Tình khờ – Hai mươi lăm

“Ai đó?”

“Em đây mà.” Cánh cửa mở toang “rầm” một cái, một bóng đen to lớn như gấu lao vào phòng từ trong bóng tối. Cởi chiếc khăn choàng đen rồi vứt sang một bên, một thiếu phụ Tây dương trong bộ váy lụa crepe Pháp màu lam nhạt đứng trân trân. Cánh tay và vai nàng lộ ra trắng toát như hồ ly tinh. Quanh phần gáy căng mịn, nàng đeo một chuỗi hạt pha lê lấp lánh như cầu vồng; bên dưới cái mũ nhung đen kéo thấp ngang mắt, chỏm mũi và cái cằm của nàng lồ lộ một màu trắng vừa vi diệu vừa đáng sợ. Tương phản mạnh mẽ với chúng là màu son đỏ chót của người đàn bà.

“Chào buổi tối,” nàng nói. Khi thiếu phụ bỏ mũ, tôi mới thoáng ngờ ngợ trong đầu. Nhìn kỹ khuôn mặt, tôi rốt cuộc công nhận đó là Naomi. Tôi biết nói thế nghe kỳ nhưng quả thực hiện mạo Naomi đã thay đổi đến vậy. Khuôn mặt Naomi lừa dối tôi nhiều hơn cả. Nhờ bùa phép nào đó khuôn mặt cô đã thay đổi chóng vánh, từ nước da đến biểu cảm ánh mắt và góc nghiêng cũng như cả đường nét nữa. Ngay cả sau khi Naomi bỏ mũ, tôi vẫn tưởng như đây là người đàn bà phương Tây nào đó nếu không nghe tiếng cô nói. Rồi cả làn da trắng bệnh dễ sợ. Từng vùng da lộ ra ngoài cái váy đều trắng toát như ruột táo. Da Naomi không đến nỗi sậm màu như phụ nữ Nhật nhưng không thể trắng đến mức này. Khi nhìn vào cánh tay trần lên đến tận vai của Naomi tôi không thể tin nổi đó lại là cánh tay của một người Nhật Bản. Tôi đã từng xem một vở Opera tại nhà hát Đế Quốc, bị mê hoặc bởi màu trắng trên cánh tay những cô đào Tây trẻ trung. Tay Naomi cũng giống hệt như thế – thậm chí, chúng còn có vẻ trắng hơn.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!