Cho rõ khí hùng – Phần 18

Đây nói qua từ khi vợ Năm Mạnh vâng lời Hoàng Ngọc Ẩn dạy lật đật ra đi cứu chồng thì chàng ở nhà trông đợi và lo sợ lắm. Đồng hồ trong nhà gõ một tiếng ‘keng’, Hoàng Ngọc Ẩn xem lại là năm giờ rưỡi sáng. Chàng nói thầm rằng: “Không biết vợ Năm Mạnh đi có chuyện gì uất trắc không mà giờ chưa thấy về.”

Chàng nói vừa dứt lời bỗng đâu hai vợ chồng Năm Mạnh về đến nhà, Hoàng Ngọc Ẩn vui mừng không xiết, chàng bèn hỏi vợ Năm Mạnh rằng: “Chị đi qua bển có chuyện gì gay trở chăng?”

Vợ Năm Mạnh nói: “Dạ thưa không, khi tôi vào nhà có tiếng khua động trên lầu bèn chạy thẳng lên, đến phòng của nàng Lệ Thủy thì tôi đứng núp ở ngoài xem thời thế. Tôi thấy ở nhà của tôi đang đánh quyền với Hai Dõng nên đứng coi mà vì muốn rõ tài nghề của Hai Dõng thể nào. Hai người kẻ tới người lui đánh thế nầy sang miếng nọ, nói cho ngay thì ở nhà tôi võ nghệ tinh thông hơn một chút ít, còn Hai Dõng thì sức lực mạnh phi thường. Đang khi hai người chưa phân thắng phụ thì nàng Lệ Thủy bước lại tủ quyết lấy cây súng lục liên ra. Tôi thấy vậy thì sợ chậm trễ không thi hành kế của thầy ắt có lẽ phải nguy nên làm y như lời thầy dặn.”

Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Khá khen cho chị đa, hai vợ chồng được như vầy rất xứng đào xứng kép lắm.”

Hoàng Ngọc Ẩn day qua hỏi Năm Mạnh rằng: “Ờ còn anh, vậy chớ tại sao mà anh nằm vạ dưới chơn giường của nàng Lệ Thủy? Có ai đánh trộm anh hay không mà phải lâm nạn như thế.”

Năm Mạnh thuật lại đầu đuôi, từ khi vào phòng nàng Lệ Thủy để hộp kiếng cho đến khi nhờ vợ đến cứu.

Hoàng Ngọc Ẩn nghe nói thì suy nghĩ một chập lâu và nói thầm trong bụng rằng: “Việc nầy bí mật khó tường, ta phải làm sao truy nguyên cho ra mối thế mới an lòng cho.”

Đây nhắc lại từ ngày ông Đặng Nghiêm Huấn nhuốm bịnh vì rầu buồn vì thương tiếc hai con khôn lớn thành dang nhưng lấp lững trầm luân nơi bể ái mà tự sát lấy mình. Ông ráng sức gượng sầu lấp thảm, thế mà tử kỳ hữu định việc ấy do thiên. Không mấy ngày ông biết trong mình than suy tì bại, thuốc men lo lắng cũng không thuyên. Ông liền cho lời em út của ông là Đặng Háo Thẳng đến cho ông trối riêng phú thác việc nhà.

Ông Đặng Nghiêm Huấn nói với Đặng Háo Thắng rằng: “Chú ôi! Tôi tuy giàu có nhưng thật là vô phước vô cùng, công danh đã chán, phú quí toại lòng, nhưng bề con còn nhỏ dại, đây tóc đã điểm sương, ngày nay trong mình mạng sống còn lại chẳng mấy hơi, ngó lại cái gia đình thì tợ nằm gai nếm mật. Hai con lớn đã mảng phần, đoàn sau nầy chưa đứa nào nghi gia nghi thất, nào biết ngày sau duyên phận của trẻ thể nào? Thuở xưa tôi ra làm quan từ ngày thanh mi chi ư bạch phát, lấy điều liêm sĩ trau mình: trên quan yêu dưới dân chuộng. Ấy là tôi bền chí tu nhơn, dày công tích đức, chủ ý lưu lại tử tôn. Còn tôi mà trở nên phú hộ như vầy chẳng phải là nhờ của hoạnh tài đâu? Chú cũng rõ, tôi lo lắng đà lao tâm tiêu tứ tính hết trí ngoan, hao biết bao nhiêu công cán, có khác nào ép thịt ra nước đổi tiền. Gẫm ra cũng nhờ trời ngó lại, sách có câu ‘Đại phú do thiên, tiểu phú do cần’. Chú ôi! Mấy anh em mình tôi coi có một mình chú nhà tuy bẩn chật, nhưng tánh nết giống tôi, ôn hòa mẫn thiệp. Sách có câu ‘Tử sanh hữu mạng, phú quí tại thiên’, dầu mà chú ăn cần ở kiệm cho thế mấy, bất quá cũng đủ ăn, đó là cái vận chẳng may của chú. Ngày nay tôi mời chú đến chẳng qua là cậy chú điều đình sự nghiệp của tôi, đây hầu ngày sau mấy đứa cháu nó lớn khôn rồi mà để cho chúng nó noi gương cha gắng chí chen chơn vào đường tranh cạnh. Con Đặng Nguyệt Ánh nầy có mấy tháng nữa thì trải qua mười sáu rồi, thương hải chưa nơi gieo cầu tơ buộc, không rõ xuân duyên phần của nó ra làm sao? Tôi chỉ thấy cái nhan sắc của nó rồi, âu sầu một nỗi biển oán trời tình, kiếp hồng nhan tránh sao cho khỏi câu đa bạc mạng. Còn hai thằng nhỏ tánh ham chơi chưa rõ nó định tâm tỉnh trí chừng nào chuyên lo đèn sách. Đó là hai ba mối nợ mạng bạc bầy không thế trả xong, vậy thời xin chú ân cần giùm mấy cháu, ân nầy nơi chín suối tôi ngậm cười nở mặt đó. Chú tưởng thể nào?”

Đặng Háo Thắng nghe ông Đặng Nghiêm Huấn phân cạn mấy lời thì châu mày ứa lụy, người suy nghĩ một chập đoạn đáp lời lại rằng: “Thưa anh, anh có lòng tin cậy em thì thế nào anh có nhắm mắt đi rồi, em đây không ân cần đến cháu hay sao? Em đây không vợ không con, thế thì dễ mà lo lắng cho cháu thơ ngây, xin anh chớ lo. Sách có câu: ‘Tích đức lưu lại tử tôn’ bề nào mấy cháu cũng nhờ đức của anh mà ngày sau làm nên việc cả. Chúng nó cũng là cốt nhục của tôi lẽ nào tôi không tưởng đến?

Đặng Nghiêm Huấn nói: “Nếu chú giữ lời đặng thì hạnh phúc cho tôi biết ngần nào.” Nói dứt lời ông Đặng Nghiêm Huấn bèn dở gối lên lấy một tờ giấy đưa cho Đặng Háo Thắng và nói tiếp rằng: “Nầy là tờ chúc ngôn quan hệ về việc chia gia tài ngày sau, chú khá giữ gìn cho kỹ.”

Ông Đặng Nghiêm Huấn gọi nàng Đặng Nguyệt Ánh dạy rằng: “Con hãy cho vời chú ba và chú tư của chúng con đến.” Nàng bèn ra ngoài sai hái đứa nô bộc chạy đi.

Cách một giờ sau hai người em của ông Đặng Nghiêm Huấn đến nhà. Ông ngó mấy người lệ thảm tuôn dầm và nói: “Mấy chú ôi! Tôi biết sức tôi sống không đặng mấy ngày nữa, vậy bây giờ anh em đồng tựu hiệp về đây, tôi xin gởi mấy đứa con dại ở lại cho mấy chú. Phần của chú út đây là vai chánh, sự nghiệp một tay chú điều đình, còn chú ba và chú tư cũng phải coi chừng giùm, nhắc nhở chú út giữ toàn phần trách nhiệm.”

Hai người em thứ ba và thứ tư ngó nhau rồi đồng trả lời rằng: “Hai đứa tôi xin vâng.”

Ông Đặng Nghiêm Huấn nói: “Tôi biết tôi thật là giàu có, còn mấy chú kém sút hơn nhiều, vậy sau khi tôi mãn phần chú út phải xem trong tờ chúc ngôn mà chia cho mỗi người là năm ngàn đồng bạc, dùng lấy của đó ráng lo làm ăn cho sanh lợi.”

Hai người em của ông Đặng Nghiêm Huấn nghe ông nói nở mày đẹp mặt, vui toại không cùng.

Tối lại vào khoảng mười hai giờ khuya bịnh của ông Đặng Nghiêm Huấn trở nặng chẳng đầy một giờ sau ông vật mình rồi hồn lên xe hạc lướt mây bạc giông ruổi vào miền cực lạc.

Thương thay! Tiếc thay! Một người trọn lành như ông chết mà lìa bè con dại. Nàng Đặng Nguyệt Ánh thương tiếc cha khóc òa máu theo nước mắt, còn hai đứa em cũng lăn khóc kêu trời. Ai trông vào cái bi kịch nầy mà không ngùi ngùi tấc dạ.


error: Content is protected !!