Ma liệng ban ngày – Đặng Lễ Nghi

Thường nói rằng ma thì thuộc về âm, hoặc nó liệng hoặc nó nhát thì cứ ban đêm mà làm, chớ ban ngày thì xưa nay không có, mà con ma nầy nó lại liệng ban ngày.

Tại làng Bình Đường, tổng An Thổ, có nhà tên Chánh, Bữa tối ba mươi tháng chạp năm tị, chưng đồ ra rước ông bà vừa xong thì đã khuya, trong nhà ai nấy đều vui vẻ, còn trên bàn thờ thì chưng đủ mọi món, người trong nhà nghe tiếng lộp cộp trên bàn thờ thì ngỡ là chuột, không ai thèm ngó lên làm chi, mà những đồ chưng trên bàn thờ thì nó đem đi dời đổi bậy bạ. Tên Chánh lại xem nơi bàn thờ thì thấy đồ đạc sắp bậy bạ bèn la người trong nhà sao có sắp bậy bạ, rồi y sắp lại.

Sáng ngày trong nhà lo nấu cơm cúng, nấu rồi dọn đầy trên bàn thờ, vái lạy xong ngó lên bàn thờ thì còn chén không, món nào cũng ăn hết sạch, lấy làm lạ lắm, liền kêu cả nhà vào nơi bàn thờ mà xem, ai nấy đều sợ, xem kỹ lại thì giữa bàn thờ có hai cái răng, ai nấy thấy răng lại càng sợ hơn nữa, nói lạo xạo một lát, lối xóm chạy tới chật nhà mà xem.

Người bàn rằng:

– Răng đó là báu ngọc.

Người kia lại nói:

– Khéo bày chuyện, đó nó là ma quỉ.

Tức thì nó liệng đá gạch đất, người đều thất kinh, mạnh ai nấy chạy. Nó liệng trúng nhằm người con trai tên Chánh một cục đá nơi cánh tay rất nặng, liệng trúng nhằm con dâu nơi bàn trôn một cục đá cũng nặng, hết thảy sợ liền ra xa xa mà đứng, nghe trong nhà nó làm rầm rầm, nó liệng ra sân đủ các món, mâm, nồi, tộ, chén, đũa, lu, vò, lúa gạo, bất kỳ món chi trong nhà nó đều liệng ra hết, không có chỗ mà tránh.

Người trong nhà đi lượm áo quần với món nào lại đem đi nhà khác mà ở đậu, người nhà không ai dám về nhà.

Tối lại, có sáu bảy cậu trai nói:

– Thứ ma mà sợ nó cái gì!

Liền cầm đèn đuốc đi vô nhà coi nó làm gì, mấy cậu mới vào tới hàng ba, thì trong nhà nó vãi tro cát vô mặt lại thổi đèn, rồi nó liệng miểng sành miểng ghè chén bát, nó liệng nà, mấy cậu sợ lỗ đầu xô nhau mà chạy vấp té, kẻ thì trẹo chơn, người thì trẹo tay, người xể mặt, quần áo rách tanh bành, thất kinh từ đó về sau bỏ nhà, không ai dám tới.

(1) Năm Ất Tỵ là năm 1905.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!