Vì sắc, chú Trương toan chước quỉ,
Bởi mưa, nàng Ái bị mưu gian.
Việc Vương Thế Trân theo tàu người Anh Quấc mà qua Mã Cao thì còn lâu.
Đây nói về Nhan tiểu thơ ở nơi nhà với dì thì cứ chuyên nghề tằm tơ với ươm dệt, dì cháu nuôi nhau qua ngày đã đặng bốn tháng có dư. Ngày kia vừa xế qua, trời vùng mưa lớn, dì cháu lật đật chạy ra vần lu mà hứng nước. Vần vừa rồi muốn bước vô khép cửa lại thì có một người ở đâu không biết, vì mắc mưa nên xán xả vào xin đụt.
Người ấy diện mạo khôi ngô, áo khăn đẹp đẽ, tuổi lối ba mươi coi có khí tượng nho gia. Người dì Nhan tiểu thơ thấy vậy trải chiếu mời ngồi, lại đem nước trà bảo uống vào chén kẻo lạnh rồi hỏi:
– Vậy chớ chẳng hay cậu là người chi, coi bộ chẳng phải người ở trong xứ nầy, đi đâu phải bị mưa gió như vậy.
Người ấy liền đáp rằng:
– Tôi tên Trương Bá Vạn nhà cự phú ở Định Tường. Nhơn có một đứa gia dịch của tôi nó trốn, lấy hết hai trăm nén bạc. Nay nghe tin nó về ngụ trong xóm nầy, vì nó có bà con bên vợ nó ở đây, cho nên tôi mới đến mà tầm kiếm nó.
Nguyên Trương Bá Vạn nầy là một tay phong tình đệ nhứt cho nên lúc nói chuyện thì lom lom mắt ngó Nhan tiểu thơ hoài. Nhan tiểu thơ biết ý liền bước vào trong buồng mà ngồi.
Trương Bá Vạn, nhà cự phú ở Định Tường
Trương Bá Vạn thấy vậy thì biết là người có nết, lại càng thêm thầm yêu trộm mến hơn nữa, bèn ướm thử bà già rằng:
– Chẳng hay nhà dì ở đây có mua bán chi chăng, còn dượng ở nhà đâu vắng hé?
Bà già liền nói rằng:
– Người đờn ông tôi khuất đã lâu rồi, còn có một mình tôi mà thôi; mấy tháng nay mới nhờ có con cháu, chồng nó đem gởi nơi đây thì mới có bạn hủ hỉ với già. Hai dì cháu tôi có một nghề ươm dệt mà thôi chớ không có buôn bán chi hết.
Trương Bá Vạn thấy vậy thì hỏi phẳng rằng:
– Chẳng hay chồng cô em ở nhà đi đâu thế khi xa lắm sao mà phải đem gời cô em như vậy?
Bà già nói:
– Đời nầy là đời ly loạn, đờn ông con trai là chí tang bồng, biết đi đâu mà phòng nói.
Nghe như vậy thì biết chồng Nhan tiểu thơ chẳng phải mau về đặng, cho nên Trương Bá Vạn liền cười mà nói rằng:
– Đời người dễ có mấy lần xuân mà cô em kiên tâm thủ tiết như vậy thật cũng đáng khen lắm đó. Vả lại người đi cũng chẳng hẹn ngày về, phần thì nhà thiếu trước hụt sau, phận hồng nhan má phấn mà phải lăn lóc lo cho qua ngày tháng với đời, thế khí cũng buồn lắm hé?
Nhan tiểu thơ giả điếc làm ngơ cứ ở trong buồng chẳng thèm nói chi cả. bà già thấy nói vậy thì trả lời rằng:
– Cậu nói cũng phải, song mỗi người phải thủ phận an mạng chớ biết sao bây giờ.
Trương Bá Vạn mới tự tư trong bụng rằng: “Con nầy thiệt coi có hạnh, dẫu cho mình có đem hết bình sanh cái sở trường của mình mà dụng cam ngôn mỹ từ cho mấy cũng khó xiêu cho đặng. Song bà già nầy nếu dụng tiền tài mà câu bả, chắc bả phải ép nó chớ chẳng không?”
Nghĩ như vậy liền lấy ra ba bốn nén bạc, đưa cho bà già một nén nói rằng:
– Thưa dì, nãy giờ nếu chẳng có nhà dì thì cháu ắt phải bị ướt lạnh rồi, cho nên ơn ấy chẳng biết lấy chi mà báo đáp, phần thì giữa đường sá cho nên xin dì nhận lấy của mọn nầy mà uống trà. Ấy là tỏ chút tình cảm mến của cháu vậy. Còn ba nén nầy xin dì trao lại cho cô em, nói rằng tôi thấy duyên phận cô như vậy rất nên động tình, tôi xin dưng của nầy cho cô mà làm của tặng cho rõ lòng trinh bạch của cô, xin chớ từ.
Bà già thấy bốn nén bạc thì chóa con mắt cho nên chưa biết trả lời làm sao. Nhan tiểu thơ thấy vậy phải bước ra lên tiếng nói rằng:
– Xin lỗi quan nhơn, những việc quan nhơn làm nãy giờ ấy e trái đạo lý lắm chăng, xin quan nhơn hãy kỹ xét?
Trương Bá Vạn liền hỏi rằng:
– Sao gọi rằng trái đạo lý xin nói cho tôi rõ?
Nhan tiểu thơ liền nói:
– Vả quan nhơn chẳng là đờn ông, còn nhà tôi đây thì tinh những đờn bà, quan nhơn há chẳng biết câu nam nữ thọ thọ bất thân sao? Thôi quan nhơn có rủi bị mưa vộ đụt nhờ thì tạnh mưa rồi cứ đi, mình là đờn ông há đi tọc mạch mà gạn hỏi việc gia tình của người mà chi, rồi lại cho tiền cho bạc mà làm gì; ơn cho đụt mưa có chi mà đến đỗi lấy bạc mà tạ. Còn phận làm đờn bà thì phải lấy chữ tring làm trọng. Mà những việc tôi làm ấy cũng chẳng lấy chi làm lạ mà sao cho đến lấy bạc mà tặng. Nếu nay quan nhơn cho, rồi dìa cháu tôi lại thọ lãnh, thì người cho và người chịu của cho há chẳng để xấu muôn năm sao?
Trương Bá Vạn liền cười dài một tiếng rồi nói rằng:
– Hèn chi người ta cho đờn bà là quần vận yếm mang, lời thưa trí cạn phải mà! Thật chỗ thấy biết cô em còn cạn hẹp quá. Tôi tạ ơn đụt mưa ấy là phải lắm đó. Vì nếu cô em tính theo thường nhơn thì thiệt là chẳng đáng mà tạ ơn cho đáng một nén, song nếu mình là vạn lượng chi thân, mà đem một nén bạc tạ ơn khỏi ướt vóc ngàn vàng, có phải là bậy sao? Có phải là quấy sao? Còn việc tôi tặng cô em đó là vì tôi đương thiếu người sửa trắp ..”
Nói tới đó, Trương Bá Vạn ngừng lại đặng ngó chừng khí sắc của Nhan tiểu thơ coi mừng giận thể nào, thì thấy Nhan tiểu thơ đà có sắc giận. Trương Bá Vạn liền nói thêm nữa rằng:
– Song tôi có chí ước ao cho đặng một người hiền đức …
Đến đây lại ngừng nữa. Nhan tiểu thơ tức giận hết sức nín đà không đặng liền mắng lớn rằng:
– Chú nầy thật vô lễ quá, tôi là gái có chồng sao chú dám nói cái gì lạ vậy?
Trương Bá Vạn chẳng nao núng chút nào cười chúm chím nói lại như vầy:
– Cô em sao nóng lắm vậy, cái giận của cô em xin đình lại cho tôi nói hết, rồi lát nữa như có quấy thì sẽ giận lại mắc đi đâu sao mà vội lắm vậy. Cô em há chăng nghe có câu rằng: Khinh thinh phát ngôn yên trí phi nhơn tiềm tố sao? Nghĩa là nghe qua vụt nói đâu biết người phải quấy. Sao không cho tôi nói dứt lời rồi, như có quấy thì dẫu có mắng hay là chưởi tôi cũng chẳng phiền, vậy xin cho tôi nói cho hết. Thuở xưa có một vị vương gia nghe rằng xứ nọ có con thiên lý mã khiến người đến xứ ấy mà mua, chẳng may người ấy vừa đến nơi thì con thiên lý mã đã thác, người ấy liền mua lấy cái cốt con thiên lý mã mà đem về. Khi về vua quở trách hỏi “Làm gì lạ vậy?”. Người ấy mới tâu rằng: “Vả trong thiên hạ ắt có con thiên lý mã khác chớ chẳng không song ai biết rằng mình có lòng chuộng mà phòng đem đến. Bởi ấy mình mua cái cốt con thiên lý mã là có ý tỏ cho thiên hạ rõ rằng: Mình có dạ yêu con thiên lý mã cho đến đỗi cái cốt nó mà còn dám đam tiền ngàn mà mua thay. Nghe vậy thì thiên hạ ai có thiên lý mã lại chẳng muốn đam đến mà bán hay sao?” Ấy cho nên, tôi nay nhà thiếu người sửa trắp mà lại muốn chọn cho đặng bực tài đức. Nay gặp người tài đức đã biết người tuy có chồng song làm như thế là có ý tỏ cho thiên hạ biết rằng: Tôi hết lòng mến cái người tài đứa vậy, thì những người tài đức trong thiên hạ há chẳng muốn về mà sửa trắp nưng khăn cho tôi sao? Vả lại đất Nam kỳ ta có lời cổ ngữ rằng: San bất cao, thủy bất thâm, nam đa trá nữ đa dâm; nghĩa là núi chẳng cao, nước chẳng sâu, trai hay dối, gái nhiều dâm. Mà nay thấy đặng người trinh bạc dường thế lại chẳng đáng tặng đặng mà làm gương cho Nam kỳ ta hầu cho thuần phong mỹ tục sao? Ấy đó cô em hãy kỹ xét coi việc tôi làm, lời tôi nói nãy giờ có phân tấc nào sai quấy không?
Nhan Khả Ái thấy vậy thì lắc đầu mà nói rằng:
– Những lời ấy đều là cưỡng từ đoạt lý mà thôi. Tuy cậu nói thì cậu gọi nghe xuôi nhưng mà tai tôi nghe thì nghe nhiều chỗ trái, xin cậu hãy lấy lại mấy nén bạc ấy và đi lo việc mình cho xong kẻo để e cho trễ việc mình mà chẳng ích chi cả. Tôi nói thiệt chừng nào mà mặt trời mọc ngược nơi hướng tây tôi mới xiêu theo giọng kèn tiếng quyển, chớ mặt trời còn mọc hướng đông thì đừng mong mơ tưởng.
Nói bấy nhiêu đoạn bước vào trong chẳng thèm ra nữa.
Trương Bá Vạn thấy vậy thì biết con nầy lòng gang dạ sắt chẳng dễ mà đặng đâu. Thôi để ta kiếm nhà gần đây ở một ít ngày rồi sẽ lập kế mà ép hắn thì mới đặng cho. Như vậy bèn lấy bốn nén bạc từ giã bà già mà đi.