mệt rồi, vậy anh em mình đâm nó chết rồi giấu đi, thì anh em mình ăn trọn phần, khỏi chia cho ai.

Nói rồi tên Vàng thì cầm cây thủ, còn anh là tên Đinh cầm một cây giáo tre nhảy vào đâm ông chảng. Đâm lụi hụi tràng qua trớ lại, bị ông chảng đánh một cái mạnh quá, tên Đinh bủ rủn văng giáo, anh ta lính quính bị ông chảng đánh bồi một cái nữa rất mạnh lút nanh vào đì sâu lắm, huyết lưu mãn địa, té xỉu xuống một lát thì chết.

Ông chảng rượt nà theo tên Vàng, tên Vàng thấy anh mình chết thì đã kinh hãi, sợ e cũng phải chết như anh, liền quăng cây vừa chạy vừa la làng. May gặp đặng một cậy, Vàng leo lên cây la om sòm xin: Cứu cứu.

Vạn săn nghe la thì chạy tới thấy tên Đinh chết nằm đó máu chảy dầm dề, còn ông chảng thì đứng dưới gốc cây hầm hầm ý muốn lên cây mà đánh tên Vàng. Quản Năng tay thì cầm giáo, miệng thì rao bảo bọn săn phải giữ cho cẩn thận, heo nầy say máu ngà làm giữ. Quản Năng cầm giáo nhảy vào cự với ông chảng. Năng đâm chảng, thì chảng đánh hất giáo ra, chảng đánh Năng thì Năng tràng trớ, hai đàng đánh vùi với nhau cả canh, còn ngoài thì quan phủ đốc sức cho lính với vạn săn thủ thế chờ cho chảng sơ ý thì đâm.

Thương thay ông chảng đã cự nhiều hiệp nên mệt lắm, sơ ý bị Năng đâm một giáo ngay bụng, đâm lút lưỡi giáo. Chảng la “ét” một tiếng té xỉu, bị cây giáo ngoáy trong ruột một lát thì chết, hết đời ông chảng.

Con heo rừng này mập lắm ú lắm, tám người khiêng mới nổi.

Công việc vây ông chảng cho đến khi giết đặng thì không ai bị vít tích chi cả, với mười lăm con chó săn cũng chẳng tì tích chi. Trừ ra một mình tên Đinh lòng tham ăn nhiều phần nên phải chết. Hèn chi xưa nay có lời rằng: Tham thì thâm, dầm thì đen.

Lại cũng có lời sách rằng: Lạc bất khả cựa, cực lạc sanh ai; dục bất khả túng, dục túng thành tai. (Vui chớ có vui quá mà sanh ra buồn; muốn chớ có muốn quá sanh bại)

(1) Chảng (tra tự vị Huỳnh Tịnh Của) ghi là mở trét ra. Trân chảng là trâu sừng mở trét ra, tức lớn con lắm; cũng nói nhánh chảng là nhánh mở trét ra.

Bộ Khai Trí tiến đức ghi: Chảng là mở rộng ra, soạc ra (tiếng Nam kỳ).

Nay, căn cứ theo bài trên, ông chảng là heo rừng thật lớn, gần bằng con trâu con mà móng nó bét ra, nhìn heo dấu móng thì biết đó là của ông chảng.

(2) Vạn săn: một nhóm người cùng chung một nghề là vạn, như vạn săn, vạn chài.


Lời bàn Vương Hồng Sển

Chuyện ông chảng không thuộc mục tiếu lâm, nhưng tôi cũng ghi lại đây để cho thấy một cách săn thú dữ buổi chưa có súng và còn săn thú bằng binh khí thô sơ. Nhiều tiếng cũ được nhắc và phải tra tự điển mới hiểu nghĩa.

Thuở ấy, Thủ Đức còn có cọp ở, còn làng Phú Sơn và An Mỹ nầy ở đâu?

Có lẽ thuộc vùng Địng Tường vì trong bài có nhắc đến ông Trần Bá Lộc xưa ngồi trấn quận Cái Bè.

Một việc khác tôi muốn nói nơi đây là ngày nay nanh heo rừng rất được nhiều người tìm kiếm. Cứ xem dọc lề đường Phạm Ngũ lão, mé ngang chợ Bến Thành, có đến năm sáu người đàn ông lẫn đàn bà, ngồi bán nanh thú rừng; nanh cá núi, nanh sấu, nanh cọp, ngà voi, thạnh hành nhứt là nanh heo rừng. Lớp giũa giồi thành hình Phật để đeo cầu an, lớp để nguyên, nanh nào dài và cong, đặc ruột thì bán rất cao giá.

Vì theo mê tín, nanh đặc đeo trong mình có thể hộ mạng, che chở khỏi bị đao thương động đến mình. Tục nầy hình như do người Cao Miên, Thái và đồng bào thượng truyền ra.

Mấy năm trước, một cái nanh cong, dài, đặc, không tì vít, bán độ vài ba ngàn bạc; nay thời buổi phân vân, bạc mất giá mà vẫn kiếm không ra, tuy vậy có nhiều người thừa thãi dám xuất ra cả trăm ngàn mua một vật mà sự hữu dụng còn chờ thí nghiệm, là nanh heo rừng đặc.

Tháng mười một năm 1970, tôi được mắt thấy một cái nanh heo khoanh tròn giáp vòng, có thể làm vòng đeo tay như vòng ngọc thạch bọ võ cử ngày xưa, hỏi giá cho biết, người chủ bán nói: hai trăm ngàn bạc! (Tôi gia công mấy tháng viết tập nầy, kiếm không tới một phần tư của cái nanh ấy).

Viết một bình luận

error: Content is protected !!