Phần 04

 (Đăng ngày 30-05-1929)

Hồ chiều hôm qua, biển lại có sóng, tàu lúc lắc khó chịu lắm. Thứ sóng nầy làm cho người ta nhức đầu chóng mặt hơn là thứ sóng ào ào mặt nước. Những người đi biển đã quen, nói rằng đó là thứ sóng “lừng”. Trời vẫn im gió, mặt nước vẫn bằng, nhưng mà có sóng ở lưng chừng dưới biển, thỉnh thoảng nó nhồi cái tàu lên, rồi lại nhận xuống, thứ sóng ấy dầu cho người quen sóng đến đâu cũng phải cháng váng.

Em mới đi ra biển lần thứ nhứt, đã quen với sóng gió gì đâu, thành ra lúc nào có sóng, người ta cháng váng chút đỉnh thì em đã bị say nhào đầu rồi. Chiều hôm ấy lại nằm bết trong phòng không ăn uống gì được. Say quá rồi ngủ thiếp đi, sáng ngày dậy đã thấy biển lặng trời thanh như trước rồi; trong mình lại thấy khoan khoái dễ chịu. Khi ra ngồi bàn ăn lót lòng, cô Cúc Tử thấy em, liền cười mà nói rằng:

– Trời ơi! Hồi hôm tôi thấy cô say sóng mê mệt, thành ra tôi để cho cô ngủ yên. Khi tối đây có xảy ra một chuyện hay lắm mà tôi không muốn kêu cô dậy mà làm gì.

Em hỏi chuyện gì mà hay, thì cô nói hồi hôm vào khoảng chín giờ, mười lăm người hành khách cùng ngồi trong phòng âm nhạc, kẻ thì gảy đờn, người thì đọc báo chơi. Có cả cổ cũng ngồi vào trong đó. Có một người … ngồi gần chỗ cổ, cũng đương đọc báo, tự nhiên cháng váng mặt mày, ngả gục xuống ghế, nước miếng trào cả ra. Cổ thất kinh la cứu, tưởng là người ấy trúng phong; mọi người chạy lại vực người ấy lên, lật đật đi kêu thầy thuốc ở trong tàu tới. Thầy thuốc tới liền lấy nước dấp vào mặt, rồi chích cho một mũi thuốc, thì người ấy tỉnh lại, nhưng coi bộ mêt nhọc lắm. Ai nấy xúm lại hỏi căn do làm sao thì người ấy nói giọng khò khè rằng:

– Tôi thì thiệt rằng chẳng phải tôi trúng phong gì hết. Tôi ở thuộc địa mười mấy năm, phải bịnh ghiền á phiện rất nặng. Nay đi về Tây, nếu đem thuốc về thì không đặng, còn nhịn thì tôi nhịn mấy bữa nay, chịu không nổi. Nhịn thét rồi bữa nay cơn ghiền lên mạnh quá, tôi phải té xỉu xuống đó. Than ôi! Tôi biết nó là thứ thuốc độc mà tôi còn mắc vào. Tội nghiệp cho tôi quá …

Có người … khác vỗ vào vai người ấy nói rằng:

– … Thì đi xuống dưới bót của người Thượng Hải kia kìa, thiếu gì thuốc phiện. Đi, bọn mình đi kéo vài hơi.

Rồi hai người dắt nhau đi.

Câu chuyện ấy, có lẽ cô Cúc Tử lấy làm hay làm lạ, một lẽ là ở nước Nhựt ngày nay, nhà nước nghiêm cấm dân gian không cho ai trúng cái độc ấy; hai lẽ là có khi cổ yên trí rằng tự người Âu châu đem “của quý” ấy sang làm mờ khói cả người phương Đông, thì chắc là tự học không bao giời mắc phải, bởi vậy cho nên thấy chuyện đó xảy ra thì cổ cũng lấy làm kinh hoàng như là thấy bên Nhựt Bổn động đất vậy, chớ tự em thì không thấy lạ gì; em chỉ nghĩ tới câu triết ngôn của thánh hiền phương Đông nói “xuất hồ nhĩ, phản hồ nhĩ” mà thôi.

Cô Cúc Tử lại còn hỏi em:

– Vậy chớ bên nước cô được tự do hút và tự do uống rượu phải không?

Em đáp:

– Phải, chúng tôi còn c1o cái đó …, cô chưa sang nước tôi, thành ra chưa biết đó thôi …

Cô nghe tôi nói vậy thì cười mà đáp rằng:

– Bên nước tôi thì trái lại; …

Cô bèn thuật chuyện cho tôi nghe rằng người phương Đông ta bây giờ biết hút á phiện, thật là nhờ người Âu châu, chớ từ giữa thế kỷ 19 trở về trước, mình tuy dã man mặc lòng, mà đâu có trúng phải cái độc ấy. Người truyền bá trước hết là người Hồng Mao.

Hồi đó họ cũng muốn đem vào nước Nhựt, nhưng bị người Nhựt cự tuyệt dữ lắm. Người Nhựt chỉ hoan nghinh cái văn minh phương Tây đem tới, mà cấm cửa thứ thuốc độc kia không cho vào. Đến nay chánh phủ có luật cấm nặng lắm, ai hút là phạm phải trọng tội, cũng như tội giết người, và bị người trong nước khinh bỉ chê cười lắm. Cũng là nhờ vì nước Nhựt hùng cường cho nên mới chống cự được với thuốc phiện, còn như ai yếu đuối, thì người Âu châu họ nhét vào cổ, lại còn khuyến khích cho là khác nữa.

Chứng cớ là hồi cuối thế kỷ trước, người Hồng Mao đem thuốc phiện sang Tàu, bị Tổng đốc Lưỡng Quảng là Lâm Tắc Từ đốt hết, mà sanh ra trân “Nha phiến chiến tranh”, kết quả là nước Tàu thua, mà thuốc phiện đắc thắng …

* * *

Anh ba của em lại kêu, nói rằng bữa sáng nầy xuống “bót” của bồi, ăn cơm Annam, ba biểu như vậy. Chúng tôi năm ngày rày ăn cơm Tây hoài, cũng thèm những hương vị của mình lắm, cho nên hôm nay muốn ăn …(bị nhòe)… luôn dịp để coi cho …(bị nhòe)… “bót” bồi ra làm sao.

Gọi là “bót” bồi theo tiếng Tây Poste des Boyn phân cho người mình và người Tàu ở. Nó coi như cái ổ chui ra vào, trong lòng nó lớn hơn căn nhà của mình mướn ba chục người ở đây một chút, mà chứa đến bốn năm chục người, lại ở dưới hầm tàu, cho nên hơi hám khó chịu, đồ đạc ngổn ngang, thật không vệ sanh một chút nào hết. Còn chỗ nằm của mấy người … mạch lô trong tàu, thì người ta thuật chuyện rằng khô ráo sạch sẻ, mỗi người một giường, coi tử tế lắm. Song người ta lại nói rằng chỗ ăn nằm của mình bây giờ như vậy là tự mình: trước kia họ cũng làm mỗi người nằm riêng một chỗ như Tây, song về sau có mấy ông Tàu xuống, mới xin phá đi, mà đóng ván kéo dài như ngày nay để nằm cho tiện. Cái nguyên nhơn mất vệ sanh là ở chỗ đó. Mấy ông Tàu thôi thì dơ dáy cẩu thả hết hồn, lại bày mâm hút la liệt, như ở mấy tiệm Saigon vậy. Hồi hôm, hai ông Tây rủ nhau đi hút, chắc hẳn là xuống đây. Còn cái khu riêng cho người mình, thì coi ra cũng có ngăn nắp và sạch sẻ.

Người mình đi làm bồi tàu nhiều lắm, mà hầu hết là anh em người Bắc, có một vài người trong Nam mình, là một sự rất hiếm có. Chuyến tàu tôi đi, có tới ba chục người mình làm. Nghe nói tàu nào cũng có, ít lắm là mười người, mà đường nào cũng có, cho tới những đường biển vượt Đại Tây Dương qua Bắc Mỹ, cũng có người mình làm. Anh em đồng bào Bắc ta, vì kế sanh hoạt, thành ra chịu khó phiên linh như vậy, thật là một điều hay.

 Người nấu cơm cho chúng tôi ăn bữa nay, là người nấu bếp riêng cho anh em làm bồi dưới tàu. Ta và người Tàu làm ở các tàu chạy biển, đều ăn theo đồ ăn của mình; tàu phát gạo và thịt, cho nấu riêng mà ăn với nhau. Nhờ có bữa ăn ấy, mà em biết rõ là cái tình cảnh của anh em bồi tàu của mình đáng thương lắm.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!