Là loại tranh để ở nơi công cộng có đông người qua lại, có nội dung thông báo, cổ động hay quảng cáo. Áp phích có nhiều khuôn khổ, kích cỡ được in hoặc vẽ trên giấy, gỗ, vải, kim loại, … Một tổ chức, một cơ quan nhà nước đều có thể sử dụng áp phích cho mục đích hoạt động của mình. Những tên gọi khác tương đương là: bích chương, tranh cổ động, tranh quảng cáo, …
Để cụ thể hóa hơn nữa thuật ngữ áp phích, ở châu Âu, người ta phân biệt áp phích chính trị với áp phíc quảng cáo. Ngoài việc dùng trong quảng cáo thương mại, áp phích còn được sử dụng nhiều và rộng rãi trong các lĩnh vực chính trị, xã hội như một thứ công cụ lợi hại. Trong các cuộc cách mạng xã hội, áp phích động viên nhân dân tham gia chiến đấu và xây dựng cuộc sống mới có kết quả rõ rệt.
So với các loại hình mỹ thuật khác (như tranh tường, tranh giá vẽ, tranh sinh hoạt, …), áp phích khi dùng vào nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động chính trị có tác dụng kịp thời hơn, cụ thể hơn, trực diện hơn. Áp phích phải được tạo nên bởi những ý tưởng có nội dung cô đọng, gây được ấn tượng mạnh mẽ thông qua những hình ảnh độc đáo và các khẩu hiệu, câu chữ ngắn gọn, súc tích, đồng thời phải thu hút người xem và gợi được ý muốn hành động. Có loại áp phích chỉ dùng toàn chữ nhưng được bố cục thành những mảng chữ đẹp, độc đáo và hấp dẫn.
Các họa sĩ thường vận dụng nhiều lối vẽ đồ họa có hiệu quả nhất để làm tranh áp phích, kể cả dùng ảnh hoặc ghép ảnh với hình vẽ. Bằng những mảng màu lớn, thu hút người xem từ xa, họa sĩ áp phích có thể làm thay đổi các mảng tường treo áp phích, làm những nơi có tranh trở nên tươi vui hơn.
Áp phích là loại hình nghệ thuật độc đáo và gần gũi với đời sống nhân dân. Nó có giá trị tuyên truyền, cổ động cao trong xã hội. Mỗi nước đều có những phong cách làm tranh áp phích độc đáo riêng.