Chương 04

Vậy tôi mới nghĩ rằng: người này từ thuở nên ba mà đã biết sự cực khổ ra thể nào, đã biết chịu đói chịu khát, chịu mệt chịu nhọc, chịu trốn lánh vào nơi thú dữ, cọp hùm tây voi ở, đã từng trải sự hiểm nghèo, đã quên sự sung sướng, nên bây giờ lòng đã cứng hơn gan sắt chẳng còn chỗ nào mà sự cực nhọc thấu vào đặng, mà đã than rằng: “Sự cực tôi chịu đã quá trí tôi rồi “; thì sự cực ấy là độc dữ là thể nào?

Mà sự cực ấy bởi đâu mà ra? Thầy tu đã nói: “Tôi cũng có đôi bạn như thầy”; mà nay sao thầy ấy lại là thầy tu? Lại thầy ấy có đọc rằng: “Xin Chúa cho tôi gặp bạn tôi”; hay là thầy ấy phiền vì đã mất bạn mình là người mình rất yêu mến lắm, cho nên phải phiền vậy chăng? Như vậy không có lẽ?

Nếu phải phiền vì sự ấy mà thôi thì không nói rằng: “Dầu tội nó thể nào thì tôi cũng quên rồi.” Vậy tôi chắc một là thầy này điên, hai là thầy có làm sự gì quái gở quá trí hiểu không đặng.

Tôi còn đang suy như vậy thì tôi nghe thầy ấy ho hai tiếng nhẹ nhẹ rồi nói rằng: “ Thầy ôi! Thầy nghe tôi thì thầy biết tôi là thể nào? Sanh ra khỏi lòng mẹ thì đã chịu cực cho đến lớn. Tưởng khi có trí khôn thì được sung sướng một ít mà cũng không được; số phận tôi phải chịu khốn nạn cho đến trọn đời mà thôi.

Song sự cực tôi đã chịu cho đến mười hai tuổi thì tính lại không bằng sự tôi sẽ chịu khi Tây qua. Thuở ấy là năm 1860 tôi được mười ba tuổi thì tôi nghe nói xôn xao rằng: “Tỉnh Gia Định đã bị Tây lấy rồi hơn hai ba tháng nay; chừng ít ngày nữa thì Tây cũng sẽ qua đánh lấy Biên Hoà cùng Bà Rịa. Kẻ ngoại khi nghe đều ấy thì lo sợ, còn kẻ có đạo thì mầng rỡ, vì người ta đoán rằng: “Tây qua sẽ binh vực những người có đạo Datô mà giết những người chẳng giữ đạo ấy.”

Song người có đạo thì mầng là vì trông cậy một ít lâu sẽ đặng thong thả mà giữ đạo mình mà thôi.

Phải chi người có đạo biết sự dữ tợn quan Annam sẽ làm cho những kẻ ấy chịu, khi Tây sẽ đánh lấy Bà Rịa thì những kẻ ấy chẳng trông đợi như vậy đâu!

Hẳn thật như vậy, vì năm sau thì nghe Tây đã đánh lấy Biên Hoà rồi, còn kẻ có đạo thì đã bị quan Annam đốt hết, khi ấy ai nấy đều kinh khủng, người thì sợ Tây qua giết, người thì sợ quan Annam đốt trước khi Tây qua. Mà cũng không khỏi vì cách ít tháng (khi ấy tôi đã nên mười lăm tuổi) thì có lịnh truyền dạy bắt những con nhà có đạo cầm tù lại hết; cùng khắc bốn chữ nầy, “Biên Hoà Tả đạo” trên hai mép tai, hầu sau có trốn mà bắt cho dễ.

Tôi và ông già tôi cũng bị bắt cầm một nơi.

Thầy ôi! Tôi muốn nói sự cực những kẻ bị bắt vô ngục cho thầy nghe, song nói chẳng đặng. Ban đầu khi những người ở tù còn tiền đủ mà cho những người lính canh thì còn đặng thong thả mà đi việc của mình; mà đến khi hết tiền cho chúng nó ăn, thì phải chịu các sự cực khổ muôn phần. Mọi người đều bị đóng trăn hết, cho nên những kẻ đau đớn bịnh hoạn, hay là những kẻ có việc cần phải đi ra, mà bị lính không cho đi thì lại phải làm nhiều sự dơ dáy nơi mình nằm, thì ngục ấy hóa ra thúi tha gớm ghiếc lắm, nhiều người phải mang bịnh mà chết.

Chúng ta chịu như vậy cho tới bốn tháng trường, đến năm 1862 thì nghe đồn nói binh Lang sa đã kéo qua đánh lấy Bà Rịa. Nhiều kẻ khi nghe tin ấy thì mầng, nhiều kẻ thì sợ, nhưng mà mầng sợ cũng không bao lâu, vì binh Tây chưa đến nơi thì ngục đã bị đốt ra tro mạt hết rồi. Đến khi lấy đặng Bà Rịa thì ngục còn một đống xương mà thôi.”

Tới đây tôi chận truyện thầy ấy mà hỏi rằng: “Mà thầy không nói làm sao mà thầy ra khỏi tù.”

Thầy ấy gặc đầu cùng trả lời rằng: “ Ông già tôi trước khi đốt ngục thì đã xán bịnh rồi, nên khi đốt ổng nghe tiếng thiên hạ la, thì ổng ngồi dậy mà coi, song ổng vừa ngó thấy ngục cháy thì giựt mình té ngửa ra mà chết.”

Thầy ôi! Khi tôi thấy cha tôi chết như vậy, thì tôi không còn muốn sống nữa, tôi mới chạy lại ôm xác ông già tôi quyết lòng đợi lửa tới mà chết thui với ông già tôi, song lửa mới vừa tới cháy hai chơn tôi thì sự đau đớn làm cho tôi quên hết mọi sự cùng bắt tôi chạy a ra cửa mà ra khỏi tù.

Thầy ôi! Trong ngục hết thảy là ba trăm người mà khi ấy còn sót lại có mười người mà thôi.”

Đến đây thầy ấy vỗ trán cùng nói rằng: “Đây nầy! Tôi thấy rõ các sự ấy như thể mới có hôm qua vậy; nó còn rõ ràng trong trí tôi đây.”

Nói những lời ấy rồi thầy ấy thở ra một tiếng cùng giấu mặt trong tay mình.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!