Tổng thể
Tỉnh Vĩnh Long nằm phía Tây Nam Bộ, bên dòng sông Cổ Chiên (nhánh của sông Cửu Long).
Ranh giới tỉnh có:
– Đông Giáp Mỹ Tho
– Nam giáp Cần Thơ và Trà Vinh
– Tây giáp Sa Đéc.
Tỉnh Vĩnh Long có diên tích khoảng 1.166 km vuông, tương đương 116.600 ha; trong đó 86.000 ha dành cho ruộng lúa, còn lại phần lớn là vườn tược, đất thổ cư.
Từ tỉnh lỵ đến Sài Gòn là 130 km. Cảnh quan thấp lè tè, không đồi núi thậm chí không giồng đất nào đáng kể. Vĩnh Long là vùng đất phù sa tiêu biểu.
Lịch sử
Đầu năm 1859, Pháp đánh thành Gia Định (Sài Gòn) rồi đánh chiếm lũy Chí Hòa đầu năm 1861. Triều đình Huế ký Hòa ước năm 1862, công nhận giao 3 tỉnh Miền Đông Nam Bộ cho Pháp.
Những người không chịu sống với Pháp thì tản cư qua 3 tỉnh miền Tây, do triều đình kiểm soát. Bấy giờ Vĩnh Long mặc nhiên là vị trí hàng đầu của Nam Kỳ mà triều đình Huế còn nắm quyền.
Nhưng Pháp cương quyết chiếm trọn Nam Kỳ, thông báo cho các tướng lãnh về ý đồ ấy. Các chiến thuyền tập hợp đến Mỹ Tho rồi ngày 19-06-1867, hừng sáng, quân đội Pháp lợi dụng lúc trên sông còn sương mù, kéo đến trước thành Vĩnh Long.
Phan Thanh Giản lãnh trách nhiệm giữ thành này; bị tấn công bất ngờ, ông thử tìm cách điều đình, nhưng Pháp mời ông xuống tàu để bàn bạc rồi thừa cơ cho lính đổ bộ.
Vĩnh Long mất, Pháp hứa để dân chúng được sống yên ổn. Cảm thấy không làm tròn phận sự đã được giao phó, Phan Thanh Giản tự xử bằng cách uống thước độc, căn dặn con cái không được làm quan cho Pháp. Linh cữu của ông được đưa về quê nhà ở xã Bảo Thạnh, quận Ba Tri (Bến Tre).
Nói đến Vĩnh Long, người Pháp chỉ nhắc đến cái ấn tượng khó phai mờ về Phan Thanh Giản.