Cho rõ khí hùng – Phần 20

Gái anh thư chọn tài võ sĩ,

Trai anh hùng trọng nghĩa kim bằng.

Vài ngày sau Đỗ Hiếu Liêm nói với cha rằng: “Thưa cha ghe thuyền đà sắm sẵn, con tưởng cũng nên gặp tiết xuân quang thảo mộc tô lục vẻ hồng, con mời vài người bạn đi chơi với cha và con du ngoạn ít ngày trên dòng bích, trước xem phong cảnh sau đổi gió có lẽ cũng bổ ích cho tinh thần được đó cha à.”

“Phải có chi quí bằng, nhưng Hoàn Ngọc Ẩn không cùng ta chung vui thì đáng tiếc, có nó, nó hay nói năng giễu cợt thì càng thích lòng cha lắm.”

“Dạ con cũng tiếc nhưng biết làm sao bây giờ?”

Qua ngày sau rượu thịt đầy thoàn, cầm kỳ sắm đủ, Đỗ Hiếu Liêm liền mời hai người bạn hữu và gia nghiêm xuống thuyền cỡi sông.

Đây nói qua khi Đặng Nghiêm Huấn thất lộc, linh cữu quàng tại nhà hai ngày. Nội tỉnh thành người đều thương tiếc, nào là quan dân đi điếu nườm nượp. Qua ngày thứ ba, trời u minh còn rất mập mờ, sương lác đác điểm cành hoa trắng, còi công cấy túc nghe văng vẳng, đội cánh gà tiếng gáy vang tai. Phút chút vừng kim ô mặt nước hé mây, nhà họ Đặng trong ngoài náo nhiệt, tấc là bữa đoạn trường cay nghiệt, vốn đến giờ tiễn biệt lên đàng. Người trông vào gọi dám rền rang, kẻ đưa xác ngùi ngùi tất dạ. Tiếng kèn trống nghe thôi buồn bã, giọng thầy chùa kinh tụng nghe rân, từ trong nhà ra đến ngoài sân, người dự đám thật là đông chật, về nghi tiết khá khen sắp đặt, nơi linh sàng chồng chập tràng hoa. Giờ động quan bổng đến thiết tha, Đặng Nguyệt Ánh và hai em van khóc, cho đến những kẻ làm nô bộc, cũng than van khóc kể chủ hiền, việc tử sanh đáng trách hoàng thiên, thường hay cất lộc người đáng tiếc.

Thương Nguyệt Ánh con nhà thế phiệt, đang bước xuân côi cút linh đinh, sự nghiệp của cha để lại kinh dinh, tuy có chú mà biết điều đình vẹn toàn chăng tá. Việc tai biến gây nên rất lạ. Hay là từ thân hồng nhan bạc mạng trăm chìu nên xui cuộc bể dâu bỗng nhiên xảy đến.

Khi đưa linh cữu lên nơi thổ mộ, lúc hạ rộng trông vào càng đau thương với bi kịch. Những người đi đưa thấy nàng Đặng Nguyệt Ánh và hai em lắm khóc than kể cha già đều rơi lụy.

Khi táng xong rồi về nhà nàng Đặng Nguyệt Ánh những ôm sầu gánh thảm khóc lẫn ngày đêm, ai khuyên giải cũng như không. Cách ba tuần sau nàng cũng âu sầu, chú của nàng là Đặng Háo Thắng thấy vậy không biết dụng phương nào khuyên giải, người thấy tâm thần của nàng dã dượi thì có lòng lo sợ. Một ngày kia Đặng Háo Thắng tính đi qua Vũng Liêm, hạt Vĩnh Long, cho tiền lúa vì ông Đặng Nghiêm Huấn có một sở ruộng ước được chừng bốn trăm mẫu. Thừa dịp đó Đặng Háo Thắng dọn ghe dạy nàng đi với hai em và người đi trước thăm ruộng, sau giải muộn tiêu sầu.

Nàng Đặng Nguyệt Ánh chưa có dịp nào qua Vũng Liêm xem ruộng nên khi nghe chú dạy thì có ý mừng thầm muốn đi cho biết. Buồm lan chèo quế bầu xong, nàng Đặng Nguyệt Ánh với hai em và chú xuống thuyền tách bến.

Dòng xuôi mát mái, gió thuận nỡ buồm, rẽ sóng thoàn đi đầm thấm. Trên mây bạc dưới nước xanh, hai bên bờ thảo một um sùm, ngắm cảnh im lìm mà bỗng nhiên Đặng Nguyệt Ánh vì đâu mà nàng hồi hộp không an. Đặng Háo Thắng thấy nàng ưu sầu lại thêm rơi lụy, lấy lời khuyên rằng: “Cháu chớ buồn rầu khóc lóc làm chi, ngày nay đi du hồ như vầy phải yểm lụy gát sầu thế mới vui, đã biết rằng cháu thương nhớ cha nhưng phải dẹp đi, phải bảo thân làm trọng. Người già lánh thế, trái chín lìa nhàn, ấy là luật của tạo hóa xưa nay.”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh nói: “Thưa chú, cháu cũng biết vậy, nhưng chẳng phải muốn sầu dập dã làm chi còn không rõ bữa nay sao, đang khi đi như vầy mà lòng cháu vẫn hồi hộp không an dường như tánh thông linh của bọn xoa xuyến thấu đáo sự gì chẳng lành xảy ra đó chú à.”

“Có chi đâu mà cháu phòng sợ, ghe thời rộng sóng lại êm, dường như người thích cảnh, cảnh chìu người, mấy thuở mà gặp được buổi thiều quang như vậy đặng.”

Đặng Nguyệt Ánh nghe nói gạt lệ khoanh tay ngồi đoái xem phong cảnh. Cách một giờ sau, thoàn chậm chậm lướt sóng im đìm trong một khúc sông, bỗng có một chiếc ghe lồng đàng xa nhắm mũi ghe bầu nầy chèo tới. Khi hai chiếc ghe còn cách nhau chừng bảy thước thì có hai người hình thù vậm vỡ, một người cầm dao một người thủ siêu và một người thứ ba tác trung trung, nét mặt có khí tượng lạ kỳ, tay cầm một cây súng hai lòng trong mui ghe bước ra đứng chống nạnh nơi khoang trước, thị oai trông vào hung bạo.

Vừa đó người cầm dao hét lớn lên như sấm nổ mà rằng: “Ghe của ai đó? Khá buông chèo hầu ra mắt đại vương chúng ta quí hiệu là Thanh Long, nếu chậm trễ thì đầu rơi khỏi cổ.”

Người cầm dao nói vừa dứt lời, bỗng có một cặp cò ngà bay ngang qua ghe thì người đứng chính giữa tức là Thanh Long cất lòng súng lên bắn một phát hai con đều rơi ngay xuống khoang ghe, Đặng Háo Thắng và Đặng Nguyệt Ánh tai nghe lời rổn rảng, mắt thấy tài bắn cực kỳ thì rụng rời kinh khủng.

Một người bạn ghe nói nhỏ với Đặng Háo Thắng rằng: “Khổ lắm! Chúng ta gặp cậu ba rồi. Còn người cầm dao đây tự xưng là Hắc Hổ, người cầm siêu đó là Bạch Xà, cả ba đều là tay ăn cướp lợi hại tiếng đồn như sấm nổ, xin chú chớ cượng lý với chúng nó mà vong mạng.”

Đặng Háo Thắng nói: “Vậy thì phải làm sao bây giờ?”

“Dạ thưa tốt hơn thì phải cặm sào, chờ ghe người đến cập vào, thì mình đem rượu tiền bạc và đồ nữ trang có bao nhiêu phải đem qua nạp hết. Bây giờ muốn lánh họa thì tiểu thơ phải xuống ẩn mình dưới khoang ghe.”

Đặng Nguyệt Ánh mặt như tàu lá chuối, tay chơn rung tợ thằn lằn, nàng biết mặt má hồng như nàng dễ động tìn quân vô liêm sĩ nên lập tức giở ván sập, xuống khoang ngồi tị nạn. Ở trên Đặng Háo Thắng sắm sẵn khay rượu và lấy hết tiền đi bao cho tá điền là mười lăm cái giấy một trăm đồng để lên khay rượu, tay rót rượu rón rén chun ra khoang trước chờ ghe ăn cướp giao mũi với ghe bầu.

Đặng Háo Thắng tay run lập cập cúi đầu chào ba đứa ăn cướp mà rằng: “Chào quí vị, em nghe danh quí vị đã lâu ngày, nay thật em lấy làm hân hạnh gặp mặt đây, vậy xin cho phép em đam lễ vật qua ra mắt. Nầy là bao nhiêu tiền bạc của em lãnh đi bao cho tá điền làm ruộng, chẳng còn giấu đồng nào.”

Đứa chánh đảng xưng hiệu là Thanh Long tay vuốt râu cá chốt, miệng thì cười gay gắt mà rằng: “Khá khen cho chú nó biết điều, thế mà chú nó giả hình quá,”

Đặng Háo Thắng nói: “Dạ có dám đâu giả hình, xin đại vương xét lại cho em nhờ.”

Thanh Long cười hì hì và nói: “Chú có gặp đại vương đây đem lễ vật cúi đầu xin ra mắt, ấy là sự bất đắc dĩ đó thôi, hà lý phán rằng ‘lấy làm hân hạnh’.”

Nói dứt lời Thanh Long day qua nói với Hắc Hổ và Bạch Xà rằng: “Nhị đệ hãy nhảy qua ghe khán coi thằng giả hình nầy nó nạp tiền là bao nhiêu.”

Hắc Hổ và Bạch Xà đưa huơi siêu, thằng huơi dao nhảy qua ghe lấy xấp giấy bạc lên đếm rồi Hắc Hổ day lại nói với Thanh Long rằng: “Dạ thưa đại ca, lễ vật chẳng có chi khác hơn l;à mười cái giấy một trăm đồng.”

Thanh Long nhướng đôi mày lên nói với Hắc Hổ rằng: “Quí dữ a, nhị đệ hãy thâu.”

Rồi đó Thanh Long lấy một con roi cá đuối liệng qua khoang ghe bầu và nói với Bạch Xà rằng: “Tam đệ hãy lấy roi nện vào đít của thằng khốn đó mười roi, đặng nó đừng có giả hình thốt lời thù phụng, đại vương đây không chịu.”

Bạch Xà nghe dạy thì lượm roi trợn mắt nói với Đặng Háo Thắng rằng: “Nhà ngươi có nghe mấy lời của đại vương ta nói chăng! Vậy hãy nằm xuống cho mau kẻo nhọc lòng ta biểu nữa.”

Đặng Háo Thắng nghe nói tức giận tràn hông nên tự nghĩ rằng: “Ta lỡ lời mà quân nầy nó hiếp đáp ta quá, ninh thọ tử bất ninh thọ nhục, ta đây bất phục. Đã biết rằng ta cượng lý ắt là phải chết. Thôi để ta phân ít lời nữa, nếu như chúng nó không nghe thì ta phải liều sanh tử.”

Đặng Háo Thắng nói: “Thưa đại vương, lời tôi cung kính phân cùng đại vương chớ có đâu gọi là thù phụng giả hình, mà đại vương dạy đánh tôi sửa phạt. Xin đại vương suy xét, đại vương đi đánh nhà ai được dễ như vầy không?”

Thanh Long trợn mắt rồi cười gay gắt và nói rằng: “Cha chả, thằng nầy dám buông lời chữa lỗi, Bạch Xà mi điếc hay câm mà để cho nó dám nói như thế.”

Bạch Xà nghe Thanh Long nói thì tức giận không cùng bèn nhảy tới nhắm ngay mặt Đặng Háo Thắng mà đánh vào một cái rất mạnh. Đặng Háo Thắng có học võ khá khá nên tràn qua và đánh lại, Bạch Xà không đề phòng nên bị đánh trúng chả vai.

Bạch Xà có hơi thẹn bèn cầm siêu vớt tới. Đặng Háo Thắng lẹ như chớp, vừa thấy liền nhảy vào bắt đặng cán siêu quyết đoạt lấy cầm tay mà cự địch, nhưng dè đâu Bạch Xà võ nghệ cao cường, trở bộ rất lẹ, hoành thân đá nghịch vào ngực của Đặng Háo Thắng một đá rất nặng. Đặng Háo Thắng chịu không thấu phải ngã ngửa ra bất tỉnh.

Bạch Xà vừa muốn trở lưỡi siêu chém xuống thì Thanh Long hét lên rằng: “Khoan! Tam đệ hãy dừng tay. Thằng khốn đó bị một đá rất mạnh đã nằm bất tỉnh, mình phải có chí khí anh hùng, đừng xuống tay giết người thất thế. Ta tưởng rằng số tiền nó nạp chẳng đủ, vậy hãy soát lục cùng trong ghe coi nó giấu tiền là bao nhiêu đoạt hết và tha mạng nó.”

Hắc Hổ và Bạch Xà nghe nói thì chun vào mở rương xét áo chẳng gặp một đồng nên trở ra nói với Thanh Long rằng: “Thưa đại ca, chúng tôi kiếm chẳng gặp đồng bạc nào, hẳn thật thằng nầy đã đem nạp cho mình hết đó.”

Thanh Long trợn mắt và nói: “Hai em còn khờ lắm! Sao chẳng giở ván sập mà coi ở dưới khoang ghe, không biết chừng có vật gì quí báu thâu dụng đặng chăng?”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh ở dưới khoang nghe Thanh Long truyền lịnh thì hồn phách tán than rằng: “Trời ôi! Còn chi là phận bìm sắn cát đằng nầy.” Rồi đó hai hàng nước mắt của nàng lai láng tràn trề, nàng nói thầm rằng: “Nếu ta mà lọt vào hổ huyệt thì ta phải hủy mình cho rồi, há tham sanh húy tử mà chịu điều nhơ nhuốc hay sao. Thương một nỗi cùng cha hứa lời sẽ dìu dắt hai em dại lo lắng cho nó nên danh.” Nói rồi nàng khóc ròng.

Hắc Hổ và Bạch Xà vâng lịnh Thanh Long trở vào mui ghe một lần nữa, và kêu bạn chèo vào nói rằng: “Chúng bây hãy giở ván lên cho chúng ta xem xét, đứa nào nghịch mạng thì đầu lìa khỏi cuống họng à!”

Ba đứa chèo ghe nghe nói bỗng sực nhớ đến nàng Đặng Nguyệt Ánh thì thở dài thương xót phận nàng, không rõ có xảy ra việc chẳng lành chăng, thế mà cả thảy đều vâng lời không dám cãi. Khi giở ván gần hết rồi thì nàng Đặng Nguyệt Ánh biết không phương nào ẩn dạng nên rón rén bước lên.

Hắc Hổ và Bạch Xà ngạc nhiên đồng nói rằng: “Cha chả, cái nàng làm sao mà lạ lùng quốc sắc vầy nầy. Nàng khá vâng lời ra mắt đại vương của chúng tôi coi nào.”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh đỏ mắt tía tai nói rằng: “Tôi đây là phận gái có can dự chi với chánh đảng của mấy người mà phải ra mắt. Tiền bạc của tôi đều dưng cho ráo sạch còn chi nữa mà tìm.”

Hắc Hổ bước ra qua ghe Thanh Long nói rằng: “Thưa đại ca, dưới khoang ghe chẳng có vật gì, duy có một nàng con gái tác độ thanh xuân, mày hoa mắt ngọc.”

Thanh Long nói: “Vậy thì em hãy biểu nàng ra cho anh coi mặt thử nào.”

“Dạ, em có biểu nhưng nàng phân rằng nàng là gái chẳng can dự gì phải ra mắt, tiền bạc nàng đã nạp hết, lục xét cũng đủ rõ rồi.”

Thanh Long nghe nói thì cười mà rằng: “Thôi để anh nhảy qua ghe xem nàng cho biết.”

Nói rồi Thanh Long cặp súng nhảy qua ghe bầu. Khi thấy nàng Đặng Nguyệt Ánh thì Thanh Long khen thầm nên nói với nàng rằng: “Duyên kỳ ngộ khiến cho tôi may mắn gặp nàng. Vậy xin hỏi nàng có thuận tình cùng tôi trăm năm kết tóc hay không?”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh nghe nói thì hổ thẹn không cùng nên đáp: “Xin người chớ mong việc bất thành, tôi đây tuy là phận nhược chất, nhưng nỏ sợ việc bất tùng. Tôi vốn là con nhà trâm anh phiệt diệt, há đem ngọc trao vàng chuốt mà gieo bậy dưới bùn hay sao, xin người khá xét. Người chớ thấy nhan sắc của tôi mà ham, người không thấy biết bao nhiêu hàng vương đế vì sắc mà nước đổ thành nghiêng cơ đồ tàn bại. Người phải nghĩ như tôi đây nằn nằn quyết một, dầu cho có chết cũng không thuận tình. Người đời hằng nói ‘Ép dầu ep mỡ, ai nỡ ép duyên’. Việc lương dươn là tự lòng trời sẵn định. Ấy là lời thành thật chớ như tôi đây lâm vào cảnh bế yếu thế nầy, dầu mà phải ép bụng thuận tình thì chẳng qua là diện phục mà tâm bất phục đó. Dầu mà người là tay hung thú đến thế nào há không có một chút trí độ hay sao? Người cũng có lẽ nghe người hằng nói về đàn bà rằng ‘Nhứt dạ sanh bá kế’, thế thì cúi thuận tình có lắm điều can hệ, như tôi mà ép lòng theo thì người chung cùng với tôi khác nào ‘nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà’, khá suy cho đáo để kẻo ngày sau ăn năn đã rất muộn.”

Thanh Long nghe Đặng Nguyệt Ánh phân cạn mấy lời thì ngẩn ngơ dường nửa say nửa tỉnh nên nói thầm rằng: “Cha chả con nầy thật là lợi khẩu, gẫm ra lời nói hữu lý không sai.”

Thanh Long day qua hỏi Hắc Hổ và Bạch Xà rằng: “Sao! Hai em tưởng ra lời của nàng phên đó thể nào??

Hắc Hổ nói: “Đại ca khôn ngoan hơn chúng tôi, đại ca tính lẽ nào, chớ theo ý của em đây bỏ qua dịp nầy uổng lắm.”

Bạch Xà nói: “Em đây cũng một ý như nhị ca, việc nầy mặc tình đại ca liệu định.”

Thanh Long suy nghĩ một chập lâu nhưng cũng nan định, bỗng anh ta nhớ đến câu hát rằng:

Cây suôn đầu nhánh cũng suôn,

Gái khôn trai dỗ thua buồn phải theo.

Thanh LOng gặc đầu và có ý mừng thầm nên nói với Đặng Nguyệt Ánh rằng: “Tôi đà quyết tính cùng nàng kết tóc trăm năm, thế mà nàng có ưng chăng? Nàng có ưng thì hãy bước qua ghe tôi đây, còn không thì tôi đây cũng đủ quyền lực mà làm sao cho nàng phải ưng, dễ đâu cãi đặng.”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh châu mày thở ra mà tự nghĩ rằng: “Ta đã dụng hết lời ngoan lẽ phải, mà quân nầy quyết một bắt ta, ta dãi gì mà chịu phép chúng nó sao? Ờ phải làm sao bây giờ? Có nên liều mình nhảy xuống sông mà chết cho rồi không? – Không, chẳng nên đâu, muốn chết thì giờ nào chết lại không được, vội vã làm gì. Ta lâm nạn như vầy mà lòng trời nỡ để vậy hay sao? Gẫm lại cha ta tích đức làm gì không lưu lại cho con cháu. Lời thánh nhơn nói không lẽ sai lầm. Vậy thời không sớm muộn đây ắt có người đến cứu, nếu như ta vội chết thì sợ bỏ hai em dại không người lo lắng tận tình, vả lại ta có tỏ với cha ta rằng ta bao quản thân gáI, lo làm sao dìu dắt hai em, chớ chú út ta tánh tình bơ thờ, chắc la lo lắng cho hai em ta không nên việc.”

Nghĩ như vậy nàng Đặng Nguyệt Ánh bèn day lại nói với Thanh Long: “Tôi xin chịu phép, vậy hãy để cho tôi giã từ hai em tôi đã,”

Thanh Long cười và nói: “Được, nàng tính như vậy dễ thương quá.”

Đặng Nguyệt Ánh bèn ôm hai đứa em mà khóc òa, hai em thấy chị lâm nạn khóc kể tưng bừng gây nên một trò bi đát. Nàng Đặng Nguyệt Ánh ôm hai đứa em vào lòng vừa nựng nịu vừa hun và nói nhỏ rằng: “Ôi! Có sự gì đau đớn bằng? Hai em ôi! Chị buộc mình phân ly hai em lẽ thì chị phải tự tử trước mặt em, nhưng mà trách nhiệm của chị rất lớn lao, chị phải dằn tâm ‘giả dại qua ải;. Không sớm thì muộn hai em sẽ rõ tình chị đối với hai em thể nào, thôi hai em phải làm như vầy … như vầy … “.

Trối dứt lời nàng Đặng Nguyệt Ánh bèn gạt lệ đứng dậy nói với Thanh Long rằng: “Chẳng cần chi người phải động đến mình tôi, tôi xin vâng lời bước qua ghe, sau rồi mặc tình người làm gì tự ý.”

Thanh Long nói: “Vậy thì may lắm nàng hãy sang ghe cho rồi …”

Đặng Nguyệt Ánh day lại ngó hai em lụy nhỏ ròng ròng rồi ríu ríu bước qua ghe của Thanh Long. Thanh Long, Hắc Hổ và Bạch Xà đồng theo nàng trở qua ghe ra lịnh cho bạn chèo quày trở lại.


error: Content is protected !!