(Đăng ngày 16-05-1929)
Singapour đi ra được hai ngày, hôm ấy trời thanh gió mát, mặt biển phẳng lặng như tờ, em và cô Cúc Tử đi đi lại lại trên sân tàu, cùng nhau nói chuyện rất là đầm thắm vui vẻ. Cổ thuật cho em nghe nhiều chuyện thuộc về vấn đề gia đình xã hội và vấn đề giáo dục của nước Nhựt từ khi cải cách duy tân tới giờ, mỗi điều là mỗi thấy cổ là người học rộng nghĩ xa lắm. Cổ có thuật cho em nghe về việc giáo dục nhi đồng ở bên Nhựt, khiến cho em nhớ hoài, và khi nào nhớ đến, là thấy chua xót ở trong lòng.
Cổ nói rằng:
– Dân tộc chúng tôi là một dân tộc có tinh thần yêu nước hơn hết thảy các dân tộc trong thế giới. Cái tinh thần ấy, từ xưa đến nay, vẫn có như vậy, người nào cũng biết yêu nước đến cực điểm, là nhờ sự dạy dỗ ngay từ hồi còn nhỏ. Thiệt vậy, đứa nhi đồng đi học, bao giờ cũng thuộc lòng mấy câu luân lý nầy, tức là cái mực thước để làm người:
Em thương ai hơn hết?
Tôi thương cha mẹ, là vì cha mẹ có công sanh dục tôi.
Em còn thương ai hơn nữa?
Tôi thương thầy học, vì thầy học dạy dỗ cho tôi nên người.
Em còn thương ai hơn nữa?
Tôi thương nước Nhựt Bổn là tổ quốc của tôi, sau tôi lớn, dầu đem tánh mạng trả đền cho nước, tôi cũng không từ.
Đứa con nhỏ, từ hồi còn đầu xanh miệng sữa, mà đã đào luyện cho nó như thế, làm gì ngày sau nó lớn lên, lại chẳng biết sống chết với nước. Cũng nhờ có cái tinh thần ấy, mà hồi thế kỷ thứ 18 và 19, bọn cố đạo và người Âu châu tuy là có cái âm mưu định nuốt sống nước Nhựt tôi, mà họ làm không được. Trận Nhựt – Nga chiến tranh hồi đầu thế kỷ nầy, mà nước tôi chiến thắng nước Nga, một cách dễ dàng và oanh liệt, cũng chỉ nhờ có cái tinh thần yêu nước rất là hăng hái. Khi Thiên hoàng vừa mới hạ lịnh khai chiến với Nga, thì khắp trong nước, chúng thứ nhơn dân đều nhảy múa vui mừng, cho sự đánh nhau với nước ngoài để binh vực nước mình lá một việc rất khoái, biết bao nhiêu người tình nghuyện ra tòng quân; đến đỗi có người vì yếu đuối, không trúng tuyển, thì bực mình, tự vận mà chết. Lòng người hăng hái lạ thường như vậy, cho nên trước khi giao chiến cùng quân Nga, thì ông Nãi Mộc tướng quân đã quyết chắc là nước Nhựt đại thắng rồi.
Em nghe câu chuyện ấy mà sửng sốt, cảm động không cùng, hình như lúc bấy giờ, trong trái tim có tuôn ra nước mắt. Nghĩ lại ngày thường ở nhà, thân phụ em có kể lại cho nghe cách thức học của ta ngày trước, học sử tàu gần ba chục cuốn thì đọc thuộc lòng từ đầu đến đuôi, còn sử nước mình thì không mấy ai chịu để tâm tới, vì rằng trong lúc thi cử, nhà vua không có hỏi đến Nam sử bao nhiêu. Hèn gì người mình kém về tinh thần ái quốc, từ khi có lịch sử tới giờ, chen lộn biết bao nhiêu là trương mất quyền mất đất. Nghĩ lại mà giận. lại thấy cái chế độ học mới bây giờ, đứa con nhỏ ngồi ở đầu ghế nhà trường, nhìn tổ mình là người Gaulois, thì không biết sao mà nói nữa.
Trong khi đương nói chuyện, thì người anh của em ở đầu kia đi lại, tay cầm miếng giấy xanh, giơ cho em và nói ba biểu đưa cho em coi. Đưa rồi đi liền. Em thấy miếng giấy biết ngay là cái dây thép, liền bắt giựt mình, hay là ở nhà có chuyện gì trọng hệ, mà gởi dây thép báo tin. Khi mở ra coi, té ra chú em ở Saigon đánh vô tuyến điện theo, báo tin cho ba em biết rằng hồi 6 giờ chiều bữa 24 Mars, cụ Phan Châu Tring đã tạ thế, và người trong nước làm lễ quốc táng rất là trọng thể. Em được tin ấy, lấy làm bùi ngùi trong dạ, thương tiếc một nhà chí sĩ từ lúc đầu xanh cho đến khi tóc bạc, bôn tẩu việc nước mà chưa thành công gì, đành ôm chí hướng và hoài bão của mình đi, lưu lại cái thanh danh bất tử.
Đàn bà là giống nhiều tình cảm, hễ trong lòng có suy nghĩ buồn rầu sự chi, là hiện ngay ra sắc mặt. Cô Cúc Tử ngó thấy, tưởng là em có chuyện gia biến gì, liền hỏi em:
– Cô tiếp được tin buồn gì chăng?
Em đưa cái dây thép cho cô coi và nói rằng:
– Đây là tin buồn một nhà chí sĩ ở nước tôi mới qua đời. Nhà chí sĩ ấy, hai chục năm về trước, có sang xem xét về sự tiến bộ duy tân của quý quốc, sau về hô hào trong nước, rồi bị tù bị tội, đến nỗi lưu lạc ở bên Pháp hơn mười năm trời, mới về nước được hơn năm nay thì mất.
Cổ nói:
– Phải, một nhà chí sĩ là một thứ bông thơm cỏ quý cho một dân tộc, hễ vườn có nhiều bông thơm cỏ quý thì là vườn đẹp, dân tộc nào có nhiều nhà chí sĩ thì là dân tộc hơn người. Nước Nhựt chúng tôi trong hồi duy tân cải cách thiệt có nhờ nhiều nhà chí sĩ đem tư tưởng và tánh mạng ra hô hào cổ động một cách hăng hái lắm, mới có được như ngày nay.
Chúng tôi nói chuyện chán rồi coi sách; sẵn có bộ sách Les Travailleurs de la mer của Victor Hugo, em đem ra đó, cô Cúc Tử cầm một cuốn, ngồi xuống ghế đọc. Trong khi ấy có xảy ra một chuyện tức cười, em nhớ hoài, và cũng nhờ đó mà em hiểu cái tinh thần của người Nhựt thêm ra một chút nữa.
Có một bà đầm cũng còn ít tuổi, đi ngang qua, thấy chúng tôi đọc sách chơi, thì đứng lại mà ngó. Cô Cúc Tử đương ham đọc cho nên không để ý tới, em thấy bà đầm nầy đứng vòng tay hai bên sườn, đầu nghiêng một bên, miệng cười một cách khó chịu, hình như có ý nói thầm trong bụng rằng: “Mấy con nhỏ nầy biết gì mà đọc sách với vở.”
Anh chồng đi kiếm vợ, tới đó, thấy vợ đứng ngó thì cũng đứng lại mà ngó, bộ mặt cũng tỏ ra cái vẻ khả ố như vợ vậy. Thiệt là ông tơ khéo se, vợ nào thì chồng nấy!
Vừa khi cô Cúc Tử ngó lên, thì bà đầm kia hỏi ngay rằng:
– Que’est ce que tu lis?
Em nghe nói là trong lòng đã nổi nóng rồi, vì theo phép lịch sự của người Âu châu, mà cho tới dân tộc nào cũng vậy, chưa quen biết nhau mà gọi nhau bằng mầy tao là một cách vô phép, khinh bạc. Chỉ có con nhà vô giáo dục thì mới không biết điều đó mà thôi. Em đề chắc trong bụng sao cô Cúc Tử cũng gây lộn với mụ nầy, chớ không quen biết người ta, sao dám vô lễ như vậy. Không dè cách thức của cổ đối phó, lại ra ngoài sự suy nghĩa của em nhiều quá. Cổ cười chúm chiếm và trã lời rất có phép tắc:
– Thưa bà, tôi đọc cái cuốn sách đặng học cho biết lễ phép của người Lang sa.
Câu trả lời đau đớn hết sức, làm hình như sét đánh ở ngang tai em. Chắc hẳn bà đầm biết là tụi nầy khó chơi, bộ mặt hồi nãy tỏ ra kiêu ngạo bao nhiêu, thì bây giờ thấy bộ mắc cở chừng nấy, liền dắt tay chồng đi mất, chẳng nói chẳng rằng gì cả. Rồi cô Cúc Tử cũng thôi, chớ không cùng em nói về chuyện ấy gì hết, coi hình như là nó không xảy ra.
Em nghĩ thiệt lấy làm lạ. Nếu như người khác ở địa vị nầy, bị người không quen biết kêu mình bằng mầy tao, thì một là làm thinh chịu nhục, hai là gây lộn tới nơi, trong hai điều ấy không sao tránh khỏi được một. Vậy mà đường nầy, nó khác hẳn, không làm thinh, không gây lộn, lại còn tươi cười vui vẻ, thưa trình hẳn hòi; cái “cười” đó mới thiệt là thâm trầm khó hiểu vậy.
Hồi trước, em có đọc cuốn sách của người Hồng Mao, từng làm giáo sư trường Đế quốc Đại học ở Đông Kinh, tên là Lafcadio Hearn, nói về phong tục của Nhựt Bổn, có đoạn nghiên cứu về cái “cười” của người Nhựt Bổn, nếu người nào không biết thì cho là họ cười như vậy là khinh bạc là vô tình, hay là chịu nhục, nhưng mà kỳ thiệt là nó có ý nghĩa sâu xa lắm. Những cái “cười” ấy, tức là cái cười mà ngày hôm nay em thấy đây.
Vợ chồng người Tây kia, tuy em không quen, nhưng mà em biết, vẫn ở Saigon, hình như chồng làm quan gì đó, cách cử chỉ theo lối thuộc địa đã in sâu vào trong óc rồi, quen làm phách, động ai cũng mầy tao rồi. Nay đi tàu gặp chúng tôi, tưởng đều là con gái Annam, cho nên lại đem cái lối ăn nói cũ ra, không dè học được một bài học rất là xứng đáng. Em nghĩ thầm trong bụng: “Vậy mới biết thân!”.