Cho rõ khí hùng – Phần 19

Đây nói qua từ khi Đỗ Hiếu Liêm về đến tổ quán vui cảnh vui quê, toại lòng đoàn viên cha mẹ. Mỗi bữa sớm mai, vừng ô vừa bé mặt dựa chơn trời, thì chàng đã ra sân luyện tập võ nghệ. Chàng nhờ cha ân cần truyền lại vài món binh khí thông dụng, phần thì chàng ái mộ nên luyện tập rất tinh thông. Môn quyền chàng đi như phụng sè, diêu kiếm chàng thảo tợ như rồng múa, còn nói chi đường thương chàng múa chẳng thấy cây.

Cha già thường ngày đứng coi chàng luyện tập thì thầm khen mà rằng: “Đời bây giờ học đến bực nầy xét ra mấy ai hơn đặng.”

Thuở đó miệt Vĩnh Long có nhiều gã thanh niên con nhà hào hộ mộ học võ và nghe đồn Đỗ Hiếu Liêm võ nghệ cao cường và đi với thầy đến nhà xin đấu thử. Đỗ Hiếu Liêm từ chối chẳng chịu đấu, nhưng cha bảo cần phải đấu cho thường sau mới túc dụng, Đỗ Hiếu Liêm nghe lời cha hữu lý và mỗi khi đấu thì chàng đều trọn thắng, sau rốt mấy thầy võ nóng ruột ngứa nghề vào đấu cũng phải thua. Nội xứ mấy tay nghề đều kiêng tài của chàng nên đặt tên riêng chàng là “La Thành” vì chàng lịch sự trai và tuổi còn thanh xuân đường đường diện mạo.

Khi Đỗ Hiếu Liêm luyện tập võ nghệ tinh thông rồi, thì chàng muốn đi du hồ ít bữa nên nói với cha rằng: “Thưa cha, con cách mặt anh Hoàn Ngọc Ẩn đã quá tháng rồi, không rõ ảnh đa đoan việc chi mà không thấy xuống chơi nên có lòng thương nhớ. Tại tỉnh Vĩnh Long nầy con giao thiệp được vài vị công tử tánh nết ôn hòa mẫn thiệp, lại có chí thanh khiết cao thượng nhưng chẳng gặp vị nào có chí hiệp liệt sánh bằng Hoàn Ngọc Ẩn. Con tưởng nhơn dịp bãi trường nầy mời ảnh xuống chơi vầy vui với mấy người bằng hữu của con dưới nầy, dọn một chiếc ghe bầu linh đinh trên mặt nước, khí chén rượu lúc cuộc cờ, ngâm thi đờn nhịp đợi giờ trăng lên thì con tưởng có chi thú hơn nữa.”

Cha của Đỗ Hiếu Liêm vừa cười và nói: “Ừ phải đó con luôn dịp đó con hãy khêu ghẹo Hoàn Ngọc Ẩn đấu võ với con đặng thử xem tài của gã đến bực nào?”

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Thưa cha, việc tranh đấu là việc chơi chẳng chi là quan trọng, nếu anh Hoàn Ngọc Ẩn không thích cuộc hơn thua thì té ra mình có ý khoe tài, lại nữa nếu như mà con sút tài ảnh thì chẳng nói chi, bằng như thắng thì e ảnh thẹn thì cuộc chơi chẳng vui gì.”

“Con nói nghe cũng phải, nhưng thế thường có học thì hay ngứa nghề, gặp cuộc thì ắt võ ngực nhảy ra tranh đấu.”

“Dạ thưa con tính như vầy. Như anh Hoàn Ngọc Ẩn được thơ của con và nhậm lời xuống đây chơi thì con giả đò mới học và cậy ảnh chỉ giùm thì không lẽ ảnh giấu nghề, chừng đó mình cũng nhận được tài của ảnh ra làm sao. Con nghe nói ảnh chí công học tập ở bên Tàu thì chắc ảnh phải gặp nhiều thấy hay.”

“Phải đó con à. Thôi con hãy viết thơ cho nó đi.”

Đỗ Hiếu Liêm vâng lời cha bèn lại bàn lấy giấy viết mực viết một cái thơ như vầy:

‘Kính thăm Hoàn huynh sức khỏe. Từ ngày em phân tay cách mặt anh trở về quê quán đến nay, quang âm chóng thoát, tính lại đã quá một trăng rồi. Có chi hân hạnh bằng gặp thung quyên mạnh khỏe, mảng vui chốn gia đình sum hiệp mà không ưng bước cẳng đi đâu. Bỗng đâu sực nhớ đến Hoàn huynh, quyến luyến bấy chầy, mà nay xa cách không dịp vãng lai thì lòng đệ ngùi ngùi thương nhớ. Có lẽ lúc nầy Hoàn huynh nhàn cư ở nơi phồn hoa náo nhiệt chẳng chi gặp đặng cảnh ngoạn mục im đềm, thì đêm ngày không yên tịnh, vậy em gởi thơ nầy thăm Hoàn huynh mà xin mời Hoàn huynh thừa dịp rảnh xuống thăm em và gia quyến của em chơi, cha mẹ em có lòng tưởng anh lắm nên hằng ngày năng nhắc nhở về tánh vui vẻ của anh. Em tính như có anh xuống đây thì anh và em cùng với vài bạn của em dưới nầy đi giang hồ chơi có lẽ vui lắm vì gặp nhiều cảnh thích tình, đêm ngày linh đinh trên giòng nước, sớm xem ác mọc, chiều chờ trăng lên, khi làm thi, khi đánh tửu thì có chi thú hơn nữa. Dưới nầy em có giao thiệp được vài bạn con nhà trâm anh, em giới thiệu anh nhiều lần lần nên chi người người đều ước trông có duyên kỳ ngộ cùng anh mà đàm đạo một khi. Nếu anh không có việc chi cản trở thì xin xuống sớm kẻo nhọc lòng em trông đợi.

Nay kính

Đỗ Hiếu Liêm.’

Đỗ Hiếu Liêm viết thơ rồi thì đọc lại cho cha nghe, ông gặc đầu và nói: “Con viết thơ như vậy được lắm, con hãy kịp gởi cho rồi.”

Đỗ Hiếu Liêm vâng lời lấy bao thơ xấp giấy bỏ vào ngoài đề tên và chỗ ở của Hoàn Ngọc Ẩn đoạn dán một con niêm rồi kêu một đức tớ trai dạy đem lại nhà thơ mà gởi. Đỗ Hiếu Liêm biết chắc làm sao Hoàn Ngọc Ẩn cũng xuống, nên ít ngày sau sửa soạn ghe và đồ hành lý sẵn sàng, thế mà không may, gần một tuần sau chàng được một cái thơ của Hoàn Ngọc Ẩn hồi âm như vầy:

‘Cùng bạn yêu dấu,

Tôi trọng kính thăm hai bác đặng bình an, sau cho bạn đặng rõ: Có tiếp đặng thơ bạn mời xuống cùng bạn và quí hữu dưới này vui thú giang hồ chơi một chuyến, nhưng rất tiếc thay vì việc xin lãnh gia tài còn lòng dòng lắm, không có rảnh được nhiều ngày mà đi xuống thăm hai bác và bạn. Xin bạn chớ phiền, khi nầy không gặp dịp may, vậy đợi qua khi khác, vả lại còn không đầy một tháng nữa phải đi tựu trường, điều cần nhứt là phải học ôn lại bài vở cũ kẻo để ham vui mà quên chăng.

Bạn chớ nghi ngờ tôi nói dối hoặc là vì nàng Lệ Thủy mà quên nghĩa bằng hữu thì oan cho tôi lắm.

Dưới ký tên: Hoàn Ngọc Ẩn.’

Khi Đỗ Hiếu Liêm được thơ của Hoàn Ngọc Ẩn thì có đọc cho gia nghiêm chàng nghe. Cha của Đỗ Hiếu Liêm hỏi rằng: “Trong thơ nầy Hoàn Ngọc Ẩn có nói tên nàng Lệ Thủy, vậy chớ nàng nầy là ai.” Đỗ Hiếu Liêm bèn thuật lại cho cha nghe duyên kỳ ngộ của Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Lệ Thủy, chàng lại nói rằng: “Thưa cha, con chưa từng gặp nàng nào nhan sắc cực kỳ huê lệ như nàng. Thật đáng cho là khách đào nguyên, hoặc là Tây Thi tái thế. Hoàn Ngọc Ẩn có lòng ái sắc của nàng lắm, ảnh tương tư thương nhớ nàng đêm ngày, con thấy vậy có dùng lời khuyên ảnh lấp bể ái, dẹp sông tương mà lo bề đèn sách. Hoàn Ngọc Ẩn có lòng yêu riêng con nên có hứa với con sẽ chống trả thế lực tình, nhưng không biết từ ngày con về dưới nầy ảnh có giữ lời chăng?”

Cha của Đỗ Hiếu Liêm nói: “Con có để lời khuyên Hoàn Ngọc Ẩn như vậy thật là chánh đáng. Con ôi! Cha xin nhắc lại con chẳng nên khi nào mơ tưởng đến người sắc lịch làm chi. Người đời nói kẻ quốc sắc thì ác đức đó trúng lắm, cái duyên cười của một ả mày hoa mắt ngọc chẳng khác nào một món ăn, ngoài xem mỹ vị mà trong có chất độc, nếm lấy phải điên dại có khi phải chất, còn đôi mắt hữu tình chẳng khác lưỡi dao giết người chẳng khó. Nầy con! Biết bao nhiêu anh hùng danh phai giá rữa vì đờn bà. Trong Kiều phú có câu:

Lực tam quân, bay thua giọng nàng Kiều,

Xô chẳng rúng Kiều than mà ngã.

Người lại nói ‘Sắc bất ba đào dị nịch nhơn’ nếu con để ý lo việc danh không ưa điều hoa nguyệt thì có chi là quí bằng. Đã biết tạo hóa sanh người và đặt để ra việc nghi gia nghi thất, nhưng phận tu mi phải lo danh phận rỡ ràng, đối với non sông chẳng thẹn, sau mới nên lo việc tơ tóc bách niên giai lão. Lương duyên thì Hoàng thiên đà định sẵn, chớ có ham giàu cũng chẳng nên chuộng sắc. Việc trăm năm là việc trọng. Sách có câu rằng: ‘Thú thê bất tại nhan sắc’. Ấy là sắc, còn giàu nhớ nên ham, là vì người ngoan thường nói: ‘Làm dâu cả thể: làm rể nhà nhiều con.’ Con chớ thấy nhà kia giàu, duy có một ước vào làm rể mà gọi rằng ‘Chuột sa hủ nếp’ đó con à. Cha chẳng cần nói nhiều, con càng suy thì ắt thấy đến đột lý.”

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Thưa cha, từ ngày con bước đến tuổi khôn đến nay, con hằng nghe cha lắm lời nghị luận vì tình con đây sẵn ghi tạc vào lòng. Dầu mà con chưa từng biết thế lực tình vương vấn thế nào chớ con có lòng lo sợ.”


error: Content is protected !!