Chương 06

Thuở tôi còn ở nhà trường d’Adran thì cha mẹ thầy Liễu thường đến mà thăm viếng hai anh em tôi, nhiều khi đi thăm thì bà già thầy Liễu hay đem một người con gái chừng mười bảy tuổi đi lên theo. Người ấy không lịch sự thiệt, song coi phải thể người mà thôi: tiếng nói dịu dàng, mặt mũi cách điệu, tính nết ăn ở thì dễ làm cho người ta thương lắm. Người ấy là con bà dì thầy Liễu.

Ban đầu khi người đi đến thì tôi cũng tưởng là như bà con; mà cách ít tháng thì tôi lại đem lòng thương, cùng hằng tưởng đến người ấy luôn. Tôi đã thương người ấy như vậy là một năm chẵn, cho đến khi thi đậu mà ra khỏi trường.

Song dầu mà tôi thương người ấy mặc lòng, tôi cũng chẳng tỏ sự ấy ra cho thầy Liễu là anh em thiết nghĩa với tôi hay. Vậy ngày kia nhằm ngày chúa nhựt khi xem lễ về, ông già thầy Liễu rủ tôi ra vườn đi dạo chơi.

Khi đến một đống đá thì ổng nói cùng tôi rằng: “Ta ngồi đây nghỉ một chặp và nói chuyện hử mi Lazaro!”

Khi nghe ổng mời tôi ngồi, thì trong lòng tôi bắt hồ nghi có sự gì cả thể, cho nên mới kêu tôi ra ngoài vườn một mình, vậy tôi mới ngồi mà làm thinh.

Ông già thầy Liễu cũng làm thinh một chặp rồi nắm tay tôi mà nói rằng: “Thầy! Thầy biết xưa nay tôi thương thầy như con ruột tôi vậy, cho nên khi nào bãi trường có con tôi về mà không có thầy thì tôi cũng trông nhớ thầy lắm. Còn thầy thì tôi cũng biết thầy thương hai vợ chồng già tôi như cha mẹ thầy, cho nên hai vợ chồng tôi cũng mầng, và lại tôi thấy thằng Liễu nó yêu mến thầy thì tôi càng mầng hơn nữa, vì nó đặng bắt chước cách ăn ở thầy mà sửa mình lại và nó khỏi theo những đứa hoang đàng mà hư đi.”

Tôi nghe nói như vậy thì tôi làm thinh cúi đầu xuống mà nghe cho cùng, thì ông già thầy Liễu nói rằng: “Thầy nay đã lớn tuổi rồi, cho nên bữa nay tôi muốn nói mà hỏi thầy có ưng nơi nào thì nói ra, cho tôi liệu cho thầy. Xin thầy đừng ngại mà từ chối làm chi. Nếu thầy từ chối thì sẽ làm cho vợ chồng tôi buồn bực lắm, tôi không có giàu có muôn hộ chi, song tôi cũng có đủ mà lo cho thầy cách tử tế vì thầy là như con tôi. Còn khi thầy có đôi bạn rồi, mà muốn ra tư riêng thì tôi cũng sẽ lo cho thầy đặng đủ mọi sự, mà lập cơ nghiệp riêng. Vậy tôi xin thầy tỏ thật lòng thầy đã ưng nơi nào cho tôi biết?”

Tôi trả lời rằng: “Bỏ và vú thấy tôi mồ côi, mà đem tôi về nuôi như con ruột, mà tôi chưa đền ơn ấy được, nay bỏ vú lại muốn lo đôi bạn cho tôi nữa, thì tôi khi nào trả nghĩa cho vú bỏ cho xong ơn ấy kể sao cho xiết? Lại tôi xưa rày chưa tưởng đến sự vợ chồng, cho nên chưa chọn nơi nào cho xong.”

Ông già mới nói rằng: “Ơn ngãi chi đâu mà đền, mi Lazare! Thầy là con, ta là cha, thầy nói ngay ra thì ta sẽ lo cho. Vậy nếu mi Lazare không biết nơi nào, thôi để ta chỉ cho. Vậy thầy có biết ở trong làng ta có người con gái nào chừng mười tám tuổi, thường đến thăm ta đây không?”

Khi tôi nghe hỏi như vậy thì tôi dấu mặt lại cho nên ông trùm mới cười mà nói rằng: “Bộ đây! Mi Lazare cũng biết nàng ấy thì phải! Cho nên mới dấu mặt lại như vậy.”

Khi tôi thấy ông già thầy Liễu hiểu biết ý tôi đã có lòng thương người ấy, thì tôi quyết lòng nói thật ra rằng: “Thưa với bỏ, xưa nay tôi không tỏ lòng tôi ra cùng ai, mà nay bỏ đã dò lòng tôi mà biết rõ sự ấy, thì tôi xin thú thật. Tôi đã có lòng thương cô ấy hơn một năm rưỡi nay, mà bởi tôi tưởng tôi là đứa mồ côi không xứng đáng nơi ấy, nên tôi để trong lòng không dám tỏ ra cùng ai.”

Ông già nghe đặng mới cười lớn lên mà rằng: “Hả! Hả! Không hề gì đâu mi Lazare! Không hề gì! Các con trẻ tưởng ông già không biết chi!

Hả! Hả! Già biết rỏ hết. Để già hỏi đây, thì con cháu sẽ ừ liền không khỏi đâu.”

Mà thật tháng sau người con gái bà dì thầy Liễu và tôi đến bàn thờ mà chịu phép hôn phối.

Thầy ôi! Nói sự phước hai đứa tôi thì không cùng, tôi tưởng có ít người mà thương vợ như tôi. Dầu mà vợ chồng đã về cùng nhau rồi, song lòng tôi còn thương tưởng như trước. Lại bạn tôi gặp tôi thì cũng lấy làm có phước lắm, vì cũng có lòng thương tôi như tôi đã thương vậy, cho nên không khi nào, dẫu có phiền lòng thể nào, thì cũng không nói lời gì ra, làm cho tôi nhớ phận tôi là con mồ côi cô độc. Khi ấy sự phước tôi là vô cùng.

Tôi với bạn tôi về ở nhà thầy Liễu đặng sáu tháng, kế lấy có tờ quan sai tôi đi làm thông ngôn tại Bà Rịa.”

Tới đây thầy tu nghe đồng hồ đánh ba giờ khuya thì thầy ấy la hoảng lên rằng: ”Đó! Đó! Thầy! Nó nằm đó…! Gần chết…! Nó nắm tay tôi đây…!”

Rồi nói nhỏ rằng: “Ôi! Tôi là kẻ có tội; tôi là kẻ có tội!” Nói dứt lời, thì nhắm mắt lại mà nghỉ.

Nghỉ một hồi, thức dậy nói rằng: “Bây giờ mới đến sự cực tôi đây thầy! Tôi về Bà Rịa đặng hai tháng rồi, mà bởi tôi có làm quen với các quan trong đồn cho nên thường đi ăn cơm với các quan ấy. Vậy trong các quan thì có ông quan ba kia có một con vợ An nam.

Mà con ấy khi thấy tôi thì làm nhiều cách thể, muốn như xui giục tôi phạm tội cùng nó, cho nên tôi trốn lánh cho khỏi dịp làm thiệt hại cho vợ mình, vậy lần lần tôi bớt vô đồn ăn cơm với các quan nữa cho nên tôi đã khuất mặt người đờn bà ấy đi.

Qua năm 1872, thầy Liễu thôi làm việc đã bốn tháng nay, xuống tại Bà Rịa mà mua ngựa đam về Saigon. Thầy ấy tới nơi thì anh em rước nhau mầng rỡ bội phần, vì cách mặt đã hơn tám tháng trường, cho nên gặp đặng thì chuyện vãn cùng nhau luôn.”

Tới đây thầy tu nắm tay tôi mà nói rằng: “Thầy hãy ghé tai lại đây mà nghe cho rõ. Đây là đến hai tội tôi, tới đây là tới đầu sự khốn cực tôi. Tôi mệt lắm, xin cho tôi nghỉ một chút cùng nhớ các sự cho rõ hơn.“

Viết một bình luận

error: Content is protected !!