Trung tâm đào tạo kiến trúc và tạo dáng công nghiệp đầu tiên của nước Đức (1919-1933). Năm 1919, Bauhaus được thành lập trên cơ sở hợp nhất Viện Hàn lâm Mỹ thuật với Trường Mỹ nghệ thủ công Weimar, trong đó gồm có Kiến trúc và Mỹ thuật Ứng dụng. Người sáng lập ra Bauhaus là kiến trúc sư Walter Gropiux. Ông là người đề xuất và thử nghiệm một mô hình đào tạo kết hợp kiến trúc với nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật thủ công trong sáng tạo nghệ thuật với phương châm ”Nghệ thuật và Kỹ thuật hợp thành sự thốn nhất mới”. Mục tiêu cơ bản của Bauhaus là: gắn liền đào tạo với thực tế, nhà trường gắn với sản xuất và xã hội; giáo dục tinh thần hợp tác trong lao động nghệ thuật; coi trọng và phát huy tính chủ động sáng tạo. Trên cơ sở đó, Bauhaus đã gây được ảnh hưởng mạnh mẽ trong quá trình phát triển ngành kiến trúc và tạo dáng công nghiệp tiến bộ trên thế giới.Ảnh hưởng này được thể hiện chủ yếu qua các xu hướng sau đây:
- Sự tiếp thu và nắm vững kỹ thuật hiện đại;
- Nắm vững những kiến thức cơ sở nghề nghiệp và mối quan hệ chặt chẽ với thực tế;
- Tính hợp lý, nghiêm khắc tập trung vào những vấn đề cơ bản và hệ thống của quá trình đào tạo;
- Tính tổng hợp của quá trình đào tạo chuyên ngành và trình độ văn hóa nghệ thuật của người nghệ sĩ.
Do tình hình chính trị của nước Đức, Bauhhaus đã trải qua các thời kỳ lịch sử như sau
- Năm 1919: thành lập ở Weimar,
- Năm 1925: chuyển tới Dessau,
- Năm 1932: chuyển tới Berlin,
- Tháng 7-1933: do sự ngăn cấm của Chủ nghĩa Phát-xit Đức, Bauhaus tuyên bố ngừng hoạt động.
Bên cạnh đóng góp to lớn cho sự hình thành và phát triển Bauhaus của Gropiux, còn có Hannes Mayer và Mies Van der Rohe. Ngoài ra, còn có những cộng tác viên nổi tiếng như Feininger, Paul Klee, Oskar Schiemmer, Kandinsky.