Cọp oán – Đặng Lễ Nghi

Năm Tân dậu (1) tại tổng Hàm Ninh Hạ, làng Gia Bình, có tên Thanh, bốn mươi chín tuổi, cháu là tên Miêng, ba mươi ba tuổi. Chú cháu là người quê quán ở đâu không rõ, đến ngụ ở trong làng đã ba bốn năm, chú cah1u làm nghề đương thúng, song thật là tay ăn trộm nghề. Tuy là ăn trộm, mà cũng biết nghĩa lý lắm, chẳng hề động tới của người trong xóm làng của mình, ăn trộm xứ xa hoặc là khác làng. Chú cháu cụng ngăn cản không cho người gian vào phá khuấy trong xóm làng của mình ở.

Người người trong lân lý đều biết chú cháu là bợm mà ai ai cũng thương mến. Chú cháu có tật uống rượu lớn đánh bạc to, hễ có tiền mua món kia vật nọ đem về để dành uống rượu, mời anh em đến cả nhà, hoặc ra thai, ra đối, hoặc đánh cờ dầu ăn dầu thua cũng là phải uống rượu, người nào yếu rượu thì phải lo trốn về trước, còn người nào có sức mạnh thì ở đó mà chơi với chú cháu họ, chơi hoài uống luôn luôn cho đến khi nào ngã thì ngủ. Còn có người nào biết nghề võ thì ra nơi sân thi quờn với nhau sơ sài rồi vô uống rượu.

Trong xóm làng đều tương rằng chú cháu họ biết chút đỉnh, chớ không gọi là giỏi. Vì là chú cháu giỏi thì để lòng không có lộ ra cho ai biết, có chơi thì giả bột súc miếng sút sức, nên ai ai cũng lầm.

Tháng ba năm dậu (1861) chú cháu đem nhau đến tổng Bình Điền (Thủ Dầu Một) ăn trộm lùa cả bầy trâu, lớn nhỏ mười ba con. Vì lùa đi theo đàng rừng sợ chủ theo dấu nên đi theo ngả lòng suối khô ở giữa rừng sâu. Ban ngày thì ẩn trong rừng, ban đêm thì đi. Đã nhiều phen chú cháu gặp cọp thì đánh chửu coi cọp cũng như một con chó dữ chớ không hề kiêng sợ.

Ngày đó mặt trời vừa xuống khuất ngọn cây, chú cháu đuổi trâu đi, thì có hai con cọp nhảy ra chụp bậy bạ làm cho trâu thất kinh nhảy bậy. Người chú rượt cọp chạy, rồi lùa trâu gom lại. Chú cháu đuổi trâu đi vừa tới cái trảng tinh những là cây dầu tà ben không mà thôi. Khi đó thì trời đã tối thật, cọp ở đâu phía sau đi theo hừ hè làm rộn ràng chạy đón đầu không cho đi. Xem kỹ thì là ba con lớn hai con choai choai, đều nhảy ào vô mà chụp.

Chú cháu liền cự một chặp lâu, người chú cầm cây giáo nơi tay đâm trúng cọp nào không biết mà gãy ngang lưỡi còn cái cán không. Người cháu thì đánh với hai con kia, còn chú thì đánh với ba con nọ. ba con cọp nó áp vào một lượt, người chú có một cái cán giáo đánh không phỉ nên bị nó vố nơi bụng một cái nặng quá đổ ruột, liền kêu cháu mà nói rằng:

– Miêng ôi, mầy phải giữ lấy, chớ cọp nó đã vớ tao lòi ruột rồi.

Miêng nghe chú nói bèn lui lại gần chú mà hỏi:

– Sao vậy chú?

Chú nói:

– Tao đâm nhằm nó khi nãy, nên cây giáo của tao đã gãy ngang lưỡi rồi.

Người chú tuy đổ ruột mà tay cũng còn cầm cán giáo mà cự với nó.

Miêng nói:

– Chú bị trọng vít lắm, thôi chú đeo nơi lưng tôi đây, đặng tôi cõng chú mà lui lại nơi gốc cây lớn, để chú ngồi đó đặng tôi đánh với nó, chớ cọp nầy nó thù oán quyết lòng hôm nay nó ăn chú cháu mình.

Miêng cõng chú trên lưng, tay thì đánh cọp, chơn thì lui lần lần lại tới gốc cây lớn, để chú rồi dựa gốc cây, lấy thế đặng một phía còn ba phía là lo giữ, mà cọp hằm hằm muốn giựt cho đặng thây người chú, song Miêng giữ gắt quá nó làm chi không đặng.

Miêng cầm roi mật cật nơi tay đánh một hơi rượt cọp dang ra xa chừng ba bốn chục thước chạy vô ôm chú mà khóc.

Chú nói:

– Tao chưa chết đâu. Mầy phải ráng mà cự với nó. Nếu mầy sơ hở thì nó sẽ giựt thây tao mà xé; loài cọp nó hay thù oán lắm. Vì thuở nay chú cháu mình đánh chửi nó như chó vậy, hôm nay có khi trời biểu chú cháu mình thôi làm nghề ăn trộm, nên trời xui cho nó rủ nhau đông, mà hại chú cháu mình.

Người cháu nói:

– Xin chú chớ lo, bao giờ nó ăn đặng tôi thì mới ăn đặng chú.

Cọp áp vô làm dữ, Miêng ra đánh một hơi rượt ra xa xa. Miêng lui vô, nó áp theo, va nỗ lực đánh một hồi nữa thì cây roi của va đã gãy hai, va liền nhồ dầu tà-ben nhỏ nhỏ vừa tay cầm mà đánh với cọp, hễ gẫy cây nầy thì nhổ cây khác, cứ vậy mà đánh hoài, qua đến canh tư thì hai đàng đều mệt khát nước, cọp ngồi ngó Miêng, Miêng chống cây đứng nhìn cọp. Một lát cọp lại áp vô làm dữ, Miêng cũng nổ lực mà đánh, đánh đặng ba bốn hiệp thì xem trời đã gần sáng, cọp khát nước quá bỏ đi kiếm nước uống, lại thấy trời sáng thì sợ ban ngày Miêng sẽ đánh chết, nên bỏ đi.

Còn Miêng cũng khát nước lắm, hừng đông thấy có một vũng nước đục ngừ tinh là cứt chồn cheo không mà thôi, song cũng ráng mà uống vài ba hớp thấm giọng, rồi trở lại nói với chú rằng:

– Trời đã sáng rồi, mà cọp nó đã bỏ mà đi hết, chắc là nó cũng khát nước như tôi. Phải chi trời sáng thì tôi giết đặng nó, ngặt vì trời tối, có theo bóng đen mà đánh mà thôi, lại mười phần mắc lo cho chú.

Xem nơi trảng dầu đó, mấy cây nhỏ nhỏ gãy ngang, cây thì ngả xiêu cây thì tróc gốc, xem ra tan nát cả công đất, bởi vì lớp thì côp càn mà gãy, lớp thì Miêng nhổ làm cây mà đánh.

Miêng đi gom trâu lại thỉ mất hết một con nghé nhỏ, kiếm một hồi gặp con nghé chết nằm y nguyên,xem lại thì cọp chụp đầu nó phạm nhằm tau rách nát, nên bỏ không ăn.

Miêng trở lại ngó thấy chú trọng bịnh thì khóc mà nói rằng:

– Chú ôi, nay mai chú phải chết, cháu dầu đem trâu nầy về bán lấy tiền mà ăn uống với ai? Thôi, cháu bỏ bầy trâu lại đây, cháu cõng chú về.

Người chú nghe cháu nói như vậy thì la cháu mà nói rằng:

– Nếu không dùng của người thì đem trả lại cho người, thì hay hơn; chớ bỏ đây thì mình cũng mang tội lấy của người.

Cháu liền nói lại rằng:

– Nếu đem trả lại thì đặng đó, rồi chủ họ bắt cháu mà giải quan thì làm sao? Vốn tôi không sá chi thân tôi ở tù, thật tôi lo thân chú tồi tàn chết không yên.

Chú nói:

– Lời cháu nói cũng phải, nhưng mà chú tưởng lại chủ họ không có lòng ác như vậy đâu; mình làm ơn cho họ, thì họ cũng làm ơn lại cho mình. Vậy thôi cah1u khá nghe lời chú, chịu khó lùa trâu trả lại cho chủ, rồi cháu sẽ cõng chú về nhà.

Miêng vâng lời, liền cổi áo ra bó chỗ vít của chú, rồi đem chú lên lưng trâu, ngồi ôm chú, chơn thì thúc con trâu đó đi lùa mấy con kia, cứ đàng thẳng mà đi trở lại nhà chủ.

Đi tới xế qua thì tới nhà, trong nhà chủ ngó thấy trâu về thì mừng lắm, chạy ra thấy chú cháu lịu địu thì lấy làm lạ liền hỏi căn cội.

Miêng đem chú xuống đất ngồi nơi bóng cây xoài, còn mình thì đi vào nhà chủ mà nói căn do cho chủ rõ. Miêng nói với chủ rằng:

– Chú cháu tôi vốn là người ăn trộm trâu của ông, lùa về đến nửa đàng thì có năm con cọp nó thù oán, xưa nay chú cháu tôi đánh chửi nó, nên nó ra đón đàng mà làm dữ. Chú tôi đâm nó rủi gãy lưỡi giáo, nên bị nó vớ nhằm hơi bụng trọng bịnh. Nó lại muốn bắt chú với tôi mà ăn, nên tôi đánh với nó sáng đêm, đến sáng thì nó chạy hết. nay chú tôi trọng bịnh, mười phần chắc chết, nên chú tôi bảo tôi lùa trâu mà trả lại cho chủ.

Chủ nhà nghe nói thì cảm thương, hối người nhà đem cơm cho chú cháu ăn, rồi biểu bạn bắt một đôi bò mắc vô xe bò đặng đưa chú cháu về, lại cho hai mươi lăm quan tiến đem về mà lo thang thuốc cho chú.

Chủ nhà nói:

– Của đã mất rồi may mà lại còn, dầu cho năm chục cũng đáng.

Lại khên người cháu thiệt là giỏi, cự với năm con cọp cả đêm mà không tì tích.

Miêng cúi lạy chủ nhà một lạy rồi đem chú lên xe bò mà đi về, xe chạy miết, đi tới canh một thì tới nhà. Thím của Miêng nghe xe chạy ra thấy chồng trọng bịnh thì nhào lăn mà khóc.

Miêng cõng chú đem vào nhà, còn xe bò thì trở về Bình Điền.

Người thím và đứa con gái nhỏ đều khóc vang. Lối xóm nghe chạy tới thăm rất đông, kẻ đem thuốc nầy, người đem thuốc kia, song le nọc cọp càng ngày càng thấm vào lấy làm nhức nhối.

Tên Thanh tính cầm không đậu, liền kêu Miêng vào mà trối rằng:

– Chú chết rồi thì cháu phải bỏ cái nghề cũ đi, hãy lo làm ăn, chú gởi vợ con lại cho cháu, hãy lo mà bảo dưỡng cho tròn chung thỉ. Cháu hãy lấy tiền bạc của chú chôn bấy lâu nay nơi phía chái trên, lấy đó mà làm vốn.

Nói vừa tới đó, cọp ở đâu đến rình ngoài cửa làm dữ, muốn phá cửa vô mà bắt, người chú nghe cọp làm dữ thì giận quá, lốm cồm ngồi dậy nạt một tiếng lớn rồi té ngữa ra mà chết.

Miêng giận mấy con cọp làm rộn cho chú mình chết, liền rút cây gài cửa xô cửa nhảy ra đánh cọp rống chạy dài, rồi trở vào ôm chú mà khóc kể thảm thiết. Mấy người lân cận nghe Miệng khóc cũng khóc theo.

Thím với người lân cận bèn hỏi Miêng các việc đầu đuôi. Miêng nói lại hết cho thím với cô bác nghe. Sáng ngày có nhiều người đi đến chỗ miêng đánh cọp mà xem, thấy dấu qua lại tới lui cày gãy đất trầy cỏ tróc gốc, xem dấu rộng lớn gần một công đất, ai nấy đều kinh sợ, đều khen Miêng thật là tay giỏi lắm ít ai bỉ kịp.

Từ đó về sau thiên hạ đồn vang, có nhiều người đến xin học, kẻ chịu tiền, người chịu lúa gạo. Miêng ra công dạy người ta mà kiế, ăn đắp đổi qua tháng ngày, lo nuôi dưỡng thím với em vuông tròn.

Cọp tuy là loài thú mà tâm tánh cũng không ngoan như người: hay thù vặt, hay oán giận, dầu chuyện lâu đôi ba năm thì cũng ghi nhớ đợi thời suy, đợi hồi biến mà làm. Hễ thù oán bắt đặng người thù, thì không thèm ăn, xé thây ra mà bỏ đầu nầy một khúc, đầu kia một khúc, có khi chết rồi đem đi chôn, rồi tối lén tới moi lên mà xé. Con thú mà thù oán hơn người.

(1) Tân dậu là năm 1861, năm thứ 14 đời vua Tự Đức, năm Hàm Phong 11 bên Tàu.

Lời bàn Vương Hồng Sển

Truyện nầy cho ta biết:

  1. Vào thuở cựu tào, chưa có súng mạnh, con người can đảm và có võ nghệ, với roi dài mác bén, vào rừng không sợ cọp chút nào;
  2. Hai chú cháu, Thanh và Miêng, quả là hai anh hùng không gặp thời, đem sức mạnh “đả hổ” dùng vào chuyện làm tướng lục lâm; uổng và tiếc cho tài.
  3. Ngày nay đi săn cọp, với súng tân thời, là một cuộc đi tàn sát thú rừng; không như thời trước, thú và người, sức mạnh tương đồng, ai lanh trí dẻo dai là hơn, và như vậy mới là thể thao; chớ như đào hầm làm tum, núp trốn đợi con thú tham mồi, sơ hở rồi khạc đạn xoáy vào nó thì có chi đáng gọi là phô trương can đảm hay võ nghệ?
  4. Ngày nay ngồi bàn ăn tiệc, thuật chuyện một người với roi trường đánh lui một đêm năm cọp dữ, dầu cho chuyện thiệt, họ cũng gọi đó là tiếu lâm.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!